Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh khiến cho con người có xu hướng tìm về thiên nhiên. Trong xây dựng, thay vì sử dụng bê tông kín gây hại cho môi trường, nhiều kiến trúc sư đã nghiên cứu và phát triển lớp phủ từ thực vật khô, cố gắng tận dụng tối đa ưu điểm sinh học của chúng vào các thiết kế hiện đại. Với khả năng phân hủy sinh học cao, vừa bền vững, vừa mang tính thẩm mỹ, phù hợp cho các thiết kế sinh thái chú trọng hòa hợp với thiên nhiên, những loại vật liệu tự nhiên sau có thể được cân nhắc để sử dụng cho một số loại hình công trình kiến trúc nhất định.
Sợi cọ
Trong suốt lịch sử phát triển của kiến trúc, đã có không ít mái nhà được lợp bằng lá cọ. Sợi cọ có độ mịn cao, khi xếp chồng lên nhau hầu như không tạo ra khoảng hở, mang đến hiệu quả cách nhiệt vượt trội cho các công trình. Ngoài ra, nhờ đặc tính mềm dẻo linh hoạt, vật liệu này còn có thể đáp ứng những thiết kế sáng tạo nhất, ngay cả khi đó là những hình dạng hữu cơ phức tạp như: hình vòm, đường cong…
Cỏ tranh
Cỏ tranh tự nhiên là một trong những lựa chọn tốt nhất cho các khối công trình ngoài trời bởi khả năng chống ẩm và tia cực tím mạnh mẽ. Tuổi thọ của mái lợp cỏ tranh kéo dài 2-5 năm, tùy thuộc vào các yếu tố môi trường và chi phí bảo trì cũng thấp hơn so với các vật liệu xây dựng khác. Lớp phủ tranh thường được bố trí cùng khung đỡ bằng gỗ hoặc tre, mang đến vẻ mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên. Khác với sợi cọ, cỏ tranh cứng cáp hơn và thích hợp để sử dụng trong các lớp phủ theo đường thẳng.
Cỏ Santa-fé
Trong số tất cả các vật liệu làm từ thực vật khô, cỏ Santa-fé có độ cứng cao nhất và có thể được tạo hình thành hình khối rắn chắc. Nhờ có độ gắn kết đặc biệt, chúng làm tăng tuổi thọ cao cho lớp phủ tự nhiên và được ứng dụng trong nhiều mục đích xây dựng khác nhau.
Rong biển
Một loại vật liệu bền vững khác ít phổ biến ở các vùng nhiệt đới là rong biển. Ngoài không gây hại đến môi trường, nhà thiết kế Kathryn Larsen đã chứng minh khả năng chống mục nát và cháy, cũng như đặc tính cách nhiệt có thể sánh ngang với len khoáng (mineral wool) của lớp phủ tự nhiên từ rong biển.
Điểm chung cần lưu ý khi sử dụng những loại vật liệu này là chúng cần được xử lý chống cháy và chống ẩm. Bên cạnh đó, cần phải xác minh nguồn gốc của vật liệu để đảm bảo rằng các loại côn trùng có hại không có cơ hội xuất hiện và gây hại đến kết cấu của lớp phủ.
Thực hiện: Thùy Như | Theo: Archdaily
Xem thêm
Kiến trúc sư Kengo Kuma và những cách tiếp cận vật liệu độc đáo
Những sáng tạo từ vật liệu tái chế tỏa sáng tại SaloneSatellite Award 2023