Tranh tường: Lịch sử, kỹ thuật và sự hồi sinh của một di sản nghệ thuật

Nổi tiếng về độ bền màu và khả năng tái hiện các chi tiết phức tạp, những bức tranh tường đã tô điểm cho nội thất trong nhiều thế kỷ bằng vẻ đẹp trường tồn rực rỡ.

Hội  hoạ thời kỳ Phục Hưng là bước ngoặt đỉnh cao của nền mỹ thuật thế giới, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xúc tiến nhiều lĩnh vực như: tìm ra chất liệu sơn dầu, giải phẫu tạo hình, luật phối cảnh, hình hoạ, nhiếp ảnh… Trong đó, nổi bật nhất là phát triển kỹ thuật vẽ tranh bích họa – một loại hình nghệ thuật cổ xưa được đặc trưng bởi phương pháp bôi bột màu lên thạch cao ướt, tạo ra độ bền màu đáng kinh ngạc và sự gắn kết toàn diện giữa các mảng tranh. Qua nhiều thế kỷ, tranh tường vẫn là minh chứng cho vẻ đẹp và sức mạnh trường tồn của một di sản nghệ thuật, kết hợp nhuần nhuyễn giữa thẩm mỹ với kiến ​​trúc truyền cảm hứng.

Minoan Dolphin Fresco Crete

Tranh bích họa cá heo thuộc văn hóa Minoan. Ảnh: Knossos

Định nghĩa và phân loại

Từ “fresco” có nguồn gốc từ một từ tiếng Ý “affresco”, mang nghĩa “tươi/sống” hàm chỉ cho vữa ướt. Trong tiếng Việt, loại tranh này được gọi là bích họa hay tranh tường để đơn giản hóa. Chúng là những bức tranh vẽ trên tường khổ lớn, được tạo ra bằng cách bôi bột màu lên lớp thạch cao ướt . Kỹ thuật này giúp đảm bảo rằng tác phẩm nghệ thuật sẽ hòa quyện và trở thành một phần không thể thiếu của bề mặt tường khi nó khô cứng lại, giữ màu sắc rực rỡ lâu dài. Trong lịch sử phát triển kiến trúc, những bức bích họa thường được dùng để tô điểm cho các tòa nhà công cộng, địa điểm tôn giáo và nhà ở tư nhân, đôi khi phục vụ cho cả mục đích tường thuật diễn biến thời đại.

Tranh tường có thể được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau nhưng phổ biến nhất là theo kỹ thuật vẽ. Thuần túy và đúng chuẩn nhất là Buon Fresco (True Fresco), đắp bột màu trên thạch cao ướt với tác phẩm tiêu biểu là trần Nhà nguyện Sistine của Michelangelo. Ra đời muộn và cũng kém tinh tế hơn là Fresco Secco (Dry Fresco). Đúng như tên gọi, kỹ thuật này sử dụng bột màu trộn với chất kết dính rồi mới trát lên lớp thạch cao khô nên đòi hỏi ít sự tỉ mỉ. “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci là công trình nổi bật nhất có thể đại diện cho Fresco Secco. 

Il Cenacolo L'Ultima Cena Fresco Leonardo da Vinci

Bức tranh tường “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci. Ảnh: Tư liệu

Lịch sử và nguồn gốc 

Tranh bích họa có nguồn gốc từ một số nền văn minh sơ khai. 

Nền văn minh Aegean

Theo nhiều nghiên cứu, các bức tranh tường ướt cổ xưa nhất được thực hiện trong suốt thời đại đồ đồng (giai đoạn từ nửa đầu năm thiên niên kỷ thứ hai TCN) tại các nền văn minh Aegean, chính xác hơn là trong văn hóa Minoan ở đảo Crete và các đảo lân cận. Tác phẩm nổi tiếng nhất là “The Toreador” (Người đấu bò), mô tả nghi lễ nhảy qua lưng những con bò đực lớn thiêng liêng để mong cầu sự bình an và thịnh vượng cho tộc người, có niên đại vào thời kỳ Neo-Palatial (khoảng 1640-1600 TCN).

tranh tuong fresco

Tác phẩm Bull-Leaping hay còn gọi là The Toreador (Người đấu bò). Ảnh: Hellenic Republic

Ai Cập và Hy Lạp 

Một số bức bích họa ướt tương tự đã được tìm thấy ở các địa điểm khác xung quanh lưu vực Địa Trung Hải sau đó, đặc biệt là ở Ai Cập, Morocco và Hy Lạp. Một số sử gia chuyên ngành mỹ thuật tham gia vào quá trình nghiên cứu và tin rằng các nghệ nhân chế tác tranh tường từ Crete có thể đã được cử đến các vùng khác nhau như một phần của những cuộc trao đổi thương mại, góp phần gia tăng tầm quan trọng của hình thức nghệ thuật này trong xã hội đương thời. Hình thức phổ biến nhất của bích họa ướt ở Ai Cập cổ đại là những bức tranh tường trong ngôi mộ, đền thờ, trong khi người Hy Lạp lại cải tiến một vài bước trong kỹ thuật vẽ để sử dụng fresco như họa tiết trang trí trong các công trình công cộng và nhà riêng.

