Neoclassical: Sự phục hưng của chủ nghĩa Cổ điển

Phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XVIII và XIX, kiến trúc Tân cổ điển là một phong cách xây dựng phổ biến trong thời kỳ phục hưng của kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ bắt đầu vào khoảng năm 1750.

Tân cổ điển (Neoclassical) là phong cách kiến ​​trúc bắt đầu vào giữa thế kỷ XVIII ở Ý, Pháp và Đức. Trước đó hai thế kỷ, những trào lưu thịnh hành ở châu Âu là Phục Hưng và Baroque đã phần nào thể hiện sự hồi sinh của kiến trúc La Mã và Hy Lạp cổ. Tuy nhiên, kiến trúc Hậu Baroque lại có nhiều khuyết điểm trong thời hiện đại hóa. Vì vậy, sự ra đời của Tân cổ điển trong thời kỳ Khai sáng đã xóa bỏ bớt sự dư thừa của Hậu Baroque, điều hướng kiến trúc quay về hướng cổ điển thuần khiết hơn. 

phong cach kien truc tan co dien Neoclassic thanh duong Helsinki

Tân Cổ điển còn được biết đến với tên gọi Phục hưng Cổ điển. Ảnh: Thánh đường Helsinki.

Kiến trúc Tân cổ điển bắt đầu ở Pháp từ giữa thế kỷ XVIII – khi các nhà văn và kiến ​​trúc sư đưa ra giả thuyết về quyền lực tối cao giữa Hy Lạp cổ đại so với La Mã cổ đại, sau khi khám phá lại đền Parthenon và các cuộc khai quật tại Herculaneum và Pompeii. Về văn học, bộ đôi tác giả Charles-Nicholas Cochin và Jerome-Charles Bellicard đã xuất bản tác phẩm “Observations sur les antiquities de la ville d’Herculaneum” trong năm 1753, cùng năm đó, Abbé Marc-Antoine Laugier – một tu sĩ người Pháp đã xuất bản tác phẩm “Essai sur L’Architecture”, đặt ra mục tiêu xác định Chủ nghĩa Cổ điển là một nhu cầu hợp lý về nơi trú ẩn, minh họa cách giải thích của ông về nguồn gốc các ngôi đền đá như một “Túp lều nguyên thủy”. Năm 1762, kiến ​​trúc sư James Stuart và Nicholas Revett đã xuất bản tác phẩm “Cổ vật của Athens”, mang lại ảnh hưởng cực kỳ lớn trong việc thúc đẩy Chủ nghĩa Tân cổ điển ở Anh. Nó đánh dấu sự trở lại với phong cách tối giản và kiến trúc mang tính hình học thuần túy, rõ ràng, tỷ lệ và đối xứng hơn. Việc sử dụng các ngôn ngữ kiến trúc từ thế giới cổ đại, như Doric, Ionic và Corinthian làm cấu trúc thay vì chức năng trang trí, cũng được khuyến khích. Đặc trưng bởi sự nghiêm túc về hình thức và sự vững chắc, Chủ nghĩa Tân cổ điển thống trị phần lớn kiến ​​trúc Châu Âu và Châu Mỹ, mãi đến khi xuất hiện Phong trào Phục hưng Gothic từ cuối những năm 1830.

Neoclassic Phap khai hoan mon Herculaneum Pompeii

Chủ nghĩa Tân Cổ điển ở Pháp nổi lên từ đầu đến giữa thế kỷ XVIII, một phần lấy cảm hứng từ các báo cáo về các cuộc khai quật khảo cổ tại Herculaneum (1738) và đặc biệt là Pompeii (1748). Ảnh: Công trình Arc de Triomphe (Khải Hoàn Môn).

phong cach kien truc tan co dien Neoclassic den tho Pantheon Paris

Các kiến trúc tôn giáo ở Pháp vào thời kì này khá trang nhã, hoành tráng và theo hướng Tân Cổ điển. Trong đó có điện thờ Pantheon – một công trình lịch sử nằm trên đồi Sainte-Geneviève, thuộc Quận 5 thành phố Paris. Ảnh: Tư liệu

Đặc điểm của kiến trúc Tân cổ điển

Các thợ xây và kiến ​​trúc sư Hy Lạp cổ đại đã phát triển một bộ quy tắc “Ba cấp bậc” (Three Orders) để quản lý tỷ lệ và thiết kế của các công trình. Vì vậy, các tòa nhà được xây dựng theo phong cách Tân Cổ điển đều tuân theo các trật tự sau: Doric, Ionic và Corinthian. Cách rõ ràng nhất để phân biệt giữa chúng là dựa vào kiểu dáng đặc biệt của các cột, bao gồm ba phần riêng biệt: “capital” (đầu cột) “shaft” (thân cột) và “pedestal” (đế cột). 

