Diệu kỳ Alhambra, nét trang trí kiến trúc Hồi giáo

Từng là cung điện, pháo đài, cũng là biểu tượng cho sự phồn thịnh của vương triều Nasrid – cai trị tiểu quốc Granada thuộc bán đảo Iberia từ 1230 – Alhambra hội tụ tinh hoa của 23 đời tiểu vương đến 1492. Hôm nay, vẫn tồn tại một Alhambra với những nét trang trí kiến trúc mang văn hóa Hồi giáo ở Tây Ban Nha, đẹp phi diệu, tưởng như không thể tồn tại trong thế giới thực.

Trang trí kiến trúc Hồi giáo

Là một kỳ quan của vùng Andalucía, Tây Ban Nha, cung điện Alhambra sở hữu bề dày lịch sử huy hoàng của các triều đại Hồi giáo cai trị miền đất này. Ở góc tiếp cận gần hơn với Alhambra qua các chi tiết trang trí cung điện, bạn sẽ thấy hiện hữu vẻ đẹp mà ngôn từ không dễ diễn tả tường tận, bởi quá dày đặc, quá chi tiết và tinh xảo theo hướng đối lập cực đại với tổng thể kiến trúc Alhambra.

Lịch sử Alhambra trở nên rực rỡ bắt đầu từ thời vua Mohammed ben Al-Hamar (Mohammed I) vị vua đầu tiên của triều đại Nasrid từ 1238 – 1273. Khi lên nắm quyền, chính vua Mohammed I đã biến công năng Alhambra từ một pháo đài trở thành cung điện, hội tụ tất cả những gì xa hoa, lộng lẫy, tinh tế, hoàn mỹ nhất của xã hội đương thời thông qua trang trí kiến trúc. Qua đến các triều đại của Mohammed II (1273 – 1302), rồi Mohammed III (1302 – 1309), Yusuf I (1333 – 1353), Mohammed V (1353 – 1391)… phong cách Hồi giáo đặc trưng của vương triều vẫn được duy trì và phát triển. Những công trình mang tên Mezquita, Alcazaba, Patio de los Leones, Puerta de la Justicia, Baños… cứ thế được thêm vào, khiến cho Alhambra càng trở nên vĩ đại.

Alhambra trang trí kiến trúc Hồi giáo 1

Nghệ thuật trang trí vòm cong với các chi tiết đắp vữa, điêu khắc, cùng hoa văn trừu tượng theo phong cách Ả-rập ở Cung điện sư tử trong quần thể Alhambra.

Alhambra trang trí kiến trúc Hồi giáo 2

Phong cách trang trí kiến trúc vòm tổ ong, là mảng tạo kết nối giữa tường và trần, được gọi là Muqarnas.

Diệu kỳ Alhambra 1

Hàng hiên hình vòm cong với các cột trụ La Mã ở cung điện vua Charles V, xây dựng theo phong cách Phục hưng trong quần thể Alhambra.

Diệu kỳ Alhambra 2

Các cây cột ở Alhambra là một dạng thức trục hình trụ đặc biệt, chỉ hiện hữu riêng trong kiến trúc Alhambra.

Sự đối lập trong – ngoài, lớn – nhỏ tạo nên một cảm giác vỡ òa, thậm chí là choáng ngợp khi tiếp cận không gian Alhambra. Nhìn từ xa, cung điện Alhambra nổi bật chỉ là những mảng tường lạnh lùng, sừng sững, bề thế, nhưng ở nội thất, mọi không gian từ hàng cột, vòm cong, mái vòm, trần, tường, sàn… được phủ lấp bởi chi tiết, đẹp thôi thì chưa đủ, bởi vẻ đẹp trang trí ấy được đẩy đến cực đại. Từng chi tiết nhỏ nhất trong nghệ thuật đắp vữa, điêu khắc, chạm khảm… được tỉa tót tinh xảo, tiếp nối liên hoàn, cảm giác như cả cung điện (với diện tích rộng đến gần 15 hecta) vẫn chưa đủ chỗ cho sự phô diễn nghệ thuật trang trí cách phi thường ấy.

Alhambra được tác thành không chỉ bề thế về kiến trúc, mà mọi không gian trong nội thất đều được lấp đầy bằng những chi tiết trang trí dày đặc, không còn chỗ trống. Alhambra ở Tây Âu nhưng phô diễn các chi tiết trong trang trí kiến trúc Hồi giáo Đông Phương như hoa văn hình học, thư pháp Ả-rập, hồ phản chiếu, đài phun nước, cột trụ, vòm móng ngựa… Dạo bước qua các công trình mang phong cách Hồi giáo hiện hữu ở Alhambra hôm nay để thấy một thời huy hoàng của nghệ thuật, sự sáng tạo, niềm tin, tình yêu, quyền lực… cùng hội tụ và thể hiện rõ nét trên những chi tiết trang trí còn mãi với thời gian.

Diệu kỳ Alhambra 3

Mái vòm với kỹ thuật đắp vữa trang trí đặc tả chi tiết dày đặc theo kiểu “thạch nhũ” ở Sala de los Abencerrajes.

Alhambra trang trí kiến trúc Hồi giáo 3

Nghệ thuật thư pháp Ả-rập là một chi tiết trang trí kiến trúc phổ biến theo phong cách Hồi giáo.

Diệu kỳ Alhambra 4

Vòm sò, một kiểu thức đặc trưng trong kiến trúc và trang trí cung điện của vương triều Nasrid ở Alhambra.

Alhambra trang trí kiến trúc Hồi giáo 4

Nghệ thuật Muqarnas tạo hiệu ứng hình ảnh tổ ong đa chiều kết nối ăn ý với chi tiết ngói lượn ở Cung điện sư tử.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình


Xem thêm

Thánh đường nghệ thuật Sheikh Zayed