Trên cả những thuật toán dấu ấn con người: Thiết kế trong kỷ nguyên AI

Milan Design Week từ lâu đã là nơi thiết kế phản ánh câu chuyện của thời đại, mỗi năm đều mang đến bức tranh sinh động và đa chiều về thế giới thiết kế đương đại qua lăng kính của các NTK. Sự kiện năm nay, với chủ đề “Connected Worlds” – những thế giới kết nối là cơ hội để khám phá một trong những lĩnh vực cấp thiết và mang tính chuyển hóa sâu sắc nhất: Trí tuệ nhân tạo.

Thiết kế từ lâu đã là một ngôn ngữ kết nối giữa kỹ thuật và cảm xúc, giữa công nghiệp và nghệ thuật, giữa hình thức và công năng. Điều gì sẽ xảy ra khi ngôn ngữ kết hợp với công nghệ có khả năng tự sinh nội dung, mô phỏng hành vi và học hỏi từ dữ liệu? Mối quan hệ giữa con người với vật thể, cơ thể và hành trình sáng tạo sẽ bắt đầu chuyển biến theo những cách nào? Để tìm lời giải đáp, chúng tôi đã trò chuyện với nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong bối cảnh thiết kế đương đại, bao gồm các NTK, Giám đốc Sáng tạo, nghệ sĩ và doanh nhân có mặt tại Milan Design Week 2025 để lắng nghe quan điểm của họ về cách trí tuệ nhân tạo sẽ định hình tương lai của thiết kế như thế nào. Liệu sự lệ thuộc vào AI cùng các môi trường ảo có thay đổi cách chúng ta cảm nhận và kết nối với vật thể, đặc biệt trong mối quan hệ với cơ thể và không gian vật lý hay không?

Những câu trả lời đầy sắc thái, đa chiều và đôi khi đầy bất ngờ cho thấy AI không chỉ được nhìn nhận như một công cụ, mà còn như một tấm gương phản chiếu thời đại, khơi gợi nên một hệ thống câu hỏi hoàn toàn mới. Tính xác thực sẽ được định nghĩa như thế nào khi ngày càng nhiều nội dung được tạo ra bởi thuật toán? Chi phí sinh thái và chất lượng của AI là gì trong nền văn hóa bị chi phối bởi tốc độ và số lượng? Và chúng ta sẽ đánh mất điều gì – về kỹ năng, sự nhạy cảm và cá tính – khi một phần của quá trình sáng tạo được giao cho máy móc?

Dù AI vận hành bằng ngôn ngữ, logic và khả năng dự đoán, nhiều NTK vẫn khẳng định giá trị không thể thay thế của sự hiện diện vật lý, trực giác sáng tạo và cảm xúc con người trong quá trình kiến tạo. Sai số của con người, chất cảm của vật liệu, sự tiếp xúc trực tiếp, vẻ đẹp chưa hoàn hảo và nhịp điệu chậm rãi của hành trình khám phá… tất cả vẫn cần thiết như những giá trị cốt lõi. Trong một thế giới bão hòa hình ảnh, nơi mọi thứ dễ dàng được số hóa trên màn hình, trải nghiệm vật chất ở thực tế sẽ ngày càng thiết yếu: trọng lượng của nó, cách nó chiếm lĩnh không gian, và sự tương tác với cơ thể con người. Có lẽ, thay vì tự hỏi liệu AI có thay thế con người hay không, điều quan trọng hơn là: chúng ta muốn giữ lại những giá trị nhân tính cốt lõi nào của thiết kế?

Giám Đốc Sáng Tạo Patricia Urquiola

Cassina – Cassina Perspective

Với góc nhìn hình thành từ trải nghiệm chuyên môn đồ sộ, Patricia Urquiola mô tả chính xác thời điểm hiện tại: nơi công nghệ mới phải học cách tồn tại song song với những chu trình dài phức tạp và giá trị nhân văn. Với bà, sáng tạo luôn là một hành trình mở mang tính thử nghiệm, được cấu thành từ lỗi sai, sự tiếp nối và khả năng chuyển hóa. Triết lý thiết kế của Urquiola đan cài chiều sâu vật thể, văn hóa và công nghệ số những vẫn nhạy bén trước diễn biến phức tạp của thế giới hôm nay.

Bà nhấn mạnh rằng việc tích hợp công cụ trí tuệ nhân tạo phải đến từ sự ý thức, không để nó lấn át những quá trình tư duy vốn chậm rãi và là linh hồn của thiết kế. Tuy nhiên, bà cũng không giấu sự tò mò về tiềm năng biểu đạt của công nghệ số. “AI sẽ hiện diện ở khắp nơi… ta có thể đón chờ một thời kỳ mới như miền viễn Tây hoang dã. Thay đổi ấy đã bắt đầu rồi. Với Cassina, chúng tôi muốn hợp tác cùng những tác giả kỹ thuật số, khai phá ngôn ngữ mới và cảm quan hình ảnh mang tính nghịch lý, những thứ không thuộc về thế giới thực. Tôi thật sự bị cuốn hút bởi khả năng biểu đạt đó của công nghệ số” – Patricia Urquiola.