Được sáng tạo bởi người Dorian, Doric là thức cột đầu tiên được phát triển, các quy tắc của nó chủ yếu được áp dụng cho phần bên ngoài của các công trình kiến ​​trúc lớn và công trình công cộng. Thức cột cột Doric được biết đến vì sự đơn giản, thường sẽ không có “capital” và “pedestal”, nếu có thì chỉ là các bệ và đế bằng đá đơn giản và không trang trí. Tỷ lệ đường kính cột trên chiều cao cột là 1:5 đến 1:6, trong khi đó thân cột Doric sẽ rộng hơn phần đế với bề mặt phẳng hoặc có rãnh, thể hiện sức mạnh và vẻ đẹp nam tính. 

Neoclassic den Apollo Delos thuc cot Doric

Đền Apollo tại Delos là một ngôi đền dạng peripteral sử dụng cột Doric. Đây là ngôi đền lớn nhất để thờ phụng thần Apollo trên đảo Delos. Ảnh: Tư liệu

Thức cột Ionic được tuân theo Doric, bổ sung thêm các chi tiết trang trí đẹp mắt vào thiết kế cơ bản. Thức cột Ionia xuất phát từ vùng Ionia (Ιωνία) từ giữa thế kỷ VI trước Công nguyên; Ionia là vùng bao gồm bờ biển phía Tây Nam của Hy Lạp và các hòn đảo của vùng Tiểu Á – nơi mà người Hy Lạp định cư và thổ ngữ của người Ionia được sử dụng.  Đầu cột Ionic có đặc điểm gồm hai vòng cuốn xoắn ốc (volute) được gắn trên đầu cột được trang trí gờ chỉ và các họa tiết khắc chìm. Khởi đầu, phần cuốn ốc này thường nằm trên một mặt phẳng, sau này được uốn cong ra ngoài ở các góc. Đặc điểm này làm cột Ionic trông mềm mại hơn cột Docric, người quan sát có thể quan sát được cả từ mặt đứng hoặc mặt bên của cột. 

phong cach kien truc tan co dien Neoclassic thuc cot Ionic den Artemis Chersiphron Metagenes

Nổi bật với kiến trúc là các cột Ionic mềm mại và quyến rũ, đền Artemis là đền thờ nữ thần săn bắn Artemis, còn được gọi là đền thờ Diana được xây dựng từ đá cẩm thạch bởi kiến trúc sư Chersiphron và con là Metagenes. Ảnh: Tư liệu

Được người La Mã sử ​​dụng rộng rãi, Corinthian là loại thức cột cổ điển trang trí công phu nhất. Thức cột Corinthian bắt nguồn từ tên của 1 thành phố của Hy Lạp – Corinth. Nó được kiến trúc sư Callimachus – người Athen sáng tạo ra qua Công trình Đền thờ Apollo Epicurius tại Bassae ở Arcadia năm 450 – 420 trước Công nguyên. Toàn bộ công trình bên ngoài tuân theo trật tự Ionic, nhưng có một thức cột nằm bên trong có thiết kế Corinthian vô cùng đặc biệt.

Neoclassic den Mars Ultor thuc cot Corinthian

Ba cây cột còn sót lại trong di tích đền Mars Ultor. Thức cột Corinthian được đưa vào sử dụng trong các công trình kiến trúc La Mã, như đền Mars Ultor trong hệ thống án tòa Augustus, Maison Careé Gaul và Đền bậc đài vòng ở Vienne. Ảnh: Tư liệu

Các công trình Tân Cổ điển thường sử dụng cột một cách dày đặc, phần giữa đỉnh cột và mái được gọi là phần tường bao và được thiết kế để bổ sung cho các loại cột khác nhau. Mặt hiên trước cửa ra vào và cửa sổ trong kiến ​​trúc Tân Cổ điển sẽ có hình tam giác, gọi là pediment. Cửa số bố trí quanh công trình thường sẽ là loại cửa Sash hoặc cửa chớp đôi, cũng có thể được bổ sung một vài yếu tố trang trí đặc trưng như các đường khung cong, kính ô tròn hoặc dạng Palladian. 

