Sơn mài từng là một hình thức trang trí phổ biến ở Trung Quốc cổ đại từ 8000 năm trước với lớp sơn phủ giúp bảo vệ bề mặt, sử dụng cho các đồ vật như bình phong, đồ nội thất, ly, chén, tượng điêu khắc, nhạc cụ và đồ mai táng. Sự kết hợp giữa kỹ thuật chạm trổ, dát vàng và sơn mài giúp tôn lên những chi tiết cầu kì được làm thủ công một cách tỉ mỉ. Mất nhiều thời gian để sản xuất, đồ sơn mài Trung Quốc là mặt hàng có giá trị cao và luôn được săn đón trên thị trường quốc tế. Để có được sức ảnh hưởng và độ phủ đáng kể trong đời sống hằng ngày thời nay, nghề thủ công mang tính di sản này đã có sự khởi đầu thú vị, được biết đến qua những nghiên cứu từ những món cổ vật được tìm thấy.
Vật liệu và kỹ thuật
Sơn mài thường được áp dụng trên các đồ vật bằng gỗ và kim loại với lớp sơn phủ làm từ nhựa cánh kiến hoặc vụn resin hòa tan trong cồn (hoặc chất tổng hợp), khi khô trở nên nhẹ và cứng, giúp bảo vệ bề mặt sản phẩm. Các nghệ nhân Trung Quốc cổ đại đã sử dụng nhựa cây sơn mài (Toxicodendron vernicifluum) có nguồn gốc ở miền đông và nam Trung Quốc. Nhựa chảy ra từ vết cắt trên cây có màu trắng đục khi tiếp xúc với không khí. Để lớp sơn có nhiều màu, người ta trộn thêm than đá để lấy màu đen, đất son để lấy màu vàng và thủy ngân sulphide (cinnabar) để lấy màu đỏ. Đây cũng là ba màu phổ biến nhất trong sơn mài Trung Quốc cổ đại.
Sơn mài thu được khi được làm khô tự nhiên trong điều kiện không khí ẩm có khả năng chịu nhiệt, hơi nước và hóa chất rất tốt. Vì vậy, kĩ thuật này có thể bảo vệ các vật liệu dễ mục theo thời gian như tre, gỗ và lụa một cách tốt nhất cho đến khi lớp sơn bị nứt.
Do có tính chất lỏng, sơn mài có thể dễ dàng che phủ mọi bề mặt. Do có kết cấu mỏng, người nghệ nhân phải sơn nhiều lớp để đạt được độ dày cần thiết, đồng thời tạo ra chiều sâu cho sản phẩm. Để sơn một lớp sơn mới, lớp sơn cũ phải khô hoàn toàn và được đánh bóng kĩ lưỡng trước khi sơn lớp tiếp theo. Một món đồ có thể được sơn đến 100 lớp, cho thấy quy trình chế tác đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự tập trung.
Vào thời nhà Đường, một kỹ thuật mới được ra đời và trở nên phổ biến, đó là đồ gỗ hoặc vải được phủ sơn dày đến mức có thể điêu khắc. Các lớp màu khác nhau khi sơn chồng lên nhau sẽ tạo ra những đường vân đẹp mắt sau khi chạm trổ.
Đồ sơn mài Guri đặc trưng bởi hoa văn cuộn đẹp mắt được chạm khắc trên các tầng sơn mài. Khi nhìn gần, ta có thể thấy các vân màu xếp chồng lên nhau. Đôi khi, người ta dùng vàng sợi hoặc vàng lá để làm lớp khảm bên trên bề mặt chạm trổ hoặc nạm đá bán quý như ngọc lam, xà cừ, ngà voi. Mặc dù đây có thể coi là một kĩ thuật tinh hoa, nhưng mãi đến thế kỉ 14, người nghệ nhân mới bắt đầu để lại tên của mình trên sản phẩm.
Sự tiến hoá của đồ sơn mài
Những món đồ sơn mài đầu tiên của Trung Quốc được phát hiện có niên đại từ cuối thời kỳ đồ đá mới (thiên niên kỷ thứ 3 TCN), thuộc nền văn minh Hà Mỗ Độ, tại một khu vực ngập nước thuộc vùng hạ lưu sông Dương Tử. Việc sản xuất đồ sơn mài tiếp tục kéo dài đến Thời đại đồ đồng, khi chúng bắt đầu được buôn bán sang các khu vực khác của Trung Quốc, những nơi không có cây sơn mài.
Từ thế kỷ thứ 5 TCN và thời Chiến quốc, sơn mài trở nên phổ biến, ngay cả những ngôi mộ quy mô nhỏ, người ta cũng khai quật được đồ sơn mài, điển hình là chén và ly. Điều này cho thấy quy mô sản xuất đã tăng lên và sản phẩm trở nên phù hợp với túi tiền của những người có thu nhập khiêm tốn. Các nghệ nhân của nước Chu với sự sáng tạo của mình đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc đặc biệt về các sinh vật thần thoại có thể đóng vai trò là canh gác lăng mộ.
Vào thời nhà Chu (1046-256 TCN), sơn mài đã được sử dụng trên chén, dĩa, hộp nhỏ, tượng điêu khắc, nhạc cụ và giá đỡ, cung tên, tấm ốp. Trong thời nhà Hán (206 TCN – 220 CN), nhà nước đã tài trợ và giám sát việc sản xuất đồ sơn mài, làm nền tảng cho nhiều phong cách khác biệt ngày nay.
Ngày nay, sơn mài vẫn là kĩ thuật chế tác đồ dùng thủ công được ưa chuộng tại Trung Quốc, từ những sản phẩm mang kiểu dáng truyền thống đến đương đại, đồ nội thất đến thời trang. Ngoài ra, nó còn được nhiều nghệ sĩ đương đại chọn làm phương tiện để sáng tác tranh và điêu khắc, cho thấy sự biến hoá và thích nghi với bối cảnh hiện đại của nghề thủ công truyền thống thông qua ý thức kế thừa và phát triển di sản có tuổi đời hàng nghìn năm.
Thực hiện: Hoàng Lê
Xem thêm
Diamond Furniture | 50 năm lưu giữ giá trị sơn mài