Hoa văn trên trống đồng Đông Sơn (phần II): Di sản tạo hình của người Việt cổ

Với dáng vẻ đồ sộ, kết cấu tinh xảo và hệ thống hoa văn phong phú, trống đồng Đông Sơn đã trở thành biểu tượng cho tư duy và thẩm mỹ của cả một nền văn minh.

Nếu trống đồng là tổng thể văn hóa – nơi kết tinh tư duy, kỹ thuật và thẩm mỹ của người Việt cổ thì linh hồn của tổng thể ấy lại nằm trong từng đường nét hoa văn. Những vòng xoắn ốc, vành chim lạc, hình người nhảy múa hay ngôi sao nhiều cánh không chỉ đơn thuần là yếu tố trang trí, mà chính là “ngôn ngữ” mà người Đông Sơn đã để lại – một thứ ngôn ngữ không lời nhưng hàm chứa vũ trụ quan, nhân sinh quan và nếp sống vô cùng thịnh vượng.

Bài viết này sẽ đi sâu vào tìm hiểu hệ thống hoa văn trên trống đồng Đông Sơn để lật mở những câu chuyện được kể bằng hình khắc. Bởi lẽ, với người xưa, thời chưa có chữ viết, hình ảnh chính là cách họ viết lại tri thức, đức tin và ký ức. 

trong dong dong son Bronze drum

Ảnh: Welt Museum

Tư duy hình học và biểu tượng hóa thế giới

Văn hóa Đông Sơn khởi nguồn tại vùng Bắc Trung Bộ trên hạ lưu sông Mã, sông Cả đến châu thổ sông Hồng. Kéo dài suốt một ngàn năm, từ thế kỷ 8-7 TCN đến thế kỷ 1-2 sau CN, nền văn hóa này ẩn chứa nhiều bí mật về sự phát triển của người Việt cổ, dấy lên vô số giả thiết trong giới nghiên cứu mỗi khi khai quật được văn vật còn sót lại. 

Theo nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ lịch sử, hiện chưa đủ chứng cứ và phân tích để chứng minh rằng vào giai đoạn văn hóa Đông Sơn, cư dân Lạc Việt đã có chữ viết. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không có ngôn ngữ. Có thể, người Việt cổ đã lựa chọn một hình thức diễn đạt khác, đó là ngôn ngữ của hình ảnh – sử dụng hệ thống ký hiệu điêu khắc tỉ mỉ trên mặt và thân trống để thể hiện nhận thức và tư duy thẩm mỹ cao.

Bronze drum hoa van

Bản vẽ mặt đứng trống đồng Ngọc Lũ.

trong dong dong son Bronze drum

Một số hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ.

Phân loại các nhóm hoa văn chính

Xét về mặt tạo hình, có thể tạm chia hệ thống hoa văn trên trống đồng Đông Sơn thành ba nhóm chính: hoa văn hình học, hoa văn động vật và hoa văn con người  – đại diện cho ba bình diện lớn trong tư duy biểu tượng của cư dân Lạc Việt là vũ trụ – tự nhiên – xã hội. 

Hoa văn hình học – Biểu tượng vũ trụ

Khi quan sát một chiếc trống đồng Đông Sơn, điều đầu tiên thu hút ánh nhìn luôn là ngôi sao nhiều cánh nằm ở trung tâm mặt trống. Ngôi sao này được xem là biểu tượng quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống hoa văn hình học, đại diện cho mặt trời – trung tâm vũ trụ hoặc thần linh, thời gian và quyền lực tối cao.

trong dong dong son suu tap nguyen van kinh do co

Trống đồng Đông Sơn Kính Hoa 3 thuộc bộ sưu tập Kính Hoa của nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính. Ảnh: Tư liệu

Số cánh của ngôi sao thường là 8, 12 hoặc 14, trong đó phổ biến nhất là 12 cánh. Một số nhà khảo cổ học đánh giá, hoa văn ngôi sao trên trống đồng Đông Sơn chính là một loại lịch thời Hùng Vương. Dựa vào sự kết hợp giữa lịch ngày âm với chu kỳ mặt trăng và mặt trời, người Đại Việt có thể xác định được các ngày tiết trong năm một cách chính xác, thể hiện mối liên kết khăng khít với đặc trưng của một nền văn minh lúa nước. 

