Mối gắn kết mật thiết giữa nghệ thuật và kiến trúc trong các công trình Modernism

Nghệ thuật, bao gồm hội họa và điêu khắc, đã chứng minh vai trò của mình khi kết hợp cùng kiến trúc trong không gian của những công trình thuộc Trường phái Hiện đại.

Ý tưởng về sự kết hợp giữa nghệ thuật và kiến trúc có nguồn gốc từ lịch sử của ngành kiến trúc. Tuy nhiên, nó đã trở thành một khía cạnh quan trọng của phong cách Avant-Garde đầu thế kỷ XX và là một phần không thể thiếu của Chủ nghĩa Hiện đại. Mối liên hệ chặt chẽ này được thể hiện rõ trong tác phẩm của nhiều kiến trúc sư hiện đại nổi tiếng như Mies van der Rohe, Le Corbusier và Oscar Niemeyer…

cong trinh kien truc hien dai barcelona pavilion

Công trình Barcelona Pavilion, thiết kế bởi Ludwig Mies van der Rohe và Lilly Reich. Ảnh: Maciek Jeżyk

Chủ nghĩa Hiện đại nổi lên từ hy vọng tái thiết đạo đức và vật chất của thế giới bị tàn phá bởi chiến tranh, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đoàn kết giữa thành phố và cư dân. Trong bối cảnh này, nghệ thuật được sử dụng để định hình đời sống cảm xúc của con người. Sự kết hợp của nghệ thuật và kiến trúc mang ý nghĩa sâu sắc hơn, tạo ra không gian đại diện cho ý thức cộng đồng bên cạnh chức năng và kỹ thuật.

kien truc hien dai modernism brazil supreme court

Bức tượng Nữ thần Công lý tại công trình Tối Cao Pháp Viện Brazil, thiết kế bởi Oscar Niemeyer. Ảnh: Tư liệu

Trường nghệ thuật và thiết kế nổi tiếng Bauhaus tại Đức đã đánh dấu sự phát triển chuyên môn bằng thứ mà nhà sử học nghệ thuật người Ý Argan gọi là “Chủ nghĩa Duy lý Phương pháp – Hướng dẫn” (methodological-didactic rationalism), khuyến khích sự thống nhất của tất cả các loại hình nghệ thuật thông qua Gesamtkunstwerk (tạm dịch là “tác phẩm nghệ thuật tổng thể”), kết hợp kiến trúc, hội họa, điêu khắc , kiểu dáng công nghiệp và thủ công. Sự hợp tác này được kỳ vọng diễn ra ngay cả trên công trường xây dựng, từ đó kết nối công việc trí tuệ và thủ công trong cùng một trải nghiệm. Như người đi đầu trong lĩnh vực này, Walter Gropius từng nói, một kiến trúc sư nên làm quen với hội họa như một họa sĩ biết đến kiến trúc. Không nên thiết kế một tòa nhà rồi thuê một thợ điêu khắc; điều này sẽ tạo ra sai lầm và làm tổn hại cho sự thống nhất kiến trúc.

noi that cong trinh pavillon le corbusier

Nội thất của công trình Pavillon Le Corbusier. Ảnh: Tư liệu

Ngoài Bauhaus, sự kết hợp giữa các lĩnh vực cũng được đề cập một cách đặc biệt và quan trọng bởi Le Corbusier thông qua việc kết nối các yếu tố từ hội họa và điêu khắc với các khái niệm hình thức của kiến trúc. Trong ngữ cảnh này, Le Corbusier – mặc dù tự mình nhận là một “người độc diễn” chuyên thuyết giảng về sự hòa trộn của nghệ thuật trong thiết kế của bản thân, nhưng luôn làm việc như một nghệ sĩ độc lập – đã lý luận rằng vai trò của kiến trúc sư, họa sĩ và nhà điêu khắc đều có tầm quan trọng ngang nhau, đóng góp vào sự hợp tác hiệu quả trong thế giới thực thông qua việc tạo ra và thiết kế một cách hài hòa.

Ở mức độ nào đó, mối quan hệ không thể tách rời này nghe giống một ước muốn viển vông, nhưng như kiến trúc sư và nhà quy hoạch Lucio Costa từng nói, nghệ thuật này đòi hỏi một mức độ phát triển trong văn hóa và thẩm mỹ gần như không thể đạt được. Trong đó, kiến trúc, điêu khắc và hội họa sẽ hòa quyện thành một cơ thể thống nhất, một sinh vật sống không thể phân tách. Tuy nhiên, Cung điện Capanema ở Rio de Janeiro, Brazil có lẽ là điểm gần nhất mà chúng ta có thể tiến đến giấc mơ này với sự kết hợp giữa họa sĩ Candido Portinari, nhà điêu khắc Bruno Giorgi và kiến trúc sư cảnh quan Burle Marx ngay từ khi bắt đầu phát triển dự án. Như lời của nhà sử học người Pháp Yves Bruand, “Tổng thể này vô cùng tinh tế về mặt nghệ thuật, khiến kiến trúc được tôn lên và trở nên đặc biệt hơn bởi sự bổ sung tuyệt vời của nghệ thuật nhưng đồng thời, nó cũng cho thấy sự phụ thuộc không thể tránh khỏi vào tác phẩm.”

