Đi tìm hoa sắt nở chốn rào thưa

Cầu kỳ, tinh tế, duyên dáng và mềm mại đến khó tin, những đường nét uốn lượn của kỹ thuật sắt uốn ở kiến trúc thuộc địa trên đất Việt luôn khiến người xem phải ngạc nhiên. Tìm gặp hoa sắt trên những công trình xưa chính là tìm về thời kỳ trang trí kiến trúc đỉnh cao mà nay không dễ lặp lại.

Giữa khung cảnh bề thế của những khối nhà cao tầng ở các khu đô thị mới, nhìn chi tiết sắt uốn nhỏ xinh, có cái đã qua trăm tuổi dãi dầu sương gió, hoen rỉ, xuống cấp, cũ nát, xập xệ đang chờ thanh lý vào ve chai sắt vụn thật khiến ta tiếc nuối, cảm thương. Vẻ đẹp từ những thanh hoa sắt uốn mềm mượt như nét lụa đang bị chìm lấp trước nhộn nhịp phố thị, trước cả bừa bộn của chính công trình mà ngày xưa vẻ đẹp sắt uốn nơi tường rào – cổng – cửa ấy thực sự là niềm kiêu hãnh.

hoa sắt 13

Đồ án hoa thị trên cổng rào Dinh Gia Long (Bảo tàng TP.HCM) – 1890, theo thiết kế của KTS Alfred Foulhoux.

hoa sắt 12

Chi tiết hoa sắt được thể hiện cầu kỳ, tinh tế trên tường rào Dinh Gia Long xưa.

hoa sắt 11

Tường rào Bảo tàng Chứng tích chiến tranh với các chi tiết hoa sắt thanh nhã, bố cục chặt chẽ.

Ở Sài Gòn, theo những con đường Võ Văn Tần, Lê Duẩn, Nguyễn Đình Chiểu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phó Đức Chính… không khó tìm ra vô số các chi tiết sắt uốn rất đẹp trên tường rào, bao quanh các biệt thự cổ đã bị chia năm xẻ bảy, hay bị khỏa lấp bởi hàng quán cho thuê. Những chi tiết hoa sắt vẫn ở đó, những may mắn còn được chăm chút bởi lớp sơn, còn phần lớn bị bỏ quên bởi giá trị vẻ đẹp rào, hoa sắt chẳng thể so với mặt bằng cho thuê thời thị trường. Đến Hà Nội, cũng gặp không ít hình ảnh xuống cấp của những mô típ trang trí ngoại thất từng kiêu hãnh trên phố Lê Thái Tổ, Nguyễn Quang Bích, Chân Cầm… nay đang bị thời gian gặm tàn các chi tiết đẹp.

hoa sắt 10

hoa sắt 9

Các đồ án hoa sắt Tây nhưng được bản địa hóa thành hoa văn sóng nước, vân mây, viên châu trên đường Võ Văn Tần.

hoa sắt 8

Tường rào hoa sắt bề thế của Dinh Gia Long vẫn như nguyên bản qua hơn trăm năm tồn tại.

Sắt uốn theo đồ án hoa lá, biểu đạt kỹ thuật đỉnh cao
qua sự mềm mại, tự nhiên, thanh thoát, vui tươi
là trào lưu chế tác sắt mỹ nghệ
theo phong cách Art Nouveau
du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ 20.

hoa sắt 7

Sắt biến thành hoa lá đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề chế tác phải đạt đỉnh cao mới có thể thực hiện.

hoa sắt 6

Vòm cổng của biệt thự 140A Nam Kỳ Khởi Nghĩa với vẻ đẹp kiêu sa của hoa sắt.

Đứng trước vòm sắt uốn đầy hoa mỹ ở 60 Võ Văn Tần, hay các chi tiết hoa lá mềm mại ở 140A Nam Kỳ Khởi Nghĩa… vẻ đẹp từ toàn cảnh đến tiểu tiết của hoa sắt đủ khiến người yêu mỹ thuật trang trí kiến trúc phải ngẩn ngơ. Nhìn các chi tiết quyến rũ ấy, vẫn có thể khẳng định tay nghề thợ rèn cùng máy móc thời đại hôm nay, việc tạo nên những công trình sắt uốn tương tự không phải là quá khó.

Thế nhưng, khi tìm hiểu thêm về nghề chế tác sắt mỹ nghệ, lại phát hiện ra một nghịch lý. Quan niệm cửa, tường rào bây giờ phải kín cổng cao tường, cộng thêm gu thẩm mỹ khác biệt, nặng về phô trương sự bề thế khiến cho đất diễn theo phong cách trang trí hoa sắt xưa ngày càng thu hẹp. Thợ chế tác hoa sắt cũng ngả theo thị trường vì lợi ích kinh tế.

hoa sắt 5

Chi tiết hoa sắt trên cổng vào và vòm cổng ở 60 Võ Văn Tần, một công trình hiếm hoi được bảo tồn nguyên trạng vẻ đẹp xưa.

hoa sắt 4

Vẻ đẹp phong phú, đa dạng của các đồ án hoa sắt
trên tường rào – cổng – cửa trong kiến trúc thuộc địa
đáng được quan tâm và nghiên cứu trước khi bị mai một.

hoa sắt 3

Cổng sắt ở 44 Lê Thái Tổ ở trụ sở tòa báo tiếng Pháp đầu tiên ở Hà Nội L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ), xây dựng năm 1893.

hoa sắt 2

Cổng sắt hài hòa với kiến trúc ở Tòa đại hình Sài Gòn, hoàn thiện năm 1885, nay là Tòa án Nhân dân TP.HCM.

hoa sắt 1

Hoa sắt duyên dáng có từ năm 1877 trên tường rào trường Lê Quý Đôn, TP.HCM.

Hoài Trung – thợ chế tác sắt mỹ nghệ với gần 20 năm hành nghề ở Tân Triều, Hà Nội, chia sẻ về hoa sắt xưa: “Mình nghiên cứu và sưu tầm nhiều mẫu hoa văn, đồ án hoa sắt, chấn song, cổng xưa để làm nghề, thấy mẫu mã và phong cách riêng ở Việt Nam rất đa dạng, nhưng khó tìm được chủ đầu tư. Người có đủ điều kiện thường không muốn người khác săm soi, nhìn vào nhà mình, và cũng phần đảm bảo an toàn nên cửa sắt, rào sắt nhận thi công bấy giờ thường là kín bít, nặng nề, ngăn cách chứ không thanh thoát, thông thoáng và nhấn nhá bằng đường nét, chi tiết kỹ thuật như hoa sắt ngày xưa”.

Chẳng lẽ vẻ đẹp lộng lẫy một thời của hoa sắt chốn rào thưa trong kiến trúc Đông Dương – mang nhiều dấu ấn khác biệt với kiểu thức nguyên bản – lại không có cơ hội thêm một lần tỏa sáng?!

Thực hiện & Ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Theo mâm cúng du xuân

Mỗi mùa hội Xuân – Dấu xưa còn mãi