Vẻ đẹp sắt và đẳng cấp vương quyền

Ở xã hội phương Tây Trung cổ, có hai nghề được các triều đại trọng dụng, đối xử ngang nhau là bác sĩ và thợ rèn. Bác sĩ lo chuyện cứu người, còn thợ rèn sử dụng chất liệu sắt tạo nên những dấu ấn đặc biệt cho cung điện, nhà ở, biểu đạt sự hưng vượng của đương triều và sự phát triển của xã hội.

Nghe sắt kể chuyện xưa

Trong lịch sử nhân loại, sắt thuộc nhóm 10 kim loại phổ biến nhất hiện hữu trong vũ trụ, từng đắt hơn cả vàng. Dù hội tụ những xù xì, thô ráp, đanh cứng, nhưng qua bàn tay tài hoa của người thợ rèn, sắt trở nên mềm mại, uyển chuyển lụa là, phô diễn đường nét đầy quyến rũ. Có thể thấy sắt sống động như thực thể có linh hồn, định hình vẻ đẹp độc đáo, vượt thời gian, dễ dàng hòa quyện các phong cách kiến trúc. Đi tìm những tác phẩm sắt mỹ nghệ có niên đại hằng trăm năm, vẫn nguyên vẻ đẹp trên các công trình công cộng, cung điện, tư dinh, chính là chuyến khám phá cả vùng di sản đặc biệt, dệt bởi vẻ đẹp hiện vật được nghệ nhân dồn tâm huyết tác thành nên từ sắt. Loạt bài viết thực hiện trong chuyên trang số này là tổng kết từ những chuyến đi qua các quốc gia với hy vọng chia sẻ đến độc giả những thông tin thú vị về nghệ thuật chế tác sắt mỹ nghệ độc đáo của người xưa.

Sắt 1

Chấn song cửa sổ với chi tiết sắt uốn độc đáo ở tòa nhà Curro Peluqueros, số 10 đường Calle Rosario, Seville, Tây Ban Nha.

Trong hầu hết mọi công trình xây dựng cung điện của các vương triều Tây Âu, không khó để nhận ra sự hiện diện của hàng rào sắt. Các vương triều luôn chiêu mộ, đãi ngộ những thợ rèn bậc nhất của xã hội đương thời để chế tác công trình làm từ sắt, phục vụ nhu cầu hoàng gia.

Ở London, cổng vào phía Nam vườn thượng uyển Kensington – Queen’s Gate – là ví dụ hoàn hảo minh chứng cho vẻ đẹp hoàng triều thông qua một công trình sắt mỹ nghệ. Cổng Queen’s Gate được hình thành từ năm 1858, cũng là giai đoạn nghề thủ công sắt mỹ nghệ hưng thịnh tại Anh. Lối thiết kế cổng sử dụng tổng hợp các kỹ thuật sắt, sắt đổ khuôn, gò, hàn với đồ án trang trí là hình ảnh hoa bích hợp – một chi tiết thường gặp trong các công trình hoàng tộc của Anh ở thế kỷ 19.

sắt 2

Đồ án hoa bích hợp của cổng Queen’s Gate được chế tác theo lối rót khuôn cát, tạo ra những đường nét lay động, mềm mại.

sắt 3

Tường rào phòng vệ và hình ảnh hoa hồng hiện hữu trên các chấn song của điện Westminster.

Dấu ấn vương triều trên cổng Queen’s Gate biểu đạt rõ ở vòm cổng chính bằng hình ảnh Huy hiệu Hoàng gia chế tác theo kỹ thuật sắt rót khuôn, miêu tả sống động sư tử hộ vệ, ngựa, hoa bích hợp cùng dòng tiêu ngữ Dieu et mon droit (tạm dịch: Chúa và quyền của tôi). Những chi tiết vòm cổng cùng cụm hoa dây cách điệu, trang trí đối xứng ở chấn song tạo nên bố cục tổng thể chặt chẽ, đẹp hoàn hảo, giống như một tác phẩm nghệ thuật hơn là công năng cổng thông thường. Công trình Queen’s Gate được công nhận là Di sản kiến trúc thuộc nhóm II ở Anh, tức là kiến trúc được cộng đồng yêu thích đặc biệt, cấm xâm hại, phá hủy dù bất kỳ lý do gì.

sắt 4

Toàn cảnh cổng vào phía Nam vườn thượng uyển Kensington ở London.

Các công trình sắt mỹ nghệ tại Anh ở thế kỷ 18 – 19
thường có màu sơn chống sét rất bắt mắt.

Nhưng từ sau 1861,
màu sơn đen được đưa vào sử dụng
để bày tỏ lòng tiếc thương khi hoàng tử Albert qua đời.

sắt 5

Đường nét tinh xảo, sắc nét của Huy hiệu Hoàng gia trên vòm cổng Queen’s Gate.

sắt 6

Hình ảnh hoa hồng hiện hữu trên các chấn song của điện Westminster.