Bronze drum hoa van

Hoa văn ngôi sao trên trống Thanh Hóa nhóm C. Ảnh: Dong Son drums in Viet Nam

trong dong dong son Bronze drum

Hoa văn ngôi sao trên trống Na Dương. Ảnh: Dong Son drums in Viet Nam

Trong một xã hội nông nghiệp phát triển như Đông Sơn, việc theo dõi chu kỳ tự nhiên không chỉ để tích lũy tri thức mà còn là điều kiện sống còn. Khác với du mục hay hái lượm, nông nghiệp trồng lúa nước buộc con người phải bám đất, bám mùa, canh đúng tiết, gặt đúng vụ. Thành bại của mỗi chu kỳ canh tác đều phụ thuộc chặt chẽ vào lượng mưa, ánh sáng, nhiệt độ và thậm chí là độ dài của ngày – đêm. Từ thời điểm gieo mạ, làm đất, chăm lúa đến thu hoạch, người Việt cổ không thể làm theo cảm tính mà phải dựa vào những quy luật được đúc kết thông qua sự quan sát kỹ lưỡng và truyền lại trong cộng đồng.

Chính trong bối cảnh đó, mặt trống đồng với ngôi sao có số cánh chẵn ở trung tâm được tin là một hình thức lịch pháp hình học mà người xưa có thể “đọc” và sử dụng trong nghi lễ, canh tác. 12 cánh có thể được hiểu như 12 tháng âm lịch, đánh dấu các giai đoạn chuyển mùa. Còn 14 cánh có thể tương ứng với 14 tiết chính trong một năm nông lịch cổ, như xuân phân, hạ chí, thu phân, lập đông… Những con số này là minh chứng mạnh mẽ cho sự tồn tại của một xã hội đã biết tổ chức thời gian theo vòng quay trời đất và khí tiết.

Bronze drum hoa van

Âm lịch Việt và bốn mùa theo vòng xoay của trống.

Từ ngôi sao tâm điểm, hệ thống họa tiết hình học tiếp tục tỏa ra theo từng vòng đồng tâm đến rìa mép (gọi là vành), sắp đặt bố cục phân tầng rõ rệt như làn sóng ảnh hưởng lan rộng dần mặt trời. Chiếm tỉ lệ lớn nhất về mặt bố cục, hoa văn hình học thường là lớp nền của toàn bộ mặt trống, gồm 6 loại: hoa văn vòng tròn có chấm giữa, hình răng cưa, hình răng lược, hình chữ V lồng, hoa văn tam giác phủ gạch chéo và hình bông lúa. Chúng được sắp xếp tuần hoàn, lặp lại theo chuỗi, tạo nên cảm giác về nhịp điệu và sự chuyển động liên tục, tượng trưng cho dòng chảy của thời gian, vòng quay của mặt trời và nhịp sống của vạn vật trong tự nhiên.

trong dong dong son Bronze drum

Trống Làng Vạc II, hoa văn chủ đạo là răng cưa và chữ V lồng. Ảnh: Giải mã văn hóa Đông Sơn

Bronze drum hoa van

Trống Hà Nội III, hoa văn chủ đạo là răng lược và tam giác phủ gạch chéo. Ảnh: Giải mã văn hóa Đông Sơn

trong dong dong son Bronze drum

Vòng tròn có chấm giữa thường nằm gần trung tâm, xuất hiện đều đặn giữa các dải hoa văn, được cho là biểu tượng của hoa cúc mặt trời thay vì chấm mắt. Trên hình là hoa văn vòng tròn có chấm giữa trên trống Yên Tập. Ảnh: Giải mã văn hóa Đông Sơn

Hoa văn động vật – Tín ngưỡng vật linh và niềm tin vào thiên nhiên

Nếu hoa văn hình học là biểu tượng cho vũ trụ thì hoa văn động vật là hình ảnh thu nhỏ của thế giới tự nhiên. Trong đó, hình tượng chim muông giữ vị trí quan trọng cả về số lượng lẫn ý nghĩa. Đây là loài vật xuất hiện phổ biến nhất, có trên hầu hết các mặt trống tiêu biểu như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Làng Vạc… Đáng chú ý, các dải chim bay thường được khắc rất gần với ngôi sao trung tâm, cho thấy chim không chỉ là họa tiết trang trí mà còn đóng vai trò linh thiêng đặc biệt, có thể được xem là vật tổ của người Lạc Việt.

Các nghiên cứu khảo cổ đã thống kê được nhiều loài và nhiều tạo hình khác nhau của chim trên trống đồng, chẳng hạn như: cò, bồ nông, cỏ thìa, công; chim bay ngang dang cánh hoặc chim đậu gập cánh… Đặc biệt nhất là hình ảnh chim Lạc, luôn bay thành đàn gồm 4, 6 hoặc 8 con vòng quanh mặt trời theo cùng một hướng, tạo thành một chu kỳ nhịp nhàng trên mặt trống như điệu múa linh thiêng của vạn vật xoay quanh thần Mặt trời.

Bronze drum hoa van

Hình tượng chim muông thường xuất hiện trên trống đồng Đông Sơn.

trong dong dong son Bronze drum

Chim Tiên trên trống đồng Đông Sơn.

Sự xuất hiện của chim không chỉ dừng lại ở mô tả chính xác mà còn hòa vào sự sống và sinh hoạt của con người: người đội mũ gắn lông chim, trang phục có hoa văn cánh chim, mũi thuyền hóa đầu chim, thậm chí trong một số trường hợp, người và chim gần như nhập làm một. Điều này càng chứng tỏ tầm quan trọng của loài chim trong xã hội Lạc Việt.

Bronze drum hoa van

Hình người hóa trang lông chim, tay cầm nhạc cụ hoặc vũ khí.

trong dong dong son Bronze drum

Nhạc công đầu đội mũ lông chim vừa chơi nhạc, thổi khèn, vừa nhảy múa.

Bronze drum hoa van

Hình chim trên mũi thuyền trong trống đồng Hoàng Hạ.

do co nha suu tap nguyen van kinh

Chi tiết trên trống đồng thuộc bộ sưu tập Kính Hoa của nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính. Ảnh: Tư liệu

Ngoài chim, trên mặt trống đồng Đông Sơn còn có sự xuất hiện của hươu nai, voi, cá sấu, rùa, cóc, rắn. Mỗi loài gắn với một khía cạnh trong đời sống và tín ngưỡng của cư dân như sinh sản, săn bắt, bảo vệ, trường thọ, lũ lụt và mùa màng. Các nhà khảo cổ cũng xác định được nhiều họa tiết có hình dạng như xương cá, răng cá hay những chiếc mũi thuyền hình mắt cá, đầu rồng, cho thấy ngành ngư nghiệp và đóng thuyền đã phát triển mạnh mẽ ngay từ buổi đầu dựng nước.

trong dong dong son Bronze drum

Hình tượng chim Lạc và con cóc xuất hiện trên trống Thôn Mống. Ảnh: Ấn phẩm Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam

Nhìn chung, khác với các nền văn hóa coi động vật chỉ là đối tượng để săn bắt hoặc thuần hóa, cư dân Lạc Việt đưa động vật lên mặt trống như những thực thể linh thiêng vừa gần gũi, vừa mang tính biểu tượng. Tất cả những hình ảnh này cấu thành một hệ thống tín ngưỡng vật linh đặc trưng, trong đó mỗi loài vật đại diện cho một khát vọng và mong cầu của con người.

Hoa văn con người – Phản ánh đời sống cộng đồng

Điểm đặc biệt trong hoa văn Đông Sơn là sự hiện diện sinh động của con người – điều hiếm thấy trong nhiều nền văn hóa khác ở cùng khu vực và thời đại. Cụ thể, trong phạm vi Đông Nam Á, nền văn hóa Đông Sơn cùng với Sa Huỳnh và Đồng Nai là ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, tạo thành tam giác văn hóa thời kỳ đồ sắt với nhiều di vật tinh xảo. Tuy nhiên, hình khắc con người gần như vắng mặt hoặc nếu có thì cũng ở mức trừu tượng hóa cao độ, dưới dạng hình que, hình chấm khó xác định rõ hành vi trên các di vật của văn hóa Sa Huỳnh và Đồng Nai.

Điều này phản ánh một đặc điểm phổ biến trong tư duy biểu tượng của cư dân thời tiền – sơ sử: cần tách bạch thần linh khỏi thế tục. Hình ảnh con người, đặc biệt là người sống, thường không được thể hiện trên các vật phẩm nghi lễ hoặc tùy táng, vì bị cho là xâm phạm điều linh thiêng hoặc sẽ triệu hồi linh hồn. Thay vào đó, các nền văn hóa này chọn thể hiện động vật, mặt trời, họa tiết hình học hoặc các biểu tượng trừu tượng để đại diện cho sức mạnh, mùa vụ, giới tính hay tầng lớp. 

Bronze drum hoa van

Hình nhà cầu mùa mái vòm, trong nhà có người đứng hành lễ.

trong dong dong son Bronze drum

Hình người ngồi trên sàn cao đánh trống đồng hoặc đang phá khuôn sau khi đúc trống đồng.

Trong bối cảnh ấy, trống đồng Đông Sơn nổi bật như một ngoại lệ đầy ý nghĩa: không những không né tránh hình người mà còn chủ động khắc họa con người trong các trạng thái sinh hoạt và nghi lễ rõ ràng, từ múa hát, giã gạo, đánh trống đến chèo thuyền, hóa trang, đối đáp tình tự. Chẳng hạn, trên trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, nghệ nhân thường khắc họa cảnh người giã gạo, nhảy múa; người thống lĩnh chiến thuyền hay một nghi lễ hôn phối. 