Những thể loại kiến ​​trúc Tân cổ điển

Có ba biến thể chính của kiến ​​trúc Tân cổ điển, đó là: khối cổ điển, tòa nhà theo kiểu điện thờ và kiến trúc Palladian. Những công trình theo hướng khối cổ điển thường có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông, các thiết kế này thường có mái bằng và bề ngoài gồm các cột hoặc vòm lặp lại để tạo nên một diện mạo giống như khối trang trí cổ điển. Điển hình như công trình Bibliothèque Sainte-Geneviève, được xây dựng từ 1843 – 1850 bởi kiến ​​trúc sư người Pháp Henri Labrouste, đây được coi là một kiệt tác kiến trúc tân cổ điển bởi hình thức độc đáo; hay nhà hát opera Palais Garnier ở Paris, do Charles Garnier thiết kế, là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất thế giới về phong cách khối cổ điển.

phong cach kien truc tan co dien Neoclassicnha hat Palais Garnier

Nhà hát opera Palais Garnier. Ảnh: Tư liệu

Những tòa nhà xây dựng theo kiểu đền thờ là một trong những loại kiến trúc đặc trưng nhất trong phong cách Tân Cổ điển. Đó là việc ứng dụng nét kiến trúc độc đáo của cổ xưa và hiện đại, mô phỏng nét đẹp những ngôi đền cổ, chẳng hạn như Điện Panthéon của Paris, dựa trên điện Pantheon ở Rome và Bảo tàng Anh lấy cảm hứng từ Hy Lạp. Bên cạnh kiểu điện thờ, kiến trúc Palladian nổi tiếng với nét đối xứng trang nghiêm, cổ điển và vẻ ngoài hoành tráng. Cột, trụ thường được kết hợp với cổng có cấu trúc vòm và các cửa sổ được sắp xếp theo tính chất đối xứng hoàn hảo – đây là một đặc điểm quan trọng của phong cách kiến trúc Tân cổ điển, mang đến không gian trang nghiêm, hoành tráng.

Neoclassic bao tang Anh

Bảo tàng Anh. Ảnh: Tư liệu

Kiến trúc Tân cổ điển trong bối cảnh hiện đại

Không phải vì không thuộc về thế kỷ XX, một trong những lý do tại sao chủ nghĩa cổ điển rất khó hồi sinh đối với những người tự coi mình là hiện đại, mà là vì nó đã từng được xem là một thứ rất tiến bộ và được thúc đẩy bởi những chế độ chính trị hà khắc. Nếu vào đầu những năm 1930, chủ nghĩa Tân cổ điển vẫn là phong cách kiến ​​trúc thống trị ở Anh, Pháp và Mỹ thì đến năm 1939, chủ nghĩa Hiện đại đã gần như thay thế hoàn toàn nó. Tuy nhiên, điều này lại diễn biến ngược so với ở Đức, Ý và Liên Xô, các phong trào Hiện đại phát triển mạnh mẽ vào những năm đầu thế kỷ và nhanh chóng bị thoái trào. 

phong cach kien truc tan co dien Neoclassic nha trang White House James Hoban

Được xây dựng vào năm 1792, Nhà Trắng – một công trình kiến trúc Mỹ tiêu biểu theo chủ nghĩa Tân Cổ Điển được thiết kế bởi kiến trúc sư James Hoban. Ảnh: Tư liệu

Neoclassic Monticello Thomas Jefferson

Là một trong những hình mẫu cho những công trình mang phong cách phục hưng kiến trúc Cổ điển tại Mỹ, Monticello hay còn gọi là Nhà Thomas Jefferson là đồn điền chính của tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ là Thomas Jefferson. Ảnh: Virginia

