Đất nung (gốm không men) là dòng sản phẩm đa dạng, gắn liền với sự phát triển các nền văn hóa Việt cổ và lân bang kế cận. Khi Đại Việt hình thành sau ngàn năm Bắc thuộc, gốm đất nung bước vào giai đoạn thăng hoa, sản phẩm không chỉ gói gọn trong phạm vi sử dụng thường nhật hay đồ phục vụ tế tự, cúng bái, mà còn phát triển về mỹ học, tạo hình, công năng, đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng chốn cao sang, cung đình, hoàng tộc. Việc kiến thiết kinh thành Thăng Long sử dụng các hình thái đất nung trong gạch xây dựng, tượng trang trí kiến trúc… là một điển hình. Những hiện vật khai quật khảo cổ học của dòng đất nung này cho thấy một di sản đồ sộ mà chiếu theo dòng chảy gốm đất nung, sẽ thấy ở đó những kỳ quan, nổi trội là hệ tượng trang trí.
Gam màu đỏ son, cốt đất đanh chắc nhờ quá trình sàng lọc tạp chất được thực hiện kỹ lưỡng, những bức tượng gốm mang niên đại từ thời Lý, được thể hiện dưới dạng tượng độc lập, tức dạng tượng có thể đứng một mình chứ không bao hàm trong quần thể hay trong một cụm trang trí. Kỹ thuật tác tạo tượng đơn thời Lý là chi tiết hiếm gặp ở các thời kỳ trước đó của gốm đất nung, chứng tỏ từ thời kỳ này nghệ thuật gốm đất nung đã có bước đột phá lớn.
Gốm đất nung thời Lý đánh dấu bước chuyển mình lớn, những hình lá đề, uyên ương, rồng, phượng… được tác tạo, dùng cho trang trí kiến trúc. Hình thái gốm đất nung đã qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều trong số ấy vẫn được duy trì ở các làng gốm cổ dọc chiều dài đất nước, với kỹ thuật tác tạo giữ theo nguyên bản như cách tổ tiên đã làm từ ngàn xưa. Nhìn lại những hình tượng qua hiện vật gốm đất nung còn lưu lại – dù không nhiều, nhưng có thể thấy rõ tính thẩm mĩ, cảm xúc, tinh thần được người thợ gốm thể hiện vào tôn tượng rất cụ thể và sắc nét trong từng chi tiết tác tạo.
Nhìn trên bản đồ gốm Việt, đất nung vẫn là chất liệu phổ biến. Các dòng gốm cổ như Phùng Nguyên, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo… đều định thành những dòng chuyên biệt để người sưu tầm theo đuổi, mong được sở hữu những nét đẹp mộc mạc trong tạo hình, trong trang trí cốt gốm. Được tác tạo mang công năng sử dụng, các dòng gốm đất nung cổ xưa đều thuộc dòng nhẹ lửa, cốt gốm xốp, mong manh dễ vỡ theo thời gian, bù lại cái đẹp mộc mạc, đơn sơ, thậm chí ngô nghê của gốm đất nung lại là cái duyên ngầm để người yêu cổ ngoạn săn tìm.
Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Quỳnh – nguyên Chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM – cũng là một người đam mê các dòng gốm đất nung cổ đại, đã từng chia sẻ: “Gốm đất nung từng thời kỳ, đều mang cái đẹp rất riêng, đơn giản thôi nhưng càng nhìn ngắm, chiêm nghiệm, càng thấy trong gốm toát lên vẻ đẹp đặc biệt, không hào nhoáng, sôi nổi, tinh hoa như đồ sứ, đồ gốm tráng men, nhưng đầy thâm trầm, sâu lắng, quyến rũ, càng nhìn, càng thấy mê”. Gốm đất nung gợi sự thân quen, dễ tiếp nhận, cốt gốm biểu hiện sự mộc mạc vốn có, kết hợp thêm nét văn hóa, mỹ thuật của thời điểm tạo hình, làm nên bản sắc từng dòng chuyên biệt.
Qua hàng thế kỷ tồn tại, nhiều dòng gốm đất nung bản địa sản xuất đồ gia dụng dọc chiều dài đất nước vẫn duy trì hoạt động, kỹ thuật, phương cách sản xuất không mấy đổi thay, thị trường hiển nhiên có thu hẹp nhưng vẫn còn đó sức hấp dẫn để người làm gốm trụ lại với nghề, nhiều dòng gốm tưởng đã thất truyền nhưng dần được hồi sinh. Bàu Trúc, Gò Sành, Sa Huỳnh, Trù Sơn, Thổ Hà, Phù Lãng… những địa danh nổi trội trên bản đồ gốm đất nung Việt vẫn đang tiếp nối sứ mệnh bảo tồn, lưu giữ, phát triển những nét đẹp chân phương, mộc mạc của nghề gốm đất nung vào kỷ nguyên mới.
Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình
Xem thêm: