Học Mỹ thuật Gia Định (1962 – 1969), sau đó sang Mỹ định cư, tiếp tục theo học trường Mỹ thuật Bắc Virginia ở ngành Mỹ thuật thương mại và Gốm (1976 – 1980), đây cũng là nền tảng ban đầu để hình thành nên một nghệ sĩ gốm Raku Khưu Đức, với lối thể hiện các tác phẩm bằng kỹ thuật Nhật Bản, nhưng phong cách và mỹ thuật tạo hình là sự sáng tạo và cá tính mang dấu ấn riêng .
Nhớ lại những năm 1990, sau khi được vinh danh ở Hoa Kỳ với các giải thưởng về dòng gốm Raku do anh chế tác, Khưu Đức trở về Việt Nam, lập phòng triển lãm lấy tên là Clay Gallery, anh kể lại: “Tôi khẳng định tên tuổi ở Mỹ, nhưng khi trở về Việt Nam, tôi nhận ra đây mới chính là nơi hoàn hảo để thể hiện những thăng hoa trong cảm xúc và suy nghĩ của mình lên gốm”.
Sự trở về của Khưu Đức cùng với gốm Raku đã đem lại một làn gió mới trong làng gốm mỹ thuật Việt khi ấy còn sơ khai, chưa mấy ai chú ý. Khưu Đức đem các tác phẩm gốm Raku trưng bày tại các khách sạn, resort sang trọng dọc từ Hội An đến Đồng bằng sông Cửu Long, lập lò gốm tại TP.HCM để ngày ngày tiếp tục cuộc chơi với đất, men và lửa, tạo nên những khúc biến tấu Raku đầy ngẫu hứng.
Dành thời gian ở Việt Nam nhiều hơn ở Hoa Kỳ, Khưu Đức có lý khi giãi bày rằng: “Tôi sáng tác nhờ vào môi trường, kinh nghiệm và vốn sống khi có cơ may được đi khắp đó đây. Nhưng điều rõ rệt nhất chính là quê hương, nơi không thể rời xa được”. Bởi thế, khi nhìn các tác phẩm gốm Raku của Khưu Đức, dễ thấy trong đó những tâm tư, tình cảm, khi thì tĩnh tại một vẻ thiền, trầm mặc, ưu tư, nhưng có lúc lại quằn quại, đau đớn cùng nét tạo hình và màu sắc đan xen… Mỗi tác phẩm của Khưu Đức đều là độc bản, tính ngẫu hứng và sự sáng tạo luôn là yếu tố chủ đạo trong ngôn ngữ sáng tác của Khưu Đức.
Cách tạo hình và sử dụng men trên gốm của Khưu Đức mang đầy hơi thở đương đại, nhưng ẩn trong đó vẫn là những nét Á Đông, mộc mạc và thuần khiết. Lý giải về ngôn ngữ chế tác gốm ấy, anh chia sẻ: “Tôi thích những đường nét trong nghệ thuật thư pháp, và vận dụng nó để gửi cảm xúc của mình lên gốm, khi sổ thẳng, khi rạn nứt, khi ngoằn ngoèo, bóp méo, in đậm những lằn roi… Bởi tôi quan niệm trong cái xấu, có cái đẹp. Thoạt nhìn vào tác phẩm của tôi, sẽ thấy ở đó thiếu sự trọn vẹn, không đồng nhất, chỗ óng ả, chỗ rạn nứt, chỗ loang lổ… nhưng tổng thể là sự kết hợp của tạo hình và men gốm để đem lại nét hài hòa cho tác phẩm. Đấy mới là gốm mỹ thuật Khưu Đức, chứ hoàn chỉnh và chỉn chu quá, thành gốm công nghiệp mất”.
Chế tác gốm, với Khưu Đức chỉ là một cuộc chơi, và anh cũng tự nhận mình là gã lãng tử, ham chơi với gốm mãi mà vẫn chưa biết chán. Clay Gallery nay ở trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp chính là ngôi nhà nhỏ, là phòng trưng bày, là lò gốm, và cũng là sân chơi của riêng anh, để ngày ngày một mình vui cùng những tác phẩm gốm Raku đầy ngẫu hứng, giống với phong cách sống bay bổng mà bạn bè thấy được ở anh – người nghệ nhân Việt chế tác gốm Raku.
Thực hiện: LAM PHONG