Macedonian tomb fresco tranh tuong lang mo Hy Lap Greek frescoes

Bức bích họa của người Hy Lạp được tìm thấy trong lăng mộ Macedonia, có niên đại từ thế kỷ thứ 4 TCN. Ảnh: Tư liệu

bich hoa coi The Papyrus Fresco Egypt Ai Cap

Bức bích họa cói của người Ai Cập. Ảnh: Museum of Prehistoric Thera, Santorini

La Mã

Người La Mã cũng là một trong những nhân tốquan trọng thúc đẩy sự phát triển của kỹ thuật vẽ bích họa. Họ đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật trang trí ở Pompeii và Herculaneum với những bức tranh tường tái hiện chủ đề thần thoại, phong cảnh và yếu tố kiến ​​trúc phức tạp. May mắn rằng, vụ phun trào núi lửa Vesuvius vào năm 79 đã góp phần bảo tồn nhiều bức bích họa tại La Mã, mang đến những hiểu biết sâu sắc, có giá trị về nghệ thuật và văn hóa của một nền văn minh vĩ đại.  

Villa of the Farnesina Rome Roman Fresco

Bức tranh tường trong một căn phòng ngủ tại Biệt thự Farnesina, Rome. Ảnh: Palazzo Massimo

Ấn Độ

Việc tìm thấy số lượng lớn bức bích họa cổ đại và tiền thời Trung cổ tại hơn 20 hang đá ở Ấn Độ chính thức đánh dấu sự du nhập của Fresco vào châu Á. Các bức tranh trên trần và tường của hang động Ajanta là lâu đời nhất, suy đoán niên đại tô vẽ rơi vào khoảng giữa những năm 200-600 TCN. Chúng miêu tả về cuộc đời của Đức Phật trong những tiền kiếp trước khi thành Phật – “Jataka” (Kinh Bổn Sanh). Các chuyên gia còn tìm ra nguyên liệu vẽ tranh tường ướt sơ khai “tempera” đáng kinh ngạc thông qua việc nghiên cứu những bức bích họa này, chỉ gồm 3 thứ vô cùng cơ bản: lòng đỏ trứng gà, bột màu và nước.

Sibi Jataka fresco India Frescoes tranh tuong An Do

Tác phẩm Jataka được tìm thấy trong hang động Ajanta, Maharashtra, Ấn Độ. Ảnh: University of Washington Libraries

Thời kỳ Phục hưng 

Thời kỳ Phục hưng là cột mốc hoàng kim, phát triển rực rỡ của tranh bích họa, đặc biệt là ở Ý. Các nghệ sĩ nổi tiếng như Giotto, Masaccio và Michelangelo đã nâng loại hình nghệ thuật này lên một tầm cao mới. Tác phẩm của Giotto trong Nhà nguyện Scrovegni (1305) được coi là nền tảng của nghệ thuật phương Tây, thể hiện phong cách kể chuyện ấn tượng, có ảnh hưởng đến vô số nghệ sĩ. Những bức bích họa của Masaccio trong Nhà nguyện Brancacci (những năm 1420) giới thiệu chủ nghĩa hiện thực và phối cảnh, cách mạng hóa kỹ thuật hội họa tại thời điểm đó.

The Brancacci Chapel Frescoes tranh tuong Phuc Hung Y

Trần nhà nguyện Brancacci, Florence, Ý. Ảnh: Anna Pakutina

Fresco của Michelangelo trên trần Nhà nguyện Sistine (1508-1512) có lẽ là ví dụ mang tính biểu tượng nhất của tranh bích họa. Dự án hoành tráng này không chỉ thể hiện kỹ năng chế tác bậc thầy của ông mà còn minh họa cho tiềm năng của tranh tường trong việc truyền tải chủ đề thần học phức tạp và cảm xúc con người trên quy mô lớn.

The Sistine Chapel Vatican City Frescoes

Trần nhà nguyện Sistine, Vatican. Ảnh: Tư liệu

Mexico

Từ sau thế kỷ 16, tranh bích họa dần bị suy thoái, nhường chỗ cho tranh sơn dầu. Mãi cho đến nửa đầu thế kỷ 20, nhờ sự cố gắng đổi mới quan niệm mỹ thuật của Diego Rivera, José Clemente Orozco, Fernando Leal và David Siqueiros tại Mexico, kỹ thuật tranh vẽ tranh tường ướt đã được hồi sinh một cách ngắn ngủi nhưng năng động và tràn đầy cảm hứng.

pre-Columbian Aztec city of Tenochtitlán mural Diego Rivera Mexico

Bức tranh tường của Diego Rivera mô tả về thành phố Tenochtitlán của người Aztec thời tiền Colombia,Palacio Nacional, Mexico. Ảnh: Diego Rivera

Việt Nam 

Tranh bích họa du nhập vào Việt Nam như một hệ quả văn hóa của thời kỳ Pháp thuộc (cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20). Không thể phủ nhận ảnh hưởng của Pháp đối với kiến ​​trúc và nghệ thuật Việt Nam trong việc dung hòa kỹ thuật hội họa phương Tây vào truyền thống bản địa. Sự pha trộn này đã tạo nên những bức bích họa độc đáo, phản ánh cả văn hóa quốc gia và vẻ đẹp của phương pháp thực hành nghệ thuật ngoại lai.

ubnd tp.hcm vietnam frescoes tranh tuong tran nha uy ban nhan dan

Những bức bích họa trên trần Uỷ ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được giữ gìn nguyên vẹn đến ngày nay. Ảnh: báo Lao Động

Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, tranh bích họa đóng vai trò như phương tiện kể chuyện, truyền bá tín ngưỡng, tôn giáo và bảo tồn văn hóa. Việc sử dụng nó trong các nhà thờ, cung điện và các tòa nhà công cộng đã tạo ra môi trường trực quan, sinh động mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, bất kể trình độ đọc – viết.

Chi tiết kỹ thuật

Buon Fresco (True Fresco)

Bước đầu tiên trong kỹ thuật vẽ tranh tường ướt là quét một lớp lót thô bên trên toàn bộ khu vực thạch cao/vữa tươi mỏng cần sơn, gọi là “arriccio” và để khô trong một vài ngày. Sau đó, các nghệ nhân sẽ tiến hành vẽ phác thảo tác phẩm, bố cục trên lớp lót này bằng một loại bột màu đỏ tên “sinopia”. Bản vẽ từ giấy được triển khai lên tường thành những điểm liền lạc nhau, mô phỏng theo các đường nét chính. Vào ngày bắt đầu lên màu, một lớp thạch cao mỏng, mịn sẽ được trát đè lên bản phác thảo, men theo mảng tranh dự kiến hoàn thành trong ngày hôm đó. Những mảng tranh này được gọi là “giornata” (tác phẩm của ngày), thể hiện rõ sự khác biệt với nhau bởi một loại đường nối tách biệt.

intonaco sinopia ky thuat tranh tuong Buon Fresco True Fresco

Ảnh: Krupali Uplekar

Chất nhuộm/bột màu hòa với nước ở nhiệt độ phòng sẽ được áp lên trên lớp tranh thạch cao phác thảo mỏng, gọi là “intonaco”. Nhờ thành phần hóa học tuyệt vời của thạch cao, màu sắc sẽ thấm dần vào lớp nền, trở thành trung gian lưu giữ màu nhuộm tốt sau khi khô cứng. Tiếp đến, bề mặt mảng tranh sẽ được chà nhám để tăng cường độ bám dính. Một phần không thể thiếu trong bước cuối cùng này là cacbon hóa vôi, chỉnh sửa màu sắc của thạch cao/ vữa nhằm đảm bảo độ bền của các bức bích họa ướt trong nhiều thế kỷ sau.

intonaco sinopia ky thuat Buon Fresco True Fresco

Ảnh: Krupali Uplekar

Thử thách lớn nhất của việc vẽ tranh tường là người nghệ sĩ  vừa phải sáng tạo liên tục, vừa phải chạy đua với thời hạn khô của lớp thạch cao/vữa. Nhìn chung, một lớp thạch cao/vữa sẽ cần từ 10 – 12 tiếng để khô. Thời điểm bắt đầu lý tưởng nhất là sau một giờ và tiếp tục cho đến hai giờ trước khi lớp lót này khô, nghĩa là quá trình làm việc sẽ kéo dài liên tục trong 7 – 9 tiếng/ngày và một bức bích họa cỡ thông thường cần đến 20 hoặc thậm chí nhiều hơn các mảng tranh riêng biệt. Khi một mảng tranh dự kiến đã khô, không có một loại bột màu hay chất nhuộm nào có thể dính được trên bề mặt và lớp thạch cao/vữa chưa kịp tô vẽ sẽ phải được loại bỏ trước khi bắt đầu lại vào ngày hôm sau. Đặc biệt, khi sai sót xảy ra, toàn bộ mảng tranh sẽ bị bóc ra hoặc sửa chữa sau bằng kỹ thuật Fresco Secco. 

