Trải dài khắp mọi nơi trên thế giới, các kỳ quan kiến trúc cổ đại vẫn trường tồn qua các giai đoạn lịch sử, từ những công trình có quy mô nhỏ như đền, đình, nhà thờ cho đến những tổ hợp phức tạp như cung điện, pháo đài, và cả thành phố, dù chỉ còn là tàn tích hay được giữ được nguyên vẹn, tất cả là minh chứng cho sự phát triển của nhân loại qua nhiều thể kỷ.
Lăng mộ Paigah
Được mệnh danh là “viên ngọc ẩn” của thành phố cổ Hyderabad, Ấn Độ, Maqhbara Shams ul-Umara, hay còn được biết đến với cái tên lăng mộ Paigah – nổi bật với vẻ đẹp xưa cũ bởi quần thể kiến trúc phức tạp cùng với những chi tiết chạm khắc trang trí công phu. Đây là nơi chôn cất của các thành viên tầng lớp quý tộc Paigah – những người có ảnh hưởng nhất ở Hyderabad chỉ sau người Nizam.
Công trình được xây dựng vào năm 1786, sau cái chết của Abul Fateh Khan – một người lính dũng cảm, được gọi là “Mặt trời của quý tộc”. Ảnh: Tư liệu
Đền Medinet Habu
Medinet Habu là một trong những ngôi đền ở Luxor được xây dựng vào triều đại thứ 20 của thời kỳ Tân Vương quốc (New Kingdom, khoảng năm 1186 trước Công nguyên) bởi Pharaoh Ramses III dành riêng cho thần Amun và cũng là lăng mộ của Ramses III. Công trình dài khoảng 150 mét, có tổng diện tích hơn 66.000 mét vuông trong đó là khoảng 7.000 mét vuông các bức phù điêu được bảo tồn rất kỹ.
Công trình có thiết kế chính thống và gần giống với Ramesseum – đền thờ của vị Pharaoh nổi tiếng Ramesses II Đại đế, quần thể ngôi đền được bảo tồn khá tốt, bao quanh là một lớp tường gạch bùn khổng lồ, lối vào ban đầu là thông qua một ngôi nhà có cổng kiên cố, được gọi là migdol. Ảnh: So Much More to See
Angkor Wat
Được vua Suryavarman II xây dựng vào thế kỷ XII nhằm đánh dấu sự hùng mạnh của đế chế Khmer, Angkor Wat nằm tại thị trấn Siem Reap, Campuchia lấy cảm hứng từ thiết kế thiêng liêng của đạo Hindu và ước tính mất khoảng 30 năm để hoàn thiện. Lối kiến trúc và chạm trổ của kỳ quan là sự kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo, đặc điểm này phần nào thể hiện sự đa dạng tôn giáo và văn hóa của vùng đất Campuchia.
Kỳ quan kiến trúc Angkor Wat rộng lớn và bao gồm nhiều ngôi đền và tháp, trong đó có những ngôi đền tiêu biểu như Angkor Wat, Sras Srang, Pre Rup và Phnom Bakheng. Ảnh: Smart History
Đền Erechtheion
Theo truyền thuyết, các vị thần đã đấu trí với nhau để trở thành người bảo trợ của thành phố Athens, cuộc đọ sức diễn ra sau khi người Phoenicia thành lập một thành phố trên một tảng đá khổng lồ gần Aegean khoảng hai triệu rưỡi năm trước. Các vị thần trên đỉnh Olympus đưa ra một thách thức: vị thần nào có thể cung cấp di sản quý giá nhất cho con người sẽ trở thành người trùng tên với thành phố. Athena – nữ thần trí tuệ, đã tạo ra một cây ô liu, biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng. Poseidon, thần biển cả, đập cây đinh ba của mình xuống đất và tạo ra một dòng suối nước mặn. Nằm trên thành Acropolis và bảo tàng cổ vật quốc gia Acropolis, đền Erechtheion – đặt theo tên của vị vua Erechtheus, được xây dựng để thờ hai vị thần Athena và Poseidon. Dễ thấy Erechtheion là ngôi đền duy nhất trong số đền đài Hy Lạp, có mặt bằng không đối xứng. Cha đẻ của công trình là kiến trúc sư Mnesikles đã đưa ra một giải pháp kỳ quái về mặt bằng và hình khối căn cứ vào địa hình khác biệt của khu đất.
Đền thờ là một trong những kỳ quan kiến trúc nổi bật của Hy Lạp. Điều đặc biệt về kiến trúc của đền là các cột Caryatid đại diện cho 6 nữ tù binh đến từ xứ Caria. Những cây cột hiện tại chỉ là bản tái hiện bằng thạch cao, bản gốc được lưu giữ tại Bảo tàng Acropolis ở Athens. Ảnh: tư liệu
Đấu trường La Mã
Được xây dựng bởi Hoàng đế Vespasian vào năm 72 sau Công Nguyên, kỳ quan kiến trúc này có sức chứa 50.000 khán giả, chủ yếu được sử dụng cho các võ sĩ giác đấu, nô lệ có nguồn gốc tù binh chiến tranh thi đấu và trình diễn công chúng.
