Câu chuyện trùng tu của các công trình di sản

Trùng tu nhằm giữ cho các công trình di sản được tồn tại lâu dài là công việc đòi hỏi nhiều công sức nghiên cứu, thời gian và ngân sách.

Các công trình di sản là minh chứng cho sự phát triển về văn minh và văn hóa của nhân loại trong từng giai đoạn. Nhằm bảo đảm những di tích kiến trúc có thể tồn tại lâu dài trong tương lai, việc kéo dài tuổi thọ và độ bền của công trình thường đòi hỏi công tác lẫn kỹ thuật trùng tu phức tạp vốn là một quá trình phức tạp đòi hỏi chuyên môn, sự cẩn thận và chú ý đến từng chi tiết.

Ở mỗi dự án, điều quan trọng cần xác định đầu tiên là trùng tu toàn bộ, một phần hay gia cố. Mục đích cuối cùng của công việc này là cố gắng loại bỏ những thành phần đang làm ăn mòn, hủy hoại di tích, đưa nó về trạng thái mới như nó đã từng, đảm bảo tính chính xác và tính nguyên bản nhất như tái sử dụng vật liệu, kỹ thuật, lẫn cấu kiện của công trình trước khi hạ giải.

ELLE Decorration xin giới thiệu một vài công trình tiêu biểu về trùng tu trên thế giới lẫn Việt Nam để mang đến cho bạn đọc thêm góc nhìn về công tác bảo tồn các di tích kiến trúc cổ. 

Thành phòng thủ Acropolis, Athens 

Acropolis là thành phòng thủ cổ nổi tiếng nhất thế giới nằm trên một mỏm đá phía trên thành phố Athens. Những di tích trong quần thể này là biểu tượng cho nền văn minh cổ điển và phong cách kiến trúc Hy Lạp để lại cho thế giới. Vào nửa sau thế kỷ V (TCN), sau chiến thắng trước người Ba Tư, Athens đã thiết lập nền dân chủ và dần trở thành một vùng đất hùng mạnh nhất thế giới. Dưới sự chỉ đạo của nhà điêu khắc Pheidias và tham vọng của chính khách Pericles, các nghệ nhân đã biến một ngọn đồi đá trở thành một tượng đài độc đáo của tư tưởng và nghệ thuật. 

Acropolis den tho di tich kien truc trung tu

Thành phòng thủ Acropolis của Athens. Ảnh: Wikipedia

Lối vào Acropolis là một cửa ngõ lớn được gọi là Propylaea. Xung quanh thành là các công trình Đền Athena Nike ở phía nam, Đền Erechtheion ở phía bắc và trung tâm là đền Parthenon (còn được biết đến là đền thờ Athena Parthenos). Cách đó vài trăm mét là một cấu trúc nhà hát được xây dựng lại một phần có tên Herodes Atticus. Quần thể Acropolis được công nhận là một di tích khảo cổ học từ năm 1833, ngay sau khi Nhà nước Hy Lạp hiện đại được thành lập. 

Acropolis Parthenon tuong dieu khac hy lap kien truc di san

Tất cả các hiện vật có giá trị khai quật ở Acropolis được trưng bày tại Bảo tàng Acropolis nằm trên sườn phía nam của ngọn đồi, cách đền Parthenon 280 mét. Ảnh: Tư liệu

Tính nguyên bản của quần thể Acropolis vẫn được bảo tồn tốt đến tận ngày nay. Để duy trì sự toàn vẹn về mặt cấu trúc của các di tích, chính quyền đã bắt đầu tu sửa từ năm 1975 cho đến ngày nay. Quá trình bảo tồn dựa trên nền tảng lý thuyết rõ ràng và tuân theo các nguyên tắc của Hiến chương Venice, sử dụng kĩ thuật, công cụ và vật liệu giống nhất so với thời cổ đại. 

