Vẻ đẹp biểu tượng của cổng rào hoa sắt

Trường đại học, nhà hát, sở thú, đến dinh – phủ quan quyền, tư gia… ở Sài Gòn – Hà Nội hình thành những năm đầu thế kỷ 20 phần nhiều ĐỀU sử dụng chất liệu sắt uốn mỹ thuật trong trang trí cổng rào, với những đồ án, chất liệu du nhập chủ yếu từ Pháp. Tất cả đem lại vẻ đẹp cổ điển kiểu Tây Âu đầy duyên dáng, thanh thoát và sang trọng.

Theo các tài liệu nghiên cứu về sắt mỹ nghệ ở Việt Nam, ở thời điểm cuối thế kỷ 19 và những năm đầu thập niên thế kỷ 20, có rất ít công trình kiến trúc sử dụng sắt trong trang trí. Ở phía Bắc, trong danh sách 36 phố phường Hà Nội có phố Lò Rèn (dân gian quen gọi phố Hàng Bừa vì người Hòe Thị, Đa Sỹ… kéo đến mở lò rèn, chuyên làm các loại răng bừa phục vụ cày cấy), nhưng thợ rèn ta chưa có thói quen và kỹ thuật chế tác các chi tiết sắt uốn mỹ nghệ phục vụ trang trí kiến trúc.

sắt 1

Hoa sắt trên cổng chính của Đại học Đông Dương (Đại học Quốc gia Hà Nội), hai chữ U-I lồng nhau là Université de I’Indochine. Bao quanh cửa ra vào là hoa sắt hình bóng đèn điện, tạo hình giống đồ án “liên tiền” theo kiểu thức Á Đông.

sắt 2

Chi tiết hoa sắt ở cửa ra vào mang vẻ đẹp cổ điển, hài hòa cùng không gian kiến trúc tại Nhà hát Lớn Hà Nội – biểu tượng văn hóa của xã hội đương thời.

sắt 3

Hệ chấn song, cổng, hàng hiên, cửa ra vào và hoa sắt của công trình Bắc Bộ phủ mang lại một kết nối liền lạc, duy mỹ.

Một dấu mốc đáng nhớ trong nghề rèn sắt, khi tuyến đường tàu hỏa Hà Nội – Vân Nam được khởi công từ 1901 – 1910, phố Lò Rèn được người Pháp đặt hàng các bu-lông, con tán phục vụ việc xây dựng đường sắt. Sau đó, dưới sự phát triển mạnh mẽ các công trình kiến trúc thuộc địa tại Việt Nam từ 1910 – 1945, cùng với trào lưu sử dụng sắt uốn mỹ nghệ trong trang trí theo phong cách Art Nouveau và Art Décor đang làm mưa gió tại các nước phương Tây như Ý, Pháp, Tây Ban Nha… thợ rèn bản địa bắt đầu tham gia chế tác sắt mỹ nghệ, với nền tảng là hoa văn du nhập từ Pháp.

sắt 4

sắt 6

Yếu tố bản địa được các KTS người Pháp rất tôn trọng,
áp dụng vào nhiều công trình,
Trường Đại học Đông Dương xây dựng từ 1921 – 1927
với phần mặt dựng theo điều chỉnh của KTS Ernest Hébrard
là một ví dụ tiêu biểu

sắt 5

Mặt dựng của Đại học Đông Dương thể hiện rõ sự tôn trọng văn hóa bản địa của KTS Ernest Hébrard – cha đẻ của phong cách kiến trúc Đông Dương.

sắt 7

sắt 8

Trong số những công trình sử dụng chấn song hoa sắt sớm, gây chú ý ở Hà Nội là Nhà hát Lớn – hoàn thiện từ năm 1911 theo nguyên mẫu Nhà hát Opéra Garnier, Paris. Những đường nét chắc khỏe, bố cục đối xứng, uốn lượn mềm mại theo phong cách Art Nouveau, nhưng quy mô tiết chế tạo cho chấn song hoa sắt ở cửa ra vào Nhà hát Lớn Hà Nội điểm nhấn hòa hợp với kiến trúc bề thế của cả công trình.

