Kiến trúc sư Tue Hesselberg Foged: Tư duy kiến trúc cần chuyển dịch từ EGO sang ECO

Lần đầu tiên đến Việt Nam với tư cách giám khảo hạng mục Kiến trúc bền vững tại EVSDA 2025, KTS Đan Mạch Tue Hesselberg Foged đã mang theo tinh thần đặc trưng của EFFEKT, văn phòng thiết kế nổi tiếng với các dự án tiên phong về tái sử dụng, giảm khí thải nhà kính và hệ sinh thái đô thị.

Tue Hesselberg Foged là Đồng sáng lập và Giám đốc Sáng tạo của EFFEKT. Anh cùng các cộng sự đã thực hiện nhiều dự án ấn tượng và giành được nhiều giải thưởng uy tín thông qua sự thấu cảm, hiểu biết sâu sắc về không gian và phương pháp tiếp cận toàn diện đối với kiến trúc, đô thị, cảnh quan và nghiên cứu. Tue Foged cùng đồng sự tạo ra những giải pháp thiết kế có khả năng giải quyết các thách thức lớn đương thời đối với xã hội và môi trường.

Tue hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ các dự án cải tạo đến những dự án kiến trúc và cảnh quan. Tue chịu trách nhiệm thiết kế các điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới như Tháp Camp Adventure (2019), Công viên Hamaren (2021), và Vejle Viewpoints (2019), cùng việc chuyển đổi các không gian công nghiệp thành các trung tâm cộng đồng sôi động như GAME Streetmekka Esbjerg (2016) và GAME Streetmekka Viborg (2018).

Tại sự kiện Venice Biennale of Architecture 2021, EFFEKT đặt câu hỏi “Chúng ta sẽ sống cùng nhau như thế nào?” – thách thức những cách thức sống, xây dựng và tiêu thụ thông thường trong khi hình dung lại một tương lai hài hòa với thiên nhiên. Những suy nghĩ này vẫn tiếp tục định hình công việc của Tue, đảm bảo rằng mỗi dự án là một bước tiến đến môi trường sống bền vững hơn.

Trong cuộc trò chuyện cùng ELLE Decoration, kiến trúc sư Tue Hesselberg Foged chia sẻ góc nhìn sâu sắc về vai trò của kiến trúc trong tương lai – nơi sự phát triển và bền vững không phải là sự đối lập, mà là hai mặt của một tầm nhìn dài hạn.

Thân chào kiến trúc sư Tue Hesselberg Foged, khi nhận lời mời làm giám khảo hạng mục “Kiến trúc bền vững” tại Giải thưởng EVSDA, ấn tượng của anh về dự án này là gì?

Lần đầu tôi đến Việt Nam và thực sự ấn tượng bởi lòng hiếu khách và sự nồng hậu từ những người bạn bản xứ. Tôi tin rằng việc củng cố quan hệ giữa Âu – Á là vô cùng cần thiết, và vì thế, rất vui được tham gia một sáng kiến thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và đối thoại giữa hai khu vực, đặc biệt trong giai đoạn thế giới đang nhiều biến động như hiện nay.

Tại EFFEKT, anh cùng cộng sự định nghĩa và thực hành kiến trúc bền vững như thế nào?

Chúng tôi hướng đến những giải pháp có lợi cho cả con người và hành tinh. Nghe đơn giản, nhưng khi bắt tay vào quy hoạch đô thị hay thiết kế công trình, mọi thứ trở nên rất phức tạp. Vì vậy, chúng tôi luôn “nghĩ trước khi vẽ” – tức là thực hiện phân tích sâu, đặt lại câu hỏi đúng, từ đó tìm ra câu trả lời phù hợp. Chúng tôi lấy cảm hứng từ cách vận hành của tự nhiên và các hệ sinh thái mang tính toàn diện, kết nối và định hướng theo hệ thống.

