Nếu Kyoto là thành phố của hoài niệm thì Osaka – thành phố lớn thứ ba Nhật Bản lại là nơi ký ức chuyển động, truyền thống và hiện đại, pha trộn hài hòa đến mức không thể dễ dàng phân định ranh giới. Từ lâu đài Osaka – biểu tượng của kiến trúc phong kiến đến những dự án đương đại ấn tượng như tòa nhà Umeda Sky hay Namba Parks, mỗi công trình đều phản ánh một Osaka vừa giàu tính lịch sử, vừa không ngừng hướng về tương lai, tạo nên bức tranh kiến trúc sống động và đầy bản sắc.
Lâu đài Osaka. Ảnh: 663highland
Đặc điểm kiến trúc truyền thống tại Osaka
Kiến trúc cổ Osaka tuân thủ nhiều nguyên lý chung của kiến trúc Nhật Bản truyền thống, chú trọng sử dụng vật liệu thiên nhiên như: gỗ tươi, trúc, đất nung (ngói lợp và tường đất) cùng giấy washi mỏng manh mà bền bỉ cho các vách ngăn. Khung nhà truyền thống thường là hệ cột – dầm bằng gỗ dày, vững chãi chống đỡ mái lớn cong vút. Mái nhà mở rộng ra biên, lợp ngói sứ hoặc tranh, có đuôi cong nhẹ để chắn mưa (thường thấy tại đền thờ hay chùa lớn), tạo nên mặt cắt đặc trưng cho kiến trúc truyền thống ở Osaka.
Mái ngói Nhật. Ảnh: akira1201
Những căn nhà cổ trên đường phố Osaka có tên gọi là machiya – tương tự kyōmachiya ở Kyoto – thường là nhà ống, có mặt tiền hẹp, sâu vào bên trong, tường đất trát vữa và lợp mái ngói. Tầng trệt, đối diện với mặt đường được dùng để bố trí cửa hàng misenoma (店の間) với cửa trượt gỗ; tầng trên là phòng ở trải chiếu tatami, xen kẽ các sân tsuboniwa nhỏ để trồng cây, tạo nên một không gian dù hạn chế về mặt diện tích nhưng vẫn linh động và thân thiện với thiên nhiên.
Nhà phố machiya. Ảnh: Sưu tầm
Cấu trúc nhà ống đặc trưng, bề ngang hẹp, không gian phát triển sâu vào bên trong. Ảnh: Sưu tầm
Tầng trệt misenoma. Ảnh: Sưu tầm
Sân tsuboniwa nhỏ thường nằm ở cuối nhà. Ảnh: Sưu tầm
Bảng màu kiến trúc truyền thống Osaka trầm tĩnh và trung hòa. Nội thất chủ yếu là gam màu gỗ tự nhiên ấm áp, vải shōji trắng ngà tinh khiết và vật liệu sơn mài với tông nâu, xám thanh tao. Tổng thể không gian mang đậm tinh thần wabi-sabi: đẹp trong sự giản dị tối đa nhưng không kém phần tinh xảo khi toàn bộ trần gỗ, cột tròn được mài nhẵn – một kỹ thuật chế tác gỗ còn khó hơn điêu khắc hoa văn cầu kỳ.
Ảnh: Sưu tầm
Không chỉ chú trọng lồng ghép thiên nhiên vào không gian sống, kiến trúc truyền thống tại Osaka luôn đặt công trình vào một tổng thể hài hòa với cảnh quan xung quanh. Hiên nhà thường mở rộng ra sân vườn – theo nguyên tắc mượn cảnh (借景), duy trì kết nối thị giác liền mạch giữa nội thất và ngoại thất. Thậm chí, tại nhiều đền chùa như Sumiyoshi Taisha, Shitennoji… vẫn còn duy trì bố cục sân – vườn – nước để nhấn mạnh sự hòa hợp giữa kiến trúc với thiên nhiên, đánh dấu sự chuyển đổi trạng thái từ động sang tĩnh, từ xáo trộn đến thiền định.
Hiện đại nhưng hài hòa giữa bối cảnh truyền thống
Nhìn vào bức tranh đô thị đương đại của Osaka, ta dễ dàng nhận thấy sự giao thoa tinh tế giữa cái cũ và cái mới: những đền chùa cổ kính, dãy nhà gỗ truyền thống xen lẫn cùng các công trình hiện đại vươn cao mà không hề tạo ra cảm giác lạc lõng hay phân tách. Thậm chí, nhiều công trình kiến trúc đương đại còn được đặt tại vị trí trung tâm, cho thấy tư duy quy hoạch của Osaka từ sớm đã cởi mở với việc đưa yếu tố hiện đại vào không gian mang màu sắc lịch sử, không cho đó là việc làm tổn hại đến bản sắc vốn có.
Nhìn chung, các công trình mới thường được xây dựng bằng vật liệu công nghiệp như: thép, kính, bê tông…, song kết hợp thông minh với các yếu tố truyền thống như vườn cây hay đường cong duyên dáng. Một vài chi tiết kiến trúc có thể được tân cổ như mái ngói Nhật bỏ đầu hồi hoặc tập trung phô diễn sự phát triển của công nghệ. Dù mang hình khối mới lạ, những công trình hiện đại hầu hết đều nương theo quy hoạch chung, không phá vỡ quy mô phố cổ mà còn kết nối không gian.
Bảo tàng Suntory do kiến trúc sư Tadao Ando thiết kế. Ảnh: Sưu tầm
Umeda Sky Building
Một trong những công trình tiêu biểu vừa kế thừa di sản, vừa vươn mình về phía tương lai tại Osaka phải kể đến Umeda Sky Building. Hoàn thành vào năm 1989 bởi kiến trúc sư tài ba Hiroshi Hara, tòa nhà nổi bật bởi hai khối tháp 40 tầng liên kết với nhau ở đỉnh đài quan sát Floating Garden Observatory bằng kính, gợi liên tưởng đến engawa – hiên gỗ truyền thống nơi người Nhật xưa ngồi thư giãn và ngắm cảnh. Dù sử dụng vật liệu là bê tông và kính hiện đại, Umeda Sky Building vẫn toát lên triết lý Wabi‑sabi nhờ vào tỷ lệ cân đối và hình khối giản dị, sự vuông vức chuẩn chỉnh của các khối nhà tương tự như hệ thống cột – dầm gỗ trong kiến trúc nhà ở truyền thống của người Osaka.
Ảnh: Kakidai
Namba Parks
Trung tâm thương mại kết hợp công viên trên mái Namba Parks của The Jerde Partnership cũng là một công trình hiện đại nổi bật tại Osaka. Thay vì xây phẳng, tầng mái của Namba Parks được lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang Kansai và những khu vườn tsuboniwa trong kiến trúc nhà cổ machiya, uốn lượn theo địa hình dốc, phủ đầy cây xanh và thác nước. Vật liệu được sử dụng cũng là đá tự nhiên, gỗ tái chế đi cùng với hệ thực vật phong phú bản địa như sơn liễu, phong tạo nên một không gian mua sắm mềm mại và thân thiện giữa lòng đô thị.
Ảnh: Sean Pavone
Abeno Harukas
Tòa tháp 62 tầng cao nhất Nhật Bản – Abeno Harukas, mở ra cuộc đối thoại đầy thú vị về chiều cao giữa một công trình cao tầng với di tích cổ xưa khi nằm đối diện chùa Shitennoji có từ năm 593. Mặt đứng rèm kính của tòa tháp hoạt động như phiên bản hiện đại của cửa shōji, khuếch tán ánh sáng một cách nhẹ nhàng, đồng thời giúp giảm độ chói gắt. Sảnh tháp rộng, được ốp gỗ và trồng cây xanh xen kẽ, góp phần mang đến cảm giác thư thái, dễ chịu, dẫn dắt cảm xúc lắng đọng sau khi bước ra khỏi khối văn phòng ngột ngạt, nhiều áp lực.
Ảnh: Sưu tầm
Osaka: Điểm đến kiến trúc năm 2025
Năm 2025 đánh dấu vị thế mới của thành phố Osaka trên bản đồ kiến trúc toàn cầu thông qua việc đăng cai tổ chức World Expo lần thứ hai. Diễn ra trên đảo nhân tạo Yumeshima với chủ đề Designing Future Society for Our Lives (tạm dịch: Thiết kế xã hội tương lai cho cuộc sống của chúng ta), Expo 2025 là sân khấu hoàn hảo cho những ý tưởng kết hợp di sản văn hóa và đổi mới công nghệ trong kiến trúc bền vững.
Trung tâm của không gian triển lãm là một vòng gỗ khổng lồ – The Cycle Of Life, do kiến trúc sư Nikken Sekkei thiết kế – được xem là công trình kết cấu gỗ lớn nhất thế giới (tính đến hiện tại) với diện tích xây dựng đạt 11.000m² và cao 20m. Cấu trúc này lấy cảm hứng từ kiến trúc đền chùa cổ Nhật Bản, khéo léo sử dụng gỗ sugi và hinoki với kỹ thuật khớp nối truyền thống, đồng thời gia cố thêm thép hiện đại để đảm bảo độ bền.
Pavilion của Nhật Bản tại Expo 2025.
Các gian hàng quốc gia tại Expo 2025 cũng tập trung phản ánh xu hướng giao thoa truyền thống – hiện đại. Chẳng hạn: khu vực trưng bày của các quốc gia Bắc Âu được xây dựng từ gỗ rừng đã qua quy trình bảo quản gỗ cổ xưa hay khu Ả Rập Saudi kết hợp kiến trúc lập trình tiên tiến với kỹ thuật làm mát truyền thống. Tất cả tạo nên một sân chơi toàn cầu cho những ý tưởng kiến trúc bền vững, tôn vinh bản sắc địa phương trong không gian công nghệ cao.
Khu vực trưng bày của các quốc gia Bắc Âu – Nordic Circle. Ảnh: Expo 2025
Khu vực trưng bày của Ả Rập Saudi. Ảnh: Expo 2025
Đặc điểm kiến trúc nổi bật và việc được lựa chọn đăng cai tổ chức Expo 2025, cho thấy thông điệp mạnh mẽ trong quy hoạch đô thị của Osaka rất được giới chuyên môn đón nhận – quá khứ và hiện tại giao thoa trong mỗi góc nhìn, không chỉ gìn giữ truyền thống mà còn không ngại tiên phong ứng dụng những ý tưởng mới.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
Lệ Giang: Dấu ấn trên Con đường Trà – Ngựa