Victor Horta: Kiến trúc sư tiên phong cho phong trào Art Nouveau

Là người tiên phong cho phong trào Art Nouveau (Tân hiện đại), những công trình của kiến trúc sư Victor Horta gây ấn tượng bởi những đường cong tỉ mỉ và phức tạp đến từng chi tiết, toát lên sự mềm mại và cuốn hút người xem một cách đặc biệt.

Niềm đam mê sinh ra trên công trường xây dựng

Kiến trúc sư Victor Horta sinh ra tại Ghent, Bỉ năm 1861 trong gia đình có cha làm nghề đóng giày và coi công việc thủ công đó như một nghệ thuật. Thuở nhỏ, Victor nổi bật hơn hẳn trong số 11 anh chị em của mình với tính cách nổi loạn, ngỗ ngược, đến nỗi cha của ông đã phải uốn nắn lại bằng cách gửi ông đến một công trường xây dựng để làm việc. Tại nơi đó, Victor dường như đã nhìn thấy được phần còn lại của cuộc đời mình trải ra trước mắt, tìm ra thứ sẽ trở thành tác phẩm để đời của mình: kiến trúc.

Cuộc đời của thiên tài kiến trúc Victor Horta đã mở ra chương mới khi cậu bé 12 tuổi quyết định đăng ký vào trường kiến trúc Académie des Beaux-Arts ở Ghent (1873). Tại đây, tài năng của Victor càng ngày càng nở rộ. Niềm cảm hứng đặc biệt của Victor bị ảnh hưởng bởi kiến trúc sư và nhà lý thuyết người Pháp Eugène Viollet-le-Duc, người mà một mặt kêu gọi bảo vệ và khôi phục các tòa nhà thời trung cổ, mặt khác ủng hộ nhiệt tình cho kỹ thuật mới trong kiến ​​trúc và cam kết sử dụng các vật liệu xây dựng mới.

kien truc su victor horta art nouveau

Victor Horta làm việc tại studio trong nhà của mình. Ảnh: Gustave Deltour

Sau khi đến Paris năm 1878, Victor có cơ hội khám phá ra phong cách và vật liệu xây dựng mới khi bước vào studio của kiến trúc sư,  nhà thiết kế nội thất Jules Debuysson. Trong hồi ký của mình, Victor tâm sự: “Những chuyến đi dạo, những di tích, những viện bảo tàng, tất cả những nơi tôi đến trong khoảng thời gian ở Paris đã mở rộng cánh cửa tâm hồn nghệ thuật nhạy cảm này. Không một nền giáo dục hàn lâm, không một trường học nào có thể truyền cho tôi cảm hứng mạnh mẽ và lâu dài hơn việc giải mã các di tích đó – một sự nhiệt tình không bao giờ nguôi ngoai trong tôi”.

Năm 1880, cha của Victor qua đời, kiến ​​trúc sư trở lại Bỉ và bắt đầu đi học tại Académie Royale des Beaux-Arts ở Brussels. Sau khi giành được giải thưởng danh giá Godecharle (1884), Victor trở thành trợ lý cho Alphonse Balat, một kiến ​​trúc sư, nhà thiết kế của Vua Bỉ Leopold II đang làm việc cho Nhà kính Hoàng gia tại Laeken. Cấu trúc bằng sắt và thủy tinh của Alphonse Balat sau này cũng đã truyền cảm hứng cho những thiết kế nổi tiếng nhất của Victor. Đến 1885, ông gia nhập Hiệp hội Kiến trúc Trung tâm Bỉ, thành lập cơ sở hành nghề độc lập của riêng mình và xây dựng ba ngôi nhà tại 45-47 Phố Twaalfkameren ở Ghent. Đây là công trình kiến ​​trúc duy nhất của ông ở thành phố quê hương.

victor horta art nouveau

Mặt tiền ngôi nhà tại Brussels của Victor Horta nay được sử dụng làm bảo tàng của chính ông.

noi that art nouveau trang tri victor horta

Chi tiết trang trí bên trong ngôi nhà.

Trưởng thành trong phong cách trong nghệ thuật

Phong cách nghệ thuật của Victor dần dần bộc lộ khi tầng lớp tư sản ở Brussels giao cho ông thiết kế các tòa nhà xung quanh thành phố. Ông đã sử dụng nhiều đường cong trong cầu thang, tay nắm cửa, lan can sắt,… được gọi là phong cách “whiplash” và bắt đầu phổ biến một phần qua các tờ báo và tạp chí nghệ thuật trên khắp châu Âu. 

Các thiết kế của Victor đã mở đường cho sự xuất hiện của các họa tiết tinh tế, tự nhiên và hình dạng chuyển động được thấy trong các loại đèn, đồ trang sức, đồ nội thất và tác phẩm nghệ thuật theo trường phái Tân nghệ thuật.

Những người đồng nghiệp của Victor là Eugene Autrique và Emile Tassel đã giao cho ông thiết kế nhà ở cho họ. Hai công trình Hôtel Tassel và Hôtel Van Eetvelde hoàn thành vào năm 1893 là đại diện cho những tác phẩm đầu tiên của Victor theo trường phái Tân nghệ thuật. Lần đầu tiên, người ta thấy sự nở rộ của phong cách này một cách toàn diện.

kien truc su victor horta art nouveau Hôtel Van Eetvelde

Nội thất của Hôtel Van Eetvelde.

Victor nổi tiếng với công việc tiên phong của mình trong Art Nouveau và chuyển đổi phong cách từ nghệ thuật trang trí sang kiến ​​trúc vào đầu những năm 1890. Sự sáng tạo của Victor với Art Nouveau đã giúp phong cách này trở thành biểu tượng mang phong cách quốc gia ở Bỉ vào năm 1900 trước khi sụp đổ nhanh chóng trước Thế chiến thứ nhất. Victor có hiểu biết sâu sắc về khả năng tiến bộ công nghiệp với sắt và kính. Các tòa nhà theo phong cách Tân hiện đại của Victor cho thấy các xử lý khéo léo các đặc tính của vật liệu, đặc biệt là khả năng xoắn và uốn cong của sắt thành các dạng kẹp tóc có thể mở rộng liền mạch với phong cách trang trí đi kèm. Từ trong ra ngoài, dưới bàn tay tài diễm của Victor, các toà nhà đã trở thành những thành “tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh”.

Benjamin Zurstrassen, giám tuyển tại bảo tàng Horta cho biết: “Điều thú vị về Victor Horta so với các kiến ​​trúc sư cùng thời là ông đã làm sống động ý tưởng hiện đại về Art Nouveau và các đặc trưng của nó. Vì sự độc đáo trong các tác phẩm của mình, Victor đã truyền cảm hứng cho các kiến ​​trúc sư và nghệ sĩ khác, bao gồm cả kiến ​​trúc sư người Pháp Hector Guimard”

Một số công trình nổi bật

Năm 1893, Hôtel Tassel vĩ đại được xây dựng. Đây được coi là tòa nhà theo trường phái Tân nghệ thuật đầu tiên trên thế giới. Cũng như nhiều dinh thự khác mà kiến trúc sư Victor Horta thiết kế, trung tâm của tòa nhà là sảnh cầu thang. Điểm nhấn ở đây là cấu trúc, điều mà Victor thể hiện rõ ràng qua các cột sắt màu xanh. Các cột mỏng nở hoa thành một mớ tua và vòng xoắn giống như dây leo ở vương miện, sau đó hòa trộn với các dây leo hiện rõ trên sàn khảm, với các đường cong uốn nếp của thực vật trên bề mặt tường. Cảm hứng mà phong cách Art Nouveau đem lại dựa trên những yếu tố của tự nhiên như cây, cỏ, hoa, lá cùng đường nét uốn cong mềm mại tạo nên sự tinh tế đặc biệt  lẫn vẻ đẹp huyền ảo, bí ẩn mang hơi hướng cổ tích. Sảnh cầu thang là nơi có thể nhìn thấy rõ ràng ở bên ngoài, với một dầm chữ I bằng sắt màu xanh lá cây được tán đinh đóng. Phía trên lối vào chính có một bộ cửa sổ kính màu phát sáng có màu xanh của nước và màu hồng của cây hoa.

kien truc su victor horta art nouveau Hôtel Tassel

Mặt tiền của Hôtel Tassel.

Hôtel Tassel kien truc su victor horta art nouveau

Cầu thang tại Hôtel Tassel.

Ngoài việc xây dựng các tòa nhà, Victor còn thường xuyên thiết kế đồ nội thất. Ngôi nhà Aubecq là nơi ông đặt những đồ nội thất mà ông thiết kế, trong đó có chiếc ghế điển hình cho các thiết kế của Victor từ đầu thế kỷ, với phần tựa lưng nhô ra ngoài và khung ghế đều là những đường cong. Cấu trúc dày của chiếc ghế và những đường cong uốn lượn toát lên cảm giác của năng lượng tự nhiên, truyền tải cảm giác sống động, căng tràn năng lượng, và được tô điểm bởi màu tro ấm áp.

kien truc su victor horta do noi that

Một trong những thiết kế đồ nội thất của ông.

Nghệ thuật của Victor Horta luôn có sự đặc trưng do ông luôn tuân thủ với các nguyên tắc của mình: xây dựng những tòa nhà sáng sủa bằng những bức tường kính với họa tiết thực vật; Kết hợp đồ sắt uốn và trang trí theo phong cách Arabesques cho mặt tiền và ban công; sử dụng đá cẩm thạch và các loại gỗ khác nhau. Mỗi tác phẩm của Victor đều là duy nhất, không ngừng thay đổi để trở nên tốt hơn.

