Mỗi năm, có khoảng 3 triệu tấn khí nhà kính được sinh ra từ rác thải thực phẩm, trực tiếp tác động lên môi trường của nhiều quốc gia. Để giải quyết vấn đề lãng phí lương thực và rác thải, nhà thiết kế Youyang Song đã dùng phế thải từ trái cây và tảo tạo ra Peelsphere, một loại vải có khả năng tái chế vô hạn và tính thẩm mỹ cao.
Rác thải từ trái cây như vỏ cam, vỏ chuối, bã đậu nành… được nghiền và trộn thêm chất kết dính sinh học, sau đó ép tạo hình và cắt thành từng tấm bằng công nghệ laser. Thành phẩm thu được là một loại vải dễ uốn và không thấm nước, có thể điều chỉnh màu sắc, độ mờ và có thể tạo được vô số hoa văn khác nhau. Hơn nữa, tùy theo công dụng mà vật liệu này còn có thể thay đổi kết cấu, thích hợp cho việc sản xuất các phụ kiện thời trang, quần áo, hộp gói quà phân hủy sinh học.
Nhờ tính ứng dụng và thân thiện với môi trường, Peelsphere đã giành được nhiều giải thưởng danh giá như: giải thưởng Bền vững của Đức, giải Vật liệu đổi mới toàn diện Oxford, đồng thời, mang đến cho nhà thiết kế đề cử giải Tài năng thiết kế Thế giới Ein & Zwanzig năm 2019 do hội đồng thiết kế Đức tài trợ. Thông qua Peelsphere, Youyang hy vọng sẽ truyền cảm hứng trong ngành thiết kế thông qua các phương pháp và tư duy vật liệu mới, đồng thời, giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm trên toàn thế giới.
Thực hiện: Thùy Như | Theo: Yellowtrace | Ảnh: Youyang Song
Xem thêm
Vi khuẩn: Chất liệu bền vững mới
Vollebak và màu nhuộm hiếm từ khoáng chất cổ đại
Những sáng tạo từ vật liệu tái chế tỏa sáng tại SaloneSatellite Award 2023