Kirie hay Kirigami là một hình thức nghệ thuật thủ công giàu ý nghĩa trong văn hóa Nhật Bản đã phát triển thành một nét văn hóa đặc trưng của người Nhật, đặc biệt từ thời kỳ Edo (1603 – 1867). Ngày nay, nghệ thuật cắt giấy này vẫn được gìn giữ và phát triển, không chỉ trong các hoạt động văn hóa truyền thống mà còn trong nghệ thuật đương đại, nơi các nghệ sĩ hiện đại tạo ra những tác phẩm giàu tính sáng tạo và mang thông điệp xã hội. Kirie thường thể hiện những hình ảnh thiên nhiên như cây cối, động vật, hoặc phong cảnh, điều này phản ánh sự gắn bó sâu sắc giữa con người và thiên nhiên, một tư tưởng cốt lõi trong tín ngưỡng Shinto truyền thống.
Tác phẩm cắt giấy hình con bạch tuộc. Ảnh: Masayo Fukuda
Kirie (切り絵), từ ghép của hai chữ kanji 切 (kiri: cắt) và 絵 (e: tranh, ảnh), là nghệ thuật tạo hình bằng cách cắt giấy của Nhật Bản. Tuy xuất hiện ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Mexico, Nhật Bản, …nhưng loại hình thủ công này được cho là có nguồn gốc lâu đời nhất từ Trung Quốc, vào thế kỷ thứ 7. Trong khi nghệ thuật cắt giấy Trung Quốc thường sử dụng giấy đỏ tượng trưng cho may mắn và chủ yếu dùng làm đồ trang trí trong các dịp lễ như Tết Nguyên đán, thì Kirie của Nhật Bản phát triển thành một nét văn hóa đặc trưng với giá trị tinh thần và nghệ thuật cao hơn, tập trung vào sự tinh xảo và ý nghĩa biểu đạt sâu sắc.
Ở Trung Quốc, nghệ thuật cắt giấy chủ yếu được sử dụng làm đồ trang trí cho những dịp may mắn như “hoa cửa sổ” được dán trên cửa sổ hoặc kính trong dịp Tết Nguyên đán và “hoa lồng đèn” được dán trên đèn lồng. Ảnh: Tư liệu
Ngoài giá trị thẩm mỹ, Kirie còn thể hiện sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và trân trọng lao động thủ công – những giá trị quan trọng trong xã hội Nhật Bản. Ngày nay, Kirie không chỉ được gìn giữ trong các hoạt động văn hóa truyền thống mà còn được phát triển mạnh mẽ trong nghệ thuật đương đại, khi các nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm mang thông điệp xã hội và tính sáng tạo vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống.
Nghệ sĩ Kirie nổi tiếng Shu Kubo.
Ảnh: Ayumi Shibata
Kirie có liên hệ mật thiết với nghệ thuật Ise Katagami, một hình thức in khắc giấy thủ công truyền thống Nhật Bản. Đó là nghệ thuật làm khuôn giấy cắt dùng để in họa tiết lên vải, đặc biệt trong nhuộm kimono, với các mẫu hoa văn tinh xảo được khắc trên giấy Washi nhiều lớp. Giấy nến Washi vốn được tạo ra như một vật liệu quan trọng trong kỹ thuật nhuộm truyền thống để trang trí kimono. Tuy nhiên, với sự suy giảm việc mặc kimono và sự phát triển của công nghệ in ấn hiện đại, loại giấy này dần mất đi vai trò ban đầu của nó. Tuy nhiên, thay vì biến mất hoàn toàn, Ise Katagami được tái sinh qua các dự án sáng tạo, khi nó trở thành kĩ thuật chế tác của các sản phẩm trang trí như chụp đèn hay tranh, khai thác vẻ đẹp tinh xảo của những đường cắt.
Mối liên hệ giữa hai nghệ thuật này nằm ở kỹ thuật cắt giấy tinh xảo và sự tỉ mỉ trong từng đường nét, cũng như giá trị văn hóa truyền thống mà chúng mang lại. Thậm chí, nghệ thuật Ise Katagami từng sử dụng một công cụ cắt giấy gần giống Kirie trong các dự án nghệ thuật đương đại. Ảnh: Shima Kanko Hotel
Ảnh: Kizuki.Japan
Ngoài ra, trong văn hóa Nhật Bản, Kirie và Kamikiri đều là nghệ thuật cắt giấy nhưng có sự khác biệt rõ rệt về mục đích và cách thực hiện. Kamikiri là nghệ thuật biểu diễn, nơi nghệ sĩ cắt giấy trực tiếp và không phác thảo trước, thường dùng trong các buổi diễn hài hoặc kịch truyền thống với hình cắt mang tính hài hước, ngẫu hứng như cắt chân dung khán giả ngay tại chỗ. Ngược lại, Kirie là nghệ thuật thủ công đòi hỏi sự kiên nhẫn và chính xác cao, với thiết kế được vẽ trước và cắt tỉ mỉ bằng dao chuyên dụng, tạo ra các tác phẩm tinh xảo mang tính trang trí hoặc nghệ thuật cao.
Ảnh: THVL
Công cụ sử dụng trong Kirie đa dạng, từ kéo gia đình thông thường đến các loại kéo lưỡi mỏng sắc bén, được thiết kế riêng để tạo ra các chi tiết tinh xảo. Các tác phẩm phức tạp như ren giấy đòi hỏi kéo chuyên dụng, vì kéo thông thường không thể cắt được các chi tiết nhỏ và mỏng manh. Ngoài ra, dao thiết kế cũng được nhiều thợ thủ công ưa chuộng vì tính dễ bảo trì và khả năng áp dụng các kỹ thuật khắc, vẽ tinh vi.
Dao thiết kế đặc biệt cho nghệ thuật kirie. Ảnh: SouMa
Mặc dù phần lớn các tác phẩm Kirie được làm từ một tờ giấy duy nhất, nhiều nghệ sĩ đã phát triển kỹ thuật sử dụng nhiều tờ giấy để tạo hình ba chiều, kết hợp uốn cong, dán ghép tạo cảm giác như tác phẩm điêu khắc. Một số tác phẩm còn phối hợp giấy màu, giấy thủ công và vật liệu như màng acrylic để tạo hiệu ứng kính màu, vừa giữ nguyên đường viền đen đặc trưng của Kirie vừa làm nổi bật lớp màu sắc sinh động.
Ảnh: Ayumi Shibata
Ảnh: Ayumi Shibata
Thực hiện: Vy Dương
Xem thêm:
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana – Thổi hồn cho hoa lá