Để tìm hiểu về văn hóa của một quốc gia hay một nền văn minh, kiến trúc là một trong những nguồn đem lại nhiều tư liệu quý giá nhất, được các nhà sử học, khảo cổ học nghiên cứu, trong đó có những ngôi đền uy nghi. Để phục vụ cho mục đích thờ tự, bên cạnh những công trình mang tính di sản, nhiều quốc gia có tôn giáo lớn đã xây dựng nên những tòa nhà mới, chứa đựng những nét truyền thống đặc trưng riêng.
1. Đền Lotus (New Delhi, Ấn Độ)
Nằm tại trung tâm thủ đô New Delhi, Lotus Temple với hình dáng hoa sen hiện lên như một biểu tượng cho hòa bình và sự thuần khiết. Công trình được kiến trúc sư Iran – Mỹ Fariborz Sahba thiết kế vào năm 1986, với 27 cánh hoa được làm từ bê tông phủ đá cẩm thạch trắng sắp xếp thành các cụm ba cánh, tạo nên chín mặt ngoài. Đá được nhập khẩu từ núi Penteli ở Hy Lạp, nơi cung cấp vật liệu cho các công trình như đền Parthenon. Thiết kế mở với các khoảng trống thoáng đãng, cho phép không khí lưu thông tự nhiên và ánh sáng len lỏi qua mái vòm vừa tiết kiệm năng lượng vừa tạo hiệu ứng thị giác độc đáo cho ngôi đền. Là ngôi đền Bahá’í giáo, không gian bên trong không có bất kỳ biểu tượng tôn giáo nào. Lotus Temple mở cửa cho tất cả mọi người thuộc mọi tín ngưỡng đến đây cầu nguyện và thiền định.
2. Đền Byodo-In (Kaneohe, Hawaii)
Ngôi đền nằm ẩn mình giữa không gian xanh ngát của Công viên Tưởng niệm Valley of the Temples trên đảo Oahu, là hiện thân của vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản tại Hawaii. Công trình được xây dựng nhằm kỷ niệm 100 năm ngày những người Nhật đầu tiên di cư đến quần đảo. Byodo-In là phiên bản tái hiện của ngôi đền cùng tên nổi tiếng ở Kyoto, biểu tượng của phong cách kiến trúc thời Heian với những mái ngói cong và không gian hài hòa với thiên nhiên. Tại đền Byodo-In có một quả chuông đồng lớn, nặng khoảng 3 tấn. Khách tham quan có thể gõ chuông để cầu nguyện may mắn và bình an trong cuộc sống.
3. Shri Swaminarayan Mandir (Robbinsville, New Jersey)
Là một trong những ngôi đền Hindu lớn nhất Bắc Mỹ, Shri Swaminarayan Mandir nổi bật với kiến trúc tinh xảo, đặc biệt là các chi tiết chạm khắc trên đá cẩm thạch trắng và sa thạch hồng. Các phiến đá được chế tác thủ công tại Ấn Độ, sau đó vận chuyển đến New Jersey để lắp ráp hoàn chỉnh. Thiết kế đối xứng tạo nên cảm giác hài hòa về mặt thị giác, biểu trưng cho sự cân bằng, hoà bình và sự phát triển tinh thần. Shri Swaminarayan Mandir còn chú trọng đến tính bền vững trong thiết kế, với các biện pháp hiệu quả để sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và thân thiện với môi trường, ví dụ như kiến trúc đền được tính toán để ánh sáng tự nhiên chiếu vào những vị trí cần thiết.
4. Meenakshi Amman Temple (Madurai, Ấn Độ)
Nằm tại thành phố cổ Madurai, đền Meenakshi Amma là một trong những công trình có bề dày lịch sử lâu đời và nổi bật nhất trong nền văn hóa và kiến trúc của Nam Ấn. Ngôi đền là minh chứng cho kiến trúc Dravidian truyền thống, thể hiện qua 14 ngọn tháp gopuram rực rỡ sắc màu và những bức tượng thần linh, chiến binh, ma quỷ và các loài vật. Sự đa dạng này nhằm biểu thị tính chất phong phú của thế giới tâm linh và cuộc đấu tranh giữa thiện và ác. Đền có bốn lối vào chính, mỗi lối quay về một hướng khác nhau, tượng trưng cho sự tiếp đón và chia sẻ đức tin với toàn thế giới. Công trình thờ chính dành riêng cho nữ thần Meenakshi và thần Shiva, thu hút hàng triệu tín đồ và du khách đến chiêm ngưỡng mỗi năm.