Patricia Urquiola milan design week 2025

Patricia Urquiola giới thiệu hệ thống ghế ngồi mới cùng các dự án hợp tác với Michael Anastassiades, Barber Osgerby và Neri&Hu tại showroom của Cassina. Tất cả thể hiện tầm nhìn của thương hiệu về không gian sống đương đại.

Nhà Thiết Kế Hannes Peer

Margraf – Crash

Với Crash, tác phẩm hợp tác cùng Margraf, Hannes Peer xây dựng một diễn ngôn kiến trúc mạnh mẽ mang tính phản biện để tái định nghĩa đá cẩm thạch không chỉ như vật liệu ốp lát, mà là một thành phần kiến tạo không gian. Thay vì trình diễn sản phẩm, tác phẩm này đặt ra các câu hỏi về vai trò của công nghệ trong sản xuất và hướng đi tương lai của ngành thiết kế.

“Chúng tôi sử dụng AI để tạo ra hình ảnh mô phỏng xung đột giữa tự nhiên và nhân tạo. Đó là một công cụ truyền thông mạnh mẽ, nhưng lại thiếu độ tinh xảo mà các dự án nhiều lớp lang như của chúng tôi đòi hỏi” – Peer chia sẻ.

Với anh, AI trở thành phương tiện để chất vấn hệ sinh thái thiết kế, để chiêm nghiệm về cách các thế giới khác nhau kết nối: kỹ thuật số và vật chất, tự nhiên và công nghiệp. Anh nhấn mạnh vai trò thiết yếu của tư duy phản biện xuyên suốt mọi giai đoạn thiết kế. “Bạn phải không ngừng đặt câu hỏi ở từng bước thực hiện”.

Hannes Peer AI milan design week 2025

Tại Spazio BIG Santa Marta, tác phẩm sắp đặt “Crash” khám phá sự đối đầu căng thẳng giữa vật chất và ý nghĩa thông qua quá trình biến đổi của đá cẩm thạch.

“Chúng tôi bắt đầu với một ý tưởng mang tính gợi mở: tạo ra một mỏ đá cẩm thạch nơi chỉ có robot làm việc. Đoạn video về dự án đã thu hút gần nửa triệu lượt xem” – Hannes Peer.

Nhà Thiết Kế Laurence Leenaert

LRNCE – Bộ sưu tập Slow Roads

NTK người Bỉ, người sáng lập xưởng thiết kế LRNCE tại Marrakech, được biết đến với phong cách sáng tạo mang tính trực giác, kết hợp tinh tế giữa thủ công truyền thống và thiết kế hiện đại. Trong suốt 10 năm qua, cô phát triển các tác phẩm của mình một cách chậm rãi, có chủ đích, gắn bó chặt chẽ với các nghệ nhân địa phương. Slow Roads, BST nội thất đầu tiên ra mắt tại Milan Design Week 2025, thể hiện rõ cách tiếp cận thủ công và gần gũi của cô.

“Công việc của tôi như nhật ký cá nhân, tôi không giao nó cho máy. Như vậy sẽ kém vui. Tôi tạo ra mọi thứ một cách tự phát, không áp lực. Khi dùng AI, bạn nghĩ quá nhiều về kết quả, còn tôi chỉ tập trung vào quá trình”.

Các thiết kế của Leenaert đi ngược lại tốc độ ngày càng nhanh của văn hóa số. Trong khi AI đang thay đổi cách sáng tạo, cô chọn một nhịp điệu khác, nơi từng sản phẩm được hình thành từ cái chạm tay, niềm vui và tinh thần chơi đùa. Năng lượng ấy lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện qua sự thành công ngày càng rõ nét của thương hiệu độc lập do cô xây dựng.

Laurence Leenaert AI milan design week 2025 thiet ke tham

Laurence Leenaert lần đầu ra mắt BST nội thất của LRNCE ứng dụng kỹ thuật thủ công Morocco và thiết kế giàu trực giác.

Tôi không dùng AI trong thiết kế. AI đòi hỏi cách tiếp cận bằng ngôn ngữ, còn tôi chỉ làm đồ thủ công và tôi muốn giữ nguyên điều đó” – Laurence Leenaert.

Nhà Thiết Kế Lucas Zito

Good Selection – Bộ sưu tập Patch

Với Patch – chuỗi đèn và bàn cà phê được trưng bày trong triển lãm nhóm Good Selection tại Milan Design Week 2025 ở Alcova – Lucas Zito tạo nên một sự hòa giải lặng lẽ giữa máy móc và đôi tay con người. Sau nhiều năm làm việc trong môi trường kỹ thuật số, anh nhận thấy sự phai nhạt của cảm giác chạm và thao tác vật lý. Với mong muốn khôi phục lại kết nối đó, những thiết kế mới của anh được lắp ráp thủ công, mang dấu vết của sự không hoàn hảo và dẫn dắt bằng trực giác. Tuy nhiên, định hướng sáng tạo này cũng làm nổi bật hơn sự tương phản giữa công nghệ AI và thực hành sáng tạo truyền thống.

