Đất nước Nhật Bản với nhiều loại hình nghệ thuật thủ công như xếp giấy, cắt giấy, sơn mài, dệt vải…, được quan tâm và yêu thích tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Trong số đó, gốm sứ thủ công có vị trí đặc biệt bởi nó có liên hệ mật thiết với cuộc sống hằng ngày thông qua nghệ thuật cắm hoa và ẩm thực.
Trong nghệ thuật làm gốm Nhật, có đến 16 phong cách khác nhau, được xác định bởi chất liệu, màu sắc, hoạ tiết, khu vực… Ngoài ra, một số kiểu được ra đời do những kĩ thuật và thẩm mỹ mới được du nhập vào. Tuy nhiên, dù có sự khác nhau về nhiều khía cạnh, nhưng tên gọi của chúng đều được cấu thành từ địa danh ra đời và hậu tố “yaki” (nghĩa là nung) hoặc “ware”.
1. Agano-yaki
Kiểu làm gốm ra đời tại thành phố Fukuchi từ đầu thế kỉ 17, khi lãnh chúa của tỉnh Kokuka đã mời nghệ nhân làm gốm người Hàn Quốc Sonkai Joseon để xây một lò nung đặc biệt bên sườn núi Agano, được sử dụng qua nhiều thế hệ. Sản phẩm chủ đạo của dòng gốm này là trà oản, tách trà dùng cho các buổi nghi thức trà đạo, được đặc trưng bởi màu xanh được tạo ra bằng oxit đồng và màu nâu đỏ được tạo ra bằng men.
2. Akazu-yaki
Đây là một trong những phong cách làm gốm lâu đời nhất của Nhật Bản có từ thời Kofun, ở khu vực xung quanh Akazuchon, hiện nằm ở phía đông Thành phố Seto-là một trong những trung tâm gốm sứ lớn nhất Nhật Bản, với 60 lò truyền thống lâu đời bậc nhất vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.
Đây là địa danh đầu tiên sử dụng men cho gốm sứ. Nhờ sự lan rộng của trà đạo mà đồ gốm tráng men làm ở đây được đánh giá cao. Trong thời kỳ Edo, bảy loại men và kỹ thuật trang trí đã được phát triển, trong đó quan trọng nhất là in hoa và chạm khắc.
3. Aizu-Hongo-yaki
Phong cách này ra đời cách đây gần bốn thế kỉ, khi người cai trị tỉnh Aizu đón nhận và tích cực quảng bá gốm sứ địa phương. Bên cạnh đồ gốm, đồ sứ trắng cũng là một trong những sản phẩm lâu đời nhất của khu vực này. Một trong những điểm đặc biệt của dòng gốm này là kết hợp các kỹ thuật trang trí truyền thống của Nhật Bản, chẳng hạn như loại quặng xanh gọi là asbolite với thuốc nhuộm phương Tây.
4. Amakusa-yaki
Amakasu từng là một khu vực do các tướng quân cai quản trong thời Edo. Theo các tài liệu được ghi lại từ những năm 1670, đồ sứ chất lượng cao đã được sản xuất ở đây với số lượng lớn. Ngày nay, có 11 xưởng đang sản xuất gốm sứ Amakusa. Năm 2003, dòng gốm này được công nhận là sản phẩm thủ công truyền thống quốc gia với đặc trưng là màu trắng tinh khiết và hoa văn trang trí màu xanh lam.
5. Bizen-yaki
Lịch sử sản xuất đồ gốm ở khu vực Bizen bắt nguồn từ thời Heian và là một trong 6 lò nung cổ nhất của Nhật Bản. Ban đầu, người ta sản xuất và nung các đồ vật sử dụng hàng ngày và ngói lợp nhà. Đồ gốm làm ở đây thường có màu nâu đỏ, làm từ đất sét hyyose có đặc điểm rất khó tráng men. Vì vậy, các sản phẩm thuộc dòng này có kết cấu thô.
6. Echizen-yaki
Gốm sứ Echien được sản xuất từ một trong 6 lò gốm cổ nhất Nhật Bản và từng được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc đảo. Thời kỳ hoàng kim của nó kết thúc từ giai đoạn Minh Trị, dẫn đến nhu cầu gốm sứ giảm sút. Dòng gốm này được nung mà không cần trang trí và men được dùng lấy từ tro củi. Phong cách này tạo thành sự chuyển tiếp giữa gốm và sứ, được biết đến trong tiếng Nhật là yakishime, hay bán sứ.
