Chiêm ngoạn hình – ý trong hộ pháp xưa

Uy nghi, vạm vỡ, toàn thân toát lên sức mạnh trấn áp tinh thần người đối diện, những bộ tượng hộ pháp ở các chùa cổ Bắc Bộ, như một kho tàng nghệ thuật qua lối trang trí, biểu hiện, từ thần thái đến giáp trụ, pháp khí bên mình.

Đi qua những ngôi chùa cổ danh tiếng vùng Bắc Bộ như chùa Nôm, Bút Tháp, Tây Phương, Long Đọi, Phật Tích, Dâu, Mía… bạn sẽ thấy thể loại tượng thờ ấn tượng cả về kích cỡ, nghệ thuật trang trí, giàu nét biểu cảm… chính là tượng hộ pháp. Về tạo hình, tượng hộ pháp thường mang kích cỡ lớn nhất trong các thể loại tượng thờ nơi cửa tự.

Trong tượng thờ, việc chú ý tập trung vào các thành tố cơ bản cấu thành nên tôn tượng với hình – ngôn – bản – ý – dụng, 5 chi tiết miêu tả về hình thái của tượng với nét biểu cảm, ngôn ngữ, sắc thái, ý nghĩa và công dụng – giá trị. Trong đó hai yếu tố hình – ý thường được nhận dạng nhanh. Nhìn vào một tượng thờ, bạn có thể biết được ngay hình tướng tôn tượng ấy là gì, vị ấy là ai, ý niệm và tư tưởng biểu hiện của tôn tượng ấy ra sao thông qua nghệ thuật điêu khắc, trang trí.

Tuong tho ho phap xua 1

Tôn tượng chùa Tây Phương với kỹ thuật chế tác điêu luyện, biểu tả đầy đủ hình – ý.

Tuong tho ho phap xua 2

Gương mặt nhân từ, thanh thản của hộ pháp Khuyến Thiện, chùa Nôm, Hưng Yên.

Tuong tho ho phap xua 3

Thần tướng uy nghiêm, đầy oai vệ của hộ pháp Trừng Ác ở chùa Tây Phương.

Tượng hộ pháp ở chùa cổ Việt thể hiện sự sáng tạo đỉnh cao trong nghệ thuật điêu khắc và trang trí hình – ý tôn tượng. Hình tượng hộ pháp mang nhiều chi tiết khác biệt với tượng thờ thông thường, điểm chung là tạo hình uy nghiêm, vạm vỡ, toát lên dũng tướng như một anh hùng, trang phục là giáp mũ cân đai cùng pháp khí ngời ngời. Do kích thước lớn nên hầu hết tượng hộ pháp ở Bắc Bộ xưa sử dụng chất liệu cốt đất, bề mặt phủ sơn ta. Bộ đôi Khuyến Thiện – Trừng Ác và Bát Bộ Kim Cương khá phổ biến trong danh sách hộ pháp, được tác tạo theo dạng tròn, một số ít theo lối phù điêu, đắp nổi như ở chùa Nôm, Hưng Yên.

Tuong tho ho phap xua 4

Tượng Kim Cương với cốt đất, bề mặt phủ sơn ta, một kỹ thuật chế tác cổ xưa của người Việt.

Ho phap Khuyen Thien

Hộ pháp Khuyến Thiện với các chi tiết trang trí giáp mũ cân đai như một võ tướng xung trận.

Tuong Trung Ac

Tượng Trừng Ác làm theo lối phù điêu, đắp nổi bằng đất trên bức vách tiền đường chùa Nôm.

Quan sát chi tiết, tượng hộ pháp hội tụ nhiều yếu tố, đặc biệt là sự chuyển động.  Tượng an trí không dịch chuyển, nhưng chi tiết trang trí trên áo, các dải phướn, mũ Kim Khôi, giày hài Vân Xảo, cùng đường nét vân mây, sóng nước tạo cho tượng như đang chuyển động với đầy đủ tốc độ, dũng mãnh, uy nghiêm của võ tướng, đủ trấn áp kẻ gian tà khi có ý định bước vào nơi tôn nghiêm thiêng thánh.

Về bố cục, cặp đôi Khuyến Thiện – Trừng Ác thường ngự gian tiền đường với hộ pháp Trừng Ác bên phải (nhìn từ ngoài vào), và hộ pháp Khuyến Thiện bên trái. Hộ pháp Bát Bộ Kim Cương an trí ở tháp Phật hoặc hai dãy hành lang, tay cầm các pháp khí để hộ thế trừ bạo. Tượng thờ cổ tự mang ảnh hưởng du nhập tín ngưỡng, được Việt hóa với hình tướng, nhân tướng là người Việt.

Ho phap chua But Thap

Nghệ thuật trang trí sử dụng nhiều chi tiết dân gian như vân mây, sóng nước, hoa dây ở hộ pháp chùa Bút Tháp.

Tat giap ho phap

Tất giáp (mảng che đầu gối) với trang trí hổ phù của tượng Trừng Ác ở chùa Nôm, Hưng Yên.

Tuong tho ho phap xua 5

Tư tưởng và hình tượng hợp nhất thành nét đẹp trong nghệ thuật tác tạo tượng thờ hộ pháp nơi chùa cổ Bắc bộ.

Các chi tiết trang trí trên trang phục của hộ pháp là tầng tầng lớp lớp hoa văn đan xen từ văn đao lửa, vân mây, quy giáp cho đến các dải hoa dây, sóng nước… được thể hiện qua màu sắc, đường nét sinh động, bố cục chặt chẽ, mạch lạc. Riêng với hộ pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác, chi tiết nổi trội là gương mặt hổ phù được thể hiện trên khắp vị trí của tôn tượng, vừa tăng tính thiêng, vừa biểu đạt uy nghi như thể hiện sức mạnh hộ pháp trước quy luật Thiện – Ác dòng đời. Ở góc nhìn mỹ thuật, hộ pháp là hệ tượng thờ lưu giữ chi tiết trang trí ấn tượng hàng đầu trong hệ thống tượng thờ cổ tự Việt Nam.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình


Xem thêm

Dị hài theo muôn dạng của Phỗng

Những bộ tứ trong văn hóa Việt: Hành trình xuyên lịch sử

Điêu khắc đá trong hội quán người Hoa