Lucas Zito AI nha thiet ke milan design week 2025

Tại triển lãm nhóm ở Varedo, Zito ra mắt các tác phẩm nội thất thủ công phản ánh sự hòa giải giữa công nghệ kỹ thuật số và thủ công truyền thống. “Sáng tạo cũng giống như vận hành những khối cơ. Tôi đã sử dụng công nghệ in 3D thành thạo đến mức chỉ cần tưởng tượng hình dáng trong đầu là có thể in ra trong vòng năm phút. Nhưng chính vì vậy mà tôi mất dần khả năng vẽ tay. Giờ nếu cầm bút lên, tôi như bị khựng lại. Tôi tự hỏi: liệu AI, cũng như công nghệ in 3D có khiến chúng ta mất đi kỹ thuật thủ công?” – Lucas Zito.

“Chúng ta chấp nhận, thậm chí trân trọng lỗi sai của con người. Nhưng khi AI phạm lỗi, ta cảm thấy khó chịu. Chúng ta kỳ vọng nó phải hoàn hảo”.

Nhà Thiết Kế Joann Tan & Luca Nichetto

Bolon – EXODUS: A Journey Beyond Reality

Cùng thương hiệu Bolon, JoAnn Tan và Luca Nichetto giới thiệu EXODUS – một sắp đặt nghệ thuật mang tính trải nghiệm tại dinh thự cổ ở Milan thành không gian mộng mị, nơi những sinh vật lai và hình khối được làm bằng chất liệu vinyl mềm. Bề mặt sàn có họa tiết dệt đặc trưng của Bolon trở thành trung tâm cho hành trình cảm xúc nơi vật liệu lên tiếng mạnh mẽ hơn công nghệ.

“Càng tiến về thế giới số, đôi tay chúng ta càng trở nên quan trọng” – Luca Nichetto. Anh xem sự phục hưng của nghề thủ công là phản ứng có ý thức trước nhịp độ tăng trưởng của kỹ thuật số.

Với JoAnn Tan, giới hạn của AI không chỉ ở kỹ thuật mà còn ở tư duy: “Ban đầu có thể thấy AI hoạt động hiệu quả, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy rất nhiều lỗi. AI không có sự tò mò. Nó có thể mô phỏng, nhưng sẽ không bao giờ biết cách tạo ra điều gì mới thật sự” . Cả hai cùng cảnh báo: nếu dùng AI thiếu sự suy xét, thiết kế rất dễ trở thành một tập hợp của nhiều hình ảnh rời rạc và thiếu ý tưởng nguyên bản. Họ tin rằng sự không hoàn hảo, dấu vết thời gian và bàn tay con người sẽ giúp ta chống lại sự đơn điệu của thuật toán số.

JoAnn Tan & Luca Nichetoo nha thiet ke milan design week 2025

Lớp sàn vinil của Bolon được “thức tỉnh” nhờ sắp đặt kỳ ảo với hình thái lấy cảm hứng từ tự nhiên của JoAnn Tan và Luca Nichetoo.

“AI chỉ có thể xử lý những gì đã tồn tại. Nhưng thiết kế là khi bạn tưởng tượng ra điều chưa từng có”– Luca Nichetto.

Nebras Aljoaib – Nhà Thiết Kế Nội Thất

Artemest – The Reading Room & Studio (Dự án Appartamento)

Trong khuôn khổ Milan Design Week 2025, NTK nội thất người Ả Rập Xê Út đã biến một không gian tại Palazzo Donizetti thành The Reading Room & Studio, nơi dung hòa kiến trúc lịch sử và thiết kế hiện đại. Phương pháp thiết kế của cô dựa trên sự đối thoại giữa các yếu tố truyền thống và thẩm mỹ đương đại.

“Thiết kế là chiếc cầu nối giữa nhiều thế giới – về văn hóa, cảm xúc và sáng tạo. Trong công việc của mình, tôi luôn cố gắng kết hợp cái cũ với cái mới – điều này khiến tôi ngày càng gắn bó với quê hương mình, nơi có nền di sản vô cùng phong phú” – Nebras Aljoaib.

Nebras Aljoaib

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm của Artemest, NTK Nebras Aljoaib kiến tạo không gian nội thất thanh tĩnh trong Palazzo Donizetti, kết hợp chi tiết lịch sử và tinh thần thiết kế hiện đại.

“AI chắc chắn sẽ thay đổi thế giới thiết kế, theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực, nhưng bản thân tôi thì chưa trải nghiệm. Cách làm của tôi vẫn rất truyền thống và cổ điển” – Nebras Aljoaib.

Nhà Thiết Kế Formafantasma (Andrea Trimarchi & Simone Farresin)

Cassina – Staging Modernity

Với Staging Modernity, Formafantasma tái diễn giải di sản của Le Corbusier và các biểu tượng hiện đại của Cassina qua lăng kính phê bình đương đại. Sắp đặt này được dựng bên trong một nhà hát, nơi những món nội thất lưu trữ từ quá khứ được hóa thân thành “diễn viên” trên sân khấu, mời gọi người xem suy ngẫm về cách tư tưởng được hình thành và thể hiện qua vật thể. Trên sân khấu giàu tính điện ảnh ấy, bộ đôi NTK thể hiện lập trường rõ ràng và đầy tính chính trị về trí tuệ nhân tạo. Dù thừa nhận tiềm năng của AI trong nghiên cứu dữ liệu, họ đồng thời nêu lên những lo ngại cấp thiết về tác động môi trường, thiếu khung pháp lý, và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

“AI được huấn luyện từ sản phẩm văn hóa của con người, nhưng chưa có bộ luật nào bảo vệ quyền tác giả đằng sau khối dữ liệu đó. Trước khi tán dương khả năng sáng tạo của AI, ta cần nhìn vào các vấn đề mang tính hệ thống này” – Simone Farresin.

