Sài Gòn có tượng gốm Cây Mai

Kỹ thuật chế tác, đề tài thể hiện, tay nghề người thợ, bối cảnh ra đời… của hệ thống tượng thờ, tượng trang trí kiến trúc gốm Cây Mai, gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa nhóm Ngũ Bang khi đến định cư vùng Chợ Lớn.

Cuối thế kỷ 19, gốm Cây Mai Sài Gòn xưa nổi lên thành điểm nhấn đáng chú ý bởi sự kết hợp của du nhập (kỹ thuật), bản địa (nguyên liệu), cộng thêm nhu cầu tiêu dùng của thị trường, đặc biệt trong mảng sản xuất các thể loại tượng lớn nhỏ, tạo cho tượng gốm Cây Mai giữ vị trí không thể thay thế trong trang trí kiến trúc chùa miếu của người Hoa từ những năm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 ở Chợ Lớn và Sài Gòn – Gia Định xưa. Màu men đặc trưng gốm Cây Mai là xanh lục đậu, hầu hết đều xuất hiện trên các dòng sản phẩm, riêng hệ tượng có nhiều chi tiết không phủ men, để mộc, qua lửa lò tạo màu trắng ngà hoặc nâu nhẹ do ngả sành, trông rất duyên.

Gom Cay Mai Cho Lon 1

Hình tượng Hà Tiên Cô tay cầm đóa sen với tạo hình, phủ men mang nét riêng của gốm Cây Mai vùng Chợ Lớn.

Gom Cay Mai Cho Lon 2

Tượng Kim Đồng, một đệ tử của Quan Âm Bồ Tát qua tạo hình gốm Cây Mai.

Tuong gom Cay Mai 1

“Hòa Lợi Tường Tạo”, nghĩa là đồ phúc lành do lò gốm Hòa Lợi làm.

Tuong gom Cay Mai 2

Nhâm Thìn Niên Lập (làm năm Nhâm Thìn – 1892), khi sản xuất cho khách hàng, các lò gốm Cây Mai thường ghi luôn năm tác tạo lên sản phẩm.

Sản phẩm gốm Cây Mai rất đa dạng, đủ phục vụ từ trong nhà ra sân vườn, khuôn khổ bài viết này tập trung vào mảng tượng thờ, tượng trang trí kiến trúc bởi hệ tượng gốm Cây Mai mang nhiều nét đặc thù, khác biệt hẳn trên bản đồ gốm Việt. Trong chế tác gốm Cây Mai, bộ môn sản xuất tượng được du nhập bởi những thợ gốm đến từ vùng Phật Sơn, Quảng Đông. Các nghiên cứu về gốm Cây Mai đã chỉ ra nguồn nguyên liệu làm gốm lấy từ vùng ngã ba ông Tiều, nay thuộc khu vực giao lộ Nguyễn Thị Nhỏ – Nguyễn Trãi – Hùng Vương.

Quần thể tiếu tượng hợp thành không gian trang trí đa chiều, bố cục nhiều lớp thành phân cảnh kể lại tích truyện xưa. Những hiệu lò danh tiếng của gốm Cây Mai chuyên chế tác tượng thờ, tượng kiến trúc được biết đến hôm nay nhờ vào những “lạc khoản” lưu lại trên sản phẩm, có thể kể đến như Đồng Hòa, Bửu Nguyên, Chợ Lớn Mai Sơn, Hòa Lợi, Lương Mỹ Ngọc… Các nhà sản xuất này đã để lại cho ngày nay nhiều công trình di sản giá trị, trong đó hình thái tượng thờ, tượng trang trí là nét đẹp dị biệt khi bàn về gốm Cây Mai.

Tuong gom Cay Mai 3

Một mảng trang trí tiếu tượng gốm Cây Mai của nhà sưu tập Trần Như Lợi, Vũng Tàu.

Tuong gom Cay Mai 4

Hoạt cảnh Bát Tiên được thiết tiên tửu trong vườn đào của Tây Vương Mẫu, lò Hòa Lợi làm năm 1892.

Gom Cay Mai Cho Lon 3

Gom Cay Mai Cho Lon 4

Ảnh trên và ảnh này Nhân vật mang trích đoạn từ nghệ thuật kinh kịch – hí kịch, nên còn được gọi là “hí tượng” gốm Cây Mai.

