Chất liệu sắt cùng kỹ thuật trang trí đã góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 kéo dài sang đầu thế kỷ 20. Trong xu hướng nở rộ hoa sắt Tây trên kiến trúc thuộc địa, dấu ấn bản địa hóa các hoa văn, họa tiết, đồ án kiểu Việt, nhưng thể hiện bằng chất liệu mới là sắt được người Việt đương thời ứng dụng nhanh chóng. Những công trình còn lưu lại là minh chứng thú vị cho dấu ấn bản địa trên hoa sắt Tây ở Việt Nam.
Cửa sổ hoa sắt mang đồ án Dơi – Thọ (ý nghĩa Phước – Thọ) trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1.
Đồ án chữ Thọ theo lối triện vuông ở cổng vào số 9 Nguyễn Quang Bích, Hà Nội.
Cổng sắt song Thọ (vuông – tròn) mang hàm ý vẹn toàn, hòa hợp, sống lâu trăm tuổi.
Đề tài hoa lá Tây khi được bản địa hóa trên chất liệu sắt, tính đối xứng vẫn được giữ lại, nhưng nội dung đồ án thay đổi. Tiêu biểu là hoa văn chữ Thọ. Có thể thấy trong nhiều công trình, chữ Thọ lối triện có khi tròn (Lăng Ông Bà Chiểu, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM…), có khi vuông (số 9 Nguyễn Quang Bích – biệt thự xưa của cụ Hoàng Thụy Chi – quan Tổng đốc Bắc Giang). Đồ án Phúc hàm Thọ (con Dơi – chữ Thọ) cũng là kiểu thức trang trí hoa sắt quen gặp trên các công trình nhà ở.
Lan can ngôi nhà Tây có trang trí hoa văn Dơi hàm Thọ ở 18 Nguyễn Quang Bích.
Cổng sắt Song Hỷ ở Thượng Công miếu – Tam quan Lăng Ông (hướng Nam).
Chữ Thọ trong cổng sắt ở Lăng Ông Bà Chiểu.
Không giống với phong cách Art Nouveau ở hoa sắt Tây, những đồ án bản địa sử dụng nhiều đường kẻ chéo, thẳng, hoặc chữ chi, zíc-zắc tạo thành các biểu tượng gợi về chi tiết cụ thể như hoa sen, đồng tiền, con dơi, con phụng… mỗi biểu tượng hàm chứa một triết lý. Mong ước giàu có thì trang trí đồ án liên châu, liên tiền. Mong ước sống lâu, hạnh phúc thì có Dơi hàm Thọ (Dơi trong tiếng Hán có từ đồng âm với Phúc). Vui vẻ, thường lạc có Song Hỷ. Thăng tiến có Phụng hàm thư… Mỗi đồ án được thể hiện nặng tính khuôn phép, chuẩn mực, nhưng vẫn thấy trong đó đường nét tinh hoa, thừa hưởng từ kỹ thuật sắt uốn của người Pháp.
Đồ án bản địa hóa với hoa chanh trên rào sắt chắn cửa sổ và đồ án bảo châu – hổ phù nơi cổng chính ở số 2 Tràng Thi. Nôm với nếp mái cong đặc trưng trong kiến trúc đình chùa Việt cổ.
Khác với hoa sắt Tây chú trọng tính trang trí,
đồ án hoa sắt bản địa hóa còn gửi gắm tính triết lý
và ý niệm tốt lành theo mong ước của gia chủ.
Đồ án Phụng hàm thư, liên tiền, Dơi – Thọ trên cửa vào Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Sự tích hợp, phối trộn thú vị giữa kiến trúc thuộc địa với điểm nhấn là cổng rào hoa sắt bản địa hóa khiến các công trình ở dạng thức này mang vẻ đẹp Á – Âu hài hòa, tự bổ sung cho nhau, tôn nhau lên ở cả vẻ đẹp mỹ thuật và chiều sâu ý nghĩa.
Hoa sắt xưa được bản địa hóa, trang trí trên kiến trúc phần đa ở các công trình quy mô lớn như dinh thự, lăng tẩm, cơ sở thờ tự, bảo tàng… Tìm gặp được những đồ án hoa sắt Tây mang ý nghĩa bản địa là hành trình khám phá thú vị, bởi ngoài vẻ đẹp duyên dáng vốn có của công trình, những ẩn ý trong từng chi tiết hoa sắt luôn là đề tài thú vị để nhàn đàm, luận bàn theo ước vọng gửi gắm của người xưa.
Rào sắt Văn Miếu với cách điệu từ cột trụ biểu hình Phụng múa. Nôm với nếp mái cong đặc trưng trong kiến trúc đình chùa Việt cổ.
Cửa sổ đền Subramaniam Swamy với kết hợp hoa sen và đồ án liên tiền ở 98 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Thực hiện & Ảnh: Nguyễn Đình.
Xem thêm: