Các hình dạng mái nhà Nhật Bản mang những hình dáng đặc trưng ẩn chứa ý nghĩa văn hóa sâu sắc, là minh chứng cho di sản kiến trúc phong phú của quốc gia này. Từ những đường cong bao quát của kiểu mái Irimoya truyền thống cho đến mái bằng thiết thực cho những ngôi nhà thành thị, mỗi phong cách được tạo ra để hài hòa với quan niệm thẩm mỹ của từng thời đại và môi trường, đồng thời đáp ứng các nhu cầu chức năng nhất định.
Mang đậm nét đặc trưng của lối kiến trúc truyền thống, mái nhà Nhật thường có độ dốc vừa phải, gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau. Phần đáy được làm phẳng một cách tối giản, hạn chế các chi tiết trang trí cầu kỳ, rườm rà và đề cao sự tiện nghi. Ngoài ra, vật liệu được sử dụng để xây dựng mái Nhật cũng rất đa dạng, dễ tìm và có giá cả hợp lý, từ ngói vảy, ngói sóng cho đến mái tôn, mái bê tông.
Theo các chuyên gia, có hai loại mái Nhật Bản vẫn còn được tìm thấy và ưa chuộng là mái dốc và mái bằng.
Mái dốc
Là dạng mái truyền thống, có lịch sử phát triển lâu đời nhất với độ nghiêng gần như mái Thái. Chúng thường được xếp chồng lên nhau, mái lớn nhỏ giao nhau nhằm tạo nên những đường lượn sóng bắt mắt. Cấu trúc mái có thể được chia thành 3 kiểu: Kirizuma (mái hình tháp), Yosemune (mái có đầu hồi) và Irimoya (mái hình tháp có đầu hồi).
Kirizuma là loại mái chụm lại thành hình tam giác, giống quyển sách lật úp với hai mái nhà đan vào nhau và phần chóp nhọn như đỉnh núi. Xuất thân từ Shirakawago, khi mùa đông đến, khu vực này bị tuyết phủ dày, lợp mái nhà bằng cỏ tranh thật dốc có thể khiến phần tuyết đọng lại dễ dàng trôi xuống mặt đất. Kiểu mái này có hình dạng giống như 2 bàn tay chắp vào nhau khi cầu nguyện nên còn có tên gọi khác là “Gassho-zukuri”.
Sau này, khi Kirizuma du nhập vào những vùng nông thôn nhiều tuyết khác ở Nhật Bản, phần mái được thiết kế quay theo hướng đón ánh nắng mặt trời, giúp tuyết tan nhanh hơn. Đồng thời, cải thiện cấu trúc để tận dụng không gian phía trên cho việc cất giữ đồ đạc.
Kiểu mái Nhật phổ biến thứ hai là Yosemune với kết cấu dốc xuống 4 bên, phù hợp cho những ngôi nhà có bề ngang hình chữ nhật. Sườn dốc mái tạo thành hình thang trên mặt dài và hình tam giác trên mặt ngắn của ngôi nhà. Chiều dài mỗi cạnh nối từ chóp đến 4 góc có thể ảnh hưởng đến độ dốc của các mái. Nếu góc lớn cắt đôi thành 2 góc 45 độ thì được gọi là masumi, ngược lại nếu các góc bị cắt không đồng đều thì được gọi là furezumi. Đây là kiểu kiến trúc tiêu biểu của vùng nông thôn Ibaraki, thường được tìm thấy trong các đền thờ, chùa chiền với vật liệu lợp là rơm, tranh hoặc ngói.
Cuối cùng, mái Irimoya là sự kết hợp hoàn hảo giữa Kirizuma và Yosemune. Kiểu mái này có 2 tầng, tầng trên nhỏ, dốc ở 2 hướng trước, sau theo kiểu Kirizuma nên phù hợp cho các khu vực có tuyết hoặc cần lưu thông gió tốt và cải thiện điều kiện chiếu sáng. Tầng dưới lớn hơn, dốc ở 4 hướng trước, sau, phải, trái, được xây theo phong cách Yosemune, giúp tạo sự ổn định cho tòa nhà và chống gió mạnh. Đây là kiểu mái thường dùng cho đền thờ và các gia đình thượng lưu bởi kết cấu phức tạp, được tin là có thể lan tỏa sức mạnh tâm linh và chi phí xây dựng cao.
Mái bằng
Mái bằng là loại mái có phần trẻ trung, hiện đại hơn, thường được xây dựng cho tổ ấm của các gia đình trẻ ở Nhật Bản. Mái được đổ rộng, sườn lài và dài ra bốn góc nhằm tránh nắng, mưa hắt vào trong nhà. Loại mái Nhật này cung cấp thêm diện tích để trồng cây, lưu trữ đồ đạc hoặc biến thành sân thượng để hóng mát. Điều này đặc biệt có lợi trong bối cảnh đô thị – nơi không gian ngoài trời bị hạn chế. Đây cũng là bề mặt lý tưởng để lắp đặt tấm pin mặt trời, giúp khai thác năng lượng xanh dễ dàng hơn và cải thiện hiệu quả tiêu thụ điện của ngôi nhà. Các công trình tiêu biểu sử dụng loại mái này có thể kể đến văn phòng Hojo Sanci, dự án nhà T3 ở Kamakura, nhà C4L ở trung tâm Tokyo…
Thậm chí, thiết kế nhà ở Nhật Bản hiện nay còn có xu hướng loại bỏ hoàn toàn phần mái, khiến ngôi nhà trông như một khối hình học khổng lồ, đảm bảo độ vững chắc nhưng vẫn vô cùng ấn tượng. Chẳng hạn như Melt House do văn phòng kiến trúc SAI thực hiện, nổi bật giữa con phố truyền thống với ngoại thất tối giản và những bức tường gợn sóng màu trắng.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
C4L: Truyền thống pha lẫn hiện đại trong ngôi nhà Nhật Bản
Văn phòng Hojo Sanci- công trình cải tạo từ nhà Nhật truyền thống của Schemata Architects