Nghiêng theo Sắc – Ý – Hình của gốm

Sắc men đa dạng, ý tưởng dồi dào, tạo hình dị biệt… gốm trở thành phương tiện chuyển tải ngôn ngữ thể nghiệm, với cách kể chuyện quen – lạ, lạ – quen.

Dòng chảy gốm Việt nay đã đi xa hơn ranh giới của làng nghề, vùng miền, phong cách, kỹ thuật… để chạm đến ngôn ngữ thể hiện mới. Gốm không còn là sản phẩm, mà trở thành tác phẩm, ẩn trong đó là nghệ thuật, kiểu dáng, màu sắc, ý tứ… được đan cài tài tình, tạo cho gốm vẻ đẹp đặc biệt, từ biểu hiện đến cả nội dung.

Gốm xanh trắng của họa sĩ Hà Huy Mười là một ví dụ. Đẹp trong veo như vốn dĩ của hai màu xanh – trắng, đường nét, cấu tứ thể hiện cũng tiết chế, nhẹ nhàng, thanh thoát, khác với những quen thuộc trong hội họa trên các chất liệu khác của Hà Huy Mười. Vẽ lên gốm, với họa sĩ, là một thể nghiệm mới trong cách anh giãi bày ngôn ngữ hội họa.

Gom giao duong co kinh

Hình ảnh Giáo đường cổ kính qua lối thể hiện họa pháp tam lam trên nền cốt gốm trắng.

Hoa si Ha Huy Muoi

Họa sĩ Hà Huy Mười

Gom Ha Huy Muoi

Một thể hiện trừu tượng quen gặp ở hội họa Hà Huy Mười, nhưng lần này là trên gốm.

Hoa si Ha Huy Muoi 2

Nhiều đề tài khác nhau được Hà Huy Mười thể hiện ngay lần đầu tiên chơi với gốm.

Kỹ thuật điều khiển màu chàm lam đa sắc (cùng một màu xanh nhưng thể hiện nhiều tông sắc khác nhau từ đậm đến nhạt) để diễn đạt những đường nét, hình ý, trong đó có chi tiết tỉ mỉ, chau chuốt, cũng có những loang chảy mờ nhòa, tất cả gói gọn vào bố cục chiếc đĩa nhỏ, tạo thành loạt tác phẩm gốm đầu tay đầy thú vị. Họa trên nền gốm, nguyên vẹn ở đó bút pháp Hà Huy Mười, nhưng khi đem tôi luyện qua lửa lò, lại trở thành một Hà Huy Mười rất thanh, thơ, dịu nhẹ đến bất ngờ.

Nhiều thứ vẹn toàn, khi đem hòa vào nhau, không phải lúc nào cũng thêm hoàn hảo. những bất toàn, đem tách rời chỉ càng thêm vô dụng, nhưng có kết nối, uốn nắn, chỉnh sửa, tôi luyện, hòa hợp, sẽ trở nên hữu dụng, vẹn toàn. Cách dùng gốm chuyển tải nội dung trong triết nghiệp của họa sĩ sơn mài Nguyễn Xuân Lục lại ở chiều hướng khác khi sử dụng phôi gốm đã định hình toàn vẹn từ dáng ấm chén trong trà cụ Việt. Người họa sĩ lấy cái vẹn hình của gốm, đưa chúng vào chiều không gian mới, thử thách độ kết dính, tính chịu lực, biến cái không thể trong hình dung, thành cái có thể khi mẻ gốm hoàn thiện.

Hoa si Nguyen Xuan Luc

Họa sĩ sơn mài Nguyễn Xuân Lục

Gom am chen

Ấm chén với những kết dính ngẫu nhiên trong gốm thể nghiệm của họa sĩ sơn mài Nguyễn Xuân Lục.

Cau tao chat lieu

Một tác phẩm gốm gợi về khái niệm sắp đặt, tạo hình, thử thách về cấu tạo chất liệu.

Khoi am chen

Khối ấm chén nén hình có chủ ý, gợi về méo mó mất cân đối, nhưng cũng thể hiện tính kết nối liền lạc, hoàn hảo.

Những méo mó vô định khi cả khối ấm chén nén vào nhau có chủ ý, nhưng tổng thể được kết thành một khối vuông vức, cân đối, hoàn chỉnh. Trong toàn vẹn ấy, nếu soi kỹ vào tiểu tiết đều thấy rõ sự bất toàn, ấm chén giờ đã không còn nguyên vẹn, trở nên dị dạng, bất thường, nếu tách rời ra, chắc chắn thành vô dụng. Triết nghiệp trong biểu hiện của Nguyễn Xuân Lục là ranh giới của hoàn chỉnh, méo mó, chông chênh, mong manh để kết lại thành chỉnh thể khối hình hợp nhất. Đây cũng là những tác phẩm gốm đầu tay của Nguyễn Xuân Lục, mượn cái sẵn có, biến thành phương tiện, chuyển vào ngôn ngữ đậm tính triết lý, gốm đứng một mình là gốm, nhưng kết vào nhau, lại kể được lẽ đời.

Khi làm chủ được chất liệu, quy trình, công nghệ, gốm sản phẩm dễ dàng đáp ứng thị trường, và cũng có thể phát triển thành tác phẩm, giá trị cao. Sự biến ảo của gốm khi qua lửa lò, chính là sự hấp dẫn khiến Lê Minh Đại quyết định khởi nghiệp với nghề gốm. Và hướng đi, cũng theo một con đường khác biệt, ấy là tiếp cận với kỹ thuật và công nghệ sản xuất hiện đại để ứng dụng vào chế tác gốm.

Le Minh Dai

Vai gap doc dao

Thử nghiệm độ mềm mại của gốm qua tạo hình như tấm vải gấp độc đáo.

