Theo mâm cúng du xuân

Bày mâm cúng, sắp lễ vật đầu xuân hàm chứa giá trị nghệ thuật đặc biệt, độc đáo của người Việt. Mỗi mâm cúng như một thông điệp, một lời khấn nguyện nên được chăm chút tối thượng cả hình thức và nội dung với ước mong được thần linh phúc đáp.

Cúng đình, đền, cúng rằm, cúng sao, cúng tổ… dịp đầu Xuân, nhìn ở toàn cảnh, là một bức tranh sặc sỡ sắc màu từ những mâm cúng được chuẩn bị một cách tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ, được nghiêm cẩn dâng lên linh thần.

mâm cúng 18

Têm trầu trong mâm cúng Huệ Minh công chúa ở đền Kim Liên.

Ở mối quan hệ làng xã, mỗi dịp hội Xuân, mâm cúng chính là nơi thể hiện bản sắc của nghề nghiệp thông qua các lễ vật được trưng bày gắn với nghề truyền thống của làng. Đơn cử như làng nghề Đông Hồ – nơi được mệnh danh là thủ phủ hàng mã của đồng bằng Bắc bộ – mâm cúng trong hội làng chính là dịp phô diễn tài nghệ của các dòng họ được phân công tạo tác nên vật phẩm ưng ý nhất từ hàng mã để dâng lên thần linh trong dịp hội làng (diễn ra từ 14 – 16/03 âm lịch). Cả một năm ròng sản xuất hàng mã phục vụ khách tứ phương, cũng với những nguyên liệu làm hàng mã thông thường như khung tre nứa, giấy bìa, giấy bồi, phẩm màu… các thợ thủ công Đông Hồ hẳn chăm chút hơn khi tác tạo đồ cúng cho ngày trọng đại của làng. Những hình nhân vô tri, những voi, ngựa, xe, thuyền… bỗng trở nên sống động, có hồn với tài thể hiện bằng kỹ thuật cắt dán, phối màu sắc trong các chi tiết trang trí. Ở góc độ nghề nghiệp, qua mỗi dịp hội làng, những kỹ thuật mới trong sản xuất lại được lớp thợ sau học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, rèn luyện tay nghề. Ở góc độ tâm linh, dịp hội làng với vật cúng đúng nghề thay lời cảm tạ lên thần linh đã ban cho làng xã một năm sung túc, thịnh vượng.

mâm cúng 17

Hàng mã với sắc màu sống động do người làng Đông Hồ chế tác.

mâm cúng 16

Hàng mã kích cỡ lớn trong lễ cúng đình Phú Thượng

Chế tác hàng mã nay kết hợp kỹ thuật thiết kế,
cắt dán hiện đại, tạo mẫu mã bề thế, bắt mắt,
đúng nhu cầu trần sao – âm vậy.

mâm cúng 15

Mâm cúng sao đơn sơ ở làng nghề đúc đồng Đại Bái.

mâm cúng 13

Mâm cúng đậm sắc vàng của người dâng lễ Bà Chúa Kho.

Mỗi mâm cúng trong tiết Xuân còn là cơ hội khám phá những nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng. Trong một lễ cúng sao giải hạn ở làng nghề đúc đồng Đại Bái ngay bên giếng ông Gióng, mâm cúng thật giản đơn với cây trái vườn nhà, cơm nắm muối vừng và một ít hàng mã đơn sơ nhưng đầy chân thành của người làng quê chất phác, hiền hậu. Trẻ con, phụ nữ, người già của làng quây quần bên giếng, nghe tục truyền Thánh Gióng khi đánh đuổi gặc Ân qua nơi này đã nghỉ chân ăn trầu, nhả cốt trầu khiến nước giếng xưa nay màu phớt đỏ. Lễ cúng kết thúc cũng là lúc mọi người vui vẻ chia lộc với ước vọng nhận được nhiều niềm vui, may mắn cho năm mới.

mâm cúng 12

Mang bao vàng thỏi lên đền Bà Chúa Kho để cầu lộc.

mâm cúng 11

Thợ làm hàng mã ở làng nghề Đông Hồ.

Với giới làm ăn, mâm cúng của người đến Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) theo quan niệm “Đầu năm đi vay, cuối năm đi trả”, nên không khó nhận ra những sắc màu vật chất, muốn vay bà nhiều mâm cúng phải bề thế cho tương xứng, phủ đầy cành vàng lá ngọc, vàng thỏi, vàng miếng, vàng lá… chồng chồng lớp lớp một cách bài bản, hệ thống cùng đội ngũ bày cách sắp mâm cúng, xin lộc Bà… ở đủ mọi giá thành.

mâm cúng 10

Kiệu bát cống chuẩn bị trong lễ rước Kinh Dương Vương.

mâm cúng 9

Dòng người mang mâm cúng dâng lên Cao Sơn Đại Vương.

mâm cúng 8

Kiệu bay trên phố trong lễ hội đền Kim Liên.

