Windbay Studio – Vịnh Gió bao la gom nhặt những mộng ảo tí hon

Nguyễn Hồng Thúy tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Đồ họa tại Đại học Kiến trúc TP.HCM và đang làm công việc thiết kế tự do. Tuy nhiên, cô nàng sinh năm 1994 này lại có niềm đam mê mãnh liệt với mô hình thu nhỏ (miniature). Các tác phẩm của Thúy tại studio Vịnh Gió (Wind Bay) đạt được độ chân thực cao, sắc sảo, tỉ mỉ trong chi tiết nhưng cũng đầy chất thơ, như bước ra từ một thế giới mộng tưởng.

Windbay 1

Nguyễn Hồng Thúy và những mô hình thu nhỏ của mình | Windbay Studio.

Bạn biết đến nghệ thuật miniature như thế nào và từ khi nào thì bắt đầu làm mô hình đầu tiên?

Tôi thích xem phim hoạt hình, đặc biệt là thể loại stop motion. Sau khi xem các phim của hãng Laika, tôi càng thêm yêu thích và ngưỡng mộ những người đã góp công sức cùng rất nhiều thời gian để tạo ra những thế giới thu nhỏ, mộng mơ và sáng tạo. Đồng thời, ý định làm ra những mô hình cho riêng mình cũng bắt đầu.

Tháng 2/2016, tôi bắt đầu làm mô hình đầu tiên. Đó chỉ là một ngôi nhà gạch nhưng mất khoảng 20 tiếng để hoàn thành. Tất nhiên, tôi có rất nhiều cảm xúc đặc biệt khi hoàn thành như… tự ngưỡng mộ bản thân và tin rằng mình có thể tạo ra những thế giới mộng tưởng. Thật ra, từ mô hình đầu tiên này, tôi đã nhận ra mình có kỹ năng khá tốt, nhất là phân tích và mô phỏng lại màu sắc, bề mặt vật liệu.

Windbay 2

Windbay Studio.

Trung bình, bạn mất bao lâu cho một mô hình từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thiện?

Với các mô hình đầu tiên, tôi chỉ hình dung trong đầu vì kết cấu đơn giản. Đến mô hình thứ 4, khi làm kết cấu một con phố, tôi mới bắt đầu phác thảo. Thường thì tôi phác thảo rất nhanh, khoảng 3-5 phút cho một mô hình. Tuy nhiên, quá trình tìm tòi và xây dựng ý tưởng là điều mất nhiều thời gian nhất. Thường là hai, ba ngày, có khi là một tuần, thậm chí, có mô hình tôi mất hai tháng để xây dựng ý tưởng với gần 100 phác thảo.

Có một sự hụt hẫng là khi phác thảo thì mọi thứ trông khá ấn tượng nhưng đến khi vẽ bản vẽ kích thước thì… rất là “tụt mood”. Để có thể làm được mô hình trong khả năng của mình, đôi khi tôi phải bỏ đi và chỉnh sửa nhiều chi tiết, khiến nó không còn được như tưởng tượng ban đầu nữa. Bây giờ, khi có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hơn, việc tạo ra các phác thảo đầu và bản vẽ kỹ thuật thật thống nhất với nhau đã dễ dàng hơn với tôi.

Windbay 3

Chi tiết bảng hiệu trong mô hình “Wind Bay no.1” | Windbay Studio.

Windbay 4

Tùy vào ý tưởng mà Thúy sẽ dùng màu tạo hiệu ứng kim loại hay tạo chất nhám cho bề mặt tường gạch | Windbay Studio.

Bạn thường sử dụng các chất liệu gì và đã phát triển chất liệu như thế nào cho tới thời điểm hiện tại?

Khi còn là sinh viên, việc mua các loại vật liệu để làm miniature nằm ngoài khả năng của tôi vì giá thành cao và khó tìm mua. Các vật liệu chuyên dụng phải đặt từ nước ngoài. Nên với mô hình đầu tiên, chỉ có giấy bìa và fomex được sử dụng.

Hiện tại, tôi đã có thể mua được vật liệu đa dạng hơn, Việt Nam cũng đã bắt đầu có người cung cấp các loại khó tìm. Phần khung thô tôi dùng các vật liệu làm mô hình kiến trúc như fomex với các độ dày khác nhau, gỗ, kim loại, đất sét và nhựa. Ngoài các chất liệu bề mặt, mỗi người làm mô hình sẽ có ít nhiều cách riêng để tạo ra chất liệu theo ý mình. Màu sắc cũng rất quan trọng. Tùy vào ý tưởng mà tôi sẽ dùng màu tạo hiệu ứng kim loại hay tạo chất nhám cho bề mặt tường gạch.

