Tìm an nhiên chốn thâm nghiêm cổ tự

Du xuân về những ngôi đình tự cổ xưa không chỉ là chuyến hành hương của người mộ đạo mà còn là nơi lý tưởng để tìm hiểu những truyền thuyết gắn với các vị thiên thần, nhân thần được thờ tự. Hành trình cũng là cơ hội chiêm ngưỡng tuyệt tác về nghệ thuật trang trí kiến trúc, điêu khắc thuần nét Việt, được bảo lưu, gìn giữ vẹn toàn qua hàng thế kỷ.

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, cái sự “ăn chơi” đầy thú vị ấy lại được diễn ra trong không gian cổ tự chính yếu là đình, chùa với các mùa lễ hội liền nhau không ngớt. Với người hoài cổ, yêu thích tìm lại những hình ảnh của một văn hóa Việt cổ xưa, đậm màu truyền thống, hành trình về lại dưới mái đình tự cổ dịp tháng Giêng sẽ là cơ hội hoàn hảo để chìm đắm trong không gian đặc biệt ấy. Một cây cầu đá chín nhịp đầu rồng soi bóng ở dòng Nguyệt Đức, một tháp Phật Quan Âm nổi trên mặt hồ tựa con thuyền bát nhã đưa người tìm về chốn an nhiên… Đấy là những hình ảnh bình dị với góc quê Bắc bộ hiện hữu tại chùa Nôm (Linh Thông cổ tự) ở Hưng Yên, một vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc từ thời Hậu Lê khi chùa Nôm được xây dựng từ năm 1608.

cổ tự 16

Quần thể chùa Nôm, Hưng Yên với cây cầu đá dẫn vào tháp Phật Quan Âm trên mặt hồ.

cổ tự 15

Nét oai phong, sống động của tượng Kim Cương Thanh Trừ Tai trong Bát bộ Kim Cương chùa Tây Phương (Bảo vật Quốc gia)..

Duyên cớ tìm về những cổ tự như chùa Nôm, bên cạnh không khí lễ hội mùa Xuân, chốn thâm nghiêm ấy còn là nơi lưu giữ những vốn quý nhất của cộng đồng, biểu đạt một cách cụ thể qua không gian kiến trúc, qua các chi tiết trang trí – chạm khắc. Nhìn vào những chi tiết ấy, người ta nghiệm ra cả một thời kỳ lịch sử hình thành và phát triển của ngôi chùa với những hưng vượng, tự hào qua thế hệ.

cổ tự 14

Bàn thờ Hộ Pháp ở chùa Nôm.

cổ tự 13

Đầu hồi chùa Tây Phương với mảng chạm nổi đề tài Long Vân, dốc mái có đôi Nghê chầu.

Nghệ thuật tạo hình, điêu khắc tượng thờ Phật giáo
trang trí ở đình tự phát triển rực rỡ vào thế kỷ 17 – 18.

Những công trình tiêu biểu còn lại hôm nay
là chùa Tây Phương (tượng điêu khắc gỗ),
chùa Nôm (tượng đất)…

cổ tự 12

Các nét đục chạm tinh tế trên kẻ bẩy, thanh bẩy… trong trang trí kiến trúc chùa Nôm; Các nét chạm trổ mang đề tài Phật giáo trên nền gỗ trong trang trí kiến trúc chùa Nôm.

cổ tự 11

Trong lịch sử phát triển của tín ngưỡng, văn hóa, kiến trúc, nếu chốn hoàng thành biểu đạt sự hùng mạnh của vương triều, các di tích cổ tự lại là nơi lưu giữ những giá trị mang tính nghệ thuật vượt thời gian, nhất là ở kiến trúc – trang trí. Người xưa khi thực hiện một công trình trọng đại, đặc biệt là chốn đình tự, luôn muốn thể hiện lên đó những gì tinh hoa, ưu tú nhất của cộng đồng, làng nghề, thợ thủ công lao động bằng cả khối óc – trái tim – sự tài hoa cùng tinh thần dâng hiến cho các vị tiên thánh, nhờ vậy để lại cho hậu thế những thành tựu mang giá trị về mỹ thuật, văn hóa đẹp vượt thời gian.

cổ tự 10

cổ tự 9

Lầu chuông chùa Nôm với nếp mái cong đặc trưng trong kiến trúc đình chùa Việt cổ.

cổ tự 8

Nghi thức cúng đền Kim Liên (trấn Nam kinh thành Thăng Long), nơi thờ Cao Sơn đại vương.

