Thế giới sáng tạo rộng lớn, qua bài viết này chúng tôi của quá trình giao thoa đặc sắc giữa Đông và Tây: từ những ảnh hưởng tinh tế, đậm tính triết học của tư tưởng phương Đông lên các công trình hiện đại phương Tây, đến cách các quốc gia châu Á học tập và biến chuyển kiến trúc phương Tây để phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa bản địa. Sự trao đổi song phương này luôn là một cuộc đối thoại hấp dẫn, tiếp diễn dài lâu và nảy mầm sáng tạo trong công cuộc thích nghi, phản biện.
Khi Phương Tây tìm về Phương Đông: Những khơi gợi từ sự tĩnh lặng và hài hòa
Trong khi phương Tây thiên về chinh phục thì phương Đông lại nghiêng về kính ngưỡng tự nhiên, chính sự khác biệt về tinh thần này đã dẫn đến hai trường phái kiến trúc riêng biệt. Khi các đoàn thuyền thám hiểm của phương Tây lần đầu đặt chân đến châu Á vào thế kỷ 17, họ đã nhận ra không gian sống ở châu Á là cuộc đối thoại giữa con người và thiên nhiên, vẻ đẹp được gói ghém trong sự tĩnh lặng và tinh tế và phương thức xây dựng đều theo triết lý “thuận thiên”. Như được khai mở một chân trời mới, các nhà mỹ học, KTS và NTK nhận ra tiềm năng sáng tạo từ vẻ đẹp “e ấp” và thâm sâu của phương Đông, từ đó họ thấm nhuần, vận dụng để viết nên câu chuyện có hồn sâu lắng.
Vào cuối thế kỷ 19, phong trào Japonisme – chủ nghĩa Nhật Bản hay trào lưu sính đồ Nhật nở rộ ở châu Âu, bắt đầu từ sự ưa chuộng tranh mộc bản Ukiyo-e của Nhật Bản, từ đó nhanh chóng lan sang các lĩnh vực hội họa, nội thất và kiến trúc. Các KTS như Frank Lloyd Wright chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cấu trúc gỗ truyền thống Nhật Bản, thể hiện qua cách tổ chức không gian mở, sử dụng giấy và gỗ như những yếu tố tạo ánh sáng tự nhiên và thẩm mỹ thị giác. Khách sạn Imperial Tokyo (1923) do Wright thiết kế là minh chứng rõ nét cho sự kết hợp ấy, với mái thấp, hồ nước và sân trong theo phong cách Nhật nhưng sử dụng kỹ thuật xây dựng hiện đại phương Tây. Sự kết hợp này lan tỏa luồng sinh khí bình yên, nhẹ nhõm, một hơi thở tươi mát của phương Đông xoa dịu các công trình nặng tính bê tông hóa của phương Tây. Các thiết kế nội thất cũng không nằm ngoài vòng xoáy cảm hứng mạnh mẽ đó, các KTS châu Âu và Mỹ rất hứng thú tìm hiểu cách bài trí ngôi nhà của người Nhật. Phong trào đạt cực thịnh trong giai đoạn từ năm 1871 cho đến cuối thế kỷ 19. Với nhân vật tiêu biểu là Christopher Dresser (1834–1904), một NTK người Anh nổi tiếng hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế nội thất và nghệ thuật ứng dụng, là người đóng góp lớn cho cộng đồng Anglo-Japanese và Phong cách hiện đại (phong cách Art Nouveau của Anh).
Khách sạn Imperial Tokyo. Ảnh: Tư liệu
Trong khi đó tại châu Âu, trào lưu Art Nouveau tại Pháp và Bỉ cũng ghi nhận ảnh hưởng phương Đông, đặc biệt là ở việc đề cao đường cong hữu cơ, cấu trúc bất đối xứng và tinh thần trang trí phi truyền thống. Những cái tên như Hector Guimard, Émile Gallé hay Charles Rennie Mackintosh đã đưa tinh thần đó vào các công trình kiến trúc công cộng, từ nhà ga tàu điện ngầm Paris đến nội thất biệt thự tư nhân. Mỹ học Nhật Bản – với đặc trưng là những mảng màu lớn, phẳng và bố cục không dựa trên phối cảnh truyền thống – đã nhanh chóng trở thành một xu hướng thị giác được ưa chuộng trong giới nghệ thuật châu Âu cuối thế kỷ 19. Chính lối biểu đạt đơn giản nhưng đầy gợi mở này đã tác động mạnh mẽ đến các nghệ sĩ như van Gogh, Gauguin và Toulouse-Lautrec, góp phần định hình ngôn ngữ tạo hình hiện đại.
