Giống như nghệ thuật, kiến trúc đã từng trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử với các phong cách đặc trưng gắn liền với từng giai đoạn. Thông thường, khi một phong trào phát triển đến thời kỳ cực thịnh sẽ bắt đầu suy tàn dần để dọn đường cho một phong trào khác. Trải qua nhiều biến động theo thời gian, nhu cầu và thẩm mĩ của con người cũng đổi thay. Trong vài trường hợp, quá trình có thể thay đổi ngược lại so với trước đó. Ví dụ, phong cách Hậu hiện đại (Postmodernism) đã gây ra sự tranh cãi ý kiến kể từ khi xuất hiện, nhưng sau đó lại phổ biến trở lại vào đầu những năm 2000. Sự thay đổi của thời gian đã giúp xem xét lại tầm quan trọng và đánh giá chất lượng cũng như vấn đề của một số phong cách.
Phong cách Chiết trung (Eclecticism) cũng là một trường hợp gây ra nhiều tranh cãi kể từ khi mới xuất hiện. Từ “chiết trung” xuất phát từ từ Hy Lạp “eklectos”, trong đó “Ek” có nghĩa là “bên ngoài”, “lectos” có nghĩa là “lựa chọn” và “cism” có nghĩa là “học thuyết”. Nguồn gốc của từ đã nói lên bản chất cơ bản của phong cách: quyền tự do lựa chọn trong vô số lựa chọn. Để định nghĩa một cách dễ hiểu hơn, Chủ nghĩa chiết trung là một phong trào pha trộn các yếu tố thuộc các phong cách và thời kỳ khác nhau trong lịch sử nghệ thuật và kiến trúc. Trong nghệ thuật, sự hòa trộn này đã thể hiện rõ từ thế kỷ 16. Cho đến cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, nó bắt đầu trở nên phổ biến trong giới kiến trúc. Thời điểm đó, nhiều người đưa ra sự chỉ trích vì phong cách này thiếu sự sáng tạo, làm mất bản sắc và giảm đi giá trị của chính nó khi kết hợp các phong cách đối lập và tạo ra một mớ hỗn độn. Tuy nhiên, công bằng mà nói, kiến trúc Chiết trung lại cho thấy được một nét nghệ thuật rất đương đại.
Có thể thấy công nghệ mới hiện nay đang khơi gợi trí tưởng tượng và khám phá trong nhiều ngành sáng tạo. Trong lịch sử, Cách mạng công nghiệp cho phép sản xuất các vật liệu xây dựng như sắt và kính trên quy mô lớn. Cùng với tiến bộ công nghệ, kỹ thuật cũng dần cải tiến. Bối cảnh đô thị hóa của nhiều thành phố cũng góp phần mở rộng khả năng thử nghiệm các vật liệu này trong xây dựng. Vì thế, kiến trúc Chiết trung góp phần kết hợp các vật liệu mới vào bối cảnh thời đại thông qua các hình thể thẩm mỹ hiện đại.
Ngày nay, các phong cách kiến trúc cổ điển với những thiết kế tráng lệ mang tính biểu tượng được giảng dạy tại tại các trường đào tạo về kiến trúc và mỹ thuật. Tại những phong cách đó, dấu ấn lịch sử đã ăn sâu vào kiến trúc Chiết trung: Từ những mái vòm Gothic, cột và mái hiên kiểu Hy Lạp, đến các hoa văn Baroque… Lịch sử đã trở thành kho tàng tài nguyên cho các kiến trúc sáng tạo, và các yếu tố kiến trúc từ các thời kỳ khác nhau có thể được kết hợp để tạo ra những kiến trúc mới, đa dạng và phong phú, đặc biệt là khi kết hợp sự sáng tạo của các thời kỳ trước đó và các vật liệu mới có sẵn hiện đại.
Trong những năm 1960 đến 1980 – trùng hợp vào thời điểm xuất hiện của kiến trúc Hậu hiện đại, nhiều kiến trúc sư và nhà nghiên cứu đã tranh luận về việc sử dụng các yếu tố kiến trúc lịch sử trong kiến trúc hiện đại. Những cuộc phục hưng lịch sử luôn gây mơ hồ. Việc quay trở lại một thời kỳ trước đó đa phần đều có mục đích muốn khôi phục lại các giá trị hoặc giai đoạn xã hội xưa cũ mà những tính từ để miêu tả về kiến trúc Chiết trung cũng chứng minh điều này. Trong kiến trúc Chiết trung, đồ trang trí và nguồn cảm hứng từ cổ điển thể hiện sự tinh tế được lý tưởng hóa và sự tiến bộ của giai đoạn này.