5. Pura Taman Ayun (Bali, Indonesia)
Được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Bali, Pura Taman Ayun được xây dựng vào năm 1634 bởi vua Tjokorda Sakti Blambangan của vương quốc Mengwi, từng là trung tâm tâm linh chính của vương triều lúc bấy giờ. Đền gồm nhiều sân và khu vực khác nhau, tượng trưng cho các cấp độ tâm linh. Bố cục tuân theo nguyên tắc vũ trụ học của Bali, với khu vực ngoài tượng trưng cho thế giới trần tục và khu vực trong tượng trưng cho nơi thiêng liêng nhất. Điểm nhấn của Pura Taman Ayun là các tháp Meru với nhiều tầng mái, tượng trưng cho núi Meru – ngọn núi thiêng trong vũ trụ quan Hindu và Phật giáo. Mỗi tháp được dành riêng cho các vị thần và tổ tiên tâm linh, với thiết kế cao nổi bật giữa không gian xanh mướt của khu đền.
6. Bahá’í House of Worship (Wilmette, Illinois)
Đền thờ Bahá’í House of Worship ở Wilmette, tiểu bang Illinois (Hoa Kỳ), thường được gọi là “Ngôi Đền Mẹ của Phương Tây”, là đại diện cho sự thống nhất giữa con người và các tôn giáo. Lớp ngoài của công trình được làm từ xi măng Portland kết hợp với thạch anh nghiền, trong khi phần khung bên trong chủ yếu là thép để tạo độ bền vững cho toàn bộ cấu trúc. Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Canada gốc Pháp Louis Bourgeois, tòa nhà kết hợp các yếu tố Gothic và Romanesque, cùng với các họa tiết Ả Rập và các biểu tượng lấy cảm hứng từ Đông Nam Á.
Đền có chín mặt cùng một mái vòm trung tâm, biểu trưng cho sự hòa hợp và thể hiện niềm tin của Bahá’í về sự kết nối của nhân loại và tôn giáo. Mỗi cột trụ đều được khắc các biểu tượng đại diện cho các tôn giáo lớn của thế giới, sắp xếp từ dưới lên trên theo thứ tự xuất hiện trong lịch sử. Tuy nhiên, bên trong đền không có hình ảnh hay biểu tượng nào ngoài dòng chữ “O Glory of the All-Glorious” (Lạy Ngài, Sự Vinh Quang Của Đấng Tối Cao).
7. Angkor Wat (Siem Reap, Cambodia)
Angkor Wat, nằm gần Siem Reap, Campuchia, là một trong những công trình tôn giáo lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới. Ngôi đền được xây dựng vào đầu thế kỷ 12 dưới thời vua Suryavarman II để thờ thần Vishnu theo Ấn Độ giáo, nhưng sau đó đã chuyển thành một ngôi đền Phật giáo. Công trình đồ sộ này bao phủ diện tích 162,6ha, với một hào nước rộng bao quanh và kéo dài gần 5,5km.
Kiến trúc Angkor Wat nổi bật với các bức phù điêu tinh xảo, miêu tả những câu chuyện huyền thoại từ sử thi Hindu như Ramayana và Mahabharata. Tháp trung tâm của ngôi đền, cao khoảng 65m, tượng trưng cho núi Meru – trung tâm của vũ trụ trong tín ngưỡng Hindu và Phật giáo. Đặc biệt, bố cục của Angkor Wat có sự ăn khớp với các hiện tượng thiên văn: vào ngày xuân phân, mặt trời mọc ngay phía sau tháp trung tâm. Không giống nhiều đền thờ Hindu khác, Angkor Wat lại quay mặt về hướng Tây, điều này được cho là biểu trưng cho thế giới của thần Vishnu và có khả năng liên quan đến ý nghĩa về tang lễ và sự kết thúc.
Thực hiện: Tú Nguyên
Xem thêm
Vẻ đẹp trường tồn của những ngôi làng cổ nổi tiếng nhất thế giới