Tòa nhà Beurs Van Berlage ở Amsterdam áp dụng triết lý giản lược và trật tự hình học phương Đông – một tiền đề cho phong cách hiện đại sau này. Ảnh: Gor Roelofsen
Ngoài ra, KTS người Hà Lan Hendrik Petrus Berlage, khi thiết kế tòa nhà Beurs van Berlage (Amsterdam), đã áp dụng tinh thần của tính giản lược và trật tự hình học chịu ảnh hưởng tư tưởng phương Đông – một tiền đề cho phong cách hiện đại sau này. Một trích dẫn tiêu biểu từ Frank Lloyd Wright cho thấy sự ngưỡng mộ của ông đối với kiến trúc Á Đông: “I believe in God, only I spell it Nature.” Câu nói này phản ánh rõ ảnh hưởng của triết lý phương Đông về sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người trong tư duy thiết kế.
Khi Phương Đông hấp thụ và tái định hình Phương Tây
Cùng chủ nghĩa thực dân, từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, kiến trúc phương Tây thâm nhập vào châu Á không chỉ dưới dạng ảnh hưởng thẩm mỹ, mà còn như biểu tượng quyền lực và hiện đại hóa. Tuy nhiên, các quốc gia Á Đông không thụ động tiếp nhận mà nhanh chóng bản địa hóa những tinh thần ấy theo cách riêng. Tại Việt Nam, kiến trúc Đông Dương là ví dụ điển hình. Trong thời kỳ Pháp xâm lược, các KTS như Ernest Hébrard đã kết hợp các yếu tố Pháp cổ điển với mái ngói cong, hàng hiên chống nắng và hệ thống thông gió nhiệt đới đặc trưng của Việt Nam. Trường Đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hay trụ sở Bộ Tài chính cũ là những công trình còn nguyên giá trị thẩm mỹ và chức năng đến nay. Chính sự lai ghép này đã tạo nên một ngôn ngữ kiến trúc chuyển tiếp, không đơn thuần sao chép mà tái định hình thẩm mỹ đô thị bản địa theo cách phù hợp hơn với bối cảnh Đông Dương – nơi Đông và Tây không loại trừ nhau, mà cùng tồn tại trong một cấu trúc có trật tự và đa tầng ý nghĩa. Tuy là của phương Tây mang đến nhưng vẫn thấm nhuần tư tưởng hòa hợp thiên nhiên của người Việt.
Trường Đại học Đông Dương. Ảnh: Tư liệu
Tại Nhật Bản, phong trào Giyofu (giống phong cách Tây phương) trong thời Minh Trị đã sản sinh những công trình như nhà ga Tokyo, tòa thị chính Kyoto – vừa mang cấu trúc châu Âu, vừa giữ lại tinh thần tỷ lệ và vật liệu Nhật Bản. Trung Quốc thời Dân quốc có những công trình như Đại học Thanh Hoa hay Đại lễ đường Nhân dân pha trộn giữa cổ điển Hy Lạp và phong cách truyền thống Trung Hoa. Wang Shu, KTS Trung Quốc đạt giải Pritzker, kế thừa tinh thần đó theo hướng hiện đại, điển hình là Bảo tàng Lịch sử Ningbo với ngói tái chế từ nhà cổ và bố cục phi đối xứng đầy sáng tạo.
Ở Ấn Độ, phong cách Indo-Saracenic dưới thời Anh thống trị đã kết hợp kiến trúc Gothic và Mughal, tạo nên những công trình như tòa nhà Chhatrapati Shivaji Terminus (Mumbai) hay Đại học Madras – biểu tượng cho một Ấn Độ vừa hiện đại vừa kiêu hãnh với di sản văn hóa. Rashtrapati Bhavan (Phủ Tổng thống) là một ví dụ đỉnh cao khi mái vòm lấy cảm hứng từ Stupa Phật giáo kết hợp kiến trúc cổ điển châu Âu.
Một ví dụ tiêu biểu khác là Bảo tàng Quốc gia Singapore – công trình pha trộn giữa phong cách Tân cổ điển châu Âu với màu sắc và chi tiết gắn liền với văn hóa Đông Nam Á, thể hiện rõ triết lý “Phương Đông hóa” kiến trúc phương Tây. Như học giả, nhà văn nổi tiếng Ji Xianlin từng nói: “Trao đổi văn hóa là động lực chính cho sự tiến bộ của nhân loại. Chỉ khi học hỏi lẫn nhau, con người mới không ngừng phát triển”. Lời khẳng định ấy vô cùng tương đồng với các nền kiến trúc châu Á tiếp thu mà không hòa tan, học hỏi điều mới trong khi vẫn kế thừa truyền thống để tìm cách lồng ghép, cùng phát triển theo chiều hướng mới.
Cuộc đối thoại đương đại: Xóa mờ lằn ranh biên giới văn hóa
Trong thế kỷ 21, toàn cầu hóa không còn là khái niệm lý thuyết, mà đã trở thành một thực tế hữu hình hiển hiện trong từng lớp bê tông, từng món nội thất và không gian sống. Không còn bị ràng buộc bởi giới hạn địa lý hay lịch sử, cuộc đối thoại Đông – Tây giờ đây diễn ra trên phương diện toàn cầu, đa chiều và đa kết nối. Người KTS hiện nay không chỉ thiết kế phục vụ cho một cộng đồng địa phương mà đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình xuyên quốc gia nhờ vào những công trình mang tính quốc tế, những cuộc trao đổi về văn hóa với ngôn ngữ kiến trúc đa dạng luôn được tiếp thu và đổi mới.
Công trình V&A Dundee ở Scotland thể hiện tinh thần Nhật thông qua ngôn ngữ thiết kế trừu tượng phương Tây. Ảnh: Huftoncrow
KTS Kengo Kuma (Nhật Bản) từng gây ấn tượng với công trình V&A Dundee (Scotland), thể hiện tinh thần Nhật thông qua ngôn ngữ trừu tượng phương Tây. Hay như Toyo Ito, trong Thư viện Sendai Medi- atheque, đã ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp triết lý không gian linh hoạt – một diễn giải mới của truyền thống kiến trúc cộng sinh Nhật Bản trong thế giới số. Trong khi đó, KTS Wang Shu sử dụng ngói tái chế, tường đất nện, kết cấu phi đối xứng để thể hiện sự chuyển động văn hóa Trung Quốc trong thời đại mới, đồng thời phản ánh triết lý về sự liên tục – nơi mới và cũ không bị chia cắt, mà hòa quyện vào nhau như một dòng chảy thống nhất. KTS Võ Trọng Nghĩa (Việt Nam) đưa triết lý sống gần gũi thiên nhiên vào kiến trúc đô thị, thể hiện qua các công trình như Trường mầm non Farming Kindergarten hay Nhà hàng tre Wind and Water. Tại đây, vật liệu truyền thống được kết hợp với hình khối hiện đại và hệ thống kỹ thuật bền vững – tạo ra những công trình không chỉ đẹp mà còn có khả năng chữa lành, nuôi dưỡng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công trình Farming Kindergarten. Ảnh: Gremsy
Ngược lại, các KTS phương Tây ngày nay không còn đến châu Á với tư duy “áp đặt mô hình” như thế kỷ trước, mà tìm cách học hỏi, lắng nghe và đồng sáng tạo với bối cảnh địa phương. Dự án Lulu Island (Abu Dhabi) của Foster + Partners hay Tòa nhà Grove tại Singapore của BIG đều là ví dụ cho kiến trúc quốc tế có chiều sâu bản địa – nơi khí hậu, văn hóa và ký ức địa phương là chất liệu tạo hình chủ đạo. Không gian kiến trúc ngày nay không còn đơn thuần là nơi trú ngụ, mà là nền tảng cho các trải nghiệm lai ghép văn hóa. Những trung tâm văn hóa, thư viện cộng đồng, bảo tàng thế kỷ 21 – từ Louvre Abu Dhabi đến M+ Hong Kong – đều là nơi xóa mờ biên giới để nhường chỗ cho những bản sắc đa chiều và đa nghĩa.
Như nhà văn Elif Shafak từng viết: “Đông và Tây không phải là nước và dầu. Chúng hòa quyện… sự hòa quyện ấy diễn ra mãnh liệt, không ngừng và đầy kinh ngạc. Kiến trúc đương đại vì thế trở thành một hình thức ngoại giao mềm – một không gian nơi giá trị không hiện diện bằng ngôn từ, mà lắng đọng trong kết cấu, vang vọng trong bầu không gian, ánh lên qua chất liệu tự nhiên và tan vào sự tĩnh lặng như một dòng chảy sinh khí xuyên suốt.
Vật liệu và tư duy: Những giá trị được hoán đổi
Một trong những biểu hiện sâu sắc nhất của sự giao thoa Đông – Tây trong kiến trúc chính là tư duy sử dụng vật liệu và cách tổ chức không gian sống. Nếu kiến trúc truyền thống phương Tây từng xem vật liệu hiện đại như bê tông cốt thép, kính và kim loại là biểu tượng của quyền lực, công nghệ và tiến bộ, thì phương Đông từ bao đời nay vẫn luôn coi trọng vật liệu tự nhiên như tre, gỗ, đất nện – gần gũi với môi trường và gắn bó với chu trình sinh thái. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, đã xuất hiện sự đảo chiều vai trò đầy thú vị: phương Tây đang học cách “trở về” với vật liệu thô mộc truyền thống, trong khi KTS phương Đông lại tận dụng vật liệu hiện đại để kể những câu chuyện văn hóa bản địa theo ngôn ngữ mới. Sẽ thật khập khiễng khi so sánh sự đảo chiều này như một cách phương Đông đang cố đuổi kịp phương Tây, mà đúng hơn nó chính là một cuộc giao lưu văn hóa, nơi những thể nghiệm mới là bản giao hòa của công nghệ xây dựng và chất bản địa.
Tại Nhật Bản, Kengo Kuma nổi bật với triết lý “kiến trúc chống tượng đài” (anti-monumentality), khi ông chủ trương dùng gỗ, giấy washi, tre và đá địa phương để kiến tạo công trình nhẹ nhàng, mang tính thiền định cao. Dự án GC Prostho Museum Research Center (Kasugai) là ví dụ tiêu biểu: toàn bộ mặt đứng được tạo thành từ hệ thống chốt gỗ chidori lắp ghép thủ công, không dùng đinh – một kỹ thuật truyền thống được hiện đại hóa.
Ở châu Âu, nhiều KTS đang nhìn về phương Đông để tìm cảm hứng tái sử dụng vật liệu địa phương và hướng đến thiết kế bền vững. Studio Anne Holtrop (Hà Lan) sử dụng bê tông đúc từ khuôn hình vân gỗ, mang lại cảm giác hữu cơ mềm mại sinh động, một cách diễn dịch tư tưởng phương Đông trong hình thức châu Âu. Hay tại Pháp, nhóm kiến trúc CRAterre khởi xướng phong trào xây bằng đất nện, hồi sinh kỹ thuật cổ truyền từng bị lãng quên, đồng thời tiếp thu tinh thần “vật liệu sống” từ châu Á và châu Phi.
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Ningbo KTS Wang Shu (Trung Quốc) đã tái chế hàng triệu viên ngói cũ, kết hợp khung bê tông hiện đại và bố cục phi tuyến tính để tạo ra một không gian vừa mộc mạc, vừa phức tạp về mặt cảm xúc và lịch sử. Ảnh: Iwan Baan
Ngược lại, tại châu Á, nhiều công trình sử dụng vật liệu mới không còn để khuyếch trương công nghệ, mà như một phương tiện để biểu đạt di sản, tôn vinh giá trị truyền thống trong một hình thái hiện đại hơn. KTS Wang Shu (Trung Quốc) – tác giả Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Ningbo – tái chế hàng triệu viên ngói cũ, kết hợp khung bê tông hiện đại và bố cục phi tuyến tính để tạo ra một không gian vừa mộc mạc, vừa phức tạp về mặt cảm xúc và lịch sử.
Tại Việt Nam, KTS Võ Trọng Nghĩa kết hợp tre – một vật liệu truyền thống Đông Nam Á – với các cấu trúc bê tông và hệ thống xanh hóa tiên tiến. Nhà hàng Bamboo Wings (Đại Lải) và Trường học Farming Kindergarten là minh chứng cho tư duy tích hợp: sử dụng tre theo cách hoàn toàn mới, cho phép công trình “thở”, tương tác với khí hậu, đồng thời vẫn đạt chuẩn quốc tế về an toàn và kết cấu. Tropical Space Architects với công trình Nhà gạch Termitary House (Đà Nẵng) đã thể hiện sự sáng tạo với gạch nung thủ công – một vật liệu bản địa quen thuộc – để tạo nên cấu trúc nhà ở hiện đại, thoáng khí, mát mẻ, tận dụng ánh sáng tự nhiên và đối lưu gió. Cấu trúc tường gạch với hệ lỗ thông khí không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn cải thiện vi khí hậu bên trong, thể hiện cho sự song hành của “cũ” và “mới” tương hỗ chứ không loại trừ nhau.