intonaco sinopia ky thuat tranh tuong Buon Fresco True Fresco

Ảnh: Krupali Uplekar

Một kỹ thuật độc đáo được tìm thấy trong các bức bích họa nổi tiếng của Michelangelo và Raphael là cạo lõm ở một số khu vực thạch cao/vữa vẫn còn ẩm ướt để gia tăng ảo giác về chiều sâu. Họa sĩ lỗi lạc người Ý Michelangelo đã sử dụng kỹ thuật này như một dấu ấn nghệ thuật đặc trưng cho những nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của mình.

intonaco sinopia ky thuat Buon Fresco True Fresco

Ảnh: Krupali Uplekar

 Fresco Secco (Dry Fresco)

Kỹ thuật Fresco-secco được thực hiện trên lớp thạch cao/vữa đã khô, đòi hỏi phải có một dung môi kết dính, chẳng hạn như lòng trắng trứng, keo hoặc dầu để gắn kết bột màu hoặc chất nhuộm lên tường. Cách vẽ này tương đối đơn giản và được sử dụng nhiều trong giai đoạn phát triển sau của tranh bích họa, tuy nhiên nó để lại lớp hoàn thiện bề mặt thô nhám và xù xì. Dẫn đến, công đoạn chà nhám trở nên khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn.

Hơn nữa, những bức tranh tường ướt có độ bền cao hơn bất kỳ tác phẩm bích họa khô nào bởi vì màu sắc đã được hòa làm một với lớp nền kiến trúc. Vì thế nên nhiều người không đánh giá cao kỹ thuật Fresco-secco và cho rằng chỉ nên sử dụng nó khi cần sửa chữa, bảo tồn tác phẩm gốc. 

Fresco-secco wall painting ceil painting tranh tuong fresco kho

Một bức tranh tường sử dụng kỹ thuật Fresco-secco ở Nhà thờ Giáo xứ Penwith, Cornwall, Vương quốc Anh. Bức tranh được tạo ra vào thế kỷ 15, mô tả Thánh George đang chiến đấu với con rồng. Ảnh: Etan J. Tal

Fresco trong nghệ thuật đương đại

Tranh tường tiếp tục phát triển thông qua việc các nghệ sĩ đương đại tìm ra những cách sáng tạo mới để kết hợp các kỹ thuật truyền thống vào tác phẩm. Họ làm sống dậy loại hình nghệ thuật cổ xưa này bằng cách điều chỉnh quá trình chế tác sao cho phù hợp với bối cảnh, vật liệu và cách tiếp cận nghệ thuật hiện đại. Thậm chí, một số nghệ sĩ còn dùng tranh bích họa để phản ánh các chủ đề đương đại như: các vấn đề xã hội, bản sắc và đời sống đô thị, kết hợp chúng với các phương pháp thực hành nghệ thuật khác: kỹ thuật số hoặc graffiti, để tạo ra các tác phẩm vượt qua ranh giới phương tiện. Trong số đó, phải kể đến nỗ lực duy trì di sản mạnh mẽ của nhà điêu khắc người Ý Mimmo Paladino với tác phẩm nghệ thuật sắp đặt công cộng quy mô lớn tại Palazzo Reale, Milan sử dụng kỹ thuật vẽ bích họa để tạo hình và nghệ sĩ đường phố Banksy với sự kết hợp kỹ thuật vẽ tranh truyền thống cùng phong cách phun sơn và khuôn tô đặc trưng của ông.

Mimmo Paladino Palazzo Reale Milan

Tác phẩm sắp đặt của Mimmo Paladino tại Palazzo Reale, Milan. Ảnh: Lorenzo Palmieri

tranh tuong fresco graffiti

Bức tranh tường phản ánh vấn đề xã hội của Banksy tại Dismaland, Weston-super-Mare, Anh. Ảnh: Theclarkester

Thực hiện: Thùy Như 


Xem thêm: 

Tác phẩm tranh tường của Sean Yoro

Jorge Rodriguez Gerada và BAD hồi sinh Beirut bằng bức tranh tường đặc biệt

Phục chế di sản nghệ thuật tại nhà hàng Frescohallen