Trong kỷ nguyên số hóa, khi mọi trải nghiệm dường như có thể được “thu gọn” qua màn hình điện thoại, cảm giác ngạc nhiên thật sự trở nên ngày càng quý hiếm. Tuy nhiên, với Expo 2025 tại Osaka – một trong những sự kiện quy mô toàn cầu hiếm hoi vẫn giữ vững tinh thần “thử nghiệm lớn của nhân loại” – đã mang đến cho tôi một cảm xúc đặc biệt: một không gian để quan sát, để cảm nhận, và để tự vấn.
Khung cảnh triển lãm Expo 2025 Osaka.
Một chủ đề giàu sức gợi: Chúng ta sẽ sống như thế nào?
Chủ đề Designing Future Society for Our Lives đặt ra một câu hỏi không mới nhưng chưa bao giờ hết cấp thiết: Chúng ta đang sống ra sao, và mong muốn sống như thế nào trong tương lai? Triển lãm không chỉ là nơi trưng bày công nghệ, mà còn là một phòng thí nghiệm sống động, nơi các quốc gia và tổ chức cùng chia sẻ giải pháp quanh ba trục nội dung chính:
Saving Lives – Ứng phó với dịch bệnh, biến đổi khí hậu và các khủng hoảng toàn cầu.
Empowering Lives – Khai phá tiềm năng con người thông qua giáo dục, công nghệ và sáng tạo.
Connecting Lives – Kết nối giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, cũng như giữa các nền văn hóa khác nhau.
Pavilion của Pháp.
Osaka Healthcare Pavilion.
Một quy hoạch mang tính biểu tượng và đầy cảm xúc
Toàn bộ Expo được đặt trên Yumeshima, một hòn đảo nhân tạo ngoài khơi Osaka. Quy hoạch tổng thể xoay quanh một cấu trúc vòng tròn khổng lồ bằng gỗ, dài hơn 2km, cao gần 20m – như một “chiếc nhẫn gỗ” ôm trọn thế giới của tương lai. Đây là công trình gỗ lớn nhất từng được xây dựng tại Nhật Bản, và cũng là biểu tượng cho tư duy kiến trúc mềm mại và gắn kết: một vòng ôm kiến trúc, hòa giải sự khác biệt về hình khối, vật liệu, màu sắc của hơn 150 gian hàng quốc gia và tổ chức quốc tế. Từ tuyến đường skywalk trên cao, du khách có thể quan sát rõ mối quan hệ giữa kiến trúc và bối cảnh: vịnh Osaka lấp lánh bên dưới, dãy núi xa vờn mây ở phía chân trời, và thành phố hiện đại phía xa – tất cả hiện ra như một bức tranh sống động và đầy trật tự.
Du khách có thể quan sát các pavilion từ tuyến đường skywalk.
Pavilion – Những câu chuyện mang hình hài không gian
Hội trường EXPO.
Mỗi quốc gia mang đến một câu chuyện riêng, được kể bằng kiến trúc, công nghệ, vật liệu và ánh sáng. Điều đặc biệt ấn tượng là những pavilion không cố gắng gây choáng ngợp thị giác, mà chọn cách khơi gợi cảm xúc, chẳng hạn như:
Pavilion Nhật Bản (do Kengo Kuma giám tuyển): một cấu trúc gỗ tĩnh lặng, gợi lên không gian thiền định sâu lắng.
Pavilion Đan Mạch: tái chế container thành không gian có thể tháo dỡ và tái sử dụng hoàn toàn, thể hiện triết lý bền vững.
Pavilion UAE: một trải nghiệm nhập vai xuyên thời gian nhờ công nghệ thực tế ảo tiên tiến.
Ở mỗi nơi, kiến trúc không chỉ là không gian trú ngụ, mà còn là phương tiện để kể về cách một nền văn hóa nhìn nhận và hướng tới tương lai.
Một góc pavilion Nhật Bản.
Bên trong pavilion Nhật Bản.
Pavilion Thụy Sĩ.
Chiến lược tham quan hiệu quả cho người có ít thời gian
Nếu bạn chỉ có 1–2 ngày để tham quan, lời khuyên của tôi là:
Bắt đầu từ trên cao Hãy lên tuyến skywalk chạy dọc Grand Ring. Từ đó, bạn có thể quan sát tổng thể và lựa chọn những điểm dừng phù hợp với sở thích cá nhân.
Ưu tiên những trải nghiệm có chiều sâu Chọn 2–3 Pavilion đặc trưng (do các kiến trúc sư như Sou Fujimoto, Shigeru Ban, Ryue Nishizawa thiết kế), sau đó ghé thăm các pavilion quốc gia mà bạn có sự quan tâm về mặt văn hóa hoặc nghề nghiệp.
The Ocean Dome do Shigeru Ban thiết kế.
Dừng lại và cảm nhận Hãy dành thời gian tại các khoảng không công cộng ven biển, sân khấu ngoài trời, hoặc khu “rừng yên tĩnh” giữa vòng tròn – nơi không gian Nhật Bản phát huy trọn vẹn triết lý “trống – rỗng – thở”.
Những mẹo nhỏ để chuyến đi trọn vẹn hơn
Chuẩn bị công nghệ hỗ trợ: Tải sẵn ứng dụng chính thức của Expo để tra cứu bản đồ, đặt lịch tham quan và xem thời gian biểu sự kiện – điều này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.
Ứng phó với thời tiết: Mang theo một chiếc ô nhỏ nếu đi vào mùa mưa (tháng 5–7), vì nhiều lối kết nối ngoài trời không có mái che.
Chuẩn bị cho việc chờ đợi: Một chiếc ghế xếp nhẹ hoặc đệm ngồi gấp gọn sẽ rất hữu ích trong những hàng chờ dài.
Di chuyển thuận tiện: Cài đặt thẻ Suica (hoặc Pasmo) vào điện thoại qua Apple Wallet/Google Wallet và nạp tiền để dễ dàng di chuyển bằng tất cả tàu và xe buýt tại Nhật – chỉ cần chạm nhẹ là có thể khởi hành.
Khung cảnh Expo 2025 về đêm.
Kiến trúc như một cách sống
Điều đặc biệt ở Expo Osaka 2025 không nằm ở quy mô, cũng không nằm ở những sự trầm trồ về thị giác. Điều khiến tôi khó quên chính là cách triển lãm này cho phép chúng ta sống chậm lại giữa một thế giới chuyển động nhanh, để tự đặt ra những câu hỏi: Kiến trúc có thể lùi lại để con người tiến lên không? Không gian có thể chữa lành, thay vì gây choáng ngợp? Và liệu thiết kế – ở cấp độ toàn cầu – có thể khởi đầu từ sự tử tế?
Bài và ảnh: Kiến trúc sư Trần Ngọc Linh
Xem thêm
12 công trình kiến trúc Expo nổi tiếng nhất mọi thời đại
Giao lộ thời gian trong kiến trúc Osaka
Hội chợ triển lãm Expo 2020 Dubai và cuộc đổ bộ của những khối hộp