Nét Việt trên cốt gốm Lái Thiêu

Sự góp mặt của những họa sĩ đương thời như Thái Văn Ngôn, Duy Liêm đã định hình phong cách chế tác gốm đặc biệt mang thương hiệu riêng: gốm Thành Lễ.

Nhắc đến gốm Lái Thiêu, vẫn là những phong cách ảnh hưởng từ người Hoa với Tiều, Quảng, Phước Kiến. Đến những năm 1960, Lái Thiêu ra đời một dòng gốm mới, mang sự thừa hưởng tinh hoa trong chế tác gốm Lái Thiêu xưa. Đó là sự kết hợp lối tạo hình của gốm Biên Hòa, nhưng thay vào đó là kiểu trang trí cổ điển, đề tài truyền thống là hình ảnh đương đại, đậm yếu tố Việt.

gốm Lái Thiêu 1

Chiếc độc bình vẽ men xanh trắng quý hiếm còn sót lại của lò Thành Lễ, vẽ tích Trưng Vương Phạt Hán, với tạo hình Bảy Vạn, đắp phù điêu Út Nở, bản vẽ của Thái Văn Ngôn và Duy Liêm.

gốm Lái Thiêu 3

gốm Lái Thiêu 2 gốm Lái Thiêu 4 gốm Lái Thiêu 5

Ở xứ Nam Kỳ trước những năm 1960, Thành Lễ là thương hiệu không liên quan đến gốm, nhưng rất nổi tiếng về sơn mài, với lịch sử hình thành từ năm 1943 tại Bình Dương với tên gọi Thanh & Lễ, sau chuyển tên thành sơn mài Thành Lễ. Trong số các họa sĩ làm việc tại xưởng sơn mài này, nếu nói về những sáng tác đương đại, hình họa lập thể, Thái Văn Ngôn và Duy Liêm chính là hai cái tên được nhắc đến hàng đầu. Những mẫu thiết kế, bản vẽ của hai danh họa mang nhiều tích truyện gắn với lịch sử Việt Nam như tích Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Nam Hán, Vinh quy bái tổ, Bạch Đằng Giang, Trận đánh Ngọc Hồi… được thể hiện bằng chất liệu sơn mài và rất thành công tại thị trường trong và ngoài nước.

“Vinh quy bái tổ” với áo ngựa về làng, ra đời từ thời Lý.

Đề tài này tiếp sau được
nghệ nhân dân gian đưa vào tranh
(tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống).

Nhưng “Vinh quy bái tổ” trên cốt gốm đầu tiên,
chính là Thành Lễ.

gốm Lái Thiêu 6

Tích “Vinh quy bái tổ” chế tác theo phong cách khắc chìm tô men của gốm Biên Hòa. Việc đưa sáng tác hội họa lên cốt gốm là một bước đột phá của Thành Lễ. Hình ảnh vị đỗ đạt trạng nguyên với áo mũ vinh quy, cưỡi ngựa về làng được biểu đạt rất sinh động. Bố cục hài hòa, chặt chẽ tạo cho gốm Thành Lễ mang sắc thái riêng.

Sống và làm việc trên đất gốm Lái Thiêu, lại chuyên về lĩnh vực chế tác đồ mỹ nghệ, có lẽ ông Thành Lễ không khó để nhận ra những tín hiệu đầy tươi đẹp của thị trường gốm Lái Thiêu. Với một bước chuyển mình, ông quyết định lấn sân sang lĩnh vực sản xuất đồ gốm chất lượng cao, quyết định xóa bỏ hoàn toàn những hình ảnh trang trí cổ điển gắn với phong cách gốm Lái Thiêu xưa, thay bằng dấu ấn của hội họa đương thời mà ông đang sở hữu trong tay nhiều họa sĩ thành danh đang làm việc tại xưởng.

gốm Lái Thiêu 6 gốm Lái Thiêu 7 gốm Lái Thiêu 8 gốm Lái Thiêu 9

 