kien truc hien dai cong trinh capanema palace

Công trình Capanema Palace. Ảnh: Alexandre Macieira

Mặc dù các công trình hiện đại của ông trở thành ví dụ hàng đầu về sự kết hợp giữa kiến trúc và nghệ thuật, Oscar Niemeyer đã từng nhận định quan điểm của Lucio Costa rằng, chỉ trong các hoàn cảnh đặc biệt mới có thể đạt được sự tổng hợp thực sự của nghệ thuật. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc thành lập nhóm làm việc cùng nhau ngay từ khi bắt đầu phác thảo kiến trúc để bàn luận một cách hữu nghị về các vấn đề và chi tiết nhỏ nhất của dự án, không chia chúng thành các lĩnh vực chuyên biệt mà coi chúng như một thực thể cân bằng duy nhất.

Mục tiêu lý tưởng là tích hợp tất cả các lĩnh vực ngay từ đầu dự án và việc mời các nghệ sĩ tham gia sau này không nhất thiết phải ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Một ví dụ xuất sắc là Salão Negro (Phòng Đen) tại Quốc hội Brasília, nơi nghệ sĩ Athos Bulcão được Oscar Niemeyer mời sau khi dự án hoàn thành, đã tạo ra một ngôn ngữ trừu tượng và đơn giản bằng cách sử dụng đá granite đen trên sàn và đá cẩm thạch trắng trên tường, tạo ra một bức tranh tường hoàn toàn hòa quyện với kiến trúc và vật liệu xây dựng. Bức tranh trừu tượng thường được các nhà nghiên cứu nhắc đến, có cả Paul Damaz khi ông nói rằng ngôn ngữ phi tượng hình là sự kết hợp tốt nhất cho kiến trúc hiện đại. Về vấn đề này, tác giả cũng đề cập đến tác phẩm điêu khắc bằng đồng bán tượng hình của Maria Martins trong khu vườn của Palácio da Alvorada, nêu bật “mối quan hệ hình thức giữa các đường cong” của tác phẩm điêu khắc và những cây cột duyên dáng của tòa nhà, như một ví dụ hoàn hảo về tích hợp.

cong trinh kien truc hien dai salao negro

Bức tranh trừu tượng bằng đá tại công trình Salão Negro. Ảnh: Patrick Grosner

Tuy nhiên, trong khi Paul Damaz ca ngợi sự kết hợp giữa kiến trúc và nghệ thuật trong các dự án của Oscar Niemeyer thì ông lại không chấp nhận một trong những ví dụ quan trọng nhất về tích hợp giữa các lĩnh vực trong lịch sử chủ nghĩa hiện đại, đó là Khuôn viên Đại học UNAM ở Thành phố Mexico. Khu phức hợp này thuộc nhóm những thành tựu kiến trúc tiêu biểu nhất ở Mexico, một quốc gia được xem là tiên phong trong việc kết hợp nghệ thuật vào kiến trúc, thể hiện qua truyền thống vẽ tranh tường từ những năm 1920. Khánh thành vào năm 1952, song song với CIAM VIII, khuôn viên đại học được thiết kế bởi hơn 100 kiến trúc sư, cũng như các kỹ sư, nghệ sĩ và nhà thiết kế cảnh quan. Một số tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý nhất trong dự án là các bức tranh tường của Diego Rivera, David Alfaro Siqueiros, Juan O’Gorman và Francisco Eppens. Bất chấp những lời chỉ trích, UNAM vẫn là một công trình tiêu biểu về sự hợp tác của nhiều bên.

cong trinh kien truc nghe thuat unam

Trường đại học UNAM. Ảnh: Alejandra Carbajal

Mọi hình thức kết hợp của các lĩnh vực khác nhau đều bao gồm một cuộc đối thoại mạch lạc giữa các kiến trúc sư, họa sĩ và nhà điêu khắc, dù là từ khi bắt đầu phát triển dự án hay sau này, hay trong quá trình xây dựng, ở quy mô lớn hay với các yếu tố riêng lẻ. Như kiến trúc sư Rino Levi từng nói, kiến trúc không có vai trò thứ yếu, nhưng nó cũng không phải là khởi nguồn của mọi nghệ thuật. Chỉ có một nghệ thuật duy nhất và giá trị của nó được đo lường bằng những cảm xúc mà nó khơi dậy trong chúng ta. Hội họa và điêu khắc có thể độc lập, nhưng khi áp dụng vào kiến trúc, chúng trở thành một phần của tổng thể.

Thực hiện: Quốc Huy | Theo: Archdaily


Xem thêm

Phong cách Mid-Century Modern: Vẻ đẹp vượt thời gian

Thuyết màu sắc Le Corbusier trong kiến trúc hiện đại

Kiến trúc hiện đại thế kỷ 20: Nguồn cảm hứng đến từ mọi nơi (Kỳ II)