Phong cách Mid-Century Modern: Vẻ đẹp vượt thời gian

Một trường phái thịnh hành trong kiến trúc và nội thất nửa sau thế kỷ 20 với sự hoà trộn vừa đủ giữa tính thẩm mỹ và tính ứng dụng.

Phong cách khởi nguồn từ những đổi mới trong tư duy và sáng tạo

Xuất hiện trong thời kì hậu Thế Chiến Thứ II, vào những năm 1945 đến 1969, Mid-Century Modern dần trở thành một trong những trào lưu kiến trúc, nội thất, và đồ họa thịnh hành nhất tại Mỹ tính đến thời điểm hiện nay. Không chỉ là một phong cách thiết kế nhất thời, Mid-Century Modern còn là một tuyên bố về lối sống và sự sáng tạo. Và trên hết, nó thể hiện sự đổi mới trong tự duy và tinh thần tự do trong một thời kỳ đầy biến động của lịch sử nước Mỹ.

Đây là phong cách được định hình bởi một số trường phái thiết kế tiền nhiệm trên thế giới, ví như trường phái Bauhaus và Scandinavian cùng tính tinh gọn, tối giản trong thiết kế, đồng thời đặt công năng làm ưu tiên hàng đầu. Mid-Century Modern cũng chịu khá nhiều ảnh hưởng từ trào lưu Arts and Craft của Mỹ với việc ưu tiên sử dụng các loại vật liệu tự nhiên. Cùng với những đổi thay hậu Thế Chiến và sự bùng nổ kinh tế, trường phái thiết kế này trở nên đặc biệt phổ biến tại Hoa Kỳ, nơi nó thể hiện sự tiến bộ và tinh thần lạc quan của quốc gia này sau chiến tranh, đồng thời lan rộng đến châu Âu nhờ tính linh hoạt trong thiết kế và công năng tối ưu.

phong cach mid century modern noi that

Một không gian nội thất phòng ngủ theo phong cách Mid-Century Modern tại bờ biển Địa Trung Hải. Ảnh: Jérôme Galland

Nét đặc trưng của phong cách Mid-Century Modern

Một thiết kế mang phong cách Mid-Century Modern tiêu biểu có những đặc điểm nổi bật như đường nét tinh gọn, màu sắc tối giản, đồng thời nhấn mạnh tính thực dụng và sử dụng tối ưu không gian. Các màu sắc và hình thái được sử dụng trong phong cách này phần lớn đều được lấy cảm hứng từ tự nhiên, kết hợp cùng việc sử dụng ánh sáng tự nhiên hiệu quả để tạo nên một không gian vừa hiện đại, vừa ấm cúng và cũng không kém phần thoải mái.

phong cach mid century modern cong trinh kien truc Falling Water frank lloyd wright

Công trình kinh điển Falling Water được thiết kế bởi kiến trúc sư Frank Lloyd Wright được xem là một biểu tượng của phong cách Mid-Century Modern. Ảnh: Getty Images/ Walter Bibikow

Được sinh ra trong thời kỳ công nghiệp hoá và kinh tế bùng nổ, việc tận dụng các vật liệu hiện đại kết hợp cùng các vật liệu tự nhiên cũng là một điều góp phần tạo nên cá tính rất riêng biệt cho phong cách này. Gỗ vẫn được xem là một loại vật liệu không thể thiếu đối với bất kỳ công trình kiến trúc nào thuộc giai đoạn này, đặc biệt là gỗ sồi, gỗ hồng, hoặc gỗ tếch với đường vân gỗ lộ rõ, giúp tạo điểm nhấn trong thiết kế. Kim loại và kính cũng là những vật liệu thường được kết hợp cùng nhau để điêu khắc nên những đường nét tinh giản và góc cạnh trong thiết kế mà vẫn giữ được nét thư thái và nhẹ nhàng. Ngoài những vật liệu rất đỗi quen thuộc nêu trên, thời kỳ Mid-Century cũng là cái nôi của các vật liệu hiện đại như fiberglass, nhôm, vinyl và nhựa. Chúng được sử dụng ngày càng rộng rãi với nhiều ứng dụng trong nội thất, ốp sàn, hoặc trang trí với tính linh hoạt cao trong tạo hình cũng như về màu sắc.

