Giữa phân xưởng Diamond Furniture lách cách tiếng cẩn vỏ xen kẽ âm thanh chà xát, câu chuyện bén duyên với nghề của anh Quang được hồi tưởng từ cột mốc nửa thế kỷ trước. Vào thời kỳ đó khi gia công sơn mài gắn liền với đồ thủ công mỹ nghệ, anh Quang đã quyết định tiếp cận kỹ nghệ này ở lĩnh vực sản xuất nội thất gia dụng. Sơn mài là sự phát triển của nghề sơn thủ công truyền thống Việt Nam, sử dụng sơn then, sơn cánh gián, vỏ trai… sau này có thêm vỏ trứng, ốc để tạo hình, cuối cùng kinh qua kỹ thuật mài độc diệu mà đúc kết thành tên gọi như ngày nay.
“Nếu có người yêu cầu phục chế tác phẩm sơn mài cũ,
có giá trị văn hóa, lịch sử.
Tôi sẵn sàng làm miễn phí”.
Từ kinh nghiệm về quãng thời gian gắn bó với sơn mài, anh cho biết loại hình này từ lâu đã đạt đến độ chín, hầu như không phải chỉnh sửa hay cải tổ bất kỳ công đoạn nào. Để tạo nên được một tác phẩm, trước hết cần phải chuẩn bị tốt phần cốt, ở đây là lớp vật liệu nền. Rất nhiều loại cốt có thể dùng như gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp, kim loại, sợi thủy tinh… Ứng với từng loại là cách xử lý nền khác nhau, tùy vào kinh nghiệm trong nghề mà nghệ nhân sẽ gia giảm để đạt độ sấy khô, chống rỉ sét phù hợp. Tiếp đến là trang trí, vẽ hình và cẩn nạm lên bề mặt cốt. Sau mỗi lần vẽ cần phải mài để dầu bóng pha màu có độ sâu cần thiết, cứ thế người họa sĩ sẽ tiếp tục vòng lặp vẽ – mài đến khi ưng ý. Trong 3 công đoạn trên, việc chuẩn bị cốt là cực kỳ quan trọng.
Sản phẩm sơn mài khi hoàn thiện sẽ luôn có sự xung khắc giữa độ ẩm lõi sơn và nhiệt độ bên ngoài, do đó nếu khâu xử lý nền không đạt yêu cầu, bề mặt vẽ sẽ bị nổi bóng khí dẫn đến hư hại. Chính vì vậy người nghệ nhân lâu năm ngoài tay nghề mỹ thuật tốt còn có độ cảm nhạy bén về chất liệu nền.
Yếu tố con người cũng mang tính quyết định cho sự thành công của tác phẩm sơn mài, không chỉ ở tay nghề thủ công điêu luyện mà còn bao hàm cái tâm của người nghệ sĩ. Anh nhấn mạnh nguyên tắc đầu tiên là nói không với mọi hành động tàn sát tự nhiên. Vỏ cẩn phải từ trứng gà đã nở, từng tấm ván phải lấy ở nguồn cây có thể trồng lại. Có lẽ vì vậy mà sau nửa thập kỷ gắn bó với sơn mài, anh vẫn nhắc về nghề với tâm thế điềm nhiên, mỹ mãn, rằng: “Một tác phẩm sơn mài chỉ giá trị khi con người trân trọng chất liệu tự nhiên, gìn giữ giá trị truyền thống và phát huy tính hướng thiện thuần túy của nghệ thuật”.
“Một tác phầm sơn mài đẹp
ngoài kỹ thuật thể hiện, nội dung tranh vẽ
còn phải đặc tả được tính hướng thiện của nghệ thuật”
Trần Văn Quang (Diamond Furniture)
Nghệ nhân sơn mài
Mối duyên của anh với sơn mài hình thành từ đâu?
Trước đây tôi theo học sơn mài, sau đó được chỉ dạy thêm bởi một số người thầy, tính đến nay cũng đã 50 năm làm nghề. | Diamond Furniture
Các sản phẩm sơn mài của anh được mọi người đón nhận như thế nào?
Những sáng tác sơn mài của tôi trên đồ nội thất được khách hàng nội địa yêu mến và cũng đã đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, châu Âu… | Diamond Furniture
Vì sao anh cho rằng người nghệ sĩ phải có tâm hồn trong sáng mới làm nên tác phẩm đẹp?
Khi người nghệ sĩ có tâm hồn trong sáng không vẩn đục thì mới cảm thụ được cái đẹp, tiếp nhận những câu chuyện hay, từ đó đưa vào sáng tác. Sản phẩm sẽ hoàn thiện hơn là vì vậy. | Diamond Furniture
Bài: Đức Nguyên | Ảnh: Danny Nguyen.
Xem thêm:
Valéria Bessolo Llopiz – Tôi luôn thích làm việc trong yên lặng
Windbay Studio – Vịnh Gió bao la gom nhặt những mộng ảo tí hon