Đấu trường La Mã vẫn còn giữ lại nhiều chuỗi đường hầm và thang máy phức tạp dùng để vận chuyển động vật, nô lệ và đấu sĩ. Ảnh: Tư liệu
Hagia Sophia
Hagia Sophia (tiếng Hy Lạp: Ἁγία Σοφία, nghĩa là “Sự khôn ngoan của Thiên Chúa”), nơi đây ban đầu là một Vương cung thánh đường Chính thống giáo Đông phương, sau là thánh đường Hồi giáo, và nay là một viện bảo tàng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Nổi tiếng bởi những vòm trần lớn, kỳ quan này được xem là hình ảnh mẫu mực của kiến trúc Byzantine với các bức tranh khảm mạ vàng, đèn chùm khổng lồ, các cột đá cẩm thạch tím và bức tranh thiên thần Seraphim (Luyến Thần) lát gạch.
Ra đời từ khoảng thế kỷ VI, bản thân cấu trúc của công trình đã là một kỳ quan kiến trúc tuyệt vời. Ảnh: Miwok
Những bức khảm của Luyến Thần Seraphim xuất hiện trên vòm trần hậu cung. Ảnh: World History Encyclopedia
Lăng mộ Picasa Humayun
Lăng mộ Picasa Humayun (Tiếng Hindu: Maqbara-i Humayun) là lăng mộ của hoàng đế Mogul Humayun nằm ở Đông Nizamuddin, New Delhi, Ấn Độ. Được làm từ đá sa thạch đỏ như hầu hết các địa danh nổi tiếng của Delhi, quần thể này được xây dựng vào năm 1562 và bao gồm lăng mộ chính của Humayun, nơi lưu giữ mộ của hoàng hậu Bega Begum, Hamida Begum, và cả Dara Shikoh – cháu của hoàng đế, cùng nhiều hoàng đế Mogul khác.
Ảnh: Robin Ghai
Ốc đảo Siwa
Siwa là một ốc đảo sa mạc ở Ai Cập nằm giữa vùng lõm Qattara và Biển Cát Lớn, cách biên giới với Libya 50 km về phía đông, cách Cairo 560 km về hướng tây – tây nam. Được xây dựng theo kiểu truyền thống bằng cát, muối và bùn, nhiều công trình trong thị trấn đã tan chảy dưới những cơn mưa lớn vào năm 1926, để lại đằng sau những tàn tích đẹp đẽ kỳ lạ ở vùng đất tươi tốt nằm giữa hư không này.
Các căn nhà mới hiện tại đã được xây dựng lại bằng vật liệu hiện đại hơn, nhưng một số cấu trúc thị trấn ban đầu vẫn còn tồn tại. Ảnh: Tư liệu
Đền Pantheon
Được xây dựng vào năm 118 – 126 dưới triều vua Hadrianus, đền Pantheon là một trong những kì quan nổi bật nhất trong pho sử đền đài La Mã và thế giới. Đây là một trong những địa điểm cổ xưa nhất của thành phố được sử dụng liên tục trong nhiều thế kỷ. Ban đầu được xây dựng như một ngôi đền tư nhân, ngày nay nơi đây vừa là nhà thờ Công giáo, vừa là nơi nghỉ của các vị vua Ý và nghệ sĩ Raphael.
Trải qua hai lần bị phá hủy bởi hỏa hoạn, điện Pantheon là một trong những di tích thuộc La Mã cổ đại được bảo tồn nguyên vẹn nhất cho đến thời điểm hiện tại. Ảnh: Tư liệu
Với đường kính 43,2 mét, trần nhà hình vòm của ngôi đền là trần nhà lớn nhất trên thế giới vào thời điểm xây dựng. Trên đỉnh của mái vòm có một lỗ hổng, hay còn gọi là “oculus” có chiều rộng 8,2 mét. Ảnh: Giovanni Paolo Panini
Thành phố cổ Uxmal
Giống như Palenque và Chichén-Itzá, Uxmal (“Oosh-mahl”) là tàn tích của một thành phố Maya cổ đại nằm gần Campeche ngày nay. Ít người biết rằng, vào thời hoàng kim, kì quan kiến trúc của Mexico này là một trong những thành phố lớn nhất của bán đảo Yucatan với dân số khoảng 25.000 người Maya. Những kiến trúc điển hình đại diện cho thời kỳ Maya cổ đại ở vùng này là kiến trúc Puuc và Uxmal. Một số công trình mang phong cách kiến trúc Puuc xuất hiện ở Chichén-Itzá, nhưng chỉ có Uxmal là độc nhất ở nơi đây. Những đường nét gọn gàng của các ngôi nhà mang lại cho chúng vẻ hiện đại đến mức đáng ngạc nhiên khi nơi này được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm.