Khác với các phong cách tiền nhiềm của thời đại trước, nơi mà các hoạ tiết trang trí tinh xảo lên ngôi, Mid-Century Modern rất được lòng công chúng bởi tính ứng dụng cao và tối giản trong thiết kế. Nếu quan sát các công trình tiêu biểu của thời kỳ này như Farnsworth House của kiến trúc sư quá cố Ludwig Mies van der Rohe hoặc Case Study House của cặp đôi nổi tiếng Charles và Ray Eames, ta có thể dễ dàng nhận thấy các hình khối và chi tiết thiết kế đều được đơn giản hoá đến tối đa. Các sản phẩm nội thất được sử dụng cũng vô cùng đơn giản nhưng ấn tượng, tiêu biểu như chiếc ghế Lounge Eames kinh điển hoặc bàn trà Noguchi. Tuy sở hữu hình dáng và màu sắc tối giản, các thiết kế này lại được vô cùng chú trọng về công năng, sự tối ưu trong không gian, cũng như về công thái học, nhằm đảm bảo người dùng có được những trải nghiệm trọn vẹn nhất.

truong phai mid century modern cong trinh case study house

Case Study House được thiết kế bởi Charles & Ray Eames – Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Eames Foundation

truong phai mid century modern do noi that ghe eames lounge chair

Eames Lounge Chair – một item kinh điển được thiết bởi Charles và Ray Eames cho Herman Miller vào năm 1956. Ảnh: Herman Miller

Một số công trình và sản phẩm tiêu biểu theo trường phái Mid-Century Modern

Rất nhiều công trình và sản phẩm thuộc trường phái thiết kế này đã tạo nên cơn sốt không nhỏ trong giới kiến trúc và nghệ thuật nước Mỹ. Cho đến hiện nay, chúng vẫn được xem là một chuẩn mực trong thiết kế mà các kiến trúc sư và nhà thiết kế của các thế hệ sau vẫn không ngừng noi theo và học hỏi.

Farnsworth House là một kiệt tác kiến trúc tiêu biểu cho phong cách này ngự tại bờ sông Fox River tại Plano, Illinois, Hoa Kỳ. Được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Mies van der Rohe và hoàn thành vào năm 1951, ngôi nhà này là một biểu tượng của sự tối giản và tương tác tinh tế giữa sự phát triển bùng nổ của công nghiệp và bền vững của tự nhiên. Công trình bao gồm một tầng duy nhất được thiết kế bởi Ludwig Mies van der Rohe với mặt sàn được nâng lên khỏi mặt đất 1.6m và được bao bọc xung quanh bởi cửa kính từ sàn đến trần, góp phần vẽ nên một sợi dây kết nối giữa con người và thiên nhiên xung quanh – một sự kết nối trần trụi và không giấu giếm, cũng như cách ông phân chia các phân khu chức năng trong công trình này.

phong cach mid century modern cong trinh kien truc farnsworth house

Farnsworth House tại Illinois, Mỹ. Ảnh: William Zbaren

Không chỉ trong lĩnh vực kiến trúc, rất nhiều sản phẩm nổi thật cũng được xem như những tuyệt tác kinh điển trong giai đoạn này. Và đâu đó trong các công trình đương đại hiện nay, không ít lần chúng ta lại có dịp được nhìn thấy những thiết kế vượt thời gian ấy được sử dụng lần nữa nhằm tạo điểm nhấn cho không gian. Không thể không kể đến chiếc Barcelona hoặc ghế Eero Saarinen Tulip – các thiết kế này đều mang những hình khối ấn tượng và hiện đại nhưng cũng vô cùng thực dụng. Có thể nói rằng, lĩnh vực nội thất sau những năm 1950 có thể cho ta thấy những biến chuyển nổi trội nhất trong việc cải tiến vật liệu. Thông qua việc tối ưu hoá các vật liệu mới trong thị trường, rất nhiều thiết kế với hình thái và màu sắc độc đáo đã có thể được sản xuất rộng rãi. Đây cũng được xem là một bước tiến lớn trong sự kết hợp giữa tính nghệ thuật và tính thực nghiệm, khi các nhà thiết kế toàn tâm toàn ý đào sâu vào mối tương quan chặt chẽ giữa “form” – hình thái và “function” – tính ứng dụng.

