Art & Crafts: Lược sử và nguồn cảm hứng

Giữa lúc xã hội Anh Quốc đang trong thời kì công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, trào lưu Art & Crafts ra đời như một tuyên ngôn đề cao những giá trị về thẩm mỹ và thủ công. 

Trong thời đại ngày nay, song song với sự hoàn hảo và tiện lợi được tạo nên từ những tiến bộ công nghệ, những đồ vật độc đáo được chế tác thủ công vẫn được ưa chuộng bởi yếu tố công năng lẫn trang trí. Điều này cho thấy trào lưu Art & Crafts đầy quý phái với những giá trị về chất lượng, sự khéo léo và sáng tạo được truyền vào trong các sản phẩm vẫn luôn được coi trọng và là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế và nghệ nhân. 

the peacock room noi that art crafts

The Peacock Room do Thomas Jeckyll và James McNeill Whistler thiết kế năm 1877. Ảnh: Smithsonian’s National Museum of Asian Art

Ra đời từ sự phản kháng hiện đại hóa

Vào những năm 1860 ở Anh thời Victoria, nghệ thuật không còn là một chủ đề thu hút được sự quan tâm, cũng như nghề thủ công đang dần bị biến mất do cuộc cách mạng công nghiệp phát triển mạnh mẽ và sự trỗi dậy của khoa học-công nghệ. Một thập kỷ trước đó, phong trào Pre-Raphaelites nổi tiếng với tôn vinh vẻ đẹp của thi ca, văn chương và thiên nhiên cũng đã bị biến mất. Tuy nhiên, đó không phải là dấu chấm hết cho sự lãng mạn và tính thẩm mỹ trong bối cảnh hiện đại hóa.

Art & Crafts phản ánh những mối quan tâm của thời đại, đặc biệt từ những người thợ thủ công. Họ hoàn toàn bất đồng với cuộc chạy đua tiến bộ và sản xuất hàng loạt do cuộc cách mạng công nghiệp thúc đẩy. Ngoài ra, xã hội Anh lúc này đang trải qua một sự thay đổi sâu sắc ở nhiều khía cạnh: quan hệ xã hội, nhịp độ làm việc và mức sống. Chính việc tổ chức lại môi trường này đã tạo ra sự bất an trong dân chúng. 

Nhà thiết kế, nghệ sĩ và nhà tư tưởng người Anh William Morris cùng thi sĩ John Ruskin đều có những góc nhìn giống nhau. Cả hai chống lại sự khách quan hóa của giai cấp công nhân và gắn bó sâu sắc với các giá trị truyền thống, không tin vào sự tiến bộ xã hội mà Đế quốc Anh đã hứa hẹn, để rồi cùng nhau, họ dệt nên sợi dây liên kết giữa nghệ thuật trang trí và mỹ thuật.

william morris hoa tiet giay dan tuong art crafts

William Morris và một trong những sáng tác của ông. Ảnh: Tư liệu

Các nguyên tắc của trào lưu

Art & Crafts có những triết lý: Một người thợ thủ công chỉ có thể phát triển về mọi mặt nếu người đó tham gia vào mọi công đoạn chế tác; Cảm thấy hạnh phúc trong công việc mới có thể làm ra một sản phẩm đẹp; Cái đẹp và nghệ thuật nằm ở bất kì đâu, bất kì điều gì. 

Những nguyên tắc của Art & Crafts phản ánh khát khao của các nghệ sĩ là thiết kế ra những tác phẩm đẹp bằng kĩ thuật chế tác điêu luyện. Trong đó, thẩm mỹ không phải là yếu tố duy nhất đảm bảo giá trị của món đồ. Điều cần thiết là giúp mọi người có thể tiếp cận được bằng sự chăm chỉ, nghiêm túc và kĩ lưỡng trong sản xuất. William Morris và John Ruskin từng ao ước có thể cung cấp những sản phẩm “tốt gỗ, tốt cả nước sơn” cho tất cả các hộ gia đình dù ở tầng lớp nào. Lý tưởng này được nhiều người theo đuổi trào lưu ủng hộ, bao gồm Eric Gill, Gustav Stickley, Walter Crane, Philip Webb và Emery Walker.

Gustav Stickley ghe banh do noi that thu cong

Bộ ghế bành bằng gỗ sồi do Gustav Stickley thiết kế vào thập niên 20. Ảnh: Tư liệu

Nguồn cảm hứng bất tận từ thiên nhiên

Thiên nhiên và thực vật có thể coi là nguồn cảm hứng chính cho các nghệ sĩ Art & Crafts, nhất là đối với John Ruskin. Ông cũng là người khuyến khích những tín đồ Pre-Raphaelite mạo hiểm hơn trong việc thể hiện thiên nhiên trong sáng tác của mình. 