Một chi tiết đẹp khác trong chế tác sắt mỹ nghệ ở London là phần tường rào của cung điện Westminster – nay là tòa nhà Quốc hội. Mang công năng là tường rào phòng vệ cho cung điện, người thợ sắt khi chế tác đã vận dụng hình ảnh tiêu biểu của Anh là hoa hồng Tudor vào trang trí, đan xen theo những chấn song vặn xoắn tạo nếp mềm mại cùng những móc uốn nhọn. Toàn mảng tường rào được sơn đen, thể hiện sự uy dũng, vững chãi cần cho nhu cầu phòng vệ chốn hoàng cung nhưng vẫn duyên dáng, kiêu hãnh với nét đẹp hoa mỹ nhờ kỹ thuật sắt uốn mỹ nghệ.

sắt 7

Cửa sổ với chi tiết sắt mỹ nghệ giản đơn của cung điện Pena ở Sintra, Bồ Đào Nha.

Trong kiến trúc cung điện, giới hạn về đường nét, sự tinh xảo cùng độ bền của chất liệu gỗ, đá, vôi vữa… được hóa giải bằng tạo hình đặc biệt từ sắt. Có thể coi sắt như yếu tố hoàn hảo nối kết liền mạch các chi tiết kiến trúc, đóng vai trò bổ sung, hỗ trợ, đem lại sự cân bằng và tôn thêm vẻ đẹp cho cả công trình. Kiến trúc mang phong cách Neo-Manueline nơi cung điện Pena, Bồ Đào Nha, ngay lối vào chính cung điện, phần trang trí diềm cửa sổ khá cầu kỳ, tinh xảo, nhưng lớp song cửa bằng sắt lại được thể hiện giản đơn, làm nổi bật các chi tiết đắp nổi một cách khéo léo.

Sắt mỹ nghệ là chi tiết trang trí nghệ thuật đỉnh cao,
bù đắp cho khiếm khuyết trong kiến trúc
để hợp thành công trình hoàn hảo.

sắt 8

Mặt tiền của Nhà băng ở thành phố Bern, Thụy Sĩ.

Hay như ở công trình Nhà băng Thụy Sĩ, mảng tường giản đơn lối vào chính được nhấn bằng cánh cổng sắt bề thế, trên đó là các chi tiết trang trí tỉ mỉ, cầu kỳ với đường nét và hoa văn phức tạp. Đôi đèn trụ và cửa sổ bố cục đối xứng qua cổng chính, tạo nên mảng kiến trúc mạnh mẽ xen lẫn sự mềm mại, uyển chuyển, sang trọng, bề thế nhưng không quá xa cách, tách biệt.

sắt 9

Song cửa sổ tạo điểm nhấn trong kiến trúc phong cách Neo-Manueline ở cung điện Pena.

sắt 17

Các chi tiết sắt uốn mềm mại trong trang trí kiến trúc lâu đài Alcazar ở Seville, Tây Ban Nha.

Những kỹ thuật uốn, chuốt, xoắn, vặn, đan, rèn, hàn, đột… được ứng dụng tối đa trong chế tác sắt mỹ nghệ, tường rào tại cung điện Regaleira (Palácio da Regaleira), Bồ Đào Nha, là mảng trang trí hội tụ đầy đủ những kỹ thuật này. Sự vững chãi của tường rào được mềm hóa bằng các chi tiết chuốt nhọn, uốn lượn, trông mượt mà, lay động như cọng cỏ trước gió. Cái tài tình của người thợ sắt khi thổi hồn vào tác phẩm, ấy là đem lại sự sống động, biến tác phẩm thể hiện vượt ra ngoài công năng sử dụng thông thường.

sắt 10

Tường rào với thiết kế hòa hợp cùng phong cách kiến trúc Gothic của cung điện Regaleira (Palácio da Regaleira), Tây Ban Nha.

Ứng dụng kỹ thuật nung chảy, rót khuôn cát đem lại hiệu ứng tuyệt hảo trong chế tác công trình sắt mỹ nghệ bề thế, thuộc đẳng cấp hoàng gia.

Việc ứng dụng sắt mỹ nghệ vào kiến trúc còn tạo nên điểm nhấn nổi bật như công trình cổng sắt cung điện Petit (Petit Palais) trên đại lộ Winston Churchill ở Paris. Có thể thấy ở phần mặt tiền công trình, bên những hàng cột trụ mang phong cách kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại, chiếc cổng sắt cầu kỳ, phủ lớp sơn vàng được bố cục ở trung tâm, vừa tạo nên nét vương giả, vừa đem lại sự cân bằng giữa giản đơn cột trụ và hoa mỹ với các nét uốn tinh tế của sắt trong chế tác cổng chính.

sắt 11

Cánh cổng vàng duyên dáng của cung điện Petit (Petit Palais) trên đại lộ Winston Churchill, Paris.

sắt 12

sắt 13

Kỹ thuật chế tác sắt mỹ nghệ tạo nên những chi tiết, đường nét mà chất liệu khác không dễ thực hiện.

sắt 14

sắt 15

Cổng vào cung điện Odd Fellow của vua Frederik V ở Copenhagen, Đan Mạch.

Đi qua mỗi công trình, mỗi tác phẩm sắt uốn chốn hoàng triều trời Âu, rong ruổi vào thế giới chế tác sắt mỹ nghệ luôn là chuyến đi khám phá đầy màu sắc, bởi từng công trình luôn lưu giữ những chuyện kể thú vị cùng vẻ đẹp vượt thời gian, đáng để bảo lưu, trân trọng và gìn giữ.

sắt 16

Cổng vào nổi bật tại công viên Lusthusportens ở Stockholm, Thụy Điển.

Thực hiện: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Nét Việt trên cốt gốm Lái Thiêu

Ngất ngây cùng sắc men gốm ngũ thái