Giảm thiểu khí thải, chống lãng phí là một trong những mục tiêu mà ban tổ chức Olympic 2024 hướng đến. Chỉ tiêu carbon dioxide thải ra trong sự kiện lần này là không vượt quá 1.58 tấn, khoảng một nửa so với London 2012 và Rio 2016. Paris cũng xem đây là dịp để thúc đẩy các chính sách môi trường dài hạn hơn cho thành phố. Để đạt được những mục tiêu này, nhiều giải pháp bền vững được đề ra, nhắm đến hạng mục xây dựng, giao thông, năng lượng và tiêu thụ.
Cải tạo và tái sử dụng
Một trong những quyết định bền vững nhất trong khâu tổ chức Olympic năm nay là giới hạn xây dựng ở mức thấp nhất. 90% địa điểm thi đấu đều là những công trình sẵn có hoặc cơ sở vật chất tạm thời, chẳng hạn như Stade de France làm sân vận động điền kinh hay Grand Palais làm sân thi đấu kiếm và taekwondo.
Làm sạch sông Seine
Chiến lược môi trường đầy tham vọng nhất của Paris là việc làm sạch sông Seine với kinh phí lên đến 1.4 tỉ Euro, dùng làm địa điểm tổ chức thi bơi marathon 10km và sự kiện bơi lội Paralympic.
Bơi lội trên sông đã bị cấm từ năm 1923 do vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Cơ sở hạ tầng mới được nâng cấp góp phần giảm 90% lượng nước thải vào sông trong hai thập kỷ qua. Đáng chú ý là một lưu vực ngầm lớn đã đi vào hoạt động vào tháng 5, có tác dụng tích trữ nước mưa để ngăn nước thải chảy ra sông khi hệ thống cống rãnh quá tải.
Tuy nhiên, độ sạch của dòng sông vẫn chưa được đảm bảo sau những nỗ lực của ban tổ chức với cảnh báo rằng mưa lớn có thể làm tăng nồng độ E-coli trong nước lên mức không an toàn và buộc các cuộc thi bơi lội phải được tổ chức tại một địa điểm dự phòng. Mới đây, phần thi bơi ba môn phối hợp cho nam đã phải hoãn vì mức độ ô nhiễm nước vượt ngưỡng cho phép.
Sử dụng vật liệu xây dựng ít carbon thấp
Với những công trình cần xây mới, ban tổ chức đã thực hiện các bước để đảm bảo rằng lượng khí thải liên quan được hạn chế. Ví dụ như Trung tâm Thể thao Dưới nước do VenhoevenCS và Ateliers 2/3/4 thiết kế có cấu trúc bằng gỗ và tấm pin mặt trời lớn trên mái nhà, chỗ ngồi của khán giả được làm từ nhựa thải tái chế.
Làng Olympic gần đó có sức chứa 14.250 vận động viên Olympic và 8.000 vận động viên Paralympic, cũng đã được phát triển theo chiến lược môi trường. Sử dụng vật liệu có nguồn gốc sinh học dự kiến giảm 50% lượng khí thải carbon trong vòng đời của các tòa nhà so với xây dựng thông thường.
Trong các công trình kiến trúc mới có bộ ba khối chung cư bê tông và gỗ do Brenac & Gonzalez & Associés hoàn thành, có mặt tiền được lót bằng hành lang và hoàn thiện bằng gạch đất nung và một tòa nhà văn phòng bằng gỗ khối của studio kiến trúc Dream. Giường ngủ được làm bằng bìa cạc-tông tái chế và đèn đường làm từ phế liệu. Hệ thống nước địa nhiệt được sử dụng nhằm loại bỏ nhu cầu sử dụng điều hòa.
Mở làn đường cho xe đạp
Hạng mục di chuyển cũng được đầu tư nhằm giảm lượng khí thải giao thông. Các tuyến đường dành cho xe đạp được nâng cấp là chiến lược chủ chốt, vừa tiết kiệm năng nhiên liệu, giảm ô nhiễm, đồng thời xây dựng việc đạp xe trở thành một trong những biểu tượng chính của Olympic 2024. Mạng lưới làn xe đạp dài hơn 400 km kết nối tất cả các địa điểm thi đấu, bao gồm 55km tuyến đường mới được bổ sung. Ngoài ra, 3.000 xe đạp tự phục vụ và 10.000 chỗ để xe đạp bổ sung đã được cung cấp trên khắp các địa điểm.
Sử dụng năng lượng tái tạo
Kế hoạch sử dụng năng lượng tại Olympic Paris là thông qua nguồn điện tái tạo hoàn toàn và các thiết bị đầu cuối điện có thể thu gọn, dự kiến sẽ tiết kiệm khoảng 13.000 tấn khí thải CO2 thông qua việc giảm sử dụng máy phát điện diesel.
Việc tạo ra năng lượng mặt trời hoặc địa nhiệt tại chỗ tại các địa điểm như Làng Olympic và Trung tâm thể thao dưới nước giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của các đoàn thi đấu. Một nhà máy điện mặt trời nổi trên sông Seine cũng sẽ sản xuất năng lượng tái tạo trong thời gian diễn ra Thế vận hội thông qua dãy tấm quang điện rộng 400 mét vuông.
Bữa ăn ít carbon
Kế hoạch giảm thiểu khí thải cũng bao gồm 13 triệu bữa ăn của các đoàn thi đấu. Theo sáng kiến của Food Vision, lượng thực phẩm có nguồn gốc thực vật gấp đôi so với Thế vận hội London 2012 và Rio 2016, với 80% nguyên liệu do Pháp sản xuất, bao gồm thịt và sữa. Cùng những nỗ lực hạn chế lãng phí thực phẩm, ban tổ chức kỳ vọng rằng mỗi bữa ăn sẽ tạo ra lượng khí thải carbon là 1kg CO2 so với mức trung bình của Pháp là 2,3kg.
Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Dezeen
Xem thêm
Câu chuyện phát triển kiến trúc bền vững cho các mùa Olympic