Windbay 5

Thúy thường đem tư tưởng và văn hóa Á Đông vào thiết kế của mình, điển hình trong “Wind Bay no.1” là “xem bói” và “cầm đồ” | Windbay Studio.

Tại sao bạn chọn làm mô hình nhà cửa thay vì con người, sinh vật?

Thật ra, khoảng thời gian đầu, tôi có thử sức ở mảng tạo hình nhân vật bằng đất sét. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng nhận ra rằng các kết cấu của mô hình nhà cửa có sức hút hơn cả. Các kết cấu kiến trúc tương tác trong các không gian và ánh sáng gợi cho tôi rất nhiều cảm xúc. Và nhà cửa là thứ hiện hữu thực tế trong đời sống nên tôi muốn tạo ra những thứ gần gũi với nhận thức của mình.

Song song quãng thời gian ấp ủ giấc mơ làm ra một thế giới mô hình, tôi có cơ hội được đi khắp ngõ hẻm của Sài Gòn để chụp ảnh như một sở thích và vô tình tìm ra những ngôi nhà có cấu trúc và màu sắc vô cùng độc đáo. Ở những khu nhà dọc đường ray tàu hay các con hẻm ở quận 4 các ngôi nhà chen chúc xô bồ có cấu trúc rất thú vị. Các khu nhà của người Hoa ở quận 5, quận 6 cũng có các đặc điểm cấu trúc, chi tiết trang trí đặc trưng và bắt mắt. Và cả khu “Bình Thạnh trận đồ” nữa. Càng đi tìm, càng đi lạc. Càng đi lạc, tôi lại càng tìm ra những ngôi nhà ngộ nghĩnh và kỳ lạ. Thế nên tôi muốn đưa những điều thú vị đó vào trong thế giới mô hình của mình.

“XEM BÓI VÀ CẦM ĐỒ LÀ HAI HOẠT ĐỘNG
CÓ THỂ THƯỜNG THẤY TRONG ĐỜI SỐNG,
NHƯNG CÓ AI XEM BÓI MÀ VỀ KỂ LẺ, CÓ AI CẦM ĐỒ MÀ ĐI RÊU RAO?

NÓ TỒN TẠI NHƯNG ẨN NẤP.
VỚI TÔI, XEM BÓI VÀ CẦM ĐỒ LÀ NƠI TÌM ĐẾN CUỐI CÙNG
TRONG ĐỜI SỐNG CẢ VỀ VẬT CHẤT LẪN TINH THẦN
CỦA MỘT NGƯỜI BÌNH PHÀM”.

Các thiết kế của bạn vừa có yếu tố tả thực (bề mặt chất liệu, chi tiết), vừa có yếu tố siêu thực (kết cấu, tỉ lệ)… Bạn kết hợp và tiết chế hai yếu tố này như thế nào trong tác phẩm của mình?

Vốn dĩ tôi muốn tạo ra một thế giới hoàn toàn tưởng tượng. Tuy nhiên, để mô hình dù phi thực tế nhưng vẫn mang cảm giác gần gũi với người xem, tôi quyết định bổ sung các yếu tố đời thường vào. Đó là cách tôi tạo sự liên kết giữa cảm xúc và trải nghiệm của người xem với mỗi mô hình. Một mảng tường cũ sờn do thời gian, một góc vườn nhỏ hay chỉ một ô cửa sổ cũng đủ sức gợi cho người xem liên tưởng về những thứ họ nhìn thấy thường ngày.

Quan điểm riêng của tôi là, nếu gò bó tạo hình theo các kết cấu trong khuôn khổ thì sẽ tạo ra sự hoàn hảo nhưng khô khan. Người xem có thể ngạc nhiên về trình độ kỹ năng nhưng lại không cảm nhận được nhiều cảm xúc. Cho phép bản thân “phóng tác” đôi chút, ở một vài chỗ thôi, sẽ tạo ra những điểm đáng yêu và đặc biệt của mô hình. Những chất liệu tả thực kết hợp với cấu trúc sáng tạo bởi riêng tôi, với tôi là đủ gợi lên cảm xúc trong lòng người xem.

Windbay 7

Windbay Studio.

Các sáng tạo của bạn đậm chất tưởng tượng và thơ mộng. Bạn thường tìm cảm hứng từ đâu?