kien truc su dan mach effekt Tue Hesselberg Foged chan dung

Kiến trúc sư Tue Hesselberg Foged. Ảnh: An Bảo

kien truc su dan mach effekt Tue Hesselberg Foged The Forest

Dự án The Forest nằm trong công viên Camp Adventure thuộc khu rừng bảo tồn Gisselfeld Klosters Skove phía Nam Đan Mạch do KTS Tue Hesselberg Foged cùng các cộng sự thực hiện, gồm một lối đi bộ dài 900m được kết nối với tháp quan sát cao 45 mét, tạo nên trải nghiệm di chuyển thú vị giữa những hàng cây. tue hesselberg foged

kien truc su dan mach effekt Tue Hesselberg Foged The Forest

Hình dạng ống trụ thắt ở giữa với phần đế và đỉnh tháp được mở rộng không chỉ làm tăng độ ổn định mà còn tối đa hóa diện tích cho đài quan sát.

Kiến trúc thường gắn liền với bản sắc và tính địa phương. Trong thời đại toàn cầu hóa, anh nghĩ bản sắc đang dần phai nhạt hay trở thành một giá trị bền vững mới?

Tôi rất trân trọng kiến trúc bản địa và những giải pháp gắn liền với điều kiện môi trường cũng như văn hóa sở tại. Điều đó thể hiện rõ bản sắc và cảm giác thuộc về bản địa. Điều này trái ngược hoàn toàn với kiểu đô thị hóa đại trà, nhanh chóng và vô danh đã lan rộng toàn cầu, nơi các tòa tháp kính, các khối bê tông thiếu đi mối liên hệ với con người và môi trường xung quanh. Để đối diện với thách thức này, tôi tin rằng chúng ta cần một cách tiếp cận mang tính toàn cầu, áp dụng nguyên lý bền vững trên quy mô hệ thống, nhưng phải được “may đo” cẩn trọng cho từng bối cảnh địa phương. Như vậy, kiến trúc mới vừa có thêm trách nhiệm với môi trường, vừa phát huy giá trị bản sắc.

Là một chuyên gia có nhiều chia sẻ về chủ đề kiến trúc bền vững, anh có nghĩ rằng kiến trúc xanh là con đường tất yếu của tương lai?

Chuyển đổi xanh là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Tại EFFEKT, chúng tôi gọi đây là hành trình từ EGO sang ECO – từ tư duy cá nhân sang tư duy hệ sinh thái. Chúng ta phải thiết kế trong giới hạn Ảnh trên Thiết kế lối đi của The Forest được kết nối liền mạch với độ dốc vừa phải, giúp tất cả mọi người đều có thể tiếp cận khu rừng, bất kể tuổi tác và tình trạng thể chất của họ. hành tinh, tạo ra các giải pháp tái sinh thay vì chỉ bền vững, những giải pháp không chỉ giảm tổn hại mà còn khôi phục thiên nhiên. Một phần của điều đó là kết nối lại con người và tự nhiên, thông qua thiết kế có sinh khí (biophilic design), sử dụng vật liệu tự nhiên, tái tạo công trình cũ và thay đổi tư duy kiến trúc để phục vụ không chỉ người dùng mà cả môi trường sống.

Đô thị hóa là xu hướng tất yếu. Theo anh KTS đóng vai trò gì trong quá trình này?

Tôi tin rằng thành phố lý tưởng là nơi nuôi dưỡng sự kết nối và tương tác xã hội. Nhưng khi phát triển đô thị chỉ dựa trên đầu cơ tài chính, thành phố sẽ mất đi tính nhân văn và trở nên rời rạc, thiếu sinh khí. KTS có vai trò thiết yếu trong việc kiến tạo những đô thị đáng sống, toàn diện và bền vững. Nghịch lý là phần lớn công trình ngày nay không hoàn toàn được quyết định bởi KTS mà sẽ có khá nhiều sự can thiệp và hạn chế bởi yếu tố kinh tế, bài toán đầu tư. Điều đó cho thấy chúng ta cần nâng tầm chất lượng thiết kế và đưa tư duy kiến trúc vào sâu hơn, sớm hơn trong quy trình phát triển xây dựng.

kien truc su dan mach effekt The Forest

Thiết kế lối đi của The Forest được kết nối liền mạch với độ dốc vừa phải, giúp tất cả mọi người đều có thể tiếp cận khu rừng, bất kể tuổi tác và tình trạng thể chất của họ.

