Trong những năm gần đây, trào lưu Chinoiserie trở lại một cách mạnh mẽ bởi sự nổi bật và cầu kì của đồ vật và hoạ tiết tường, mang đến bầu không khí sang trọng và xa hoa. Có thể dễ dàng nhận thấy những nét đặc trưng của văn hoá Trung Quốc qua những đường nét trang trí cũng như màu sắc và vật liệu. Tuy nhiên trên thực tế, phong cách này lại không xuất phát từ châu Á.
Thẩm mỹ mới từ miền Viễn Đông
Xuất phát từ mong muốn tạo nên sự mới lạ và khác biệt trong thiết kế của châu Âu, vốn luôn tuân thủ các quy tắc của phong cách cổ điển và thiết kế baroque, Chinoiserie đã tạo nên một cơn sốt từ những nét mới mẻ trong một nền văn hóa phương xa với những vật liệu lạ mắt như đồ sứ và sơn mài. Đỉnh điểm là vào năm 1671, khi Vua Louis XIV của Pháp xây dựng Trianon de Porcelaine—một cấu trúc năm gian được trang trí bằng gạch lát màu xanh trắng trên khuôn viên của Cung điện Versailles. Từng là người tạo ra xu hướng, niềm yêu thích của ông đối với Chinoiserie nhanh chóng lan rộng khắp các cung điện châu Âu, trở thành một phong cách thiết kế phổ biến trong suốt thế kỷ 18.
Vào thời kì này, du lịch vòng quanh thế giới từng là điều bất khả thi với đại đa số. Để tìm hiểu về những miền đất xa xôi trên bản đồ, người ta dựa vào đồ vật, nghệ phẩm và những câu truyện truyền miệng. Nhờ mạng lưới thương mại toàn cầu, nhiều nền văn hóa lần đầu tiên được biết đến hàng hóa.
Ở châu Âu, niềm đam mê mãnh liệt đối với Trung Hoa, đặc biệt là đồ sứ, đã ngày một phát triển trong giới mộ điệu, thúc đẩy nhu cầu to lớn trong hàng hóa đến từ vùng Đông Á, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật trang trí. Anca Lasc, phó giáo sư ngành Lịch sử Nghệ thuật và Thiết kế tại Viện Pratt cho biết, các nhà sản xuất châu Âu đã tận dụng cơn sốt này bằng cách bắt đầu sản xuất các thiết kế bắt chước Trung Quốc, từ các mặt hàng từ đồ nội thất, hàng dệt may đến đồ mỹ nghệ mang âm hưởng Trung Hoa cho đến các họa tiết chùa, rồng và hệ thực vật được sáng tác qua lăng kính phương Tây để phù hợp với thị hiếu châu Âu.
Thuật ngữ Chinoiserie xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết L’Interdiction năm 1836 của Honoré de Balzac, mô tả lối trang trí nhà cửa theo phong cách Trung Quốc. Năm 1878, nó chính thức được đưa vào từ điển tiếng Pháp. Cũng trong giai đoạn này, trào lưu Chinoiserie trở nên suy yếu, một phần do Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất giữa Trung Quốc và Anh, một phần do sự nổi lên của các phong cách thẩm mỹ ngoại lai mới như Japonisme, Egypt Revival và Moorish Revival. Tuy nhiên, Chinoiserie đã quay trở lại vào thập niên 30 trong thời kỳ Art Deco và trở nên phổ biến trong những năm gần đây bởi xu hướng ưa chuộng thẩm mỹ xa hoa theo chủ nghĩa tối đa.
Mang những nét đặc trưng Trung Quốc, nhưng Chinoiserie lại là một phát minh hoàn toàn của châu Âu. Nhà thiết kế nội thất, tiến sĩ chuyên ngành Chinoiserie tại đại học Cambridge Aldou Bertram cho biết: “Chinoiserie khác với thiết kế Đông Á nguyên bản ở hầu hết mọi khía cạnh”. Điều này được lý giải bởi những câu chuyện, hình ảnh của vùng đất này càng rời xa phiên bản gốc sau mỗi lần truyền miệng từ những thương nhân, thủy thủ hay những người có cơ hội du lịch đến vùng Đông Á. Trong quá khứ, người ta gần như không có đủ kiến thức để phân biệt giữa các nền văn hóa dân tộc rất khác nhau. Điều này có nghĩa là cách diễn đạt thiết kế châu Á của phương Tây có phần thiếu hiểu biết khi pha trộn các chất liệu Trung Quốc và Nhật Bản dưới thuật ngữ chung là “Indian” và có xu hướng tái chế nhiều lần một số motif trang trí như bảng màu xanh lam-trắng, cảnh cung đình, vườn tược Trung Quốc và những biểu tượng của phong cách exotic như cây cọ và khỉ.