Trở lại hội Xuân ở thôn làng, ngoài phần việc chuẩn bị mâm cúng, dân làng cũng sẵn sàng cho phần hội vui với các đám rước kiệu bát cống kèm bộ bát bửu, rồi tán lọng, cờ quạt rợp trời, cùng nhau rước thỉnh linh thần ngự giá, tạo nên một không khí lễ hội tưng bừng, huyên náo, vui nhộn. Tham dự lễ hội cũng là cớ để chị em phụ nữ trổ tài đảm đang, thông qua những lễ vật tự tay thực hiện, bày biện bắt mắt và lấy đó làm niềm tự hào. Có thể tìm thấy trong mâm cúng đầu Xuân những miếng trầu têm cánh phượng – một kỹ thuật đang dần bị lãng quên, mai một bởi ngày nay không mấy ai nhai trầu với “những nàng môi cắn chỉ quết trầu”, hay “những cô hàng xén răng đen”… như miêu tả của Hoàng Cầm trong Bên kia sông Đuống.

mâm cúng 7

Trai làng Phú Thượng với mâm cúng gà trống, con vật hàm chứa 5 đức tính người đàn ông mong đạt được: Văn – Võ – Dũng – Nhân – Tín.

mâm cúng 6

Mỗi mâm cúng luôn được chăm chút, trang hoàng vẹn đầy, gửi gắm những ước nguyện đầu Xuân.

Trong các lễ hội Xuân xứ Bắc
thường có rước kiệu với cao trào là hiện tượng kiệu bay.

Quan niệm dân gian tin rằng
khi kiệu bay liêu xiêu là lúc linh thần về ngự giá.

mâm cúng 5

Gái làng dâng lễ ở đền Kim Liên với con gà luộc buộc thế cánh tiên.

mâm cúng 4

Mâm cúng Bà Chúa Kho được trình bày ấn tượng.

Những mâm cúng ngập đầy xôi thơm dẻo của các cô gái làng Phú Thượng – làng nghề nấu xôi – bên nụ cười tỏa nắng dâng lên Thành Hoàng làng ngày hội đình, hay con gà luộc buộc thế cánh tiên của hội gái làng Kim Liên dâng lễ lên đấng Cao Sơn Đại Vương đều là những chăm chút hẳn là được truyền đời và tiếp nối qua các thế hệ phụ nữ trong gia đình, dòng tộc.

Du Xuân qua các miền lễ hội, có thể cảm được mỗi mâm cúng không chỉ đơn thuần là lễ vật nhân gian mà còn biểu đạt tình yêu, lòng thành kính, vẻ đẹp, sự khéo léo cùng những ước mơ gửi gắm theo công sức vun đắp cho mâm cúng vẹn toàn cả về hình thức lẫn nội dung, tạo thành một vẻ đẹp hấp dẫn, là điểm nhấn thú vị trong các lễ hội dịp Xuân về.

mâm cúng 3

Rộn ràng mâm cúng dâng Thành Hoàng ở đình làng Phú Gia.

Gà được hóa kiếp giúp chuyển lời khấn lên linh thần.

Nhìn dáng gà trong mâm cúng, có thể hiểu được tâm ý:
tạ lễ cúng gà có dáng quỳ,  gà cánh tiên;
cầu lễ chọn dáng gà chầu, gà bay.


HÀNG MÃ ĐÔNG HỒ

Nổi tiếng một thời với “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong”, cùng thú vui mua tranh Đông Hồ treo Tết của người đồng bằng Bắc bộ, làng tranh Đông Hồ nay được biết đến nhiều hơn bởi là đại công xưởng chế tác đồ vàng mã, phục vụ việc thờ cúng cho Hà Nội và các vùng lân cận. Vận dụng kỹ thuật bồi giấy bằng bột gạo, bột nếp, người làng Đông Hồ thỏa sức tạo hình thành các chủng loại hàng mã với áo mão cân đai, hình nhân, ngựa xe, đến nhà cửa, tiền vàng theo nhu cầu thị trường. Ở các lễ hội Xuân đất Bắc ít nhiều đều thấy sự hiện diện của hàng mã Đông Hồ.

mâm cúng 2


TỤC HÓA VÀNG NGÀY TẾT

Mỗi dịp cuối năm, hàng mã của các làng nghề như Đông Hồ, Phúc Am làm không kịp nhu cầu xuất xưởng, bởi ngoài phục vụ nhu cầu Tết còn phải đáp ứng nhu cầu từ các đền, phủ, miếu vào mùa trình đồng (lên đồng). Chỉ nhìn vào số lượng ước tính đến hơn 40.000 tấn hàng mã tiêu thụ hằng năm, phản ánh một thực tế nghề hàng mã ăn nên làm ra, ngược lại cũng sẽ là số lượng tương đương như thế được hóa vàng. Giáo hội Phật giáo đã đưa ra nhiều lời kêu gọi, tư vấn mọi người không nên đốt hàng mã thái quá, vô độ, nhằm từng bước hạn chế, loại bỏ tục lệ lãng phí này.

mâm cúng 1

Thực hiện: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Vẻ đẹp sắt và đẳng cấp vương quyền

Nét Việt trên cốt gốm Lái Thiêu