Ý tưởng của các kiến trúc sư không bao giờ cạn kiệt và bị giới hạn. Bằng cách thử nghiệm và kết hợp, họ đã tạo ra tiền lệ cho vô số dự án, đôi khi đó là sự lạ lùng nhưng điều đó đã cho thấy sự sẵn sàng để tạo ra phong cách mới lạ. Ngoài ra, điều này cũng cho phép mỗi địa phương thêm và kết hợp các yếu tố từ văn hóa và ngữ cảnh đặc thù của mình, hoặc những yếu tố giao thoa từ các nền văn hóa khác. Sau cùng, các dự án làm cơ sở phục vụ cho kiến trúc Chiết trung đều gây sức ảnh hưởng lớn, và sự pha trộn các yếu tố từ các nền văn hóa hoặc dân tộc gần như bị lãng quên xuất hiện dưới hình thức bị lai hóa hoặc được diễn giải theo phong cách châu Âu. Ví dụ, công trình Đại học Birmingham được thiết kế bởi kiến trúc sư Aston Webb và Ingress Bell, mang màu sắc của yếu tố Byzantine (kiến trúc Hy Lạp Kitô giáo của Đế chế Đông La Mã).
Chủ nghĩa học thuật và tính chặt chẽ của châu Âu đã tạo ra những ví dụ kinh điển về kiến trúc Chiết trung như Nhà hát Opera Paris của Charles Garnier,và Musee d’Orsay của Victor Laloux, Lucien Magne và Émile Bénard – được Gae Aulenti chuyển thành bảo tàng vào năm 1971. Những công trình trước đó đã truyền cảm hứng cho Nhà hát Thành phố Rio de Janeiro, của Francisco de Oliveira Passos và Albert Guilbert. Thư viện Quốc gia, của Francisco Marcelino de Souza Aguiar cũng đánh dấu bước vào thế kỷ 20 hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp. Ở São Paulo, kiến trúc Chiết trung đã được ra mắt với Bảo tàng Ipiranga, của Tommazio Bezzi. Một trong những nhân vật có đóng góp lớn nhất cho công trình là kiến trúc sư Ramos de Azevedo, chịu trách nhiệm cho các tòa nhà trong Municipal Theater, Liceu de Artes e Ofícios (hiện là Bảo tàng Mỹ thuật bang São Paulo) và Estação da Luz.
Với chủ nghĩa hiện đại, kiến trúc Chiết trung trở nên gắn liền với tầng lớp xã hội cụ thể. Ngôn ngữ nghệ thuật mới đã thay đổi một cách rõ rệt so với trước đó. Sự khám phá về mặt hình thức dẫn đến việc sử dụng các vật liệu pha trộn ấn tượng hơn. Giữa thành công và thất bại, cảm hứng và sự chiếm hữu, có thể xem thái độ sáng tạo của kiến trúc Chiết trung như sự kết hợp chính xác của các yếu tố từ các thời kỳ hoặc địa điểm khác nhau. Nếu nghệ thuật đương đại pha trộn các vật liệu, đồ vật và thậm chí trải nghiệm để mở ra cách đọc mới về thế giới, tại sao kiến trúc lại không thể làm điều tương tự?
Tất nhiên chúng ta không nhất thiết phải tìm về lịch sử, xem lịch sử kiến trúc như một danh mục giải pháp, hay sử dụng các yếu tố mà không hiểu rõ ý nghĩa và bối cảnh của chúng. Điều quan trọng là phải hiểu được thông điệp mà một kiến trúc sư muốn truyền đạt qua công trình. Sự thể nghiệm trên phom dáng, vật liệu và công năng phong phú một cách có tính toán với sự hiểu biết thấu đáo có thể mang đến những công trình độc đáo và bất ngờ.
Thực hiện: Khánh Quỳnh | Theo: Archdaily
Xem thêm