Cũng bởi chính vì sự cầu toàn của mình mà ông phải nhận một biệt danh không hề xứng: kẻ chậm chạp. Năm 1895, với mục đích tìm kiếm một kiến trúc sư có khả năng tạo ra sự mới lạ, các nhà lãnh đạo của Đảng Công nhân Bỉ ủy quyền cho Victor xây dựng trụ sở mới của họ – tòa nhà Maison du Peuple. Đây là thành tựu đỉnh cao trong sự nghiệp của Victor. Trong thời gian xây dựng tòa, Victor đã có một biệt danh tiếng Flemish: “den stillekens aan”, nghĩa là “kẻ chậm chạp”, bởi ông đã mất 4 năm để thiết kế tòa nhà và 6 tháng để hoàn thành các kế hoạch sơ bộ. Biệt danh đó cho thấy Victor thực sự cẩn thận và hoàn thiện ngay cả những chi tiết nhỏ nhất.

Maison du Peuple kien truc su victor horta

Tòa nhà Maison du Peuple mất 4 năm để hoàn thành. Ảnh: Hidden Architecture

Năm 1899, tòa nhà hoàn thành không chỉ là kiệt tác của Victor mà còn là một kiệt tác của chủ nghĩa hiện đại. Đài tưởng niệm được xây bằng gạch đỏ, gang trắng và kính mang đến những căn phòng lớn tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Thiết kế khung sắt của tòa nhà có thể nhìn thấy rõ ràng ở khắp mọi nơi từ bên trong và bên ngoài, được đóng bằng đinh tán, với một mạng lưới xà sắt đan xen tạo thành trang trí trên trần nhà. Phần đệm thiết kế phù hợp cho người đi bộ bằng gạch đỏ và thủy tinh.

Maison du Peuple kien truc su victor horta

Thiết kế khung sắt có thể nhìn thấy rõ ràng ở bên trong và bên ngoài. Ảnh: Hidden Architecture

Tòa nhà đại diện cho một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển công việc của Victor; mặt tiền có ít trang trí theo trường phái Tân nghệ thuật hơn. Mặc dù vẫn còn hiện diện, nhưng ông đã dần dần từ bỏ các đường cong và các yếu tố trang trí lấy cảm hứng từ thực vật để thay thế bằng các đường nét trang nhã cùng cùng với vật liệu hiện đại.

Sự thay đổi đáng kể trong phong cách của Victor Horta

Chiến tranh khiến nhiều kiến trúc sư rơi vào tình thế khó khăn, trong đó có Victo Horta. Khi trở lại Bỉ vào năm 1919, ông đã bán ngôi nhà và xưởng vẽ của mình. Tuy nhiên vào năm đó, ông được giao nhiệm vụ thiết kế Palais des Beaux-Arts (Trung tâm Mỹ thuật) ở Brussels. Đó là một cơ sở đa năng bao gồm phòng hòa nhạc, phòng độc tấu, phòng nhạc thính phòng, không gian triển lãm lớn, rạp chiếu phim và các phòng giảng. Tòa nhà này mất gần mười năm để hoàn thành và cuối cùng được khánh thành vào năm 1928.

Palais des Beaux-Arts victor horta

Công trình Palais des Beaux-Arts.

Tính thẩm mỹ của của Palais des Beaux-Arts chứng tỏ rằng Victor đã từ bỏ hoàn toàn Art Nouveau và thay vào đó chuyển sang một thẩm mỹ cổ điển hóa, trực tuyến, hình học hóa cao, phản ánh sự phát triển của cái mà ngày nay chúng ta gọi là Art Deco.

Victor là một kiến ​​trúc sư có khả năng thích ứng. Ông đã chuyển đổi từ Art Nouveau sang các phong cách khác như Art Deco theo thị hiếu của công chúng. Mặc dù được tôn trọng trong suốt cuộc đời vì sự xuất sắc của ông với Art Nouveau, nhưng chính ông đã dự đoán sự sụp đổ của chính phong cách này và sẽ có nhiều tác phẩm của ông bị phá hủy, vì bản chất phong cách là một mốt nhất thời: các cửa hàng bách hóa, chi nhánh L’Innovation ở Brussels năm 1903, và nổi tiếng nhất là Maison du Peuple đã bị dỡ bỏ vào năm 1965 trước sự phản đối kịch liệt của công chúng.

victor horta L'Innovation

Trung tâm thương mại L’Innovation.

Victor qua đời trong thời đại mà Art Nouveau bắt đầu bước vào một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử. Hiện nay ở Brussels, các bạn có thể nhìn ngắm tác phẩm của Victor Horta ở khắp mọi nơi, dù đến Nhà ga Trung tâm hay ghé thăm Bozar. Hôtel van Eetvelde, Hôtel Tassel, Hôtel Solvay và Bảo tàng Victor là 4 công trình của ông đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Danh tiếng của Victor đã hồi phục đáng kể và giờ đây ông được công nhận là một trong những kiến trúc sư, nhà thiết kế chủ chốt của thế giới vào giai đoạn bình minh của thế kỷ 20.

kien truc su victor horta

Thực hiện: Khánh Quỳnh |Ảnh: Tư liệu


Xem thêm

Keiichi Tahara và Art Nouveau trên khắp châu Âu

Vẻ đẹp biểu tượng của cổng rào hoa sắt

Đi tìm hoa sắt nở chốn rào thưa