“Hạ tầng vận hành AI tiêu tốn năng lượng và nước ở quy mô khổng lồ. Một số chính phủ thậm chí đang cân nhắc dùng năng lượng hạt nhân để duy trì nó, điều đó đã nói lên tất cả” – Simone Farresin. Formafantasma phản đối việc nhân hóa AI. Với họ, điều quan trọng không phải là “AI cảm thấy gì?” mà là “AI đang khiến chúng ta phải trả giá ra sao?”.

Formafantasma AI milan design week 2025

“Staging Modernity” là sắp đặt mang tính sân khấu tại một nhà hát Milan, nơi các món nội thất lưu trữ của Cassina trở thành nhân vật khơi gợi tư duy phản biện.

“Điều sẽ cứu chúng ta khỏi làn sóng AI chính là hiện thực, sự hiện diện hữu hình, của trình diễn sống” – Andrea Trimarchi.

Giám Đốc Sáng Tạo & Nghệ Sĩ Rebekka Bay & Laila Gohar

Marimekko – All the Things You Do in Bed

Tại Milan Design Week 2025, Giám đốc Sáng tạo Rebekka Bay của Marimekko cùng nghệ sĩ Laila Gohar đã giới thiệu All the Things You Do in Bed – một sắp đặt trải nghiệm biến rạp hát thành một phòng ngủ khổng lồ, mộng mị. Tại đây, khách tham quan được mời cùng chia sẻ một lát bánh, nằm xuống, trò chuyện, nghỉ ngơi và cảm nhận sự gần gũi khi hiện diện cùng nhau. Cả Bay và Gohar đều suy ngẫm về giới hạn của AI đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo vốn bắt nguồn từ cảm xúc và vật chất. Gohar chỉ ra rằng thế giới kỹ thuật số đang thu hẹp trải nghiệm của chúng ta thay vì mở rộng nó.

“Thế giới của chúng ta đang bị thu hẹp. Chúng ta có vô số tài nguyên, nhưng phạm vi cảm nhận lại ngày càng nhỏ đi. Mọi thứ đều có vẻ như đã được “tuyển chọn sẵn”, khiến sự tò mò dần biến mất” – Laila Gohar. Với Gohar, khả năng thu hẹp lựa chọn của AI không chỉ giới hạn sáng tạo, mà còn giới hạn cả trải nghiệm sống. Nó củng cố một góc nhìn đơn chiều về thế giới, làm nghèo nàn đi sự khám phá. Trái lại, tác phẩm sắp đặt của họ là lời nhắc nhở rằng thiết kế vẫn có khả năng tạo ra những khoảnh khắc sẻ chia ngoài đời thật, không chỉ trên màn hình. “AI và thuật toán chỉ trả lại đúng điều bạn đang tìm, xác nhận thế giới mà bạn đã quen nhìn thấy. Điều này có thể khiến quan điểm của bạn bị cô lập theo cách rất nguy hiểm” – Laila Gohar.

Rebekka Bay & Laila Gohar milan design week 2025

Rebekka Bay và Laila Gohar trên chiếc giường khổng lồ được đặt giữa nhà hát, mời gọi người xem trải nghiệm niềm vui đơn giản qua những tương tác đơn giản nhưng vui nhộn.

“AI chỉ là một công cụ như bao công cụ khác. Tôi không nghĩ nó sẽ thay thế điều gì cả. AI không thể hiểu được cảm xúc, hình khối hay tạo dáng theo cách con người làm, vậy thì làm sao có thể thay thế được tay nghề thủ công?” – Rebekka Bay.

Nhà Thiết Kế Karim Rashid

Elli – Bộ sưu tập Tork

Với dự án Tork hợp tác cùng Elli, Karim Rashid giới thiệu BST bàn và ghế đôn được in 3D từ vật liệu tái chế, từ đó mở ra cuộc đối thoại giữa công nghệ và tính bền vững. Quá trình tạo ra những sản phẩm này không chỉ dừng ở khâu sản xuất, mà còn là cơ hội để suy ngẫm về tương lai của thiết kế khi vai trò của AI ngày càng rõ rệt. Tuy nhiên, Rashid nhấn mạnh dù AI có thể tăng tốc giai đoạn đầu của sáng tạo, nó không thể thay thế vai trò của con người trong việc chọn lọc và tinh chỉnh ý tưởng.