Vậy là đầu thập niên 1960, Thành Lễ mở lò gốm, quy tụ các thợ nghề giỏi nhất của Bình Dương, Biên Hòa, Sài Gòn với Bảy Vạn – một vua xoay gốm đương thời đến từ Biên Hòa chịu trách nhiệm tạo dáng. Với yêu cầu các sản phẩm gốm Thành Lễ phải mang kích cỡ vượt trội, gấp đôi, ba lần so với gốm Lái Thiêu cùng thời, dùng trang trí sân vườn, hoặc đặt trong các tư dinh, sảnh đường lớn. Mẻ gốm đầu tiên Thành Lễ làm theo phong cách gốm Tiều, đề tài vẽ men thanh hoa, với loạt chóe đại cao đến 80cm, thể hiện tích Trưng Vương Phạt Hán là bức vẽ do hai họa sĩ Duy Liêm – Thái Văn Ngôn kết hợp sáng tác thành. Chỉ tiếc mẻ lò này thất bại, màu men xanh không đạt như ý.

gốm Lái Thiêu 10

Đường nét tinh tế trong kỹ thuật khắc chìm tô men ở bộ ấm chén trà Thành Lễ.

Hình ảnh lính lệ của làng với áo dài, nón lá…
chính là những đường nét quen thuộc
trong sáng tác của họa sĩ Thái Văn Ngôn.

gốm Lái Thiêu 11

Độc bình Thành Lễ với đề tài hoa sen, một vẻ đẹp rất Việt.

Ngay sau đó, Thành Lễ đổi phong cách chế tác gốm, không dùng men xanh trắng vì khó kiểm soát lửa lò nung, khó biểu đạt nét vẽ tam lam khoáng đạt như người Tiều mà chuyển thành phong cách khắc chìm, tô men của gốm Biên Hòa cũng đang làm mưa gió trên thị trường quốc tế khi ấy. Việc chuyển đổi đầy hợp lý này tạo nên những sản phẩm thú vị, cũng với kích cỡ lớn, các đề tài thể hiện theo phong cách làm gốm Biên Hòa, khiến màu men, đường nét, chất lượng khi nung đạt hiệu quả cao hơn. Thành Lễ tiếp tục phát triển các sản phẩm gốm khắc chìm tô men màu, là sự hòa trộn các kỹ thuật gốm Biên Hòa, hình họa đương đại, sản xuất trên đất gốm Lái Thiêu.

gốm Lái Thiêu 12

Hình ảnh áo dài lập thể của họa sĩ Duy Liêm tạo cho gốm Thành Lễ những giá trị văn hóa mang đậm hồn quê.

gốm Lái Thiêu 13

Tích truyện Thúy Vân – Thúy Kiều.

gốm Lái Thiêu 14

Ứng dụng hội họa đương đại với các đề tài
từ tiết diện phẳng của tranh lên tiết diện tròn của gốm
là một cuộc cách mạng
trong phong trào sản xuất gốm Lái Thiêu những năm 1960.

Từ những sản phẩm mang kích thước lớn, lò gốm Thành Lễ bắt dầu chuyển dần sang các sản phẩm tinh tế, cầu kỳ, khéo léo hơn như các bình hoa, bộ ấm chén trà mang lối khắc chìm tỉ mỉ, đường nét đanh chắc hơn nếu so với gốm Biên Hòa. Lối vận dụng và kết hợp kỹ thuật, hội họa, phong cách trong chế tác gốm của Thành Lễ đã định hình nên những sản phẩm giá trị không chỉ về mặt sử dụng mà về cả yếu tố mỹ thuật cao.

gốm Lái Thiêu 16

Lối tạo dáng của gốm Thành Lễ cũng mang đầy dấu ấn hiện đại.

gốm Lái Thiêu 17

gốm Lái Thiêu 18

Những người từng làm việc quản xưởng gốm Thành Lễ cho biết ông chủ của họ rất khó tính. Mỗi khi sản phẩm làm ra bị lỗi, dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất cũng lệnh đập bỏ hết chứ quyết không đưa ra thị trường để giữ uy tín và đảm bảo chất lượng cho khách hàng. Nhờ vậy, những sản phẩm gốm Thành Lễ còn lưu lạc hôm nay đều là những hiện vật hoàn chỉnh, đáng trân quý, là vật chứng cụ thể và rõ ràng nhất nếu muốn tìm hiểu và khám phá về sự hình thành – phát triển của những dòng gốm Việt xưa.

Thực hiện: Nguyễn Đình – Ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

“Chơi với Gốm”: Gốm Việt đương đại

Trong thế giới của gốm: Gốm Raku của Khưu Đức