Hy Lạp: Cái nôi của Kiến trúc Cổ điển

Nền văn minh Hy Lạp cổ đại đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của nhiều lĩnh vực trong đời sống của nhân loại ngày nay, từ y học, văn hóa cho đến chính trị và không thể không nhắc đến kiến trúc với phong cách Cổ điển.

Nhìn lại chiều dài lịch sử, có thể thấy ngành kiến trúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phong cách kiến trúc của Hy Lạp và La Mã cổ đại. Bắt nguồn từ Hy Lạp vào thế kỷ thứ 5 TCN và thời kì Cổ điển ở Rome vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, kiến trúc Hy Lạp và các nguyên tắc của nó đã tạo ra tiền đề của phong cách Kiến trúc Cổ điển, luôn là nguồn cảm hứng để các kiến trúc sư tìm đến bằng cách diễn giải lại và kết hợp các yếu tố đặc trưng vào sáng tạo của mình.

Những di tích đền thờ nổi tiếng tại Hy Lạp là ví dụ điển hình và cổ xưa nhất của Kiến trúc Cổ điển với những đặc điểm về tính đồng nhất, tỉ lệ, tính đơn giản, được xây dựng trên các nguyên tắc cơ bản về trật tự và đối xứng. Bên cạnh tính đối xứng, phong cách kiến trúc này còn được thể hiện qua vật liệu sử dụng phổ biến là đá hoa cương và cấu trúc cột trụ. Theo tiến sĩ Jessica Paga, chuyên gia nghiên cứu khảo cổ và lịch sử Hy Lạp tại trường William & Mary College, một số ngôi đền Hy Lạp đầu tiên được xây dựng bằng gạch bùn và gỗ. Về sau, người ta dần chuyển sang vật liệu đá trong khoảng thế kỉ thứ 7 – 6 TCN. Đến thế kỉ thứ 5 TCN, hầu như tất cả các ngôi đền được làm bằng đá.

kien truc co dien van minh hy lap den tho parthenon

Đền Parthenon ở Athens, Hy Lạp. Ảnh: Mlenny

Bên cạnh các ngôi đền tôn thờ các vị thần trên đỉnh Olympia, Kiến trúc Cổ điển được tìm thấy ở nhiều công trình công cộng của Hy Lạp, bao gồm nhà hát và sân vận động. Tiến sĩ Jessica Paga nói: “Mặc dù các ngôi đền Hy Lạp mang tính biểu tượng và có số lượng nhiều, nhưng thường không phải là một phần tối quan trọng trong nghi thức thờ phụng của người Hy Lạp. Yếu tố quan trọng nhất đối với tôn giáo cổ đại là bàn thờ, được đặt bên ngoài ngôi đền vì lễ vật được đốt trên đó. Các ngôi đền cũng là nơi cất giữ lễ vật quý báu cho các vị thần để tạ ơn và cầu xin sự phù hộ của họ.”

Thoạt nhìn, các công trình Hy Lạp cổ đại đều có những nét tương đồng với sơ đồ mặt bằng hình chữ nhật với một hàng cột. Tuy nhiên, kiến trúc Hy Lạp có 3 phong cách khác nhau, được gọi là các trật tự cổ điển mà ở đó, mỗi kiểu cột, tỉ lệ và chi tiết trang trí đều khác nhau.

kien truc co dien cot hy lap

Ba thức cột chính trong kiến trúc cổ điển Hy Lạp vẫn được áp dụng trong các công trình ngày nay. Ảnh: Pearson Scott Foresman

Doric: Đây là trật tự dễ nhận ra nhất bởi hình dáng các cột đơn giản, không trang trí nằm ngay trên bệ đỡ, bậc trên cùng của nền của một ngôi đền, không có chân đế bổ sung. Tiến sĩ Jessica Paga nói: “Trật tự Doric có đặc trưng là các cột dày, trông hơi giống một cây nấm.” Doric được sử dụng chủ yếu ở lục địa Hy Lạp và các khu vực phía tây, chẳng hạn như Sicily và Nam Ý, nơi nhiều thành phố Hy Lạp có thuộc địa vào thế kỷ thứ tám đến thế kỷ thứ sáu TCN.

Ionic: Được đặt tên từ vùng Ionia nơi nó ra đời, ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, trật tự đáng chú ý bởi tỉ lệ duyên dáng được đặt trong các công trình có dáng vẻ thanh thoát. Kiến trúc của cột Ionic có thể dễ dàng nhận ra qua các đường xoắn ốc được ghép nối trên các cột và một đế ngăn cách cột với bệ đỡ. Theo tiến sĩ Jessica Paga, đường diềm của trật tự này là một dải ngang liên tục với khu vực đôi khi được trang trí bằng tác phẩm điêu khắc phù điêu hoặc đôi khi để trống.

Corinthian: Trật tự này bắt đầu được ưa chuộng hơn trong thời kỳ Hy Lạp hóa và người La Mã đặc biệt yêu thích nó. Vì thế, nếu du lịch ở Ý, bạn sẽ chủ yếu thấy trật tự Corinthian, và đó cũng là trật tự thường thấy nhất hiện nay ở Châu Âu và Hoa Kỳ.” Các cột của trật tự Corinthian được trang trí công phu và bóng bẩy nhất trong các trật tự cổ điển. Đặc điểm dễ nhận dạng nhất là một cụm chi tiết trang trí trên cùng của cột, bao gồm các lá ô rô được chạm khắc.

