Di sản từ lòng đất Thăng Long

Trầm tích thời gian cùng cát bụi ngàn năm đã che phủ lên một miền di sản đặc biệt. Ở đó, những nét đẹp về kiến trúc, trang trí, cùng vô vàn hiện vật mang đậm dấu ấn cung đình qua các thời kỳ phát triển của dân tộc Việt sau ngàn năm Bắc thuộc vẫn còn hiện hữu rõ. Khám phá nét đẹp Hoàng thành Thăng Long qua những hiện vật khảo cổ từ lòng đất kinh thành, đặc biệt là loại hình gốm trang trí đất nung trên kiến trúc cung đình để thấy rằng mỹ thuật tạo hình của người Việt xưa đã đạt đến đỉnh cao trong chế tác gốm kiến trúc của mọi thời đại.

co vat hoang thanh thang long

Không gian trưng bày các hiện vật khai quật từ di tích Hoàng thành Thăng Long.

Từ Đại La đến Lý, Trần, Lê, Nguyễn, sang cả thời kỳ Pháp thuộc, tổng cộng hơn 13 thế kỷ với biết bao thăng trầm, các vương triều đất Việt vẫn tiếp nối nhau phát triển không đứt đoạn. Các dấu tích từ kiến trúc, cảnh quan đều trên một nền tảng là kinh thành Thăng Long, một vùng đất thiêng theo quan niệm của các triều đại Việt. Công tác khảo cổ đã phát lộ các lớp nền kiến trúc chồng lên nhau. PGS. TS Nishimura Masanari thuộc Đại học Kansai, Osaka, Nhật Bản – trong chuyến đến thăm cuộc khai quật Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long do Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện đã nói: “Chắc chắn đây là trường hợp lâu dài nhất trong khu vực châu Á và có lẽ chỉ Rome (Ý) mới có thể so sánh được”.

co vat gom hoang thanh thang long

Chân tảng đá sa thạch với nét điêu khắc cánh sen kép trong trang trí kiến trúc thời Lý thế kỷ XI – XII

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, từ thời Đại La, Khâu Hòa đã cho xây Tử Thành vào năm 621. Dựa trên những khai quật từ Hoàng thành Thăng Long, dấu tích thời Đại La còn hiện hữu rõ qua các hiện vật gạch xây dựng, giếng nước, cống thoát nước, nền móng, sân gạch, cột gỗ dựng nhà… Đến năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, và triều Lý trong suốt 216 năm tồn tại (1009 – 1225), đã đem lại những thành tựu rực rỡ cho thời kỳ phục hưng Đại Việt sau ngàn năm Bắc thuộc. Với tổng cộng 207 công trình kiến trúc bao gồm: cung, điện, phủ, lâu đài, đền, chùa, tháp, đình, đàn tế, miếu, quán, nơi sinh hoạt của triều đình, hoàng tộc… Các kiến trúc hầu hết bằng gỗ nên qua thời gian đã bị hủy hoại, chỉ còn lại các chi tiết mái lợp, ngói trang trí, những bờ nóc, giáp mái, diềm mái, góc mái, các phù điêu lá đề, tượng đầu rồng, phượng, uyên ương mang nghệ thuật hoa mỹ, khác biệt hẳn với mỹ thuật tạo hình các nước trong khu vực.

di san co vat hoang thanh thang long

Một mảng trang trí rồng được phát lộ trong khu di tích 18 Hoàng Diệu, Hà Nội.

Các hiện vật nổi bật trong việc khai quật ở khu vực Hoàng thành Thăng Long là gốm trang trí kiến trúc bằng đất nung kích cỡ lớn như đầu rồng – phượng thời Lý – Trần. Chuyên gia khảo cổ học PGS-TS Tống Trung Tín đã đưa ra những lý giải: “Hình tượng rồng – phượng mang mẫu số chung của nhiều nước, nhưng linh vật này ở thời Lý khác biệt hẳn. Mỹ thuật tạo hình thời Lý đã làm nhòa đi văn hóa ngoại lai, tự khẳng định mình và phục hồi mạnh mẽ. Đây là một hiện tượng, một dẫn chứng thể hiện bản sắc dân tộc vẫn bền vững và phát triển”.

Đề tài trang trí trên gốm kiến trúc ở Hoàng thành Thăng Long sử dụng nhiều hình tượng liên quan đến văn hóa Phật giáo như uyên ương, sen, lá đề… với hình khối, đường nét cùng lối chạm, khắc đều rất cầu kỳ, tinh xảo, thể hiện tài hoa của người thợ đang sống trong một xã hội với thịnh trị của vương triều, thái bình của dân tộc. Vùng trung tâm Hoàng thành rộng 120 hecta, công tác khảo cổ bảo tồn (khác với khảo cổ phá hủy) của di tích qua các triều đại Việt chỉ mới bắt đầu. Thăng Long xưa hẳn vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị đang chờ được khám phá.

di san thang long

Đường gạch trang trí hoa chanh thuộc kiến trúc thời Trần, thế kỷ XIII – XIV và Đoan Môn – cửa chính phía Nam xây dựng từ thời Lê – một trong năm công trình còn lưu lại của kinh thành Thăng Long xưa. Ảnh phải Gạch hộp trang trí long – vân thời Mạc, thế kỷ XVI.

Thực hiện: NGUYỄN ĐÌNH


Xem thêm

Đông Dương – Một thời đại, vùng địa lý và phong cách kiến trúc

Nét chạm tinh trên nền đá Đại Việt