“AI có thể giúp bạn tạo ra hình ảnh chỉ trong vài giây, nhưng công việc của NTK là hiện thực hóa ý tưởng, chứ không chỉ nghĩ ra ý tưởng. NTK giống như một “biên tập viên văn hóa”, là người chọn lọc và trao ý nghĩa cho những gì được tạo ra” – Karim Rashid. Với Rashid, AI là công cụ giúp tăng tốc trong khâu tìm kiếm ý tưởng, nhưng điều quan trọng là phải giữ được sự cân bằng giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số, đặc biệt là mối liên hệ trực tiếp với trải nghiệm vật lý ở thực tế.

Karim Rashid

Karim Rashid giới thiệu dòng nội thất in 3D hợp tác với Elli, khai phá hình thái điêu khắc và quy trình sản xuất bền vững.

“AI là công cụ tuyệt vời dành cho những ai đã có sẵn kho dữ liệu lớn. Nó rất nhanh, có thể tạo ra hàng loạt biến thể chỉ trong tích tắc, nhưng không thể thay thế sự sáng tạo và quá trình nghiên cứu mà một NTK cần thực hiện” – Karim Rashid.

Giám Đốc Sáng Tạo Francesco Meda & David Lopez Quicoces

Ranieri Lava Stone – Sắp đặt Sotto al Vulcano

Để kể câu chuyện về sự biến đổi vật liệu và bản sắc sâu sắc của thương hiệu Ranieri, hai NTK kiêm Giám đốc Sáng tạo đã xây dựng Sotto al Vulcano – một sắp đặt trải nghiệm tại Milan Design Week 2025. Lấy cảm hứng từ các tòa tháp của KTS Barragán, công trình mang hình khối hữu cơ kết hợp cùng tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Quayola và bản phối âm thanh được tạo riêng cho không gian. Kết quả là một môi trường đa giác quan, nơi nghệ thuật, thiết kế và âm thanh hòa quyện để gợi lên sức mạnh nguyên sơ của núi lửa, nguồn gốc của đá dung nham trong các sáng tạo của Ranieri. Quá trình sáng tạo cho sắp đặt này phản ánh rõ tinh thần trao đổi liên tục giữa Meda và Lopez Quincoces: “Chúng tôi có chuyên môn khác nhau, gặp nhau ở không gian trung lập và bù đắp cho nhau”.

Từ chính cuộc đối thoại đó, họ quyết định dùng AI để tạo nên phần mở rộng của câu chuyện – một công cụ giúp chuyển ngữ ý tưởng thành hình ảnh trực quan. “Chúng tôi muốn kể câu chuyện của một thương hiệu và sản phẩm bằng ngôn ngữ điện ảnh. Storyboard giúp định hình câu chuyện phức tạp, còn AI mang lại sức mạnh hình ảnh đầy hấp dẫn mà trước đây chúng tôi chưa đạt được” – Francesco Meda & David Lopez Quincoces.

Francesco Meda & David Lopez Quincoces

Tại Alcova, Ranieri mang đến không gian sắp đặt lấy cảm hứng từ sự biến đổi của núi lửa, với thiết kế kiến trúc bởi Meda và Lopez Quincoces, cùng điêu khắc của nghệ sĩ Quayola.

“Chúng tôi làm việc song hành, và mọi thứ luôn bắt đầu từ đối thoại. Ngôn ngữ là phần thiết yếu trong quá trình sáng tạo. AI là công cụ hỗ trợ để cụ thể hóa tầm nhìn của chúng tôi” – Francesco Meda & David Lopez Quincoces.

Nhà Thiết Kế Nội Thất Mariavittoria Paggini 

Casa Ornella – Andamento Lento

Andamento Lento là chương thứ ba của dự án Casa Ornella được làm mới mỗi năm tại Milan Design Week. NTK Mariavittoria Paggini tiếp tục khẳng định thiết kế là một hành động mở và mang tính chia sẻ. Dự án từng gây ấn tượng với công chúng nhờ ngôn ngữ giàu cảm xúc và phong cách chiết trung, nay trở lại với tinh thần Địa Trung Hải và lời mời gọi sống chậm. Kết hợp cùng nhiều thương hiệu khác nhau, cô mời người xem bước vào một thế giới nơi có những thiết kế mang đậm dấu ấn cá nhân và khuyến khích sự chia sẻ.

Về sự lên ngôi của AI, Paggini không coi đó là mối đe dọa mà là một chất xúc tác thúc đẩy chúng ta sáng tạo có ý thức hơn.“Rủi ro là nhầm lẫn bề mặt với hình ảnh. Thách thức thực sự là tạo ra điều gì đó có thể chạm đến con người”. Trong thời đại bị bão hòa bởi hình ảnh số, Paggini nhấn mạnh: Ý nghĩa được tạo ra từ sự hiện diện chứ không chỉ từ nhận thức.

Mariavittoria Paggini

Chương thứ ba của dự án không gian sống đang phát triển này tái hiện phong cách Địa Trung Hải với bầu không khí táo bạo, mang tính tương tác cao.

“AI không lấy mất công việc của ta – nó buộc ta phải nghĩ lại cách làm việc. Nó là công cụ, không phải là tác giả” – Mariavittoria Paggini.

Nhà Thiết Kế, Nhà Sáng Lập Nendo Oki Sato

Alpi – Kasumi Veneer

Trong hành trình tìm kiếm đối thoại giữa công nghệ và cảm xúc, Oki Sato xem AI như một công cụ hỗ trợ trong quá trình sáng tạo, từ nghiên cứu đến phát triển hình ảnh. Tuy vậy, anh nhấn mạnh rằng thiết kế sinh ra từ sự không hoàn hảo, từ những sai lệch ngẫu nhiên đầy thú vị và từ trí tuệ cảm xúc, những thứ mà máy móc vẫn chưa thể nắm bắt. Với Nendo, thế giới kỹ thuật số không phải là sự thay thế, mà là người bạn đồng hành với cảm quan của con người. “Thiết kế không chỉ là kỹ thuật hay giải quyết vấn đề mà luôn gắn liền với cảm xúc. Vẻ đẹp nằm ở điều không hoàn hảo, ở những sai lệch dễ chịu. Và đó là điều AI vẫn chưa thể sao chép được” – Oki Sato.

Để thực hành triết lý đó, Sato đã sáng tạo nên Kasumi veneer – lấy tên từ từ tiếng Nhật có nghĩa là “sương mù”. Đó là loại chất liệu mang họa tiết vân gỗ mờ ảo, được tạo ra bằng cách chồng hai lớp veneer nhuộm màu khác nhau và xử lý bằng kỹ thuật sáng tạo độc đáo.

Nendo AI

Nendo giới thiệu chất liệu gỗ với lớp bề mặt được tạo nên từ kỹ thuật nhuộm nhiều lớp để đạt được sắc độ tinh tế.

“AI là công cụ không thể thiếu với NTK, nó giúp tăng tốc quá trình nghiên cứu và tạo moodboard, nhưng vẫn rất khó để tạo ra điều gì đó thực sự nguyên bản. Câu hỏi quan trọng là: liệu AI có thể khóc không? Có thực sự có cảm xúc không? Chừng nào điều đó chưa xảy ra, tôi tin rằng chúng tôi, những NTK, vẫn còn vai trò rất rõ ràng” – Oki Sato.

Nhà Thiết Kế Faye Toogood

Tacchini – Bộ sưu tập Bread & Butter

Faye Toogood hợp tác cùng Tacchini để trình làng Bread & Butter, một BST gồm sofa và bàn phụ lấy cảm hứng từ sự thân mật của những nghi thức đời thường, từ đó chuyển hóa khái niệm “chia sẻ bữa ăn” thành hình khối điêu khắc. Là NTK thực hành trong lĩnh vực thời trang, nghệ thuật và nội thất, Toogood luôn đặt cảm xúc và chất liệu làm điểm tựa. Khi công nghệ số trở nên phổ biến, cô hướng về trí tuệ cảm xúc, tái khẳng định vai trò quan trọng của cơ thể, đôi tay và trực giác quá trình sáng tạo.

“Tôi không bài xích công nghệ, nhưng tôi nghiêng về phía yếu tố con người nhiều hơn trong thiết kế. Điều tôi hướng đến là tăng thêm nhân tính trong từng chi tiết”– Faye Toogood. Với bề mặt được sơn tay và tạo hình giàu xúc giác, tác phẩm của Toogood đi ngược lại chủ nghĩa hoàn hảo do thuật toán mang lại. Trong một thế giới định hình bởi màn hình, cô mời chúng ta quay về với cảm nhận, cả về xúc giác lẫn cảm xúc.

Faye Toogood AI

Lấy cảm hứng từ những nghi thức đời thường, Faye Toogood giới thiệu BST Bread & Butter mang tính điêu khắc, đậm chất cảm xúc vật liệu.

“AI có thể sẽ thiết kế một chiếc ghế tốt hơn tôi, nhưng nó không thể truyền tải cảm xúc của con người” – Faye Toogood.

Doanh Nhân & Giám Đốc Sáng Tạo Renzo Rosso & Andrea Rosso 

Diesel Living – Ghế Iron Maiden

Là nhà sáng lập Diesel, doanh nhân Renzo Rosso là một trong những người tiên phong ứng dụng AI vào doanh nghiệp. Trong suốt 7–8 năm qua, ông đã tích hợp AI vào nhiều lĩnh vực khác nhau của tập đoàn, bắt đầu từ các phòng ban hành chính đến tất cả các bộ phận ở thời điểm hiện tại. Tại cửa hàng Diesel có một tác phẩm sắp đặt nổi bật là chiếc ghế Iron Maiden ánh bạc. Đây là thiết kế hợp tác cùng Moroso được đặt giữa cụm vải denim vụn chất lên cao mang tính tuyên ngôn thị giác mạnh mẽ.

“Tôi là fan của AI” – Renzo Rosso.