Penteli nui hy lap

Núi Penteli – dãy núi bao quanh đồng bằng Attic ở phía đông bắc. Đỉnh núi chính, cách Athens khoảng 16 km về phía đông bắc, là Kokkinarás – nơi khai thác đá cẩm thạch Pentelic. Vào thời Cổ đại, đỉnh núi gồm 25 mỏ đá nằm bên sườn phía nam ở độ cao từ 760 đến 1.000 mét, đây là nguồn cung cấp đá cẩm thạch cho các công trình và tác phẩm điêu khắc ở Athens vào thế kỷ V và thứ IV trước Công nguyên. Ảnh: Britannica

Vương cung thánh đường Sagrada Família, Tây Ban Nha

Một ví dụ đặc biệt về những công trình được bảo tồn và trùng tu là La Sagrada Familia – Vương cung thánh đường Nhà thờ ngoại hiệu Thánh Gia – ở Barcelona do kiến trúc sư Antonio Gaudi thiết kế. Mặc dù kiệt tác kiến ​​trúc này vẫn chưa hoàn thành, nhưng những cấu kiện kiến trúc đã được gia cố để duy trì tính toàn vẹn. Sagrada Familia còn nổi tiếng vì là nhà thờ duy nhất trên thế giới có thời gian xây lâu nhất, trong hơn một thế kỷ và không có giấy phép. Những tiến bộ trong công nghệ thiết kế đã được sử dụng nhằm tăng tốc độ hoàn thành, trong đó có trợ giúp của máy tính và điều khiển số bằng máy tính (CNC). 

Sagrada Familia nha tho di tich lich su di san ban ve

Thiết kế ban đầu cho dự án Sagrada Família vốn bởi kiến ​​trúc sư giáo phận Francisco de Paula del Villar cùng các đặc điểm kiến trúc Tân Gothic thịnh hành vào thời điểm đó: cửa sổ hình cung, trụ đỡ, trụ đỡ bay và tháp chuông nhọn. Những khác biệt về kỹ thuật và chi phí vật liệu đã khiến kiến ​​trúc sư này bị thay thế bởi Antoni Gaudí – người đã đưa dự án theo một hướng khác, biến nó thành một đề xuất đầy tham vọng cho nhà thờ của tương lai. Ảnh: Sagrada Familia

Sagrada Familia nha tho di tich lich su di san ban ve trung tu

Cho đến giữa thế kỷ XX, việc xây dựng vẫn được thực hiện bằng giàn giáo gỗ, khác xa với phương tiện được sử dụng ngày nay. Ảnh: Sagrada Familia

Sagrada Familia nha tho di tich lich su di san mosaic

Phần trên và phần dưới của các cột được khảm trencadís bằng gốm sứ với nhiều màu sắc từ xanh lam đến trắng, trong đó rải rác một vài mảnh khảm vàng gạch Venetian. Ảnh: Sagrada Familia

Cuối năm 2023, Sagrada Família đã khánh thành bốn tòa tháp Evangelists cùng sự kiện chính là thánh lễ, lễ ban phước và thắp sáng lần đầu tiên sau đó. Là một phần của nhóm tháp trung tâm, bốn tòa tháp này bao quanh tháp Chúa Jesus – là tòa tháp cao thứ ba với độ cao 135 mét. Cùng với tháp Đức Mẹ Đồng Trinh, năm trong số sáu tòa tháp trung tâm đã được hoàn thành. Tháp trung tâm dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2026.

Sagrada Familia nha tho di tich lich su di san trung tu

Sau nhiều lần bị phá hoại do nội chiến Tây Ban Nha và trận hỏa hoạn năm 2011, công trình đang được 20 kiến trúc sư đảm nhận xây dựng tiếp tục đến ngày nay. Ảnh: Hoàng Hà

Nhà thờ Đức bà Paris

Cathédrale Notre-Dame de Paris, là nhà thờ chính tòa, nơi đặt ngai tòa giám mục của Tổng giáo phận Paris, tọa lạc trên đảo Île de la Cité (nằm giữa dòng sông Seine) của thành phố Paris, Pháp. Đây là nhà thờ Công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc gothic, nhưng việc sử dụng sáng tạo của mái vòm có sườn và trụ bay, cửa sổ bông gió và kính màu ghép khổng lồ đầy màu sắc kết hợp chủ nghĩa tự nhiên và phong phú của trang trí điêu khắc làm cho công trình khác biệt với phong cách kiến trúc Roman trước đó.

