Kiệt tác Phồn Thực trong kiến trúc Á Đông

“Phồn”: nhiều, “Thực”: nảy nở, trổ sinh, gắn kết với hình ảnh sinh thực khí nam và nữ. Sự giao hòa âm – dương ấy là cội rễ của sinh sôi, nảy nở vạn vật, chuyển thành tín ngưỡng, nghệ thuật, lan cả vào chi tiết kiến trúc khắp vùng Á Đông.

Hình ảnh phồn thực được biểu đạt rõ nét, chân thực, sống động và tinh xảo ở vùng Á Đông, hẳn phải nhắc đến chi tiết trang trí kiến trúc mang ảnh hưởng hai tôn giáo lớn là Hindu giáo và Phật giáo. Khởi phát từ Ấn Độ, lan truyền qua các nước láng giềng như Nepal, và cả khu vực Đông Nam Á bao gồm một số quốc gia như Indonesia, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan… Ở mỗi điểm dừng đều lưu dấu những kiến trúc phồn thực độc đáo.

Phồn Thực 1

Đài thờ tháp Chăm, Quảng Nam với hình ảnh bầu ngực căng tròn trong tín ngưỡng phồn thực. Ảnh trên Thần Shiva đặt tay trên bầu ngực người vợ (nàng Uma) ở Quảng trường cung điện Kathmandu, Nepal.

Phồn Thực 2

Thần Shiva đặt tay trên bầu ngực người vợ (nàng Uma) ở Quảng trường cung điện Kathmandu, Nepal.

Ở Việt Nam, dấu ấn kiến trúc biểu đạt vẻ đẹp phồn thực hoàn hảo nhất phải kể đến cụm đền tháp Chăm, tháp Phật ở khu vực miền Trung. Hình ảnh bầu ngực căng tròn của người nữ được thiết kế liên hoàn, dùng để trang trí trên các đài thờ thuộc di chỉ Mỹ Sơn, Trà Kiệu… cho đến các mảng điêu khắc cuộc đời đức Phật trên tháp Phật Đồng Dương (Phật viện Đồng Dương). Tất cả đều biểu đạt trình độ ứng dụng nghề thủ công vào miêu tả tích truyện tôn giáo, biểu tượng, tín ngưỡng, để lại những công trình vĩ đại gắn liền với tín ngưỡng phồn thực mà trong đó, đường nét cơ thể học của người nữ qua bầu ngực căng tròn được khai thác triệt để, đẹp hoàn hảo trong chi tiết trang trí kiến trúc đền tháp.

Phồn Thực 3

Đài thờ tháp Phật Đồng Dương với các tầng điêu khắc miêu tả cuộc đời đức Phật, sử dụng nhiều hình ảnh phồn thực của người phụ nữ.

Phồn Thực 4

Vẻ đẹp phồn thực trong điêu khắc đài thờ Đồng Dương, niên đại từ thế kỷ 9, được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Phồn thực trong kiến trúc Việt
có thể tìm thấy ở hình tượng nam nữ giao hoan (Tây Nguyên),
triết lý âm – dương, vuông – tròn ở Chùa Một Cột,
Tháp Bút – Đài Nghiên, Khuê Văn Các…

Phồn Thực 5

Các chi tiết điêu khắc tỉ mỉ, nổi bật là hình ảnh tiên nữ trên kiến trúc đền thờ nữ thần Kumari.

Đề tài trang trí mang phong cách phồn thực, miêu tả hình ảnh bầu ngực người nữ cùng nét đẹp uyển chuyển hình thể các tiên nữ trong không gian kiến trúc đền thờ nữ thần sống Kumari của đất nước Nepal.

Ở Nepal, dấu ấn Hindu giáo thể hiện rõ trên nhiều kiến trúc cổ. Quảng trường cung điện Kathmandu là một ví dụ. Ở tòa kiến trúc tôn thờ nữ thần trinh tiết Kumari (hiện thân của thần Uma – vợ thần Shiva – một trong ba linh thần cao cả nhất Hindu giáo), có nhiều chi tiết mang đậm dấu ấn phồn thực. Tất cả thể hiện trên nền điêu khắc gỗ, biểu đạt đường cong hình thể vũ đạo các vị tiên, nữ thần; tạo nên quần thể kiến trúc phồn thực có lối trang trí riêng biệt, khác với kiểu trang trí cùng niên đại, phong cách ở châu Á.

Yếu tố phồn thực đồng nhất, khi dịch chuyển qua từng khu vực địa lý, quốc gia, lãnh thổ, hòa nhập và tiếp biến theo văn hóa bản địa, tạo thành những nét hoa mỹ riêng. Những công trình có trang trí chi tiết phồn thực ở Indonesia như đền Mendut (thờ Phật) – với các mảng điêu khắc kể về cuộc đời tiền kiếp của đức Phật, đền Prambanan (thờ tam thần Hindu giáo) – có nhiều chi tiết miêu tả hình ảnh vẻ đẹp nữ thần trong sử thi Ramayana, hình tượng sinh thực khí nam ở cố đô Trowulan… là những minh chứng cụ thể.

Hình tượng Linga – Yoni khổng lồ với trang trí độc đáo ở di chỉ khảo cổ Trowulan, Indonesia và nàng Sita bị quỷ vương Ravana bắt cóc về làm vợ ở mảng điêu khắc đền Prambanan, Yogyakarta, Indonesia.

Việt Nam từ xa xưa đã xuất hiện nhiều lễ hội,
vật biểu trưng liên quan đến phồn thực
như trống đồng Đông Sơn,
thạp đồng Đào Thịnh, lễ hội nõ – nường
(còn gọi là Linh tinh tình phộc ở miếu Đụ Đị, Phú Thọ).

Đền Mendut ở miền Trung Java, Indonesia

Linga và Yoni dày đặc dưới lòng sông Kulen và Kbal Spean, Campuchia.

Qua đến xứ chùa tháp (Campuchia), dấu ấn phồn sinh trong kiến trúc ngoài cụm đền đài vĩ đại thời kỳ Angkor, còn có thêm công trình đặc biệt được thực hiện ở con nước đầu nguồn sông Siem Reap ở Kbal Spean và Kulen. Tương truyền đây là nơi vua Jayavarman II (802 – 835) tuyên bố độc lập, mở ra thời kỳ Angkor rực rỡ. Phần nền đá của lòng sông được chạm khắc bằng hàng vạn Linga và Yoni cùng vô số hình tượng nữ thần theo huyền tích Hindu giáo, tạo thành quần thể trang trí kiến trúc phồn thực độc đáo, kỳ lạ và không kém phần bí ẩn trong lịch sử phát triển của thời kỳ Angkor.

Hariti, nữ thần bảo vệ sinh đẻ và trẻ em trên vách đền Mendut. Tầng trên miêu tả các nàng tiên nhảy múa trên thiên đình.

Bài & ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Gốm Việt cổ và những gam màu thần diệu

Hoa lam Chu Đậu, gốm mỹ thuật xuất khẩu