Công trình Termitary House. Ảnh: Hiroyuki Oki
Cùng lúc đó, sự trao đổi còn thể hiện trong cách tổ chức không gian. Kiến trúc phương Tây – vốn quen với không gian phân mảnh và tĩnh – đang học cách trở nên cởi mở hơn để chào đón thiên nhiên vào bên trong công trình, theo cảm hứng từ nhà truyền thống Nhật (Ryokan) hay nhà rường Huế với sân trong và vườn tiểu cảnh. Các dự án như Therme Vals (Thụy Sĩ, Peter Zumthor) hay Maggie’s Centre (Steven Holl) thể hiện rõ tinh thần “thiền định” không gian theo lối Đông phương.
Công trình Maggie’s Centre. Ảnh: Hufton + Crow
Ở chiều ngược lại, các đô thị châu Á – nơi mật độ dân cư cao và tính chất hỗn độn vốn dĩ là đặc trưng – đang dần áp dụng cách quy hoạch quảng trường công cộng, vỉa hè dành cho người đi bộ, hoặc không gian giao thoa đa chức năng từ mô hình đô thị châu Âu. Tại Singapore, khu Marina One là tổ hợp cao tầng hiện đại nhưng tổ chức trung tâm như một “rừng đô thị” – không gian chung có chức năng như một quảng trường nhiệt đới – minh chứng cho một Đông phương hiện đại hóa nhưng vẫn không rời bỏ triết lý sinh thái. Từ đó có thể thấy: vật liệu không đơn thuần chỉ gói gọn trong khịa cạnh kỹ thuật, mà trở thành một phần của tư duy – nơi mà mỗi viên gạch, mỗi kết cấu đều ghi đậm dấu ấn của lịch sử, văn hóa và con người. Không có vật liệu nào là “thấp kém” hay “cao quý”, chỉ có cách sử dụng chúng mới phản ánh tầm nhìn văn hóa và đạo đức nghề nghiệp của người thiết kế.
Cuộc đối thoại không ngừng trong không gian sống
Kiến trúc chưa bao giờ chỉ là những bức tường và mái ngói – nó là một dạng ngôn ngữ vật chất phản ánh dòng chảy tư tưởng, văn hóa và tinh thần của thời đại. Trong cuộc đối thoại không ngừng giữa Phương Đông và Phương Tây, điều chúng ta chứng kiến không đơn thuần là sự vay mượn hình thức hay kỹ thuật, mà là sự cộng hưởng về thế giới quan, về triết lý sống và về niềm tin vào khả năng kiến tạo tương lai thông qua không gian. Sự giao thoa ấy không dừng lại ở những công trình đã hoàn thiện. Nó diễn ra âm thầm nhưng liên tục – trong cách chúng bước qua một cánh cổng, lặng lẽ ngắm nhìn ánh nắng rơi nghiêng bên cửa sổ, hay đơn giản là cảm nhận bước chuyển mùa trên mái ngói xưa. Chính trong những khoảnh khắc ấy, kiến trúc trở thành một thực thể sống, dẫn dắt con người đến sự thấu hiểu lẫn nhau. Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi bản sắc không còn là pháo đài đóng kín, mà là dòng chảy mở không ngừng tuôn trào – nơi các nền văn hóa có thể giao lưu, đối thoại và cộng sinh. Việc tiếp tục sự trao đổi giữa các hệ hình kiến trúc không chỉ giúp chúng ta kiến tạo những không gian đẹp và bền vững, mà còn góp phần định hình một thế giới phong phú– nơi sự khác biệt không tạo ra chia cắt, mà trở thành nguồn lực sáng tạo.
Kiến trúc, xét cho cùng, không phải là đích đến, mà là hành trình – hành trình của sự tiếp xúc, của học hỏi và của tái sinh liên tục giữa các nền văn minh. Và như triết gia Gaston Bachelard từng viết: “Ngôi nhà là một trong những sức mạnh lớn lao để hội tụ những giấc mơ, là cái nôi của tưởng tượng.” Chỉ khi ta xây dựng với tinh thần lắng nghe và thấu cảm, những cây cầu kiến trúc mới thực sự trở thành nhịp nối của con người – vượt qua biên giới, thời gian và mọi định kiến.
Bài: Phương Nguyễn
Xem thêm
Nghệ thuật cắt giấy Kirie: Hành trình từ truyền thống đến sáng tạo đương đại
Gạch kính và nghệ thuật chắt lọc ánh sáng trong kiến trúc đương đại
Picoplanktonics: Thiết kế biophilic biến không khí thành vật liệu thân thiện với môi trường