Ở các mô hình ban đầu, tôi vẫn học tập cách tạo hình của các nghệ nhân châu Âu với các kiểu nhà đồng quê. Khoảng một năm trở lại, tôi mới thử kết hợp các yếu tố tạo hình trong kiến trúc nhà ở góp nhặt được từ đường phố Sài Gòn để đưa vào mô hình.

Sinh ra ở vùng ngoại ô, sự bình yên trong cảnh vật và con người là cảm hứng nền tảng trong tất cả mọi thứ mà tôi làm. Sau này, khi được tự do khám phá khắp nơi, những khu nhà nhỏ ẩn mình giữa thành phố cũng trở thành cảm hứng sáng tác mô hình của tôi. Bản thân tôi cũng là một người rất mơ mộng. Những thứ tôi làm như chụp ảnh, vẽ tranh hay thiết kế đều được nhận xét là mang lại cho người xem cảm giác bình yên và đời thường, gần gũi. Thế nên, tôi chỉ đơn giản muốn tạo ra những mô hình gợi cảm giác thân thuộc, yên bình.

Mô hình nhà của bạn khiến tôi liên tưởng đến thế giới trong phim hoạt hình của studio Ghibli.

Thật ra, tôi rất thích các hình mẫu nhà trong phim hoạt hình nhưng hầu như chúng đều được cường điệu hóa từ cấu trúc đến màu sắc. Riêng chỉ có studio Ghibli là sáng tạo nhưng vẫn giữ được những nét đời thường. Những màu sắc được Ghibli kết hợp vừa sinh động, ấn tượng lại vừa thực tế. Màu sắc là thứ tôi mong muốn được ảnh hưởng nhất từ Ghibli.

Windbay Studio.

Bạn có thần tượng nghệ sĩ làm mô hình thu nhỏ nào không?

Thần tượng lớn nhất của tôi là đội ngũ thiết kế và tạo hình của hãng Laika, đặc biệt là Steven Wong Jr. Ngoài ra còn có các nghệ sĩ khác như Eddie Putera (Malaysia), Chris Sickels ( Red Nose Studio)… Ở Việt Nam, tôi yêu thích nhóm Lucid Dream ở Hà Nội (chuyên về các mô hình mộng mơ) và anh Lê Xuân Giang (nghệ nhân sa bàn chuyên về đời sống và con người Việt Nam).

Công việc thiết kế đồ họa và sở thích làm mô hình miniature có ảnh hưởng như thế nào lẫn nhau?

Với nền tảng thiết kế đồ họa, tôi nắm được các phương thức truyền tải thông điệp bằng hình ảnh. Và trong việc làm mô hình thu nhỏ, tôi mong muốn được sáng tạo nhiều hơn và mang dấu ấn riêng chứ không chỉ đơn thuần là mô phỏng lại các tỷ lệ, cấu trúc sẵn có. Giống như cách mang ý nghĩa vào tác phẩm đồ họa, tôi thường chọn các yếu tố ẩn dụ để tạo nên ý nghĩa cho tác phẩm, nó có thể là một bảng hiệu, cách tạo hình thể hiện thế giới quan của tôi.

Khi tạo ra Vịnh Gió, tôi muốn đây là một nơi không hẳn tấp nập nhưng cũng không hề buồn tẻ, mọi thứ thuận hòa, con người và tâm trí tự do. Bản thân tôi cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng Á Đông nên thích đưa chúng và thiết kế của mình, ví dụ như mô hình Xem Bói và Cầm Đồ. Xem bói và cầm đồ là hai hoạt động có thể thường thấy trong đời sống, nhưng có ai xem bói mà về kể lể, có ai cầm đồ mà đi rêu rao. Nó tồn tại, nhưng lại ẩn nấp. Người ta thường đến hai địa điểm này khi nào? Khi mất cân bằng cả về tinh thần lẫn vật chất. Với tôi, xem bói và cầm đồ là nơi tìm đến cuối cùng trong đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần của một người bình phàm. Vịnh Gió đối với tôi cũng là nơi để giải thoát về tư tưởng và tạo ra những cuộc đối thoại trào phúng về cuộc đời.

“VỐN DĨ TÔI MUỐN TẠO RA MỘT THẾ GIỚI HOÀN TOÀN TƯỞNG TƯỢNG.
TUY NHIÊN, ĐỂ MÔ HÌNH DÙ PHI THỰC TẾ
NHƯNG VẪN MANG CẢM GIÁC GẦN GŨI,
TÔI QUYẾT ĐỊNH BỔ SUNG CÁC YẾU TỐ ĐỜI THƯỜNG VÀO.

