Nằm giữa lòng núi rừng Tây Bắc, vùng đất Mộc Châu (thuộc tỉnh Sơn La) nổi tiếng với thiên nhiên hùng vĩ, là quê hương của những cây chè quý hiếm hàng trăm năm tuổi và những đồi trà trải dài như bất tận. Đặc biệt, khí hậu mát mẻ quanh năm và thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng đã tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các giống trà hảo hạng như Shan tuyết và Ô Long.
Đồ trà Mộc Châu nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Dưỡng
Điều kiện sinh trưởng và chăm sóc đặc biệt
Cây trà Mộc Châu phát triển trong môi trường sinh thái đặc thù của vùng cao nguyên Tây Bắc, nơi có độ cao khoảng 1.250m so với mực nước biển. Khí hậu mát mẻ quanh năm, với nhiệt độ trung bình dao động từ 18-22°C, là yếu tố then chốt giúp cây phát triển mạnh mẽ và bền vững. Đặc biệt, vào mùa đông, nhiệt độ có thể xuống thấp từ 5-10°C và sương phủ suốt ba tháng, nhưng lại giúp cây tích lũy nội chất, trở nên đậm vị hơn. Có thể nói, làn sương muối chính là hồn cốt đặc trưng của trà Mộc Châu.
Đồi trà Shan tuyết cổ thụ. Ảnh: Sưu tầm
Đất trồng trà Mộc Châu thuộc nhóm đất đỏ vàng, gồm nhiều loại như: đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất, đất đỏ nâu phát triển trên đá vôi, đất nâu đỏ trên đá macma với tính chất trung tính và bazơ… Tầng dày đất được đo đạc là trên 70 cm, độ dốc nhỏ hơn 25o, đầy đủ đạm, lân, kali và canxi. Chính thổ nhưỡng này đã giúp búp Shan tuyết Mộc Châu tích lũy hương thơm mạnh, hàm lượng tanin, chất hòa tan trong búp trà cao. Cánh trà màu đen hơi nâu, có nhiều tuyết trắng hơi ngả vàng, mang hương thơm đặc trưng và vị đậm dịu hài hòa.
Điều kiện khí hậu ôn hòa và đất đai phì nhiêu của Mộc Châu cũng rất phù hợp để trồng trà Ô Long. Tuy chỉ mới được đưa về trồng trong khoảng 20 năm nay nhưng trà Ô Long Mộc Châu luôn được đón nhận và ưa chuộng, nhất là tại thị trường Đài Loan.
Những đồitrà xanh tươi mát mang lại bầu không khí trong lành, cải thiện đáng kể sinh kế cho người dân bản địa. Ảnh: Hoàng Dưỡng
Những khác biệt trong hương vị trà Shan tuyết Mộc Châu
Khi đặt lên bàn cân so sánh trà Mộc Châu và chè Hà Giang, tuy đều là giống Shan tuyết cổ thụ nổi tiếng, song người thưởng thức có thể nhận thấy nhiều điểm khác biệt rõ rệt ở hương vị. Do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau, chè Mộc Châu mang hương vị thanh mát và dịu nhẹ, trong khi trà Hà Giang có vị đậm đà, mạnh mẽ hơn với hậu vị ngọt sâu và vị chát rõ trên đầu lưỡi.
Điều này có thể được lý giải bởi đất đai và thời tiết khắc nghiệt ở Hà Giang đã tạo nên những búp trà cứng cáp và giàu dưỡng chất. Trong khi đó, trà Mộc Châu phát triển trong điều kiện ôn hòa, độ ẩm cao và có mùa đông lạnh giúp tích lũy chất dinh dưỡng từ từ, làm cho vị trà dịu nhẹ hơn.
Cây trà Shan Tuyết cổ thụ. Ảnh: Sưu tầm
Các lễ hội về trà tại Mộc Châu
Không chỉ nổi tiếng với hương vị trà tuyệt hảo, vùng đất Mộc Châu còn gắn liền với các lễ hội văn hóa đặc sắc. Một trong những lễ hội nổi bật chính là Hội Trà Cao Nguyên Mộc Châu, thường diễn ra vào cuối tháng 4 hàng năm, nhằm tôn vinh những người nông dân trồng trà và những thành tựu trong sản xuất, phát triển vùng trà Mộc Châu. Trong khuôn khổ lễ hội, có nhiều hoạt động hấp dẫn như: thi hái trà, thi pha trà nghệ thuật và trình diễn trang phục truyền thống. Du khách tham gia sẽ có cơ hội trải nghiệm trực tiếp quy trình sản xuất trà, từ thu hoạch, chế biến cho đến thưởng thức hương vị trà tươi mới, thơm ngon. Ngoài ra, các cuộc thi tìm hiểu về chè và các màn trình diễn nghệ thuật dân gian cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Ảnh: Hoàng Dưỡng
Bên cạnh Hội Trà Cao Nguyên, Mộc Châu còn nổi tiếng với Lễ hội Cầu Mưa của người Thái, thường diễn ra vào tháng 4 âm lịch. Lễ hội này không chỉ có ý nghĩa tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mà còn là dịp để người dân địa phương tri ân đất đai và cây trà đã mang lại sự sống và sinh kế cho họ. Lễ hội bắt đầu với bầu không khí trang nghiêm và long trọng của các nghi lễ truyền thống như: múa cầu mưa và dâng lễ vật cho thần linh. Sau phần nghi lễ, các hoạt động văn hóa, thể thao sôi động được triển khai như thi bắn cung, đánh chiêng, múa xòe – những nét văn hóa đặc trưng của người Thái. Đặc biệt, những đồi trà xanh mướt tại Mộc Châu thường trở thành bối cảnh chính cho các màn biểu diễn văn hóa, tạo nên một không gian thiên nhiên hòa quyện với truyền thống vô cùng đặc sắc.
Ảnh: Sưu tầm
Các lễ hội này không chỉ giúp quảng bá sản phẩm trà Mộc Châu mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Những trải nghiệm văn hóa này mang đến cơ hội cho người dân địa phương và du khách cùng tìm hiểu về lịch sử và quy trình sản xuất trà, đồng thời thưởng thức trọn vẹn hương vị độc đáo của vùng cao nguyên trứ danh.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
Tết đến ngắm nhìn đồ án trái cây
Những bức tranh sơn dầu nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam
Tranh tường: Lịch sử, kỹ thuật và sự hồi sinh của một di sản nghệ thuật