Trà đạo Nhật Bản được du nhập từ Trung Quốc vào khoảng cuối thế kỷ 12, sau khi thiền sư Eisai sang Trung Quốc tham vấn học đạo và mang hạt trà về Nhật trồng trong sân chùa. Người Nhật đã kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo, phát triển và nâng cao nghệ thuật này trở thành trà đạo-một loại hình văn hóa mang đậm bản sắc. Nghi thức trà đạo thường được dùng để tiếp đón khách quý, thể hiện lòng hiếu khách và sự trân trọng đối với người được mời.
Để thực hiện một buổi trà đạo đúng nghĩa, người hành lễ cần chuẩn bị đầy đủ các trà cụ. Mỗi vật dụng đều là một tác phẩm nghệ thuật được chế tác tinh tế từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Trong đó, Chawan (bát uống trà) được làm từ gốm, mang vẻ đẹp mộc mạc nhưng trang nhã; Chasaku (muỗng tre) dùng để múc bột trà matcha, được chạm khắc và uốn tỉ mỉ; Natsume (hộp đựng trà) thường làm từ gỗ sơn mài, thể hiện sự trang trọng của buổi trà. Và Chasen, chiếc chổi dùng để đánh bột matcha, là dụng cụ không thể thiếu trong bất kỳ các nghi lễ trà nào.
Giới thiệu về Chasen
Chasen, hay còn gọi là “chổi đánh trà”, xuất hiện từ thế kỷ 15 trong thời kỳ Muromachi và được cho là sáng tạo của Murata Juko, một trong những người sáng lập nghệ thuật wabi-cha trong trà đạo Nhật Bản. Sự ra đời của Chasen gắn liền với việc phát triển nghi thức pha trà bằng matcha, tạo nên sự tổng hòa giữa hương vị và hình thức.
Chế tác Chasen là một nghệ thuật thủ công tinh xảo tồn tại hơn 500 năm tại Nhật Bản. Làng nghề Takayama, thuộc tỉnh Nara, Nhật Bản, là nơi nổi tiếng nhất với nghệ thuật chế tác Chasen. Qua hàng thế kỷ giữ gìn và tinh chỉnh, mỗi chiếc Chasen là biểu tượng của sự tỉ mỉ và tận tâm, thể hiện lòng kính trọng của các nghệ nhân làng nghề Takayama với nghệ thuật và truyền thống.
Quy trình chế tác
Chọn và phơi tre: Nguyên liệu chính để làm chasen là tre madake hoặc hachiku (tre trắng) với các đốt dài, thân dẻo dai. Tre được thu hoạch vào mùa đông khi hàm lượng nước thấp. Sau khi phơi khô, tre được bảo quản trong kho tối thiểu từ một đến hai năm nữa để đạt đủ độ bền, màu sắc và độ bóng tự nhiên.
Chẻ nan và tạo dáng: Sau khi chọn tre, nghệ nhân tiến hành chẻ ống tre thành 16 nan bằng nhau. Tùy vào kiểu Chasen, 16 nan tre được chia nhỏ thêm từ hai đến tám lần để tạo thành Chasen có 36 đến 120 sợi. Kỹ thuật này đòi hỏi độ chính xác cao để đảm bảo sự đồng đều giữa các nan, giúp chổi hoạt động hiệu quả.
Giàn nan và uốn tỉa: Tiếp đến, nghệ nhân tiến hành giàn các nan ra và uốn nhẹ để tạo dáng quạt. Các nan được ngâm trong nước ấm để làm mềm trước khi tiếp tục tinh chỉnh. Sau đó, nghệ nhân cạo mỏng từng nan bằng bằng kỹ thuật aji-kezuri, loại bỏ phần thịt tre và chỉ giữ lại lớp vỏ ngoài để các nan dẻo và bền hơn.
Hoàn thiện và buộc chỉ: Sau khi uốn các nan thành hình dáng hoàn chỉnh, người nghệ nhân buộc Chasen bằng chỉ để cố định các nan lại. Mỗi Chasen có những biến thể khác nhau tùy theo số lượng nan và mục đích sử dụng, như Chasen cho usucha (trà loãng) có nhiều nan hơn để tạo bọt mịn, còn Chasen cho koicha (trà đặc) có nan dày hơn.
Giá trị văn hóa
Theo thời gian, Chasen được xem như biểu tượng của sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, khi mỗi chiếc Chasen được tạo nên từ tre – một loại nguyên liệu bền vững, gắn liền với sự thanh khiết và giản dị. Những động tác chậm rãi, cẩn trọng của trà nhân tạo nên một không gian tĩnh lặng và thanh bình trong trà thất. Khi tương tác Chasen với trà và nước, nó trở thành phương tiện giúp trà nhân thực hành “chánh niệm” – tự ý thức về sự có mặt của bản thân mình trong giây phút hiện tại. Trà đạo giúp con người tạm gác lại những lo toan của cuộc sống thường nhật, tìm về sự bình yên trong tâm hồn và cảm nhận vẻ đẹp giản dị, sâu lắng của từng giây phút.
Thực hiện: Tú Nguyên
Xem thêm:
Ấm trà – Chứa đựng tinh hoa nghệ thuật trà
Kyoto House – Nghệ thuật trà đạo và gốm sứ Ukraine trong ngôi nhà Nhật Bản truyền thống