Cathédrale Notre Dame de Paris nha tho duc ba di san kien truc

Nhà thờ Đức bà Paris trước trận hỏa hoạn. Ảnh: Tư liệu

Nhà thờ Đức Bà Paris từng hứng chịu vụ hoả hoạn lớn hồi tháng 4/2019, làm sập ngọn tháp và thiêu rụi một phần mái của công trình kiến trúc Gothic 860 năm tuổi. Hình ảnh ngọn lửa bùng cháy tại Nhà thờ Đức Bà đã lan truyền khắp thế giới, gây chấn động cho những người yêu mến kiến trúc và văn hóa. Hàng trăm nghìn nhà tài trợ từ 150 quốc gia đã quyên góp hơn 840 triệu USD để phục hồi nhà thờ. Hơn 5 năm sau trận hỏa hoạn thiêu rụi nhiều phần, nhà thờ dự kiến sẽ được mở cửa lại vào cuối năm 2024 với công sức làm việc của gần 500 thợ thủ công. 

Cathédrale Notre Dame de Paris nha tho duc ba di san kien truc trung tu

Trận hỏa hoạn đã gây ra nhiều thiệt hại lớn. Ảnh: Tư liệu

Theo Rebuilding Notre Dame de Paris (cơ quan chịu trách nhiệm bảo tồn và trùng tu nhà thờ), có gần 250 công ty và xưởng nghệ thuật trên khắp nước Pháp được giao nhiệm vụ “tái hiện thời kỳ phục hưng của nhà thờ”. Cả một đội ngũ thợ tay nghề cao của nước Pháp được huy động, bao gồm thợ mộc, thợ đá, thợ giàn giáo, nhà điêu khắc, thợ mạ vàng, thợ làm thủy tinh, thậm chí cả thợ chế tạo đàn organ cũng được gọi đến để khôi phục 8.000 ống và 115 điểm nhấn của cây đàn organ vĩ đại của nhà thờ Đức Bà. Bà Barbara Schock-Werner, chuyên gia người Đức tham gia việc trùng tu cho biết: “Bước đầu tiên là bảo đảm xử lý, tháo dỡ những gì còn sót lại sau đám cháy và gia cố một số cấu trúc khác. Chúng tôi thêm vào các cột trụ để giảm áp lực lên những bức tường đã bị cháy trong ngọn lửa nhiều giờ. Giàn giáo khi tu bổ mái đã biến dạng do sức nóng, cần được tháo xuống một cách cẩn thận”.

Cathédrale Notre Dame de Paris nha tho duc ba di san kien truc trung tu

Công tác trùng tu đòi hỏi nhiều nhân lực, lên đến con số 500. Ảnh: Tư liệu

Cathédrale Notre Dame de Paris nha tho duc ba di san kien truc

Ngoài bổ sung nội thất mới, các họa tiết trang trí trên nhà nguyện đã được phục hồi lại vẻ rực rỡ ban đầu và có thêm bảy tấm thảm trang trí, sáu cửa sổ kính màu. Những cửa sổ này là những tác phẩm tiêu biểu được lựa chọn thông qua cuộc thi quy tụ 110 nghệ sĩ đương đại, bao gồm Daniel Buren, Herve Di Rosa và Yan Pei-Ming. Ảnh: Tư liệu

Kim tự tháp Menkaure, Ai Cập

Menkaure, hay còn được gọi là “Mycerinus” hoặc “Menkaura”, là kim tự tháp thứ ba và là kim tự tháp nhỏ nhất ở Giza. Công trình này có niên đại 4500 năm trước là lăng mộ cho Paraoh Menkaure của Vương triều thứ 4. Xung quanh kim tự tháp có ba kim tự tháp nữ hoàng của ba người vợ hoàng đế Menkaure.  Công trình ban đầu cao hơn 65m, nay chỉ còn 61m, với 16 tầng đá mặt ngoài là đá granite đỏ, trong đó 7 tầng dưới cùng còn nguyên vẹn.  

Menkaure kim tu thap ai cap di tich lich su

Ảnh: Tư liệu

Bộ Du lịch và Khảo cổ Ai Cập đang triển khai dự án khôi phục hình dáng ban đầu của Menkaure. Khi mới xây dựng hàng nghìn năm trước, ba kim tự tháp lớn ở Giza, Ai Cập có lớp ốp bằng đá vôi và đá granite sáng bóng, thay vì màu nâu cát như ngày nay. Đơn vị đảm nhiệm đã hợp tác cùng một phái đoàn Nhật Bản đang triển khai dự án khôi phục lớp vỏ đá granite nguyên bản và cấu trúc ban đầu của công trình kiến trúc vĩ đại này.

Menkaure kim tu thap ai cap di tich lich su trung tu

Dự án kéo dài ba năm, gồm các công đoạn nghiên cứu, đo đạc, quét laser, cuối cùng là thi công lớp vỏ đá, do Mostafa Waziri, lãnh đạo Hội đồng Khảo cổ Tối cao Ai cập dẫn đầu. Ảnh: The National News

Bất chấp những đánh giá tích cực của các quan chức dự án, quyết định khôi phục kim tự tháp Menkaure đã gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Theo The National News, nhà Ai Cập học Monica Hanna khẳng định tất cả các nguyên tắc quốc tế về cải tạo di sản đều cấm sự can thiệp như vậy. Trong khi đó, nhiều chuyên gia phục hồi và bảo tồn di sản Ai Cập khuyến nghị chính quyền cần đánh giá kỹ càng trước khi tiến hành dự án. Đáp lại, Bộ Du lịch và Khảo cổ Ai Cập cho biết đã thành lập một ủy ban chuyên trách gồm các chuyên gia trong và ngoài nước để tiến hành xem xét lại dự án một cách tổng thể.

Điện Kiến Trung, Huế

Điện Kiến Trung là một trong 5 công trình độc đáo và quan trọng nằm trên trục thần đạo của Tử Cấm thành – Đại nội Huế, cùng với điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái dưới triều nhà Nguyễn. Cung điện được xây dựng trong giai đoạn 1921-1923 dưới thời vua Khải Định. Đến năm 1932, vua Bảo Đại cho cải tạo lại nội thất và lắp đặt thêm nhiều tiện nghi của phương Tây. Năm 1947, do chiến tranh tàn phá, điện bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn nền móng. 

dien kien truc kien truc viet nam hue trung tu

Điện Kiến Trung gần như bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1947, nhưng với nỗ lực phục hồi của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung, sau khoảng gần 5 năm tu bổ, phục hồi và tôn tạo, Điện Kiến Trung đã hoàn thiện cả nội và ngoại thất. Ảnh: Tư liệu

Năm 2019, Dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi điện Kiến Trung được khởi công, với tổng kinh phí thực hiện gần 124 tỷ đồng (tương đương 5,5 triệu USD) tập trung vào các hạng mục trùng tu, tôn tạo công trình trong khuôn viên di tích ngôi điện như tường bao nền, hệ thống lan can, tu bổ lầu Kiến Trung, sân Tiền Viên và Hậu Viên, cùng các công trình nhỏ xung quanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh…

du lich hue dien kien trung trung tu di tich lich su

Đến tháng 2/2024, công trình đã hoàn toàn được phục hồi trên nền móng hoang tàn đổ nát một thời. Ảnh: TTBTDTCĐ Huế

du lich hue dien kien trung trung tu di tich lich su

Điện Kiến Trung được tô điểm bởi các chi tiết trang trí hoa văn, họa tiết, con giống mang đậm bản sắc của họa tiết Cung đình Huế, tạo nên xu hướng thẩm mỹ đặc trưng. Ảnh: TTBTDTCĐ Huế

Cung điện Công lý, Brussels

Nằm trên đồi Galgenberg, nơi thi hành án tử hình từ thời Trung cổ, hiện là trụ sở của nhiều cơ quan tư pháp quan trọng, Justitiepaleis van Brussel ở Bỉ được coi là tòa nhà lớn nhất được xây dựng vào thế kỷ 19 với thời gian kéo dài 20 năm, có diện tích 52.000 m2, chiều cao của hội trường chính là 97,5 m. Khoảng 3.000 ngôi nhà bị phá bỏ để nhường chỗ cho công trình. Vài năm nay, tòa nhà được trùng tu quy mô lớn, mạ vàng mái vòm, mở phòng trưng bày trên cao để ngắm toàn cảnh Brussels.

Palace of Justice ở Brussels di tich lich su kien truc

Tòa nhà với vẻ ngoài bề thế, gợi nhớ đến cấu trúc kim tự tháp của người Babylon, dần trở thành biểu tượng của nước Bỉ. Ảnh: AFP

Theo Brussels Times, cung điện Công lý có quy mô khổng lồ như một công trình kiến trúc ziggurat Lưỡng Hà. Với trần cao 80m, công trình đủ lớn để chứa tòa nhà Brussels Hôtel de Ville. Nội thất là sự kết hợp nhiều yếu tố, từ Hy Lạp – La Mã cổ điển đến Gothic, Baroque. Hiện nay, ít người còn sống nào được chứng kiến ​​vẻ đẹp nguyên sơ của di tích kiến trúc hoành tráng bậc nhất thế giới này bởi trong 4 thập kỷ qua, tòa án đã bị hệ thống giàn giáo che khuất.