Những chùa Nôm, chùa Tây Phương… là ví dụ tiêu biểu trong hành trình đi tìm nét duyên xưa với cảnh quan di tích cổ tự, với vẻ đẹp được bảo tồn vẹn toàn ở hai mảng kiến trúc và trang trí, nổi bật là thể loại tạo hình, điêu khắc ở kiến trúc cầu đá, tượng đất (chùa Nôm), tượng gỗ sơn thếp, kiến trúc chùa (chùa Tây Phương). Trong các chi tiết trang trí, chạm trổ ấy, không khó để nhận ra những đề tài quen thuộc, gắn liền với mỹ thuật Việt, từ hình ảnh linh thú với rồng, phụng đến các đề tài dân dã, thanh khiết như đài sen, lá đề, lá dâu, hoa chanh, hoa thị… nhưng được đẩy lên ngưỡng tối đa nhờ kỹ thuật đục chạm tỉ mỉ, tinh tế, tạo nên những kiệt tác về loại hình điêu khắc, trang trí phục vụ mục đích thờ tự ở thế kỷ 17, 18.

cổ tự 7

Nghệ thuật tạo hình độc đáo trong bộ tượng các vị La Hán chùa Tây Phương.

cổ tự 6

Điêu khắc gỗ trên kiến trúc cổng Tam quan chùa Nôm.

Từ những nấc thang lên cổng tam quan, đến vách, lam ở chùa Nôm, hay các bức cổn, ván long, kẻ bẩy, thanh bẩy, xà nách ở chùa Tây Phương đều gặp ở đó các chi tiết điêu khắc trên nền gỗ một cách thanh thoát, mềm mại, không chỉ mang lại vẻ đẹp đặc biệt mà còn tạo nên sự gần gũi, thân thiện chốn linh từ. Ở góc độ mỹ thuật, kiến trúc cổ tự cùng những mảng điêu khắc lưu giữ một giá trị dân gian to lớn, thể hiện rõ đời sống và tinh thần của người Việt lúc đương thời.

cổ tự 5

Hội đền Kim Liên tổ chức vào 16/03 âm lịch hằng năm.

cổ tự 4

Nghệ thuật sơn son thếp vàng trong trang trí kiến trúc tạo thêm nét cổ kính, trầm mặc cho các ngôi cổ tự.

Tín ngưỡng dân gian với việc thực hành nghi lễ
là một trong những cách bảo lưu,
gìn giữ vẻ đẹp, bản sắc riêng của từng ngôi đình tự.

cổ tự 3

cổ tự 2

Gian chính điện ở đền thờ Kinh Dương Vương, làng Á Lữ, Bắc Ninh.

Về đình tự mùa Xuân còn là chuyến ôn lại những tích truyện lịch sử, từ những long trọng trong đám rước hội đình Kinh Dương Vương – Thủy tổ dân tộc Việt, đến những nghi thức cúng tế dành cho bốn vị linh thần ở bốn ngôi đền cổ thuộc Thăng Long tứ trấn quanh kinh thành Hà Nội xưa… đều được cộng đồng diễn xướng, tái hiện một cách sống động, rõ nét, thể hiện niềm tin yêu, tôn thờ các vị thần. Cũng nhờ các nghi thức gắn liền với đời sống tâm linh ấy, giá trị về mặt không gian, kiến trúc, tín ngưỡng được bảo tồn, duy trì, tiếp nối qua nhiều thế hệ.

Yếu tố dân tộc, tính dân gian như được khơi gợi rõ nét hơn ở mỗi hành trình tìm đến chốn đình tự cổ xưa, cũng là cơ hội hoàn hảo để chiêm nghiệm, cảm nhận một chút an nhiên, một chút lắng đọng trước di sản cha ông để lại, và rồi chậm tìm trong ấy chút tự hào nguồn cuội trước nhịp sống vội vã, hối hả của thị thành hôm nay.

 

cổ tự 1

Đóng vai hộ pháp trước đền thờ Kinh Dương Vương trong ngày hội Xuân.

cổ tự 17

Bàn thờ ở đền Bạch Mã, trấn Đông, thờ thần Long Đỗ – thành hoàng Hà Nội.

Thực hiện: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Những lan can biết nói

Vẻ đẹp sắt và đẳng cấp vương quyền