Duyên sắc trên nền gốm kiến trúc hoàng triều Đại Việt

Những rồng, phụng, uyên ương, lá đề, hoa thị, hoa chanh… được nghệ nhân xưa đưa vào gốm, sử dụng trong trang trí kiến trúc cung đình từ thời Lý; tạo nên dòng gốm kiến trúc thuần Việt, gần gũi mà kiêu sa trong kỹ thuật tạo hình, điêu khắc, đẹp vượt thời gian.

Khởi phát hưng vượng của gốm Việt chính từ thời Lý, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (1010), nhà Lý mở ra một giai đoạn phát triển thịnh trị, đặc biệt về văn hóa của lịch sử dân tộc. Cũng từ đó, triều đại nhà Lý bắt đầu công cuộc xây dựng các công trình kiến trúc mang tính bền vững cho vương triều. Đại Việt sử ký toàn thư Bản kỷ, quyển II, Kỷ nhà Lý có miêu tả rằng: “Xây dựng các cung điện trong kinh thành Thăng Long, phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ. Lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, hướng chính Nam dựng điện Cao Minh, đều có ba thềm rồng, trong thềm rồng có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía…”. Người Việt xưa có câu “an cư lạc nghiệp”, việc “an cư” của triều Lý đẩy nhu cầu xây dựng rộn khắp kinh thành, đến chùa chiền, đền tháp… gốm kiến trúc mang thương hiệu Đại Việt ra đời trong bối cảnh tươi sáng, đất nước thái bình, thịnh trị.

Hình tượng đầu phụng, gốm kiến trúc thời Lý, được sử dụng trang trí trên nóc mái cung điện, khai quật ở Di tích Hoàng thành Thăng Long.

Nhìn lại chặng đường phát triển gốm Việt, có thể khẳng định phải đến thời Lý mới xuất hiện gốm kiến trúc theo mô thức trang trí đa dạng, kết hợp kỹ thuật tạo hình, điêu khắc, và cả tô men. Trước triều Lý, trong dân gian chỉ xuất hiện loại hình gốm gia dụng, hoặc gốm được chế tác mang mục đích sử dụng giản đơn như gạch, ngói… mang nặng ảnh hưởng của gốm Bắc thuộc chứ chưa có bản sắc của riêng mình.

Mảng điêu khắc chim phụng mang bố cục đối xứng trong gốm kiến trúc.

Ngói lợp có hình tượng uyên ương được chế tác chi tiết cực kỳ tinh xảo.

Phụng cuốn trong lá đề, một mẫu trang trí gốm kiến trúc có sự pha trộn văn hóa và tín ngưỡng Phật giáo.

Gốm kiến trúc không men (đất nung) thời Lý
có đặc trưng dễ nhận biết chính là tính chi tiết
cùng độ sắc nét trong tạo hình.

Mỗi sản phẩm đều xứng đáng là tác phẩm điêu khắc đỉnh cao.

Gạch mang hoa văn lá đề và hình tượng rồng lượn đặc trưng của triều Lý.

Với việc định đô ở Đại La và đổi tên thành Thăng Long vào năm 1010, nhà Lý bắt tay ngay vào công cuộc kiến thiết bộ mặt đất nước, xây dựng kinh thành và gốm kiến trúc chính là sản phẩm minh chứng một thời kỳ vàng son cho nghề gốm của đất Việt. Chỉ với chất liệu giản đơn là đất nung, thợ thủ công đã tác tạo nên những kiểu thức trang trí đặc biệt. Đó là những tạo hình mang ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ như lá đề, đài sen… ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như hình tượng vịt (uyên ương) phối với chi tiết thuần Việt như hình rồng cuộn trong lá đề, thường được giới nghiên cứu, sưu tầm gọi dân dã là rồng hình giun với rất nhiều đường gấp khúc trên thân mình, định hình mẫu rồng đặc trưng thời Lý.

Bên cạnh dòng gốm mộc với nhiều hình tượng sống động thể hiện các loại linh thú như rồng – phượng, tượng người, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình, thì gốm kiến trúc tráng men chính là bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển gốm Việt. Dựa trên các hiện vật khảo cổ (chủ yếu) từ Hoàng thành Thăng Long, có thể khẳng định dòng gốm kiến trúc tráng men cũng được bắt nguồn từ thời nhà Lý.

Trong kiến trúc quy hoạch và xây dựng Hoàng thành Thăng Long dưới triều Lý, điểm nhấn thú vị trong gốm kiến trúc chính là màu men lục và vàng tươi. Hai màu men này được sử dụng trang trí trên uyên ương (vịt), dùng trên ngói sắp nóc, lá đề lệch trang trí diềm mái cung điện. Hình tượng đầu rồng oai vệ ở diềm ngói với lối tạo hình cân đối, hoặc đối xứng, được tác tạo bằng nhiều thủ pháp dập khuôn, hoặc khắc chìm, tô men đã tạo nên những sản phẩm gốm kiến trúc đầy hoa mỹ, sáng tạo. Sắc men vàng tươi hay lục bóng (thường được gọi Lý lục) – với lối tráng men rất mỏng, còn gọi là men giấy đặc trưng thời Lý – trong gốm kiến trúc và trang trí, được giới nghiên cứu nhận định không lặp lại ở các triều đại khác.

kiến trúc 6

Gạch lá đề phủ men lục trang trí diềm mái cung điện.

kiến trúc 5

Đầu rồng tráng men lục trên gốm kiến trúc thời Lý qua ngàn năm vẫn lưu giữ vẻ đẹp như nguyên bản.

Sắc men trên gốm kiến trúc thời Lý,
chỉ giản đơn với hai màu lục – vàng,
nhưng đủ để tạo nên dấu ấn vàng son của lịch sử gốm Việt,
đồng thời là nguồn cảm hứng
để các vương triều sau tiếp bước,
tạo nên những dòng gốm tráng men
độc đáo, thuần Việt.

kiến trúc 4

Mẫu ngói rồng với hai lối phủ men đặc trưng (màu lục) được khai quật ở di tích Hoàng thành Thăng Long.

kiến trúc 3

Mẫu ngói rồng với hai lối phủ men đặc trưng ( màu vàng) được khai quật ở di tích Hoàng thành Thăng Long.

Có thể khẳng định việc phối hợp sử dụng màu sắc, kiểu dáng, kỹ thuật, mỹ thuật, chất liệu… trên gốm kiến trúc thời Lý đều đạt đến trình độ thượng đẳng nếu đem so sánh với nền văn minh gốm Việt ở mọi thời đại. Nhìn trên hiện vật còn lưu lại, có thể thấy ở đó một tinh thần khoáng đạt, bay bổng của người thợ gốm; họ thỏa sức dùng tài hoa sáng tạo nên những hình khối, hoa văn cầu kỳ, tinh tế. Dù chỉ là gốm kiến trúc, mang mục đích chính là trang trí cho các chi tiết trên cung điện, nhưng có thể thấy ngay ở đó dấu ấn của niềm kiêu hãnh, phục hưng của một đất nước vừa tìm lại được tự do sau ngàn năm Bắc thuộc.

kiến trúc 2

Một viên ngói nơi diềm mái trang trí đề tài uyên ương.

kiến trúc 1

Nét sắc sảo, chi tiết của hoa văn lá đề trên diềm mái gốm kiến trúc thời Lý.

Bài & Ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Dấu ấn bản địa trên hoa sắt Tây

Đi tìm hoa sắt nở chốn rào thưa