Nét chạm tinh trên nền đá Đại Việt

Có tỉ mỉ chi tiết, có khoáng đạt bay bổng, nghệ thuật điêu khắc sử dụng chất liệu đá của các vương triều Đại Việt để lại nhiều di sản nổi bật thể hiện trên linh thú, kiến trúc, mảng trang trí nơi kinh thành, chùa miếu, lăng tẩm. Mỗi thời kỳ, ngôn ngữ điêu khắc đều biểu hiện phong cách riêng, đẹp kỳ diệu qua năm tháng.

Nghệ thuật điêu khắc đá Đại Việt phát triển ngày càng rõ nét từ thời Lý, điểm chung trong nghệ thuật điêu khắc đá ở giai đoạn này, vừa muốn khẳng định sự độc lập tự chủ, thể hiện sự hưng vượng của vương triều khi muôn dân an lạc thái bình, nên trong nghệ thuật nói chung và điêu khắc đá nói riêng, thể hiện sự tinh tế, chi tiết, độ sắc trong từng nét chạm với các đề tài thiên nhiên như mây núi, hoa lá – đặc biệt là sen, hay các loài linh thú với tạo hình nổi trội là rồng uốn khúc mềm mại. Giai đoạn phát triển nghệ thuật điêu khắc thời Lý, Trần (từ thế kỷ 11 – 15), vẫn thấy ảnh hưởng từ nghệ thuật Chămpa như hình tượng Kinari (tượng đầu người mình chim) ở chùa Phật Tích, bệ đá tam thế ở chùa Thầy, hình tượng chim thần Garuda tại chùa Bối Khê… Đến các giai đoạn muộn hơn, bắt đầu từ Lê Sơ đến Lê Trung Hưng (1428 – 1789), nghệ thuật sáng tác, điêu khắc trên đá thực sự thăng hoa.

Nét chạm tinh đá Bảo tháp Báo Nghiêm

Bảo tháp Báo Nghiêm, một công trình kiến trúc và trang trí toàn vẹn bằng đá từ thế kỷ 17. Ảnh: Nguyễn Đình

Nét chạm tinh Đại Việt Rồng đá thời Trần

Rồng đá thời Trần ở lan can thành bậc chùa Trăm Gian. Ảnh: Nguyễn Đình

Nét chạm tinh Đại Việt trống đá chùa Bút Tháp

Điêu khắc trống đá (thạch cổ) án ngữ hai bên đầu cầu đá trong khuôn viên chùa Bút Tháp. Ảnh: Nguyễn Đình

Nét chạm tinh đá Đại Việt song sư hí cầu

Song sư hí cầu, đề tài trang trí ở chân tháp Báo Nghiêm với lối chạm bong trên nền đá. Ảnh: Nguyễn Đình

Nét chạm tinh rồng đá thời Lê sơ

Rồng đá thời Lê sơ ở điện Kính Thiên, hoàng thành Thăng Long có niên đại 1467. Ảnh: Nguyễn Đình

Nét chạm tinh đá Đại Việt lan can chùa Bút Tháp

Lan can trang trí phù điêu hoa – điểu, tùng – lộc ở chùa Bút Tháp. Ảnh: Nguyễn Đình

Đá là chất liệu xa xỉ được dùng trong kiến trúc Đại Việt, nghệ thuật điêu khắc trên đá đồng thời phản ánh rõ nhân tình thế thái thời kỳ ấy. Điêu khắc đá ở thời kỳ này dùng trong các công trình kiến trúc, từ hoàng cung, chùa miếu, bia ký, đền tháp… Các hình tượng linh thú như nghê, rồng, kỳ lân… cũng được biến thể dáng thế cho hợp với thời đại. Dáng thế các linh vật Đại Việt thể hiện rõ nét sự thay đổi qua các vương triều. Cùng một loài linh thú như rồng, nghê, sư tử… nhưng từng giai đoạn, lại có tạo hình và nét trang trí riêng. Bên cạnh những sáng tạo về bố cục, hình khối, cảm xúc, dấu ấn nghệ thuật điêu khắc đá Đại Việt từ các thời kỳ là chi tiết trang trí trên chủ thể với kỹ thuật đi nét điêu luyện, thể hiện qua các đề tài mây, lửa, chim – hoa, vảy rồng – nghê, đao mác, râu, tóc, sen đơn, sen kép… như một ngôn ngữ định dạng riêng, rất Việt, không thể nhầm lẫn.

Nét chạm tinh đá Đại Việt điện Nam Giao

Chi tiết chạm khắc trên đá tinh xảo, tỉ mỉ các đề tài linh thú, hoa lá trong trang trí đường diềm bia điện Nam Giao, Bảo vật quốc gia thời Lê sơ. Ảnh: Nguyễn Đình

Nét chạm tinh Đại Việt hương đá Tứ Kỳ

Hương đá Tứ Kỳ, tác tạo năm Bính Ngọ (1666) với đôi rồng vuốt râu đặc trưng của điêu khắc đá thời Lê Trung Hưng. Ảnh: Nguyễn Đình

Nét chạm tinh đá Đại Việt rồng yên ngựa thời Lê

Rồng yên ngựa thời Lê trong di tích Lam Kinh, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Đình

Nét chạm tinh Đại Việt nghê đá thời Lê

Nghê đá thời Lê, một tạo hình oai vệ mang hào khí vương triều với chi tiết trang trí vảy xoắn ốc, lửa, tạo độ thiêng hóa cho linh vật. Ảnh: Nguyễn Đình

Hình tượng hổ trong khu lăng mộ ở Lam Kinh

Gương mặt cảm xúc của hình tượng hổ trong khu lăng mộ ở Lam Kinh. Ảnh: Nguyễn Đình

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình


Xem thêm:

Điêu khắc đá trong hội quán người Hoa