Anh đã từng tái sử dụng nhiều công trình công nghiệp cũ. Theo anh, lợi ích lớn nhất của việc chuyển đổi công năng là gì?

Nếu nói ngắn gọn thì: “Công trình bền vững nhất chính là công trình đã tồn tại”. Chúng ta đã xây dựng phần lớn diện tích cần thiết cho tương lai. Vấn đề là: Làm sao để tái sử dụng và cải tiến chúng? Một ví dụ cụ thể là Streetmekka Viborg, chúng tôi đã chuyển nhà máy cũ này thành trung tâm văn hóa thể thao đường phố, chỉ dùng 1/3 ngân sách so với việc xây mới, đồng thời phát thải ít hơn rất nhiều. Và hiện nay, đó là công trình được sử dụng nhiều nhất ở thành phố, chứng minh rằng tái sử dụng có thể tạo ra không gian sống động và giàu bản sắc.

Với vai trò giám khảo, anh kỳ vọng gì ở các ứng viên tham dự Giải thưởng EVSDA?

Tôi đã thấy được nhiều công trình xuất sắc tại Việt Nam, và mong chờ thêm nhiều bất ngờ thú vị trong quá trình chấm giải.

Living Places Copenhagen kien truc su dan mach effekt

Ngôi nhà mẫu thuộc dự án Living Places Copenhagen do EFFEKT, Artelia và tập đoàn VELUX khởi xướng. Dự án tập trung vào việc nghiên cứu cách xây dựng nhà ở với lượng khí thải CO2 thấp hơn ba lần hạn mức được quy định trong luật hiện hành của Đan Mạch.

Better Energy Charge

Better Energy Charge – thiết kế trạm sạc nhanh dành cho xe điện tại Sønderborg, Đan Mạch, biến trạm sạc thông thường thành một công viên thu nhỏ.

Được biết anh đã gặp gỡ và kết bạn với nhiều kiến trúc sư trong chuyến thăm Việt Nam lần này?

Dù thời gian không nhiều, nhưng tôi đã có dịp làm quen với nhiều đồng nghiệp mới. Tôi rất ngạc nhiên bởi tính kết nối xã hội của cộng đồng kiến trúc sư tại TP.HCM – đó là một mạng lưới khá gần gũi và năng động, hiếm thấy ở một thành phố lớn như vậy.

Anh có thể chia sẻ một vài dự án tiêu biểu của EFFEKT?

– Streetmekka Viborg – chuyển một nhà máy cũ thành trung tâm thể thao đường phố với ngân sách tiết kiệm và giảm khí thải nhà kính.

– Hamaren Tree Top Walk – đường đi bộ trên tán cây bằng gỗ địa phương, tạo điều kiện cho tất cả mọi người tiếp cận thiên nhiên.

– Living Places – dự án nhà ở thử nghiệm có lượng phát thải carbon thấp nhất Đan Mạch, sử dụng vật liệu sinh học và đảm bảo chất lượng sống cao với chi phí hợp lý.

Thực hiện Nguyễn Đình – Ảnh An Bảo & NVCC 


Xem thêm

Sự kiện Ra mắt Giải thưởng Thiết kế Bền vững EU – Vietnam (EVSDA) mùa I: Thiết kế cho đời sống thường ngày

Giám tuyển thiết kế Angela Rui: Kết nối liên ngành trong bối cảnh tôn trọng tính bản địa

Chuyên Gia Chiến Lược Simon Betsch: Sự đột phá là khi sáng tạo gặp gỡ tầm nhìn chiến lược

NTK Sabine Marcelis: Diễn giải bền vững qua lăng kính văn hóa