Kỳ quan Phồn thực từ những công trình Hindu

Bề thế, kiên cố, ngàn năm tuổi, những công trình thờ tự, xây dựng theo kiến trúc Hindu được dựng lên khắp vùng Á Đông, làm nơi cư ngụ cho thần, đều xứng là tuyệt phẩm kiến trúc vượt thời đại.

Ở góc độ tạo hình, các ngôi đền Hindu xây dựng theo lối kiến trúc cổ, thường mang kết cấu hình tháp, vươn thẳng lên nền trời, với tỷ lệ và phân bố rất hài hòa, chặt chẽ. Kết cấu ấy gửi gắm nhiều thông điệp, triết lý. Đó là hình ảnh ngọn núi thần Meru – một đỉnh núi chỉ có trong huyền tích Hindu giáo – nơi các thần linh tối cao ngự trị, hình thái này còn gọi là kiến trúc đền núi. Ở khái niệm phồn thực, hình ảnh các tòa tháp cao còn được ví như hình tượng sinh thực khí nam (linga), cũng đồng thời là hiện thân của vị thần hủy diệt Shiva, một trong ba vị thần cao cả của Hindu giáo.

Hindu 1

Các nét chạm trổ trên nền đá núi lửa, nguyên liệu chính xây nên đền Prambanan ở miền Trung Java, Indonesia.

Hindu 2

Kỳ quan Angkor Wat, ngôi đền thờ thần Vishnu.

Hai trong số các công trình đền thờ Hindu cổ xưa, có nhiều nét tương đồng về cả quy mô lẫn hình thái kiến trúc là đền Prambanan, Indonesia và Angkor Wat, Campuchia. Nhìn từ xa, cả hai đều là quần thể gồm những tòa tháp bố cục theo đồ hình chính – phụ. Mỗi tháp mang công năng thờ tự riêng, phần tháp chính đồ sộ nhất sẽ thờ vị thần chủ của ngôi đền. Tháp chính ở Angkor Wat thờ thần Vishnu, Prambanan thờ thần Shiva.

Hindu 3

Thần Shiva với vũ điệu hủy diệt Ravanda trên đền Banteay Srei.

Hindu 4

Di tích tháp Bánh Ít ở Quy Nhơn với niên đại từ thế kỷ 10.

Trong kiến trúc đền Hindu, thường bố cục theo trục Đông – Tây, với hướng Đông là cửa chính, cửa ra ở hướng Tây thường bít kín nên còn gọi là cửa dụ. Một lý giải thú vị rằng đó là lối đi của thần linh, vì chỉ thần linh mới đủ quyền phép ra vào nơi cửa dụ, người phàm phải đi vào cửa chính luôn rộng mở từ hướng Đông. Tuy nhiên trong lịch sử kiến trúc Hindu cổ, có một ngoại lệ là ngôi đền Angkor Wat lại có bố cục ngược, với cửa chính nằm ở hướng Tây. Các nhà khảo đổ đã đưa ra nhiều thuyết giải, trong đó đề cập rằng vua Suryavarman II xây dựng Angkor Wat nhằm mục đích làm lăng mộ cho mình. Một lý giải khác cho rằng thần chủ của đền là thần Vishnu, vị thần gắn liền với hướng Tây nên kiến trúc đền cũng theo hướng ấy.

Hindu 5

“Kim tự tháp” ở cụm đền Koh Ker, vừa là đền thờ, vừa là nơi huấn luyện quân đội của vua Jayavarman IV.

