Được xây dựng từ thế kỉ 16, Palazzo Talìa từng là tư gia của Angelo Maria Colocci, một nhà nhân văn thân cận với Giáo hoàng Leo X. Sau đó, nơi này được Hồng y Michelangelo Tonti tặng cho nhà thờ San Giuseppe Calasanzio. Cung điện được cải tạo thành khách sạn và vừa được mở cửa hoạt động gần đây, do nhà bất động sản Federici phát triển với sự tham gia thiết kế của văn phòng studiolucaguadagnino, kiến trúc sư Marianna Lubrano Lavadera và Laura Feroldi.
Khách sạn có tổng cộng 26 phòng, được thiết kế một cách tỉ mỉ với thẩm mỹ sang trọng hiện đại, lấy cảm hứng từ tình yêu nghệ thuật và phong cách chiết trung. Cung điện từng được biết đến với cái tên “Il Nazareno” và từng là Trường Cao đẳng Nazarene dành cho các học giả, quý tộc và thậm chí cả các giáo hoàng.
Sau quá trình trùng tu từ năm 2021, khách sạn mang diện mạo mới, kết hợp giữa kiến trúc lịch sử và thiết kế hiện đại.
Tại dự án này, studiolucaguadagnino chủ trì thiết kế nội thất các không gian chung, định hướng tầm nhìn của khách sạn bằng các chủ đề màu sắc và sự hợp tác chặt chẽ với các nghệ nhân, cho phép họ khám phá các kỹ thuật khác nhau và tạo ra phong cách trang trí cân bằng. Điểm đặc trưng tại Palazzo Talìa là tấm thảm có họa tiết nổi bật của Nigel Peake bổ sung cho tông màu chủ đạo gồm hồng, đỏ và đỏ tía. Tại sảnh Magna, một không gian rộng 248 m2 với những bức bích họa thế kỷ 18 của Gaspare Serenari, được sử dụng cho các sự kiện riêng tư hoặc là một phần của Talìa Suite. Ngoài các khu vực chung, studio còn thiết kế đồ nội thất tùy chỉnh, đèn chiếu sáng, tấm phủ tường.
Những chi tiết trang trí cũ như cột, vòm, bông thạch cao và bích họa được trùng tu, tôn vinh giá trị nghệ thuật cổ điển.
Những tấm thảm họa tiết của họa sĩ Nigel Peake được trải dài hành lang.
Thách thức của dự án là tạo cho tòa nhà lịch sử một bản sắc riêng mới, đồng thời tôn vinh quá khứ của nó. Cái tên Talìa được đặt theo tên vị nữ thần của nghệ thuật, giải trí và hiếu khách Thalia của Hy Lạp với mong muốn mang đến sự phong phú và thịnh vượng cho khách sạn. Ý tưởng này được lồng ghép vào từng chi tiết, từ những bức bích họa hàng thế kỷ đến tác phẩm nghệ thuật hiện đại.
Sự kết hợp giữa nghệ thuật hiện đại và cổ điển.
Tường của nhà hàng được ốp gạch gương, tạo hiệu ứng phản chiếu ấn tượng.
Kiến trúc sư Marianna Lubrano Lavadera từ văn phòng Mia Home Design Gallery cùng kiến trúc sư Laura Feroldi đã thiết kế nội thất của 25 phòng nghỉ, mang từng nét độc đáo và riêng biệt, cũng như hành lang của tầng một và tầng hai. Họ cho biết: “Mọi yếu tố đều quan trọng trong việc xây dựng ý tưởng, từ đường nét kiến trúc, những bức bích họa, tầng nhà cũ cho đến những bức tượng. Mục tiêu thiết kế là tạo ra trải nghiệm được chào đón cho những du khách khó tính.
Mỗi phòng nghỉ đều được bài trí không trùng lặp.
Sân trong được ví như một ốc đảo đô thị mang lại không gian thư giãn giữa thiên nhiên, được thiết kế bởi nghệ sĩ cảnh quan Blu Mambor.
Nhiều đồ nội thất trong các phòng nghỉ được thiết kế riêng, chẳng hạn như gạch ốp phòng tắm, ghế sofa, giường… Ngoài ra còn có một số tuyển tập các sản phẩm của các nhà thiết kế, nghệ nhân người Ý và quốc tế, tập trung vào những không gian riêng tư.
Gạch ốp phòng tắm có họa tiết bắt mắt, được thiết kế riêng.
Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Designboom | Ảnh: Giulio Ghirardi
Xem thêm
Nhà hàng De Witt: Hành trình kế thừa lịch sử
Phục chế di sản nghệ thuật tại nhà hàng Frescohallen
Khách sạn Manufacture Royale de Lectoure: Sức sống mới trong không gian lịch sử