Gom Cay Mai Cho Lon 5

Tiêu Diện Đại Sĩ (ông Ác) gốm Cây Mai, hiện vật của nhà sưu tập Nguyễn Thanh Tuyền (TP. HCM).

Nghệ thuật chế tác tượng gốm Cây Mai được chia thành hai mảng chủ đạo, khác biệt rõ nét. Nếu hệ tượng thờ không thể thoát khỏi những quy chuẩn, mực thước của hình tướng, nét trang trí, tinh thần, gắn với từng danh xưng cụ thể như tượng Ngọc Hoàng, Thần, Phật, La Hán, Bồ Tát cho đến ông Nhật bà Nguyệt, Thiên Lý Nhãn – Thuận Phong Nhĩ, bộ tượng Tam Đa, Bát Tiên… thì mảng đa dạng, cảm giác được phóng tác tự do nên phong phú hơn về tạo hình trong dòng gốm Cây Mai chính là hệ tượng trang trí kiến trúc. Có thể định danh đây là dòng gốm kể chuyện, bởi những sản phẩm tạo ra đều gắn với tuồng, tích, cốt truyện, hay trích đoạn tiểu thuyết cổ điển như Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, các trích đoạn trong Kinh Kịch, cả hoạt cảnh miêu tả cuộc sống lúc đương thời… tạo nên quần thể tượng liên hoàn theo từng phân cảnh trông thực sinh động và vui mắt.

Tượng gốm Cây Mai tạo nên từ kỹ thuật chế tác phức hợp với đủ hình thái từ vê, vuốt, nặn, cắt, dán, tỉa, khắc, in, tô men, chấm men… mà thành. Điều đặc biệt ở hệ tượng thờ, tượng trang trí gốm Cây Mai, dù là ngoại lai, nhưng cách chế tác, cách kể chuyện của tượng gốm không chỉ đẹp ở tạo hình, dàn dựng, bố cục, mà còn đem lại nhiều sự ngạc nhiên khi hiểu nội dung các tích tuồng hay tên gọi các nhân vật mà gốm Cây Mai tác tạo.

Tuong gom Cay Mai 5

Tượng Nhật – Nguyệt thuộc một trong số hơn 20 mẫu tượng cùng loại của gốm Cây Mai.

Tuong gom Cay Mai 6

Đẹp về tỷ lệ, cân đối ở bố cục, hài hòa về màu sắc, tinh ở chi tiết trang trí, ông Thiện gốm Cây Mai sở hữu nét đẹp vượt thời gian (sưu tập Nguyễn Thanh Tuyền).

Gom Cay Mai Cho Lon 6

Tượng thờ gốm Cây Mai với phong cách chế tác thể hiện tính nghiêm cẩn, trang trọng (sưu tập Nguyễn Thanh Tuyền).

Tuong gom Cay Mai 7

Vị tiên Lã Động Tân tay cầm phất trần, mặc áo đạo bào xanh qua lối thể hiện của gốm Cây Mai.

Chất đất lẫn khoáng, độ mịn vừa phải, men thuốc chưa thực tinh… khiếm khuyết tổng thể ấy lại tạo cho tượng gốm Cây Mai vẻ đẹp mộc mạc, bình dị và thật khác biệt. Theo thời gian, những dòng tượng của gốm Cây Mai cũng đã ngoài trăm năm, đa phần vẫn hiện hữu cùng mưa nắng nơi các chùa miếu, hội quán quanh cộng đồng người Hoa ở khu vực Chợ Lớn, Biên Hòa, Bình Dương… số ít được lưu giữ từ các bảo tàng, các sưu tập tư nhân.

Tượng gốm Cây Mai mang thân phận đặc biệt trên bản đồ gốm Việt. Quá trình hình thành, tồn tại, rồi thất truyền diễn ra chỉ trong một giai đoạn ngắn ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhưng hiện vật còn đến nay vẫn được người bản địa yêu mến, trân trọng bởi nghệ thuật tạo tác khác lạ, gần gũi, đáng được bảo tồn và giữ gìn theo thời gian.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình


Xem thêm

Dị hài theo muôn dạng của Phỗng

Chiêm ngoạn hình – ý trong hộ pháp xưa

Điêu khắc đá trong hội quán người Hoa