7. Hagi-yaki
Phong cách này bắt nguồn từ thời Azuchi-Momoyama tại thị trấn Hagi, khi tướng quân Toyotomi Hideyoshi ra lệnh cho các chư hầu của mình đưa thợ gốm Hàn Quốc đến Nhật Bản để dạy học. Đồ gốm được làm ở đây dần phổ biến cho các nghi lễ trà đạo thời Taisho. Năm 1957, Hagi-yaki được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và được công nhận là sản phẩm thủ công truyền thống vào năm 2002.
8. Hasami-yaki
Phong cách Hasami ra đời từ năm 1598, khi Omura Yoshiaki, người cai trị tỉnh Omura đưa thợ gốm từ Hàn Quốc về. Ban đầu, họ làm đồ vật từ đất sét trong một lò nung đào trên sườn đồi và cho đến năm 1602, việc này đã được thay thế bằng đồ sứ men ngọc. Vào nửa sau thời kỳ Edo, Hasami trở thành khu vực sản xuất đồ sứ lớn nhất Nhật Bản. Vẻ đẹp của dòng sứ này chính là sự tương phản giữa sứ trắng và men gosu xanh, được sử dụng rộng rãi trong nhiều hộ gia đình Nhật Bản.
9. Iga-yaki
Bắt nguồn từ thời Nara nhưng phải sau đó 800 năm, đến thời Azuchi-Momoyama (1573-1600), dòng gốm Iga mới được biết đến nhờ sự phát triển của trà đạo. Nhiều trà sư đánh giá cao những sản phẩm này bởi vẻ đẹp từ hoa văn lượn sóng đặc trưng, khả năng chống cháy cao và bề mặt nhẵn được sơn màu đỏ đậm. Các nghệ nhân thường sử dụng men vidro, giúp đồ gốm có bề mặt như thủy tinh màu xanh lục đẹp mắt.
10. Imari và Arita-yaki
Từ năm 1616, chậu sứ đã được sản xuất quanh thị trấn Arita, khi bậc thầy gốm sứ Hàn Quốc Sam Pyeong Yi đã phát hiện ra mỏ cao lanh (loại nguyên liệu thô quan trọng để làm đồ sứ) trên núi Izumi, nơi trở thành cơ sở sản xuất đồ sứ địa phương. Ban đầu, những đồ vật có thành dày đơn giản được làm ở đây bằng men gosu màu xanh lam. Gia đình Kakiemon bắt đầu kĩ thuật tráng men trên men vào năm 1647 và phát triển một phong cách mang tên họ, nổi bật với hoa văn màu đỏ. Khoảng năm 1688, một phong cách địa phương khác xuất hiện, sử dụng hoa văn màu đỏ và vàng. Mặc dù được phân biệt bởi hai cái tên Imari-yaki và Arita-yaki, nhưng thực tế chúng đều có cùng một nguồn gốc, được đặt tên đơn giản theo cảng nơi chúng được vận chuyển hoặc nơi chúng được nung.
11. Iwami-yaki
Đồ gốm Iwami được sản xuất xung quanh thành phố Gotsu, bắt đầu từ khoảng năm 1600 khi quân Nhật xâm chiếm Hàn Quốc và mang theo thợ gốm Roroushi. Nghề làm đồ sứ bắt đầu vào năm 1765, khi một người thợ gốm ở tỉnh Iwakuni dạy kỹ thuật cho thợ địa phương.
Một sự kiện quan trọng khác là lời mời của những người thợ gốm từ Bizen vào những năm 1780, đánh dấu sự khởi đầu của việc sản xuất những bình đựng nước lớn gọi là hando, có kích thước lớn bằng một đứa trẻ để đựng đủ nước sinh hoạt trong giai đoạn khan hiếm. Đồ gốm iwami có khả năng hút nước thấp và chống chịu muối, axit hóa, kiềm hóa. Phong cách này đặc trưng bởi màu nâu đỏ sẫm đậm nhờ sử dụng men kimachi có chứa sắt.
12. Izushi-yaki
Gốm sứ ở thành phố Izushi bắt đầu ra đời từ năm 1764 khi thợ thủ công Izuya Yazaemon thành lập một xưởng gốm. Sau đó, một thợ gốm địa phương được cử đến Arita để học nghề và trở về cùng với một thợ gốm từ Arita, người đã định cư ở đây và trở thành chuyên gia sản xuất đồ gốm bằng đất sét khử men.