Palace of Justice ở Brussels di tich lich su kien truc trung tu

Giàn giáo vây quanh mái vòm của Palace of Justice ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP

Palace of Justice ở Brussels di tich lich su kien truc

Hành lang bên trong công trình. Ảnh: Mathieu Michel

Giàn giáo được dựng lên năm 1984 sau khi các kỹ sư lần đầu phát hiện ra các vết nứt của công trình. Do đó, hầu hết người Bỉ đương thời chỉ có hình dung về tòa nhà bên trong chiếc lồng kim loại khổng lồ. Thậm chí đến năm 2013, có thông tin cho rằng giàn giáo tồn tại hàng thập kỷ này đã bị rỉ sét và không an toàn đến mức bản thân chúng cũng cần được cải tạo. Từ năm 2023, cuộc trùng tu được chờ đợi thời gian dài đã được khởi động với công trình 140 năm tuổi này. Dự án trị giá 200 triệu Euro dự kiến ​​hoàn thành năm 2028 với ngân sách ​​vào khoảng 80 triệu Euro cho lớp ngoài và khoảng 100-150 triệu Euro cho bên trong.

Tử Cấm Thành, Trung Quốc

Tử Cấm Thành nằm ngay trung tâm thủ đô Bắc Kinh, được khởi công xây dựng năm 1406 dưới thời Vĩnh Lạc. Suốt 5 thế kỷ sau đó, cung điện là nơi trị vì của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh. Nằm trên diện tích 720.000 m², công trình bao gồm 800 cung và 8.886 phòng, chủ yếu xây bằng gỗ. Do đó, UNESCO đã xếp Tử Cấm Thành vào danh mục quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1987.

tu cam thanh cung dien di tich lich su

Việc đại tu có sự tham gia của nhiều nghệ nhân hàng đầu trong nước, nhưng không áp dụng kiểu cách mới vào di tích cổ mà dùng phương pháp thủ công. Đây cũng là lý do khiến công việc trùng tu không thể diễn ra nhanh chóng được. Ảnh: Tư liệu

Sau khi triều đại nhà Thanh kết thúc vào năm 1911, mãi tới năm 2001, Tử Cấm Thành mới lần đầu tiên được trùng tu. Việc tu bổ này được tiến hành từng đợt theo thứ tự các khu vực ưu tiên trong cung và các nhà chức tránh ước tính phải mất 20 năm người ta mới hoàn thành xong công việc này.

tu cam thanh cung dien di tich lich su trung tu

Tất cả các cổng và sảnh của Tử Cấm Thành được bố trí đối xứng trên một trục trung tâm dọc từ hướng Bắc xuống Nam. Ý nghĩa của lối kiến trúc này thể hiện quyền lực tối cao của Hoàng đế. Ảnh: Tư liệu

Ông Lý Vĩnh Cách, Chủ nhiệm Trung tâm đại tu Cố Cung cho biết cần phải có thời gian lâu như vậy vì đặc điểm kiến trúc của Tử Cấm Thành là gỗ và không dùng đinh sắt. Những loại gỗ quý hiếm sử dụng cho việc xây dựng Tử Cấm Thành giờ đây đều thuộc loại quốc cấm, không được khai thác. Công tác trùng tu rất vất vả vì riêng khâu tìm kiếm nguyên vật liệu đã gặp không ít khó khăn vì nhiều loại không thể tìm được nguồn cung cấp, chẳng hạn như các bức tường làm từ các loại gạch đặc biệt hoặc đá quý; hiện rất khó kiếm các nguyên vật liệu từ cách đây hơn 100 năm như đá xanh, đá lục, gỗ vàng tâm có đường kính lớn.

tu cam thanh cung dien di tich lich su trung tu

Được phục dựng lại vào năm 2008, Quyền Cần Trại là nơi sa hoa lộng lẫy nhất thời Càn Long. Cung này được xây dựng trong vườn hoa Càn Long để Vua Càn Long sống sau khi thoái vị vào năm 1795. Ảnh: Tư liệu

Tổng hợp: Vân Thảo 


Xem thêm

13 kỳ quan kiến trúc cổ đại trên thế giới

Một thoáng nhà cổ Hà Nội

Croatia: Vùng đất của những công trình kiến trúc La Mã cổ đại