“Hiện tại, AI giúp các quản lý của tôi giảm thời gian cho các công việc lặp đi lặp lại. Nhờ vậy, họ có thể tập trung hơn vào khía cạnh sáng tạo và cộng tác hiệu quả hơn, từ đó tăng năng lượng và sức sáng tạo”. Hệ thống AI nội bộ của Diesel đảm bảo mọi phòng ban kết nối thông suốt, truy cập chung một nguồn dữ liệu, giúp tăng hiệu quả làm việc và phối hợp giữa các nhóm. Tuy nhiên, Rosso vẫn thận trọng với độ tin cậy của AI trong lĩnh vực sáng tạo, đặc biệt khi liên quan đến nghiên cứu và pháp lý: “AI chưa đủ đáng tin khi nói đến quyền lực hay khía cạnh pháp luật – đặc biệt nếu có xảy ra lỗi”. Dù vậy, ông tin rằng AI không làm suy giảm khả năng sáng tạo: “Quy trình sáng tạo vẫn do con người dẫn dắt, nó đến từ chính những câu hỏi mà ta đặt ra cho AI, từ khả năng biên tập và định hướng kết quả cuối cùng”.

Rosso

Tại cửa hàng Diesel ở San Babila, chiếc ghế bạc Iron Maiden được bao quanh bởi vải denim thừa, kết nối giữa thời trang và nội thất.

Nhà Thiết Kế & Nhà Sưu Tập Nghệ Thuật Christian Pellizzari & Nina Yashar 

Nilufar Gallery – Phisophorum Floating

Tại Nilufar Gallery, Christian Pellizzari giới thiệu Phisophorum Floating, một tác phẩm điêu khắc ánh sáng làm từ thủy tinh Murano, một thử nghiệm xoá nhoà ranh giới của nghệ thuật và thiết kế. Tác phẩm mang tính điêu khắc, thể hiện mối quan hệ giữa tự nhiên và bàn tay con người để tạo nên những thế giới thực vật nơi ranh giới giữa vật thể chức năng và sắp đặt nghệ thuật trở nên mờ nhạt. Dù công nhận tiềm năng của AI, Pellizzari xem nó như một công cụ ở giai đoạn sơ khai. “Tôi tin rằng AI sẽ được ứng dụng vào mọi quy trình sáng tạo. Nhưng tôi không hình dung được tương lai nếu thiết kế không còn gắn chặt với yếu tố con người” – Christian Pellizzari.

Christian Pellizzari

Tại triển lãm sân khấu gồm năm phần do Nina Yashar giám tuyển, Pellizzari ra mắt các tác phẩm điêu khắc thủy tinh Murano tạo hình thực vật như bị đình trệ trong không gian thời gian.

“Mọi người thường nói các thiết kế của tôi trông như thể được tạo ra bởi AI – nhưng không phải vậy. Tôi tin rằng sự không hoàn hảo và lỗi sai của con người chính là cốt lõi trong hành trình đi tìm cái đẹp” – Christian Pellizzari.

Nhà Thiết Kế Thời Trang Margherita Maccapani Missoni

Maccapani – Macca Finds: Airbrushed

Là NTK thời trang và Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu mang tên Missoni, Margherita mang sự nhạy cảm từ sàn diễn vào lĩnh vực nội thất với dự án Airbrushed ra mắt tại Milan Design Week 2025. Hợp tác cùng các nghệ nhân chuyên về sơn xe mô tô, cô tái sinh những món đồ nội thất cổ thành tác phẩm mới với màu sắc táo bạo. Mục đích là tôn vinh nghệ thuật tái chế, thủ công, và giá trị của việc tuyển chọn kỹ lưỡng trong thế giới đầy hàng hóa sẵn mua. Dự án mang tính cá nhân sâu sắc vì mẹ và bà của cô – Angela và Rosita Missoni – chính là người truyền cho cô tình yêu sưu tầm đồ cũ và góp phần định hình gu thẩm mỹ riêng của cô.

Dù có sử dụng AI trong các công việc hỗ trợ như viết nội dung, Missoni vẫn hoài nghi về khả năng sáng tạo thực thụ của nó: “AI không thể thay thế nghiên cứu hay trực giác. Nó đưa ra câu trả lời như thể là sự thật, nhưng lại thiếu tinh tế”. Cô mong muốn tiếp tục khẳng định giá trị bền vững của quan điểm và bàn tay con người trong việc tạo nên cái đẹp.

Margherita Maccapani Missoni AI

Là một phần của chuỗi “Macca Finds”, dự án tái chế Airbrushed biến những món nội thất cũ thành tác phẩm nghệ thuật bằng kỹ thuật sơn phun của các nghệ sĩ vẽ mô tô.

“Học cách giao tiếp với AI cũng là hành động sáng tạo, các Giám đốc Sáng tạo thời nay cũng giống như những nhà thơ” – Margherita Maccapani Missoni.

Nhà Thiết Kế Christian Mohaded

Louis Vuitton – Objets Nomades: Aventura Armchair

NTK người Argentina Christian Mohaded góp mặt trong BST Objets Nomades của Louis Vuitton với một loạt tác phẩm gồm bàn, ghế bành, sofa và thảm. Trước sự phát triển mạnh mẽ của AI trong ngành sáng tạo, anh nhận thấy một sự dịch chuyển thế hệ: càng rời xa quy trình thủ công, ta càng thay đổi cách nhìn về cái gọi là “làm bằng tay”. “Mọi thứ đưa vào AI chỉ là dữ liệu đầu vào, hiếm khi là ý tưởng thật sự của riêng bạn”. Anh cũng cảnh báo về xu hướng chạy theo hiệu ứng thị giác mà bỏ quên chiều sâu ý niệm: “Chúng ta đang ở giữa giai đoạn chuyển tiếp, vẫn chưa rõ ranh giới giữa thật và giả. Sắp tới, việc phân biệt sẽ càng trở nên khó khăn hơn”. Dù các cộng sự trẻ trong studio đã quen dùng AI, Mohaded vẫn ưu tiên nghiên cứu bằng xúc giác, đặc biệt xem nhiếp ảnh như một thực hành bản năng gắn bó với quan sát và trải nghiệm thực tế.