Gom men xanh

Tiên nữ trong trang trí kiến trúc đình Việt cổ được tái hiện qua cốt gốm men xanh.

Mang gom vai

Mảng gốm với bề mặt mang tạo hình gợi về sợi liên kết như trong vải.

Quyen ru tren cot gom

Gốm thành phương tiện để người chơi thỏa sức thể hiện những tính năng quyến rũ trên cốt gốm.

Lê Minh Đại chứng minh việc sản xuất bây giờ không lệ thuộc vào chuỗi giá trị, kinh nghiệm người thợ đất, men, lửa như ngày xưa. Khoa học công nghệ giúp rút ngắn thời gian nhiều công đoạn, từ chọn nguyên liệu, lọc đất, pha chế men, đến phần nung đốt cũng được hỗ trợ toàn phần bởi công nghệ, lò nung được điều khiển bằng chế độ tự động theo phác đồ nhiệt lập trình sẵn.

Tư duy đến với gốm của Lê Minh Đại cũng rõ nét, không tận dụng tính tuỳ biến của sản phẩm trước và sau nung để tìm yếu tố bất ngờ. Đại quan điểm: “Gốm hoàn thiện, dù hình hài thế nào, đều phải nằm trong chủ đích, ý muốn, phạm vi điều khiển của người tác tạo. Khi đã làm chủ được công nghệ, kỹ thuật, tay nghề sẽ tự đồng hành, việc làm gốm thành đơn giản, dễ ứng dụng”.

Nguyễn Dương vẽ nhiều, với trên chục năm chinh chiến, khi nhập vào gốm, loạt tác phẩm đầu tay thể hiện ngay thứ ngôn ngữ kỳ dị, chẳng theo trường phái hay hình mẫu cụ thể nào. Nguyễn Dương lấy tạo hình cho gốm từ dáng cá thòi lòi vùng nước lợ, khoác lên tạo hình ấy chiếc áo đa sắc, đa sự bằng ngôn ngữ hội họa. Thế nên, trong loạt gốm đầu tay của Nguyễn Dương, thấy rõ đậm chất đời, ở đó có phản biện xã hội, có tâm tư uẩn khuất được biểu lộ, có tưng bừng tươi mới, hoan hỉ, khoái lạc… tựu trung vào ngôn ngữ cụ thể là gốm.

Nguyen Duong

Nguyễn Dương

Mam Nguyen Duong

Chiếc mâm bồng nâng niu mảnh vỡ nhân gian, vỡ chi tiết nhưng lành tổng thể.

Con ca thoi loi

Con cá thòi lòi bước vào nghệ thuật gốm với lớp áo tưng bừng, hoan hỉ đầy khác lạ.

Nguyen Duong 2

Dấu ấn mùa yêu đầy mãnh liệt của cá được nhân cách hóa nên ước mơ con người.

Ở góc nhìn mỹ thuật, tạo hình trong gốm Nguyễn Dương là cuộc chơi của ngôn ngữ điêu khắc, hình quen, nhưng ý lạ. Cá chẳng còn là cá khi được nhân cách lên thành ước mơ của người thông qua các gam màu gợi lạc hoan ca, ngập tràn cơn phấn chấn. Tưởng là màu vui, hóa ra đó không phải ý người nghệ sĩ muốn thể hiện. Nguyễn Dương dùng màu, chỉ để biểu lộ: “Cuộc đời, giả dối tràn lan, bề ngoài đậm hồng tươi vui, nhưng cốt lõi trái ngược toàn tập”.

Trong hành trình sáng tác gốm, nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu là người ưa thích tìm tòi, khám phá, mục đích tìm cho mình nhiều trải nghiệm mới. Loạt tác phẩm trang trí đề tài dân gian, trích từ dòng tranh thờ Hàng Trống là ví dụ cụ thể. Nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu chọn những vị tiên thánh, thần phật, rồi đến các quan, hoàng, cô, cậu… quen thuộc trong dòng tranh thờ làm chi tiết trang trí nhằm tạo nên sắc thái mới, cảm nghiệm mới khi đề cập về đề tài dân gian, đây cũng là phương cách người nghệ sĩ thể nghiệm đem dân gian hòa nhịp vào đương đại.

Tranh tho vao gom

Đề tài tranh thờ, khi chuyển thể vào gốm, trở nên gần gũi, thân quen.

Duc Thanh Tran tren gom

Hình ảnh oai vệ của Đức Thánh Trần trên cốt thai gốm.

Nghe si Trinh Vu Hieu

Nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu trong công đoạn vào men.

Nghe si Trinh Vu Hieu 2

“Tứ phủ đại công đồng” từ tranh vẽ, tường hiện vào gốm của Trịnh Vũ Hiếu.

Những gam màu tươi sáng, lung linh, với đỏ, vàng, xanh, đen, trắng… quen thuộc trong tranh Hàng Trống, được Trịnh Vũ Hiếu chuyển vào gốm chỉ với màu lam xám, nhưng bằng nhiều sắc độ đậm – lợt. Biểu đạt hình họa lên gốm giản lược nhiều chi tiết so với nguyên bản. Loạt tác phẩm hoàn thiện, vẫn ở đó sự nghiêm cẩn, truyền thống, dân gian, nhưng cách thể hiện tông màu tối giản, hòa cùng tạo hình cốt gốm, tạo nên tính hiện đại, thân quen, và thật giàu xúc cảm.

Thực hiện: Nguyễn Đình


Xem thêm

Cái duyên của nghề chơi đá cảnh

Hành trình đất nung và dấu ấn bản địa

Đào – Vớt – Bờ trong thế giới cổ ngoạn (Phần 2)