Vậy liệu Chinoiserie có phải là sự chiếm đoạt văn hóa không?
Tất cả đều phụ thuộc vào lăng kính của chúng ta khi quan sát sự phát triển của trào lưu này. Từ góc độ lịch sử, niềm đam mê của người châu Âu với thiết kế Trung Quốc chỉ đơn giản là sự hiếu kì và hứng thú với những điều mới lạ. Nhà sử học thời trang và nghệ thuật trang trí Patrick Michael Hughes nhận định: “Đặc trưng chủ chốt của Chinoiserie là bản chất của sự quyến rũ từ những điều chưa biết, một cảm giác tò mò mạnh mẽ trong thời đại rất ít người được di chuyển ở khoảng cách xa như vậy”.
Đó là một chủ đề xuyên suốt lịch sử nghệ thuật và thiết kế. Tiến sĩ Aldou Bertram cũng nhận xét rằng không thể phủ nhận sự hiện hữu của những yếu tố chiếm đoạt văn hóa trong Chinoiserie, cũng giống như sự mê đắm của thời kỳ Nhiếp chính đối với Ai Cập do Napoléon ủng hộ, hay việc Mỹ nhất quán áp dụng phong cách kiến trúc Hy Lạp và Đế quốc La Mã trong các nhà thờ và tòa án của mình. Nhưng tựu trung trong tất cả các trường hợp này, mục đích không phải là chế nhạo hay hạ thấp mà là mô phỏng và tôn vinh một nền văn hóa xa xôi, cho phép cái cũ và mới giao thoa.
Áp dụng Chinoiserie vào thiết kế nội thất hiện đại
Mọi xu hướng đều có tính chu kỳ và những gì đã cũ lại có thể trở thành mới. Khi chúng ta tiến tới giai đoạn mà mọi người đều bắt đầu hứng thú với chủ nghĩa tối đa, Chinoiserie là một trong những phong cách được nghĩ đến. Tuy nhiên, áp dụng Chinoiserie vào nội thất đòi hỏi sự tiết chế và cân bằng để phù hợp với quy mô không gian. Kết hợp hài hòa tinh thần cổ điển và hiện đại với những sự lựa chọn đồ vật, màu sắc và hoa văn tinh tế có thể làm bật lên chất nghệ cho ngôi nhà, tạo điểm nhấn thu hút gây ấn tượng với mọi vị khách khi đặt chân đến.
Với họa tiết trang trí tường, giải pháp phổ biến nhất là sử dụng giấy dán tường. Ngoài giấy in, một số thương hiệu thuộc phân khúc cao cấp cung cấp những loại giấy dán tường vẽ tay hay thậm chí kết hợp kĩ thuật thêu và đính của thời trang để bức tranh tường trở nên sống động. Nếu không muốn họa tiết bao phủ toàn bộ không gian, bạn có thể nghĩ đến giải pháp tranh khung hoặc rèm cửa in họa tiết.
Đồ nội thất và đồ trang trí cũng đóng vai trò quan trọng để tạo nên một không gian Chinoiserie lôi cuốn. Bàn, ghế, tủ hay bình phong sơn mài hoặc cẩn xà cừ mang đến sự tinh xảo và điệu nghệ trong chi tiết. Ngoài đồ sứ trắng họa tiết xanh lam, bạn cũng có thể sử dụng những đồ trang trí khác mang hình tượng rồng hoặc kì lân hay các đồ vật có đường nét mô phỏng cấu trúc mái chùa…
Thực hiện: Hoàng Lê
Xem thêm
Lâu đài Belvoir: Cổ tích khoác áo mới
6 thương hiệu giấy dán tường cao cấp hàng đầu cho nội thất nghệ thuật