truong phai mid century modern do noi that barcelona chair

Mẫu ghế Barcelona được thiết kế bởi Ludwig Mies van der Rohe. Ảnh: Knoll

phong cach mid century modern do noi that tulip chair

Mẫu ghế Tulip của Eero Saarinen trong bối cảnh năm 1971. Ảnh: Ullstein Bild

Ứng dụng của phong cách Mid-Century Modern trong thời điểm hiện tại

Trong những năm gần đây, phong cách Mid-Century Modern đang được hồi sinh và trở nên phổ biến trong các công trình kiến trúc cả ở châu Mỹ, châu Âu, lẫn châu Á. Có nhiều lý do giải thích sự ưa chuộng này, trong đó bao gồm: nét hoài cổ tinh tế pha lẫn dấu ấn thời đại của những năm 1940-1950, sự đơn giản và tinh gọn trong đường nét, và cũng không thể không kể đến tính bền vững thông qua việc sử dụng vật liệu tự nhiên.

Ngôi nhà Moore House được thiết kế theo phong cách Mid-Century Modern. Công trình được cải tạo bởi đội ngũ Woods + Dangaran tại Los Angeles với diện mạo tối giản nhưng cũng không kém phần ấn tượng thông qua những đường nét tinh gọn và vuông vức, độ tương phản vừa đủ giữa tông gỗ đỏ, màu đen của khung cửa kim loại, và lớp kính bao bọc xung quanh. Không gian nội thất được trau chuốt với tông màu tươi sáng hơn, vừa đủ để làm nổi bật khung cảnh thiên nhiên xung quanh qua khung cửa kính và các sản phẩm nội thất tiêu biểu của trường phái kiến trúc của ngôi nhà.

phong cach mid century modern noi that

Không gian nội thất tinh giản với gỗ teak và cửa kính từ sàn đến trần, cùng chiếc ghế Eames Lounge Chair kinh điển. Ảnh: Joe Fletcher

phong cach mid century modern cong trinh kien truc apus house

Apus House thiết kế bởi Aguilo + Pedraza Arquitectos. Ảnh: Marcos Zegers

Không chỉ có tính ứng dụng cao trong công trình nhà ở, phong cách Mid-Century Modern còn được áp dụng trong một số không gian dịch vụ và công cộng, tiêu biểu như công trình khách sạn Villa W được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Philippe Starck, ngự tại bờ biển xinh đẹp Saint-Tropez. Các vật liệu cùng sự kết hợp quen thuộc lần nữa lại được nhìn thấy ở công trình này, pha thêm một chút lãng mạn rất riêng của nước Pháp. Không gian bên trong khách sạn như hoà cùng phong cảnh tuyệt vĩ bên qua thông qua lớp kính cao từ sàn đến trần, đồng thời mang lại cảm giác mến khách và thân thuộc thông qua các tông màu tự nhiên và ấm cúng.

phong cach mid century modern noi that villa w phillippe starck

Khách sạn Villa W tại Saint-Tropez được thiết kế bởi Philippe Starck. Ảnh: Novembre Studio

phong cach mid century modern noi that villa w phillippe starck

Nội thất tại khách sạn Villa W tại Saint-Tropez. Ảnh: Novembre Studio

Có thể dễ thấy rằng, Mid-Century Modern là một trong những phong cách được ưa chuộng rộng rãi trong cộng đồng kiến trúc những năm gần đây. Những công trình kiến trúc kinh điển được tạo hình trong thời kỳ đỉnh cao của phong cách này đã làm nên biết bao tên tuổi nổi tiếng như Le Corbusier, Frank Lloyd Wright, hoặc Oscar Niemeyer. Các công trình này vẫn luôn được xem như những nguồn cảm hứng bất tận cho cộng động kiến trúc sư và thiết kế cho đến tận ngày nay. Các sản phẩm nội thất trong thời kỳ này vẫn được xem là những thiết kế kinh điển và vượt thời gian. Vì vậy, thật không ngoa khi nói rằng Mid-Century Modern quả thật tiềm năng trở thành một trong những phong cách được nhiều người theo đuổi trong những năm sắp tới và kể cả trong tương lai xa hơn.

Thực hiện: Anh Phương


Xem thêm

Clear Oak-“Viên ngọc” Mid-century của California

Ngôi nhà Mid-century: tách cà phê giữa không gian ấm áp

Villa Papillon: Sự kết hợp giữa kiến trúc, nghệ thuật và thiên nhiên