Sự lôi cuốn của những công trình kiến trúc cổ điển Hy Lạp xuất phát từ sự tinh chỉnh về mặt thị giác, thể hiện qua gờ dọc đồng tâm của cột (Entasis) và độ uốn cong.

Entasis hầu như thường được sử dụng cho trật tự Doric và thể hiện qua một phần lồi ở giữa trục. Entasis khá dễ nhận thấy ở những ngôi thế kỷ thứ sáu và đầu thế kỷ thứ năm TCN, nhưng nó dần dần trở nên ngày càng tinh xảo hơn, đến mức bạn hầu như không nhận thấy hoặc chỉ có thể phát hiện ra bằng các công cụ đo lường. Mặt khác, độ cong liên quan đến nguyên tắc mà theo đó không có đường thẳng nào tồn tại trong kiến trúc Hy Lạp bằng đá với quy mô lớn. Tiến sĩ Jesssica Paga nói: “Mọi yếu tố nằm ngang đơn lẻ như các bậc thang, bục, diềm và phào chỉ đều hơi cong lên ở giữa.”

kien truc co dien cot hy lap entasis

Sơ đồ giải thích về độ cong bầu trong cột La Mã và cột Hy Lạp. Ảnh: Tư liệu

cot hy lap den tho athena

Cột đá ở đền Athena ở Paestum, Ý. Ảnh: Heinz-Josef Lücking

Mặc dù điều này có vẻ trái ngược với thực tế là kiến trúc Hy Lạp thường được biết đến với những đường thẳng, sắc nét, nhưng chính những cải tiến này đã làm cho giả định này trở nên khả thi. Tiến sĩ Jessica Paga cho biết: “Thời cổ đại, có một quan niệm phổ biến rằng khi nhìn thấy một đường thẳng nằm ngang, mắt ta sẽ thấy nó bị chùng xuống ở giữa, do đó độ cong sẽ ‘điều chỉnh’ sự biến dạng quang học này. Tương tự như vậy, họ nghĩ rằng một đường thẳng đứng được nhìn thấy có đường kính nhỏ dần khi nó kéo dài lên trên. Vì thế, người ta cho rằng sự xen kẽ sẽ giúp giải quyết vấn đề này.” Các học giả hiện đại cũng thừa nhận lời giải thích này, đồng thời lưu ý rằng những cải tiến này làm sống động kiến trúc.

Một số công trình kiến trúc Hy Lạp cổ đại điển hình có thể kể đến như:

Thành Cổ Athens: Là quần thể công trình kiên cố gồm nhiều công trình được thiết kế để tôn vinh các vị thần Hy Lạp, được xây dựng vào thế kỷ thứ năm TCN trên đỉnh một ngọn đồi ở Athens. Thành cổ bao gồm đền Propylaia, Erechtheion, Athena Nike và Parthenon – một đền thờ nữ thần Athena. Theo tiến sĩ Jessica Paga, đền Parthenon rất nổi tiếng, mặc dù đây là một trong những ngôi đền Hy Lạp bí ẩn và kỳ lạ nhất từng được xây dựng. Ví dụ, cấu trúc của đền có tám cột Doric dọc theo mặt trước, trong khi phần lớn các ngôi đền Hy Lạp chỉ có sáu cột ở phần cuối. Nó cũng bao gồm một bức phù điêu Ionic, mặc dù có các cột Doric.

kien truc co dien hy lap thanh co athens

Ảnh: Constantinos Kollias

Đền thờ Thần Zeus ở Olympia: Nằm ở nơi từng diễn ra các thế vận hội Olympic, ngôi đền này là một ví dụ khá điển hình về thiết kế của Hy Lạp và được xây dựng với quy mô lớn hơn nhiều so với những ngôi đền khác.

kien truc co dien hy lap den tho than zeus

Đền thờ thần Zeus do Constantinos Kollias vẽ minh họa. Ảnh: Tư liệu

Đền thờ Thần Neptune: Phố cổ Paestum, hay Poseidonia, được thành lập trên bờ biển miền Nam nước Ý vào khoảng năm 600 TCN, là nơi có một số đền thờ xây theo trật tự Doric được bảo tồn tốt, bao gồm Đền thờ Hera, Đền thờ Athena và Đền thờ thứ hai của Hera, còn được gọi là Đền thờ Thần Hải Vương hay Poseidon.

den tho neptune di tich lich su hy lap

Ảnh: Norbert Nagel

Đền thờ Thần Apollo: Nằm ở sườn thấp hơn của Núi Parnassus của Hy Lạp, Delphi là một trong những nơi quan trọng nhất trong thế giới thần linh cổ đại. Địa điểm này bao gồm Đền thờ Apollo, được xây dựng vào năm 510 TCN, Kho bạc Athen, Thánh địa Athena Pronaia, các Tholos hình tròn, một nhà hát, và một phòng rèn luyện thể hình.

kien truc co dien den tho apollo

Ảnh: Helen Simonsson

Terrace of the Naxian Lions: Hay còn được gọi là Đại Lộ Sư Tử, nằm tại đảo Delos, là nơi sinh của các vị thần Apollo và Artemis trong thần thoại Hy Lạp. Đây cũng từng là trung tâm thương mại cổ đại nổi tiếng với những ngôi nhà cầu kì và Đền thờ Thần Apollo.

kien truc co dien hy lap Terrace of the Naxian Lions

Ảnh: ftrc

Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Architectural Digest


Xem thêm

Phong cách Chiết trung trong kiến trúc

Vòm trần huyền diệu ở nhà thờ chính tòa St.Paul

Diệu kỳ Alhambra, nét trang trí kiến trúc Hồi giáo