ĐÓ LÀ CÁCH TÔI TẠO SỰ LIÊN KẾT
GIỮA CẢM XÚC VÀ TRẢI NGHIỆM CỦA NGƯỜI XEM VỚI MỖI MÔ HÌNH.”

Thúy và mô hình “Dream of sloth” | Windbay Studio.

Có bài học nào bạn chiêm nghiệm được trong quá trình làm mô hình thu nhỏ hay không?

Từ khi có định hình rõ ràng hơn về nội dung mà mình theo đuổi trong lĩnh vực mô hình, cách mà bản thân tôi nhìn nhận và đánh giá sự vật, sự việc có phần thú vị hơn. Để tìm kiếm ý nghĩa, tôi quan sát nhiều hơn và xem xét mọi thứ bằng tâm thế trầm ổn và bình lặng. Càng tìm hiểu cuộc sống để lấy ý tưởng, tôi càng phát hiện ra những điều đáng yêu, đáng trân trọng trong đời sống thường nhật. Tôi tìm được nhiều nơi ẩn náu giữa những ồn ã thường nhật hơn. Tôi nhận ra những điều tạo ra rung cảm thật sự rất giản đơn, không cần phải hoàn hảo, choáng ngợp về hình thức.

Sở thích này có ý nghĩa như thế nào trong đời sống hằng ngày và đời sống sáng tạo của bạn?

Tôi luôn yêu thích việc đưa các yếu tố đời thường góp nhặt được trong cuộc sống vào các thiết kế của mình, nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội. Chỉ ở lĩnh vực mô hình này, tôi mới được thể hiện trọn vẹn những gì mình muốn. Nó thật sự là một thế giới của riêng em, không bị chi phối bởi những nỗi lo và gánh nặng khác. Thực sự tự nhìn ngắm những mô hình mình làm, áp lực của tôi cũng được giải tỏa rất nhiều. Việc tạo ra một sản phẩm thật, có thể nhìn ngắm ở mọi góc độ cũng mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm cảm xúc hơn chỉ xem các tác phẩm digital hoặc các bản vẽ, in đơn thuần.

“Càng tìm hiểu cuộc sống để lấy ý tưởng,
tôi càng phát hiện ra những điều đáng yêu,
đáng trân trọng trong đời sống thường nhật.

Tôi tìm được nhiều nơi ẩn náu giữa những ồn ã thường nhật.
Tôi nhận ra rằng,
những điều tạo ra rung cảm thật sự rất giản đơn,
không cần phải hoàn hảo, choáng ngợp về hình thức”.

Thúy thường tạo hình các loại cây gần gũi với người Việt như phát tài, vạn thọ, quýt, lưỡi hổ… để tăng tính thực tế và tạo cảm giác gần gũi cho người xem | Windbay Studio.

Bạn có nghĩ đến việc biến sở thích này thành công việc chính thức?

Từ những ngày đầu theo đuổi lĩnh vực này, tôi đã nuôi ước mơ có thể mở một studio của riêng mình nhưng vẫn bị gián đoạn bởi nhiều lí do. Lí do lớn là để nâng cao kỹ năng cho bộ môn này thì tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Tháng 9/2019, khi được vài người ủng hộ, tôi mới bắt đầu tạo nên studio Vịnh Gió (Windbay Studio), định hướng hình ảnh mà mình theo đuổi và nghiêm túc thực hiện những mô hình đầu tiên, chỉn chu, đầu tư hơn về mặt tạo hình lẫn nội dung sáng tạo. Tôi cũng bắt đầu tìm người có thể trở thành cộng sự để cùng mình phát triển. Mong muốn của tôi hiện tại là những gì mình làm ra được mọi người yêu thích và đón nhận. Việc chọn nó thành công việc chính có lẽ sẽ không lâu nữa.

Sắp tới bạn muốn thử sức với những loại mô hình như thế nào?

Vì có thêm cộng sự nên những thứ mà chúng tôi làm được cũng đa dạng hơn. Sắp tới chúng tôi có kế hoạch cho các mô hình sinh vật và cảnh vật, không đơn thuần là nhà cửaa nữa. Trong tương lai xa hơn, nếu kỹ năng được nâng cao, chúng tôi mong muốn có thể tự làm hoặc hợp tác với những người cùng đam mê khác để phát triển ở lĩnh vực stop motion.

Windbay 8

Windbay Studio.

Bài: Đoàn Trúc | Ảnh: Đức Ngô, NVCC.


Xem thêm:

Nghệ sĩ trẻ và tâm hồn vị nghệ thuật

Laura Gonzalez – Không bao giờ lặp lại chính mình