Bronze drum hoa van

Hình nhà sàn mái cong, trong nhà có hai người tóc xõa ngồi đối diện nhau hát giao duyên và một người ngồi đánh trống.

trong dong dong son Bronze drum

Thuyền chiến với những người lính cầm đao, giáo, cung, trống trận (hình trên). 
Thuyền chiến, binh lính cùng chim, cá và rùa dưới nước (hình dưới).

Tất cả những khung cảnh ấy nối tiếp nhau trong một bức tranh đồng quê thịnh vượng, phác họa lại đời sống sinh hoạt văn hóa – xã hội của một nền văn minh lúa nước phát triển. Người Đông Sơn biết làm ruộng theo mùa, biết thu hoạch, tổ chức lễ hội mừng vụ mùa, biết chăn nuôi, săn bắt, đánh cá, thậm chí giao thương bằng đường thủy với các bộ tộc xa xôi. Những hoa văn ấy chính là chứng tích sống động về một xã hội đã có tổ chức, có nghi thức, có phân công lao động và ý thức cộng đồng.

Tính cân bằng trong hoa văn trống đồng

Trống đồng Đông Sơn không chỉ là một vật phẩm nghi lễ mang tính biểu tượng mà còn là hiện thân của tư duy tạo hình đậm chất Á Đông – nơi sự cân bằng và đối xứng được xem là nguyên lý tổ chức thế giới. Từ âm thanh của trống, bố cục hoa văn đến từng chi tiết tạo hình, tất cả đều thấm đẫm quan niệm âm dương hài hòa, thiên địa nhân tương hợp, phản ánh cái nhìn về trật tự vũ trụ của người Việt cổ.

Theo truyền thống, trong lễ tế trời đất phải đánh ba tiếng trống: tiếng thứ nhất ứng với “thiên” (trời), tiếng thứ hai ứng với “địa” (đất), tiếng thứ ba ứng với “nhân” (người). Đại diện cho quan niệm “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”, ba yếu tố cốt lõi để quốc gia thịnh vượng, mùa màng bội thu, xã hội yên ổn. Chính vì vậy, mặt trống cũng được tổ chức theo bố cục đồng tâm, tròn đều cân xứng tuyệt đối như một biểu hiện trực quan của vũ trụ vận hành hài hòa.

Càng đi sâu vào các lớp hoa văn, ta sẽ càng thấy rõ nguyên lý cân bằng và đối xứng là một chủ đích. Trên mặt trống, hoa văn được phủ kín từ trung tâm ra rìa mép, chia theo vành, mỗi hình tượng đều có đối xứng tương ứng. Ở lớp hình người, hình ảnh các đôi nam nữ giã gạo với chày và cối, cho thấy quy tắc kết hợp hài hòa và chặt chẽ giữa hai yếu tố âm – dương để tạo ra sự sống.

Bronze drum hoa van

Hình đôi nam – nữ giã gạo.

Không dừng ở con người, nguyên lý cân bằng âm dương còn hiện diện trong cách khắc họa các loài vật tổ. Trên nhiều mặt trống, đặc biệt là các trống thuộc nhóm A, mỗi một con hươu đực luôn đi đôi với một con hươu cái hay mỗi con chim Lạc mỏ dài sẽ đi kèm với một con chim Lạc mỏ ngắn. Đó không phải là sự sắp đặt ngẫu nhiên mà là nguyên tắc lưỡng hợp, thể hiện tư duy về sự cân bằng giới tính, về chu kỳ sinh sản và hơn thế là khát vọng sống thuận theo tự nhiên, có đôi có lứa, có âm có dương, từ đó vạn vật sinh trưởng và phát triển.

trong dong dong son Bronze drum

Hình nhà sàn mái cong với đôi chim đuôi dài đậu trên nóc.

Bronze drum hoa van

Hình chim Lạc đang bay xen kẽ chim mỏ ngắn đang đậu.

Tạm kết

Tựu trung, toàn bộ hoa văn trên trống đồng Đông Sơn là sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ nghệ chế tác đỉnh cao, tiêu chuẩn mỹ thuật tinh tế và tư duy biểu tượng đầy chiều sâu, mã hóa cả một hệ thống tư tưởng – tri thức – tín ngưỡng bằng những đường nét điêu khắc tỉ mỉ. Hiểu được hoa văn trên trống đồng chính là hiểu được những gì mà tổ tiên người Việt đã trải qua, cảm nhận rõ nét hơn về một nền văn minh hưng thịnh đã từng tồn tại và vẫn còn vang vọng đến ngày nay.

Thực hiện: Thùy Như | Ảnh: Sưu tầm


Xem thêm: 

Trống đồng Đông Sơn: Âm vang văn minh lúa nước

Điêu khắc: Dấu ấn bất diệt của văn minh nhân loại

Tranh Đông Hồ: Hồn Việt trong từng nét chạm