Từ khởi điểm với Đại triển lãm Crystal Palace tại London năm 1851, Expo (hay còn gọi là Triển lãm Thế giới) đã trở thành không gian nơi các quốc gia hội tụ, phô diễn những thành tựu văn hóa, công nghệ và kiến trúc tiên tiến nhất của thời đại. Những công trình kiến trúc tại Expo không đơn thuần mang tính triển lãm tạm thời, mà còn là tuyên ngôn sáng tạo, là minh chứng cho sự đổi mới không ngừng của nhân loại qua từng thời kỳ.
Nhiều công trình đã trở thành biểu tượng văn hóa, vượt qua giới hạn của một sự kiện tạm thời để trở thành di sản kiến trúc vĩnh cửu, mang theo câu chuyện riêng, phản ánh những giá trị thẩm mỹ, tinh thần sáng tạo và tầm nhìn của thời đại mà chúng được sáng tạo.
Trong bài viết này, hãy cùng ELLE Decoration khám phá 12 công trình kiến trúc nổi bật nhất đã xuất hiện tại các kỳ Expo từ thế kỷ 19 đến nay – những kiệt tác đã góp phần định hình diện mạo của sự kiện tầm cỡ quốc tế, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử kiến trúc toàn cầu.
1. The Crystal Palace (London năm 1851)
Tòa nhà Crystal Palace khổng lồ do Joseph Paxton thiết kế, được xây dựng để tổ chức Đại triển lãm năm 1851, được Cục Triển lãm Quốc tế (Bureau International des Expositions) đánh dấu là sự kiện Expo đầu tiên. Với chiều dài 563m và cao 39m, công trình được xây bằng mô-đun sắt và kính này là tòa nhà kính lớn nhất thế giới vào thời điểm nó hoàn thành. Mỗi bộ phận có kích thước 1,2m x 25cm, bằng những tấm kính sản xuất hàng loạt lớn nhất hiện có.
Crystal Palace đã có tác động đáng kể đến kiến trúc tương lai. Kiến trúc sư Norman Foster đã nhận định rằng đây là khởi thủy của kiến trúc hiện đại.
Sau triển lãm kéo dài sáu tháng tại Công viên Hyde, công trình đã được tháo dỡ và xây dựng lại ở phía nam London. Vào năm 1936, tòa nhà đã bị phá hủy hoàn toàn trong một vụ hỏa hoạn.
2. Tháp Eiffel (Paris năm 1889)
Có thể nói đây là công trình nổi tiếng nhất trong lịch sử các sự kiện Expo. Với chiều cao 330m, tòa tháp thể hiện tham vọng của ngành kiến trúc và xây dựng khi nó cao gần gấp đôi những công trình hiện hữu trên thế giới thời bấy giờ. Phải đến khi Tòa nhà Chrysler mở cửa vào hơn 40 năm sau đó, Eiffel mới mất danh hiệu là công trình cao nhất thế giới.
Ảnh: Tư liệu
Được Gustave Eiffel thiết kế như một công trình tạm thời, vừa là trung tâm của Expo 1889, vừa đánh dấu kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp, tòa tháp được xây dựng trong 20 năm. Tuy nhiên, do được sử dụng làm cột phát thanh, nên sau sự kiện này, nó vẫn được giữ lại và trở thành biểu tượng của Paris.
3. Grand Palais (Paris năm 1900)
Grand Palais là công trình ấn tượng nhất từng được xây dựng ở trung tâm Paris để phục vụ sự kiện Expo, được thiết bởi các kiến trúc sư Henri Deglane, Albert Louvet, Albert Thomas và Charles Girault.
Đọc thêm: Grand Palais ngày trở lại
Ảnh: Laurent Kronental.
Nằm trên đại lộ Champs-Élysées, trái tim của Grand Palais là một giếng trời hình vòm khổng lồ có cấu trúc phức tạp, được làm từ hơn 6.000 tấn thép, là một trong những không gian triển lãm lớn cuối cùng được chiếu sáng tự nhiên. Tháng 3/2021, công trình tạm đóng cửa để tiến hành trùng tu và được mở cửa trở lại vào năm 2024 để đón sự kiện Olympic.
4. Pavilion Đức (Barcelona năm 1929)
Được thiết kế bởi kiến trúc sư Ludwig Mies van der Rohe và Lilly Reich, nhà triển lãm Đức tại Expo 1929 ở Barcelona là một trong những ví dụ tiêu biển và quan trọng nhất của Chủ nghĩa Hiện đại, truyền tải tinh thần của một kỷ nguyên mới. Tại đây, hai kiến trúc sư cũng đồng thời giới thiệu mẫu ghế Barcelona kinh điển cho nhà triển lãm. Năm 1930, nó được tháo dỡ và tái thiết lại vào năm 1986.
Đọc thêm: Mối gắn kết mật thiết giữa nghệ thuật và kiến trúc trong các công trình Modernism
Ảnh: Maciek Jeżyk
Ảnh Tư liệu
5. Atomium (Brussels năm 1958)
Công trình khổng lồ do André Waterkeyn, André Polak và Jean Polak thiết kế, mô phỏng tinh thể sắt phóng đại 165 tỉ lần, có chiều cao 103m, từng là tiêu điểm của Expo Brussels 1958. Tên gọi Atomium được ghép từ atom (nguyên tử) và aluminum (nhôm), là chín quả cầu đường kính 18m, tượng trưng cho các nguyên tử sắt phủ bằng nhôm. Mỗi quả cầu kim loại là một không gian triển lãm, được kết nối bằng thang cuốn trong các đường ống.
Ảnh: Christophe Licoppe
Tương tự Tháp Eiffel, Atomium vốn chỉ được thiết kế như một kiến trúc tạm thời, nhưng nó đã trở thành công trình cố định bởi sức hút từ vẻ ngoài độc đáo và mang tính biểu tượng cao. Hiện nay, tòa nhà đầy tính nghệ thuật này vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất của thủ đô Bỉ, nơi du khách có thể khám phá không gian bên trong.
6. Philips Pavilion (Brussels năm 1958)
Cũng tại Expo 1958, Le Corbusier và Iannis Xenakis đã tạo ra một cấu trúc giống như lều trại làm gian hàng cho công ty điện tử Philips. Tại công trình này, họ đã tổ chức một chương trình nghe nhìn đa phương tiện có tên là Electronic Poem, nhằm làm nổi bật những đổi mới trong ngành điện tử sau chiến tranh. Le Corbusier từng nói: “Thay vì tạo ra một pavilion có mặt dựng ấn tượng, tôi sẽ viết một bài thơ điện tử và thiết kế chai đựng cho nó.”
Cấu trúc bê tông cốt thép được tạo thành từ chín hình parabol hypebol. Một năm sau đó, công trình này bị dỡ bỏ. Ảnh: Wouter Hagens
7. Space Needle (Seattle 1962)
Tòa tháp Space Needle do các kiến trúc sư Victor Steinbrueck, Edward Carlson, John Graham Jr. thiết kế, cao 184m được xây dựng làm trung tâm của Expo 1962 với chủ đề The Age of Space, với mục tiêu trở thành một điểm cố định đặc biệt cho thành phố. Từng là công trình cao nhất ở miền tây Hoa Kỳ, cấu trúc vị lại của nó bao gồm một tòa tháp hình đồng hồ cát có phần đỉnh hình đĩa bay, là không gian hoạt động của hai nhà hàng. Năm 2018, studio Olson Kundig Architects đã tiến hành đại tu toàn diện, bổ sung thêm sàn kính xoay đầu tiên và duy nhất trên thế giới.
Ảnh: Tư liệu
8. Habitat 67 (Montreal 1967)
Expo 1967 được tổ chức tại Montreal, trùng dịp kỉ niệm 100 năm quốc khánh nước Canada. Chính vì vậy, sự kiện quy tụ rất nhiều công trình kiến trúc tiên phong, trong đó có Habitat 67.
Nằm trên bờ sông Saint Lawrence với góc nhìn ra địa điểm triển lãm chính, khối chung cư do kiến trúc sư người Canada gốc Israel Moshe Safdie thiết kế, là minh chứng cho tiềm năng của công trình nhà ở đô thị đúc sẵn, theo một trong những chủ đề của sự kiện năm đó là môi trường sống.
Ảnh: Thomas Ledl
Dự án mang tính bước ngoặt này bao gồm 354 hộp bê tông xếp chồng không đều với 158 căn hộ bên trong. Cách sắp xếp của khối nhà cho phép mỗi căn hộ có nhiều ánh sáng và sân hiên riêng.
9. Pavilion của Mỹ (Montreal 1967)
Pavilion của Mỹ từng là một trong những biểu tượng của Expo 1967 Montreal. Công trình là thành tựu nổi bật của kiến trúc sư Richard Buckminster Fuller, được bao bọc trong một mái vòm trắc địa có đường kính 76m, được tạo thành bởi những ống thép đường kính hơn 7 cm. Tòa nhà 7 tầng bên trong dùng làm không gian triển lãm.
Ảnh: Tư liệu
Ban đầu, công trình được phủ bằng một lớp màng acrylic mỏng và bị cháy trong một vụ hỏa hoạn vào năm 1976, để lộ cấu trúc kim loại và vô tình tăng cường tác động của cấu trúc. Năm 1995, tòa nhà được mở cửa trở lại với tên gọi Montreal Biosphere – một bảo tàng thúc đẩy môi trường và bảo vệ môi trường. Năm 2021, tờ New York Times đã chọn tòa nhà này là một trong 25 công trình kiến trúc hậu chiến có tầm ảnh hưởng nhất.
10. Pavilion của Đức (Montreal 1967)
Một điểm nhấn kiến trúc khác tại Expo 1967 là Pavilion hình lều của Đức do kiến trúc sư Frei Otto thiết kế. Công trình có cấu trúc phức tạp được làm từ lưới cáp thép phủ một lớp màng dệt trong mờ, được định hình bằng 8 cột thép. Mái che này chính là tiền đề cho sân vận động Olympic Munich năm 1972, cũng do Frei Otto thiết kế.
Ảnh: Frei Otto
11. Pavilion Bồ Đào Nha (Lisbon 1988)
Được xây dựng để làm lối vào chính của Expo 1998 tại Lisbon, Nhà triển lãm quốc gia Bồ Đào Nha được thiết kế bởi kiến trúc sư Álvaro Siza, được chia thành hai phần riêng biệt: một phần vững chắc để tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và một quảng trường công cộng mở. Kiến trúc sư đã tạo bóng mát cho quảng trường này bằng một mái che bê tông dài 70m và mỏng đến khó tin. Ông từng nhận định đây là một công trình thú vị bởi nó là sự song hành của sự độc đáo và tầm thường.
Ảnh: Tư liệu
12. Seed Cathedral (Thượng Hải 2010)
Seed Cathedral là pavilion của Anh Quốc do Heatherwick Studio thiết kế để tham dự Expo 2010 Thượng Hải. Cấu trúc này có lõi gỗ được ghép bởi 60.000 thanh sợi quang, mỗi thanh dài 7,5m. Với sự hợp tác của dự án Millennium Seed Bank của Vườn thực vật Hoàng gia Kew, các thanh chứa tổng cộng 250.000 hạt giống thực vật ở đầu của chúng. Sau sự kiện, chúng được phân phối cho các trường học ở Anh và Trung Quốc.
Ảnh: Tư liệu
Ảnh: Tư liệu
Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Dezeen
Xem thêm
Hội chợ triển lãm Expo 2020 Dubai và cuộc đổ bộ của những khối hộp
Triển lãm Christian Dior: Designer of Dreams – Khi giấc mơ thời trang hóa hiện thực
OMA tái hiện bối cảnh Ai Cập cổ đại cho bảo tàng Museo Egizio