Mohaded AI

Mohaded mang đến những thiết kế mới cho BST Objets Nomades của Louis Vuitton, kết hợp mỹ học sống động với kỹ thuật thủ công tinh xảo.

“Với thế hệ trẻ, việc được tiếp xúc với một sản phẩm hoàn toàn làm bằng tay, không thông qua máy tính đã trở thành một trải nghiệm phi thường” – Christian Mohaded.

Nghệ Sĩ Thị Giác Michela Picchi

Glo for Art – Hyper Portal

Nổi tiếng với phong cách pop siêu thực sống động, nghệ sĩ đa phương tiện Michela Picchi giới thiệu Hyper Portal hợp tác cùng Glo for Art. Đó là một sắp đặt trải nghiệm biến một dinh thự cổ ở Milan thành không gian đa chiều. Tác phẩm kết hợp các khối bơm hơi, tranh tường và yếu tố kỹ thuật số để đưa người xem bước vào một không gian mang tính tương tác cao. Hệ thống kỹ thuật số tự sinh liên tục sáng tạo dữ liệu theo sự hiện diện của con người, biến người tham quan thành đồng tác giả của tác phẩm. Trong khi AI ngày càng phổ biến trong thế giới nghệ thuật, đặc biệt là trong hoạt hình video, Picchi vẫn xem nó chỉ đóng vai trò phụ trong thực hành của mình.

Michela Picchi AI

Tại Palazzo Moscova, Michela Picchi tạo nên không gian sắp đặt đa giác quan kết hợp điêu khắc bơm hơi, tranh tường và hệ thống kỹ thuật số sinh học.

“Tôi không dùng AI trong công việc của mình. Tôi làm việc với một hệ thống ứng dụng tự vận hành như người đồng sáng tạo. Tác phẩm được định hình bởi mã lập trình và chính những người tương tác. AI đang là xu hướng, nhất là trong các dự án sử dụng kho dữ liệu lớn để tạo hình ảnh. Nhưng tôi không thấy lo. Tác phẩm của tôi gắn chặt với trải nghiệm con người, kết hợp các chất liệu hiếm khi được đặt cạnh nhau” – Michela Picchi.

Giám Đốc Sáng Tạo Charlotte Macaux Perelman & Alexis Fabry

Hermès Maison

Tại La Pelota, Hermès ra mắt BST nội thất mới bên trong những khối hộp trắng lơ lửng tỏa ra quầng sáng dịu nhẹ nhiều màu sắc. Không gian trưng bày do hai Giám đốc Sáng tạo Charlotte Macaux Perelman và Alexis Fabry lên ý tưởng mang vẻ tối giản và phi thực. Một phong cảnh mộng tưởng nơi các vật thể hiện lên từ những đường cắt và hốc tường, được trình bày như những cổ vật trong bảo tàng. BST có sự góp mặt của các NTK như Tomás Alonso, Nigel Peake và Amer Musa. BST năm nay ứng dụng các kỹ thuật thủ công tập trung vào kết cấu, độ trong và chiều sâu của chất liệu thủy tinh, thể hiện qua các mẫu bàn sơn mài, bình nước và bình hoa thổi thủ công. Bên cạnh đó còn có bộ bàn ăn bằng sứ, vật dụng bằng gỗ và chất liệu cashmere cao cấp.

Charlotte Macaux Perelman & Alexis Fabry AI

Tại La Pelota, không gian trưng bày của Hermès do hai Giám đốc Sáng tạo Charlotte Macaux Perelman và Alexis Fabry lên ý tưởng , mang vẻ tối giản và phi thực, gợi lên một phong cảnh mộng tưởng.

“Chủ đề trí tuệ nhân tạo chắc chắn là một yếu tố quan trọng trong thế giới thiết kế cũng như ở các lĩnh vực khác. Nhưng với chúng tôi, điều cần thiết hơn cả chính là chất lượng của đôi bàn tay người thợ tạo hình và vật thể được chế tác chỉn chu mà chúng tôi luôn mong muốn mang đến” – Charlotte Macaux Perelman và Alexis Fabry.

Bài: Alice Ida | Ảnh: Valentina Sommariva | Chuyển Ngữ: Hằng Phạm


Xem thêm

Ứng dụng thực tiễn của AI trong công nghiệp thiết kế

AI có thể hỗ trợ về mặt kĩ thuật để xây dựng nhà cửa không?

Milan Design Week 2025: Triển lãm Romantic Brutalism – Khi hai mặt đối lập hòa quyện trong thiết kế đương đại Ba Lan