Chế độ Đức Quốc xã kiên quyết phản đối kiến ​​trúc hiện đại – thứ vốn đã phát triển mạnh mẽ ở Cộng hòa Weimar và Stalin. Sau khi nắm quyền lực tuyệt đối vào đầu những năm 1930, Đức Quốc xã cũng đã có hành động chống lại Chủ nghĩa Kiến tạo một cách gay gắt tương tự. Chủ nghĩa Tân cổ điển của Đức Quốc xã phát triển ở một mức độ nào đó theo phong cách cá nhân của các kiến ​​trúc sư theo chủ nghĩa truyền thống như Paul Bonatz và Heinrich Tessenow. 

phong cach kien truc tan co dien Neoclassic Les Espaces d'Abraxas Richardo Bofill

Tòa nhà Les Espaces d’Abraxas được thiết kế ra bởi kiến ​​trúc sư người Tây Ban Nha Richardo Bofill. Mở cửa vào năm 1982, công trình với gần 500 căn hộ bên trong cũng như một quảng trường hình vòm ở giữa, trông giống như một Quảng trường La Mã. Ảnh: Tư liệu

Những thử nghiệm bền vững hơn của chủ nghĩa Tân cổ điển xuất hiện ở nước Ý Phát xít và Stalin (Nga). Đến cuối thời kỳ chế độ Phát xít ở Ý, chủ nghĩa Tân cổ điển chỉ là một trong nhiều xu hướng đang diễn ra, cùng với phong trào chủ nghĩa Hiện đại mạnh mẽ được ưa chuộng. Nhưng những dự án như thị trấn mới Sabaudia hoặc Tresigallo, ga Trung tâm Milan, bưu điện Naples và hầu hết các công trình tại quận EUR ở Rome – đều mang phong cách đặc biệt và kỳ lạ với những bề mặt trần trụi và các hàng cột trải dài, khiến người ta liên tưởng đến “Những bức tranh siêu hình” của Giorgio de Chirico. Trớ trêu thay, nét thẩm mỹ này lại được hồi sinh vào những năm 1970 bởi kiến ​​trúc sư Cộng sản Aldo Rossi, (vào thời điểm đó nó được đổi tên thành Chủ nghĩa Hậu hiện đại). Kiến trúc này đã lan rộng sang đế chế Mussolini ở Libya, Ethiopia và Eritrea, nhưng chính ở Liên Xô dưới thời Stalin, chủ nghĩa Tân cổ điển mới thực sự mở rộng như một kiến ​​trúc đế quốc – hay còn gọi là kiến trúc Stanlinist. 

Neoclassic Moskva phong cach kien truc Stalinist

Tòa nhà chính của Trường Đại học Quốc gia Moskva. Kiến trúc Stalinist hay phong cách Cổ điển Xã hội chủ nghĩa là kiểu kiến trúc được sử dụng tại Liên Xô từ giữa năm 1933, khi bản vẽ Cung điện Xô viết của Boris Iofan được chính thức thông qua. Ảnh: Wikipedia

phong cach kien truc tan co dien Neoclassic biet thu Tittono Traversi

Biệt thự Tittono Traversi nằm tại miền bắc nước Ý. Khác với sự thô cứng đáng sợ như kiến trúc Stalinist ở Nga, mặt tiền biệt thự nổi bật với những bức tượng tạc tỉ mỉ và mái nhà kiểu Corinthian – đã được thêm vào những năm 1840 bởi kiến trúc sư Pelagio Palagi. Ảnh: Wikipedia

Trong những năm gần đây, kiến trúc Tân cổ điển dường như dần đang quay trở lại vị thế vốn có của mình. Quỹ Kiến trúc London thường xuyên tổ chức các sự kiện quy tụ những người theo chủ nghĩa Hiện đại và Cổ điển, quy tụ nhiều nhà phê bình ca ngợi kiến ​​trúc sư Craig Hamilton là mẫu mực của thiết kế phi hiện đại mà vẫn mang tính cá nhân. Ngoài ra, cũng có vô số các công trình đặc biệt khác, chẳng hạn như tàn tích của Chipperfield tại Bảo tàng Neues ở Berlin, hay Lâu đài đá vôi của Taha ở Clerkenwell.

Thực hiện: Vân Thảo


Xem thêm: 

Eco Brutalism: Kiến trúc thô mộc hòa cùng thiên nhiên

Hy Lạp: Cái nôi của Kiến trúc Cổ điển

Croatia: Vùng đất của những công trình kiến trúc La Mã cổ đại