Tại khu đất hình mũi tàu ở trung tâm thành phố Denver, Hoa Kỳ, kiến trúc sư Jeanne Gang của Studio Gang cùng nhà đồng sáng lập Urban Villages – công ty phát triển bất động sản trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Grant McCargo, tạo nên khách sạn Populus với vẻ ngoài ấn tượng cùng những giải pháp tích cực. Dự án được ra đời từ tình yêu thiên nhiên và mối quan tâm đến môi trường của cả hai, đồng thời thể hiện sự chú trọng đến vật liệu tự nhiên và cách tiếp cận bền vững trong kiến trúc.
Phương thức hoạt động toàn diện của Urban Villages là tạo ra những tòa nhà sinh thái có giá trị làm dẫn chứng cho việc quản lý môi trường trong bối cảnh đô thị hiện đại. Điều này hoàn toàn phù hợp với nét thẩm mỹ hữu cơ, cấu trúc điêu khắc cùng cảm hứng từ thiên nhiên của studio Gang – đơn vị thiết kế của khách sạn, đồng thời là đội ngũ đã tạo nên các công trình ấn tượng như Trung tâm Khoa học, Giáo dục và Đổi mới Richard Gilder (Richard Gilder Center for Science, Education, and Innovation) tại New York và Bảo tàng Mỹ thuật Arkansas (Arkansas Museum of Fine Arts).
Trong những lần dạo quanh các khu rừng, kiến trúc sư đã chú ý đến những vết sẹo trên thân cây dương, trông như những “đôi mắt” độc đáo. Từ đó, studio đã thiết kế nên khách sạn với cảm hứng từ những cây dương trắng và đặt tên là Populus – tên Latin của chi cây dương.
Cấu trúc khách sạn 13 tầng được kiến trúc sư miêu tả như “một cụm cây với nhiều mắt” . Mặt dựng của tòa nhà được xây dựng từ các tấm cong làm bằng bê tông cốt sợi thủy tinh (GFRC), một hỗn hợp có lượng carbon thấp, được phát triển với sự hợp tác của Holcim. Những tấm này tích hợp các mô-đun cửa sổ ba chiều, vừa đóng vai trò như tấm chắn mưa, vừa mô phỏng hình dạng trên bề mặt thân cây.
Kiến trúc sư chia sẻ: “Với vật liệu nhẹ và bền chắc này, chúng tôi có thể tạo ra nhiều đường cong hơn. Các tấm bê tông được sản xuất ngoài công trường, lắp ghép sẵn bởi một công ty địa phương. Những ô cửa sổ sở hữu tầm nhìn ra thành phố trong một khung hình mềm mại.”
Vượt khỏi mục tiêu gây ấn tượng cho cảnh quan đô thị Denver, Populus còn hướng tới việc đạt chứng nhận LEED Gold danh giá và giữ danh hiệu khách sạn carbon dương đầu tiên tại Mỹ. Thành tựu này đạt được nhờ việc loại bỏ các vật liệu năng carbon truyền thống, bãi đậu xe tại chỗ, đồng thời cho trồng hơn 70.000 cây thông Engelmann tại thành phố Gunnison, Colorado.
Nội thất của khách sạn do Heather Wildman của Wildman Chalmers thiết kế với sự hợp tác cùng Fowler Architecture & Interior Design, sử dụng vật liệu và nguồn lao động địa phương. Chia sẻ về những câu chuyện trong kết cấu, vật thể và vật liệu xuyên suốt các phòng khách, không gian công cộng và nhà hàng của khách sạn, nhà thiết kế nội thất cho biết: “Chúng tôi đã tạo ra một bảng màu trung tính, ấm áp, thống nhất với các tông màu xanh lá cây và nâu mềm mại nhằm nâng cao phong cách tổng thể của Populus.”
Tại tầng trệt, những hàng rào chắn tuyết tái chế đến tại Wyoming mang đến sự ấm áp cho trần nhà bê tông mang phong cách Industrial. Trong khi đó, hơn 500 tấm da reishi được làm từ sợi nấm cùng lớp gạch đất nung làm từ bùn sông Platte đã tạo nên một trải nghiệm đa giác quan cho quầy bar tại nhà hàng Pasque ở tầng trệt.
Nằm ở tầng cao nhất của khách sạn, nhà hàng Stellar Jay sở hữu một bức tường lấy cảm hứng từ Yakisugi – một phương pháp bảo quản gỗ truyền thống rất lâu đời của Nhật Bản. Bên cạnh đó, công ty thiết kế cảnh quan Superbloom còn tạo nên một khu vườn cảnh ở vị trí cao nhất của toà nhà.
Không đi theo xu hướng đô thị hoá của Mỹ trong quá khứ, vốn nghiêng về xe hơi và đi ngược với chức năng ban đầu của địa điểm, studio quyết định không thêm bãi đậu xe thông thường vào dự án. Thay vào đó, họ kích hoạt từng mặt bằng của toà nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng địa phương và khách du lịch đi bộ và ghé thăm. Kiến trúc sư chia sẻ: “Đây thực sự là một phần quan trọng của trung tâm thành phố. Nó là chìa khóa cho tương lai, kết nối khu vực nhà hát, Công viên Trung tâm Dân sự, Toà nhà Quốc hội Colorado, Bảo tàng Nghệ thuật Denver và các hoạt động trên Phố 16.”
Thực hiện: Quốc Huy | Theo: Wallpaper*
Xem thêm:
Khách sạn Chalet Bertha: Cảm hứng Nordic