Cùng là một kết cấu đền tháp Hindu, nhưng riêng ở thời kỳ Angkor, có đến 12 lối kiến trúc xây đền khác biệt, có thể kể tên một vài phong cách tiêu biểu như Sambor Prei Kuk, Wat Phou, Angkor, Bayon, Bakheng, Banteay Srei… Chi tiết dễ nhận biết để phân biệt các phong cách ấy dựa vào chính lối trang trí, điêu khắc trên các mảng kiến trúc của đền. Vào thời kỳ Angkor, có hai tuyệt tác tiêu biểu gồm Angkor Wat biểu tượng cho kiến trúc, và Banteay Srei biểu tượng về điêu khắc trang trí. Nếu Angkor Wat là sự phô diễn đồ sộ, bề thế, vĩ đại thì Banteay Srei lại đi sâu vào đường nét, chi tiết chạm khắc tinh tế đến mức cứ như thực hiện trên gỗ chứ không phải nền đá sa thạch hồng – cũng là một chất liệu cực hiếm trong xây dựng thời kỳ Angkor.

Cụm tháp thờ ba vị linh thần Hindu giáo ở đền Prambanan, Indonesia.

Hòa cùng dòng chảy Hindu giáo, hình thái kiến trúc tháp Chăm ở Việt Nam cũng rất đa dạng, mang nhiều phong cách khác nhau, từ phong cách cổ đến Hòa Lai, Trà Kiệu, Đồng Dương, Mỹ Sơn, Bình Định… với niên đại từ thế kỷ 7 – 14, chất liệu sử dụng khi xây dựng chủ yếu là gạch nung kết hợp với đá ong, đá sa thạch.

Nghệ nhân xưa khi thực hiện xây dựng đền đài,
họ tác tạo không chỉ bằng tay nghề thủ công thượng đẳng
mà còn gửi gắm trong chế tác niềm tin với đấng tối cao.

Bởi thế, các công trình còn lưu lại hôm nay
đều là những kiệt tác.

Tháp Chăm ở Nha Trang, thờ Po Nagar, chính là nàng Umar, vợ thần Shiva.

Các tòa tháp Chăm ở Việt Nam mang kiến trúc phồn thực rõ nét, còn lưu dấu đến hôm nay có thể kể đến là cụm tháp Bánh Ít (tháp Bạc) ở Quy Nhơn, Bình Định. Ngành khảo cổ học thế giới biết đến bảo tháp này với hình tượng điêu khắc vị thần Shiva trên nền đá sa thạch đẹp mỹ mãn, nay đang thuộc sở hữu của Bảo tàng Guimet, Pháp. Cụm tháp Bánh Ít hiện còn những hình khối kiến trúc cơ bản, trên nóc mái đền, may mắn sót lại hình tượng bò thần Nandin, một dấu chỉ cho thấy ngôi đền xây nên thờ thần Shiva, vì bò Nandin là vật cưỡi của vị thần này.

Nét hoa mỹ trong chi tiết kiến trúc đền Vishwanath thờ thần Shiva ở thung lũng Kathmandu, Nepal.

Một công trình độc đáo khác mang ý nghĩa phồn thực là cụm đền Koh Ker, cách Siem Riep, Campuchia khoảng 120km. Cụm đền này còn lại những bộ linga – yoni khổng lồ, to phải đến 2 – 3 người ôm, được thờ trong các đền nhỏ quanh tâm điểm là ngôi đền Prasat Thom có kiến trúc hình kim tự tháp.
Trong vùng thung lũng Kathmandu ở Nepal cũng có đền Vishwanath thờ thần Shiva, dấu ấn phồn thực của đền thể hiện qua các nét trang trí tiên nữ để ngực trần điêu khắc trên chất liệu gỗ cùng bộ linga – yoni đặt trang trọng ở vị trí trung tâm.

Mỗi công trình kiến trúc Hindu giáo cổ xưa thực sự là tác phẩm hội tụ và tổng hòa tính triết lý, nghệ thuật, kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, bản địa, tôn giáo… không chỉ phục vụ chung mục đích thờ tự, mà còn là một kỳ quan để chiêm ngưỡng và khám phá.

Bài & ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Dấu ấn hoa nâu trên bản đồ gốm Việt

Duyên sắc trên nền gốm kiến trúc hoàng triều Đại Việt