Vào nửa sau của thời kỳ Edo, gia tộc Izushi cố gắng kiểm soát ngành công nghiệp gốm sứ và một tổ chức ưu tú tập trung gồm các thợ gốm Arita đã được thành lập. Đồ sứ trắng được sản xuất ở đây đã giành giải vàng tại Hội chợ Thế giới St. Louis năm 1904 và trở nên nổi tiếng thế giới.
13. Karatsu-yaki
Gốm Karatsu được sản xuất ở tỉnh Saga và Nagasaki từ thế kỷ 16 với những chiếc bình trà được ưa chuộng trong thời kỳ Azuchi-Momoyama. Vào thời Edo, các xưởng ở tỉnh Saga bị phá hủy và hoạt động sản xuất gốm sứ tập trung ở Arita. Đến thời Meiji, số lượng gốm sứ Karatsu tiếp tục giảm, nhưng nhờ sự nỗ lực tâm huyết của thợ gốm Nakazato Muan, nghề thủ công truyền thống đã được bảo tồn cho hậu thế.
14. Kasama-yaki
Dòng gốm Kasama-yaki ra đời tại thị trấn Kasama vào thời Edo, khi một người thợ gốm tên Choemon dạy cho trưởng làng làm đồ gốm Hakoda. Nghề gốm địa phương sau đó phát triển dưới sự bảo trợ của điền trang Kasama, chuyên sản xuất chai lọ và bộ đồ ăn. Sau chiến tranh, Trường dạy gốm sứ Tỉnh Ibaraki được thành lập để đào tạo những thợ gốm mới.
Gốm sứ Kasama có khả năng chống ô nhiễm, phù hợp để sử dụng hàng ngày. Những chiếc nồi không tráng men chứa sắt sẽ chuyển sang màu nâu sau khi nung. Ngày nay, gốm sứ Kasama chủ yếu được sử dụng làm đồ trang trí trong gia đình và bình hoa.
15. Koishiwara-yaki
Gốm Koishiwara-yaki được sản xuất tại quận Asakure của tỉnh Fukuoka, bắt nguồn từ việc phát hiện ra một loại đất sét mới vào năm 1669 bởi thợ gốm Takatori Hachinojo. Năm 1682, người đứng đầu tỉnh mời thợ gốm bậc thầy từ Imari đến làm việc với Hachinojo để làm đồ sứ. Vài năm sau, nghề gốm ở đây tạm ngưng và được hồi sinh vào năm 1927 với sự ra đời của bình hoa, rượu sake và ấm trà.
Sau Thế chiến II, nhu cầu gốm sứ Koishiwara tăng lên và đến năm 1975, đây là dòng sứ đầu tiên được Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế công nhận là sản phẩm thủ công truyền thống. Sự độc đáo của chúng là các hoa văn được tạo ra khi quay trên bàn xoay của thợ thủ công. Các kỹ thuật tráng men phổ biến nhất là nagashikake với chất men được phủ đều đặn, uchikake với chất men được nhỏ giọt từ từ, và ponkaki với men được rót từ một chiếc bình tre lên đồ gốm đang quay trên bàn xoay.
16. Kutani-yaki
Gốm Kutani-yaki ra đời quanh thị trấn Kaga từ đầu thế kỷ 17, được đặt tên từ ngôi làng nơi chúng được sản xuất lần đầu tiên. Lãnh chúa Kutani đã cử một thợ gốm đến Arita để tu nghiệp. Khi trở về, ông đã thành lập xưởng của mình và hoạt động được khoảng 50 năm. Đồ gốm được làm trong thời kỳ này được gọi là ko-Kutani (Kutani cũ), có đặc điểm màu sắc tươi sáng và hoa văn đặc biệt. Vào thế kỉ 19, việc sản xuất tại khu vực được trở lại, một vài phong cách địa phương phát triển, được phân biệt bằng màu sắc và có thể vẽ trang trí bằng nhiều màu trên bề mặt men.
Thực hiện: Hoàng Lê
Xem thêm
Đào – Vớt – Bờ trong thế giới cổ ngoạn (Phần 1)
Kyoto House – Nghệ thuật trà đạo và gốm sứ Ukraine trong ngôi nhà Nhật Bản truyền thống