Study of a Sprig of Myrtle John Ruskin nghe thuat thien nhien

Bức Study of a Sprig of Myrtle (1819) của John Ruskin. Ảnh: Tư liệu

Để tìm kiếm sự đơn giản và tự nhiên, các nghệ sĩ Art & Crafts đã đến vùng nông thôn nước Anh Quốc để thành lập trường học. Các học viên ở đây được học các nghề thủ công như làm gốm, tráng men, thêu thùa… Những công việc này giúp họ rời xa bầu không khí công nghiệp u ám của London để tìm lại niềm vui từ văn hóa, biểu diễn và sáng tạo quy mô nhỏ. Các tác phẩm thủ công có độ mềm mại, khắc họa hình ảnh những đàn chim bay lượn giữa những tán cây hoa lá um tùm với bảng màu rực rỡ… Tất cả thể hiện sự tự do mới của người sáng tạo. 

binh gom art crafts paul revere do co

Bình gốm của Paul Revere. Ảnh: Tư liệu

Phong cách độc đáo của William Morris vẫn truyền cảm hứng cho nghệ thuật trang trí cho đến ngày nay. Vốn là một người đa tài, vừa là một doanh nhân, một chính trị gia, một kiến trúc sư và thậm chí là một hoạ sĩ, ông đã trở thành một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của Anh Quốc vào thế kỉ 19. Các tác phẩm của ông hướng đến việc mang đến tính nhân văn, sự nhạy cảm, và nỗi nhớ cố hương. 

william morris art crafts tranh kinh red house

Ô cửa kính tại dinh thự Red House của William Morris. Ảnh: Tư liệu

Ông bị mê hoặc bởi văn học thời trung cổ và kiến trúc kiểu Gothic. Niềm đam mê này được truyền tải vào các sáng tác của ông, đặc biệt là trong việc xây dựng và trang trí ngôi nhà riêng có tên Red House. Nội thất bên trong từ đồ đạc cho đến hoạ tiết trang trí tường, cửa sổ kính màu hay vải bọc đều do chính ông thiết kế. Tất cả đều xuất phát từ những tuyên ngôn rất mạch lạc và rõ ràng của ông đối với thời đại, xã hội và thiên nhiên. 

the orchard william morris tranh nghe thuat

Bức The Orchard (1890) của William Morris. Ảnh: Tư liệu

Một cái tên nổi bật khác của trào lưu Art & Crafts là nghệ sĩ gốm William de Morgan. Các thiết kế của ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nghệ thuật Trung Đông và Ba Tư với bút pháp biến dị đặc trưng. Gạch ốp và đồ gốm của ông có hoa văn phức tạp và sặc sỡ, thường là chủ đề thực vật và sinh vật thần thoại. Tác phẩm của De Morgan từng rất được săn đón và trong sự nghiệp của mình, ông đã hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng khác như William Morris và kiến trúc sư Philip Webb. 

William de Morgan dia su art crafts met museum do co

Dĩa sứ của William de Morgan. Ảnh: MET Museum

Lối tư duy này sau đó được lan truyền sang Trung Âu, Scandinavia và thậm chí cả Hoa Kỳ nơi các cộng đồng thợ thủ công làm việc với các vật liệu tự nhiên và cao cấp được thành lập để mang lại sức sống cho những món đồ nội thất có ý nghĩa. Các món đồ Art & Crafts phản ánh mối quan hệ đặc biệt này với thiên nhiên, thể hiện qua việc sử dụng màu sắc ấm áp và sâu, lấy cảm hứng từ đất nung và gỗ, hay những đường cong giống hình chiếc lá…

Tạm kết

Về bản chất, Art & Crafts tạo được dấu ấn nổi bật bởi bối cảnh lịch sử xã hội của nó. Nó đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ thế hệ sau, đồng thời làm tiền đề cho sự ra đời của trường phái Art Nouveau ở Pháp thông qua ứng dụng của Art & Crafts vào nghệ thuật trang trí, sự phong phú của màu sắc, hoa văn lấy cảm hứng từ thiên nhiên… Thành công của nó nhanh chóng được lan rộng trên toàn thế giới, tiêu biểu có trường Nghệ thuật Glasgow ở Scotland đã đầu tư phát triển phong cách này vào những năm 1890, hay sự ra đời phong trào Mingei của Nhật Bản chủ yếu khai thác đồ gốm và gốm sứ để tôn vinh di sản địa phương. Trong thời đại của sản xuất hàng loạt và nền văn hóa tiêu dùng một lần hiện nay, sự tồn tại của Art & Crafts chính là minh chứng cho giá trị của thiết kế chậm và những đồ vật được chế tác từ tâm huyết và sự khổ luyện. 

ghe bang art nouveau hector guimard do noi that

Ghế băng phong cách Art Nouveau do Hector Guimard thiết kế vào năm 1897-1898. Ảnh: Tư liệu

Thực hiện: Hoàng Lê


Xem thêm

Chinoiserie: Trung Hoa qua lăng kính Tây phương

Victor Horta: Kiến trúc sư tiên phong cho phong trào Art Nouveau

Phong cách Mid-Century Modern: Vẻ đẹp vượt thời gian