Đến năm 1919, một công trình nổi bật khác ở Hà Nội sử dụng sắt mỹ nghệ trong trang trí chính là Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ ở 12 Ngô Quyền với thiết kế hoa sắt ở cổng rào, mái hiên và cửa đi theo phong cách Art Nouveau, nhưng được giản lược nhiều chi tiết hình học theo nguyên mẫu. Nhờ vậy công trình mang thiết kế đóng, nhưng lại rất mở bởi lớp ngăn cổng rào thanh thoát, duyên mảnh, tôn lên khối kiến trúc và mái hiên – một kiểu thức lặp lại như kiến trúc cửa hông Nhà hát Lớn Hà Nội – do kiến trúc sư Hector Guimard, đại diện tiêu biểu của trường phái Art Nouveau thiết kế.

sắt 9

Yếu tố dễ tạo hình nhờ uốn, nắn, xoắn, dập khuôn… của sắt mỹ nghệ, biến hình khối kiến trúc nhà chú Hỏa trở nên mềm mại hơn.

sắt 10

sắt 11

Trong không gian nhiều công trình kiến trúc thuộc địa, chi tiết sử dụng sắt uốn mỹ nghệ làm biểu tượng trang trí giúp tôn lên vẻ đẹp cho tổng thể công trình. Sự lồng ghép hài hòa các hoa văn, họa tiết, các đường kỷ hà theo phong cách phương Tây và yếu tố bản địa đã tạo nên nhiều dấu ấn đặc biệt như hình ảnh lá cây Ô rô (Acanthus) hòa hợp với hoa sen, với đồ án liên châu kiểu Á Đông ở cánh cổng sắt Phủ Chủ tịch (trước là Phủ toàn quyền Đông Dương).

sắt 12

Hoa lá cùng đồ án văn thừng kiểu Á Đông kết hợp với đồ án tên chủ nhà HBH (Hui Bon Hoa) mang thiết kế rất Tây Âu.

Đồ án hoa thị, hoa chanh, đồ án tên gia chủ
kết hợp hài hòa theo uốn lượn mềm mại
của phong cách Art Nouveau, Art Décor
cũng là những thiết kế độc đáo, đặc sắc
nơi cổng rào của kiến trúc thuộc địa.

sắt 13

Cổng sắt, lan can, cửa vào, vòm cổng, ô gió… đều là những chi tiết trang trí sử dụng sắt uốn mỹ nghệ ở nhà chú Hỏa.

sắt 14

sắt 15

Đồ án Thập tự giá ở cổng vòm Nhà thờ Sainte Marie, 37 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Kiểu thức trang trí sắt uốn sử dụng đồ án Ô rô được lặp lại ở nhiều công trình khác như ở tư dinh Hui Bon Hoa (nhà chú Hỏa, tức Huỳnh Văn Hoa, nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM). Thiết kế cổng rào trong kiến trúc thuộc địa không quá thiên về yếu tố ngăn cách, phòng vệ, trấn áp, biệt lập mà luôn biểu lộ sự thân thiện, gần gũi, duyên dáng, trở thành những biểu tượng đẹp trong kiến trúc đô thị.

Qua thời gian, dấu ấn và vẻ đẹp từ các công trình sắt uốn mỹ nghệ mang tính biểu tượng vẫn hiện hữu, định hình một giá trị, một di sản đặc biệt của kiến trúc đô thị đáng được lưu tâm, gìn giữ, nghiên cứu và phát triển.

sắt 16

Cổng sắt bề thế trang trí hoa thị và logo biểu tượng TCV – Thảo Cầm Viên Sài Gòn (khánh thành ngày 17/02/1865).

sắt 17

sắt 18

Cổng rào lịch sử của Dinh Thống Nhất, cũng là biểu tượng đẹp về mỹ thuật còn sót lại của Dinh Norodom xưa (1868).

sắt 19

Mặt chính diện ở cổng rào Dinh Thống Nhất với trang trí đối xứng theo phong cách Art Nouveau.

sắt 20

Lớp tường rào sắt uốn bề thế, đẹp và uy phong của Dinh Thống Nhất.

Thực hiện & Ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Tìm an nhiên chốn thâm nghiêm cổ tự

Những lan can biết nói