Người Uxmal thờ thần mưa Chaac, phía Tây của Kim tự tháp Pháp sư (The Pyramid of the Magician) là Tứ giác Ni viện (Nunnery Quadrangle), bao gồm bốn tòa nhà hình chữ nhật với 74 phòng riêng biệt. Ảnh: Maya Ruins
Taj Mahal
Với cái tên mỹ miều “viên ngọc quý của nghệ thuật Hồi giáo ở Ấn Độ” khi được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Thế giới, quần thể Taj Mahal tráng lệ đã được xây dựng vào năm 1632–1648 bởi Mughal Shah Jahan để tưởng nhớ người vợ yêu quý của ông, Mumtaz Mahal. Các nghệ nhân từ khắp đế quốc, Trung Á, Iran, đã được triệu tập để tham gia quá trình xây dựng, công trình chủ yếu sử dụng đá cẩm thạch trắng lát cùng với những loại đá bán quý khác thay vì đá sa thạch đỏ như các công trình Mogul khác.
Lăng Taj Mahal sở hữu và là nơi phát triển nhiều truyền thống kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc Hindu, Ba Tư và kiến trúc Mogul trước đó. Ảnh: Tư liệu
Khu phức hợp gồm lăng chính và các công trình phụ được đặt trong một charbagh lớn – một loại vườn Mogul tiêu chuẩn được chia làm bốn phần. Ảnh: Tư liệu
Lâu đài Alhambra
Lâu đài Alhambra là một quần thể cung điện và pháo đài nằm ở Granada, Andalusia, Tây Ban Nha. Ban đầu nó được xây dựng như một pháo đài nhỏ vào năm 889 trên nền là hệ thống công sự phòng thủ của đế chế Roman. Sau đó, công trình dường như bị lãng quên cho đến khi những tàn tích được cải tạo và xây dựng lại vào giữa thế kỷ XIII bởi Tiểu Vương Mohammed ben Al-Ahmar. Kiến trúc Moorish từ các cổng vòm được trang trí lẫn chi tiết chạm khắc phức tạp, những khu vườn xanh tươi và cảnh quan tuyệt đẹp của Granada kết hợp hài hòa và tạo nên một trải nghiệm thực sự đáng nhớ khi tham quan Alhambra.
Ảnh: Tư liệu
Machu Picchu
Machu Picchu có nghĩa là “Núi Cổ” hay “Núi Già”, đây là một thị trấn được người Inca xây dựng vào khoảng thế kỷ XV. Di tích nằm trên sườn Cordillera Đông của dãy Andes miền nam Peru, trên Thung lũng Thiêng ở độ cao 2.430m so với mực nước biển. Nhiều nhà nghiên cứu dựa trên các văn tịch thế kỷ XVI đã cho rằng Machu Picchu từng thuộc quyền sở hữu riêng tư của hoàng đế Inca. Các chuyên gia khảo cổ cho rằng Machu Picchu được chia thành 3 khu vực lớn gồm: Khu vực linh thiêng, khu vực dân chúng ở phía nam cùng với khu của các thầy tu và tầng lớp quý tộc (khu hoàng gia).
Machu Picchu được chứng nhận là Khu bảo tồn Lịch sử của Peru vào năm 1981, và được UNESCO công nhận như một phần của quần thể văn hóa – sinh thái Di sản Thế giới. Ảnh: Travel Chanel
Thành phố cổ Petra
Petra phát triển mạnh mẽ từ hơn 2.000 năm trước, giao thương ngang hàng với Rome trước khi bị bỏ hoang sau một loạt trận động đất vào thế kỷ IV và VI. Mãi đến thế kỷ XIX, khi các nhà thám hiểm châu Âu khám phá, thành phố cổ này mới được mọi người biết đến. Phần lớn các du khách hiện đại đến nơi đây đều đi qua bằng một cửa ngõ phía Đông. Lối vào từ phía Đông phải đi qua một hẻm núi dốc đứng vừa tối vừa hẹp, gọi là hẻm Siq (tạm dịch: mũi tên/ngọn giáo/tia chớp/đường thông) – một thành trì tự nhiên được tạo thành bởi vết nứt sâu trong các phiến đá sa thạch và là cửa ngõ tiến vào Wadi Musa. Cuối đoạn đường này là công trình có giá trị nhất ở Petra – Al Khazneh (tạm dịch: Kho báu), được tạc dựng trực tiếp vào sườn núi.
Ảnh: Expedia
Al-Khazneh, hay còn gọi là Khazneh el-Far’oun, là một trong những ngôi mộ chạm khắc bằng đá phức tạp nhất ở Petra. Ảnh: Live Science
Thực hiện: Vân Thảo
Xem thêm
Kỳ quan Phồn thực từ những công trình Hindu
Kỳ quan Vạn Lý Trường Thành và chiến dịch lý tưởng của Airbnb